Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Bệnh viêm não tự miễn hồi phục như thế nào?

Ngày 11/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm não tự miễn là bệnh viêm não xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công chính các tế bào não và gây tổn thương ở não. Những tổn thương này mang tính chất phức tạp và gây ra những khiếm khuyết thần kinh nghiêm trọng. Vậy bệnh viêm não tự miễn hồi phục như thế nào?

Các bệnh tự miễn xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công chính các tế bào trong cơ thể. Có khoảng hơn 180 bệnh tự miễn khác nhau gây tổn thương ở các cơ quan khác nhau trên cơ thể. Trong đó có bệnh viêm não tự miễn. Đây là bệnh tự miễn hiếm gặp nhưng có thể gây ra hậu quả nặng nề. Vậy bệnh viêm não tự miễn hồi phục như thế nào?

Bệnh viêm não tự miễn là gì?

Bệnh viêm não tự miễn xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể bị nhầm lẫn và tấn công các tế bào não gây ra những tổn thương cho não bộ. Viêm não tự miễn có thể khiến chức năng não bộ bị suy giảm nghiêm trọng. Nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh lý này hiện chưa được tìm ra. Nhưng theo các nhà khoa học, một số yếu tố có thể thúc đẩy sự hình thành bệnh viêm não tự miễn như:

  • Nữ giới có khối u quái trong buồng trứng có nguy cơ viêm não tự miễn cao hơn những người khác.
  • Một số loại virus hay vi khuẩn gây bệnh phổ biến như: Viêm phổi do Mycoplasma pneumonia, virus Herpes simplex.
  • Các hội chứng tiền ung thư có thể là yếu tố kích hoạt các phản ứng tự miễn trong cơ thể.
  • Một số bệnh tự miễn gây tổn thương đa cơ quan như: Lupus ban đỏ hệ thống, bệnh não Hashimoto, viêm não Rasmussen, bệnh Behcet,… cũng có thể gây viêm não tự miễn.

Theo thống kê, các nhiễm trùng được cho là nguyên nhân chính trong hầu hết trường hợp mắc viêm não tự miễn. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp bệnh nhân mắc bệnh mà không xác định được nguyên nhân.

benh-viem-nao-tu-mien-phuc-hoi-the-nao-1.jpg
Chưa tìm ra nguyên nhân đầy đủ và chính xác của viêm não tự miễn

Biểu hiện của bệnh viêm não tự miễn

Trước khi giải đáp bệnh viêm não tự miễn hồi phục như thế nào, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem căn bệnh này gây ra những triệu chứng gì. Theo các bác sĩ, biểu hiện của bệnh viêm não tự miễn ở mỗi bệnh nhân lại khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết trường hợp bệnh xảy ra đều kéo theo những triệu chứng liên quan đến tâm thần và hệ thần kinh.

Trong 2 tuần đầu sau khi mắc bệnh, người bệnh có các triệu chứng mất ngủ, lo âu, giảm trí nhớ thậm chí là bị kích động. Bệnh nhân cũng gặp các triệu chứng ảo thị (nhìn thấy hình ảnh lạ) hoặc ảo thanh (nghe thấy âm thanh lạ).

Đến tuần thứ 3 trở đi, bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện lơ mơ, co giật, không muốn tiếp xúc với những người xung quanh. Họ cũng có triệu chứng nhai miệng liên tục khiến môi là lưỡi bị tổn thương. Chân và tay thường xuyên có cử động bất thường và gồng cứng. Người nhà bệnh nhân có thể nhận thấy họ bị hưng phấn, hoảng loạn hoặc sợ hãi quá mức.

Theo các bác sĩ, có những bệnh nhân bị ảo tưởng, ảo giác, ám ảnh cưỡng chế, rối loạn tâm thần, có hành vi tình dục bất thường hoặc mắc hội chứng catatonia,… Khi bệnh diễn tiến nhanh, người bệnh sẽ thở yếu và cần dùng máy thở. Tùy từng bệnh nhân, triệu chứng bệnh có thể diễn tiến nhanh sau vài ngày hoăc chậm hơn là vài tuần. Bệnh trở nặng khiến người bệnh bị mất ý thức, hôn mê.

benh-viem-nao-tu-mien-phuc-hoi-the-nao-2.jpg
Viêm não tự miễn xuất hiện khá đột ngột

Bệnh viêm não tự miễn hồi phục như thế nào?

Bệnh viêm não tự miễn hồi phục như thế nào? Quá trình hồi phục của bệnh là kết quả của những phương pháp và phác đồ điều trị phù hợp với từng người bệnh. Hiện chưa có phác đồ điều trị chung cho tất cả các bệnh nhân. Tùy mức độ nghiêm trọng của bệnh và nguyên nhân gây bệnh, các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị khác nhau.

Có thể, bác sĩ sẽ kết hợp nhiều phương pháp để điều trị bệnh viêm não tự miễn như: Cho người bệnh dùng thuốc ức chế miễn dịch, thay huyết tương cho người bệnh, truyền tĩnh mạch globulin miễn dịch,…

Điều trị ban đầu

Tùy nguyên nhân gây bệnh, các bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp điều trị bệnh ban đầu như:

  • Nếu xác định được nguyên nhân gây bệnh viêm não tự miễn là do u quái, bác sĩ sẽ chỉ định cắt bỏ u quái.
  • Liệu pháp steroid liều cao được chỉ định để giảm đáp ứng miễn dịch và giảm phản ứng viêm.
  • Nếu trong máu xuất hiện ồ ạt kháng thể, chúng cần được loại bỏ bằng phương pháp thay huyết tương.
  • Kháng thể trong cơ thể người bệnh sẽ được trung hòa hoặc loại bỏ bớt bằng phương pháp truyền globulin miễn dịch đường tĩnh mạch. Biện pháp truyền globulin cũng giúp giảm phản ứng viêm với những kháng thể này.
benh-viem-nao-tu-mien-phuc-hoi-the-nao-3.jpg
Tùy trường hợp cụ thể, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp

Dùng thuốc ức chế miễn dịch

Bệnh viêm não tự miễn hồi phục như thế nào nếu áp dụng các biện pháp điều trị ban đầu như trên không hiệu quả hoặc bệnh nhân biểu hiện triệu chứng nặng ngay từ đầu? Trong trường hợp này, các bác sĩ sẽ kết hợp sử dụng thêm các thuốc ức chế miễn dịch.

Các loại thuốc ức chế miễn dịch sẽ giảm số lượng và chức năng của tế bào miễn dịch. Từ đó, thuốc giúp kiểm soát triệu chứng của bệnh viêm não tự miễn. Một số loại thuốc ức chế miễn dịch được chỉ định dùng cho bệnh nhân viêm não tự miễn như: CellCept, Rituximab và Cytoxan.

Một số loại thuốc ức chế miễn dịch kéo dài như Mycophenolate Mofetil, Azathioprine sẽ giúp giảm bớt nguy cơ tái phát của bệnh. Theo thống kê, trẻ em bị viêm não tự miễn có nguy cơ tái phát lên đến 20%. Bên cạnh dùng thuốc ức chế miễn dịch, người bệnh cũng cần được theo dõi sức khỏe thường xuyên.

Dùng thuốc kiểm soát các triệu chứng bệnh

Ngoài các phương pháp kể trên, người bệnh cũng cần dùng thêm các thuốc kiểm soát triệu chứng bệnh, đặc biệt là triệu chứng mất ngủ hoặc kích động thái quá. Các thuốc thường được dùng là nhóm thuốc Benzodiazepin, đặc biệt là Lorazepam liều cao.

Các thuốc điều trị triệu chứng được sử dụng khi tình trạng viêm đã được kiểm soát. Nếu dùng thuốc điều trị triệu chứng trước khi dùng các liệu pháp miễn dịch sẽ khiến người bệnh gặp nhiều tác dụng phụ. Nếu dùng thuốc điều trị triệu chứng sau khi áp dụng các liệu pháp miễn dịch sẽ có hiệu quả cao hơn. Việc dùng thuốc đúng quy trình cũng giúp não bộ phục hồi nhanh hơn và hạn chế tối đa biến chứng sau này.

benh-viem-nao-tu-mien-phuc-hoi-the-nao-5.jpg
Có những bệnh nhân phải dùng thuốc ức chế miễn dịch lâu dài

Viêm não tự miễn là bệnh nguy hiểm có diễn biến phức tạp và khi đã gây ra tổn thương thì các tổn thương đều hết sức nghiêm trọng. Vì vậy, bệnh nhân cần được điều trị kịp thời để bảo vệ được các chức năng thần kinh khỏi tổn thương. Việc này giúp duy trì sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh sau quá trình điều trị. Việc bệnh viêm não tự miễn hồi phục như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm phát hiện và điều trị bệnh sớm hay muộn.

Xem thêm:

Tìm hiểu về viêm não tự miễn ở trẻ em

Bệnh tự miễn có nguy hiểm không?

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin