Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Viêm não tự miễn ở trẻ em: Căn bệnh hiếm nhưng cực kỳ nguy hiểm

Ngày 14/09/2023
Kích thước chữ

Viêm não tự miễn ở trẻ em là một bệnh lý khá hiếm gặp, đặc trưng bởi các tổn thương não do chính hệ miễn dịch của cơ thể gây ra. Những tổn thương này rất phức tạp và để lại khiếm khuyết thần kinh nghiêm trọng.

Viêm não tự miễn ở trẻ em là một bệnh lý không thường gặp nhưng rất nguy hiểm. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh tình có thể trở nặng và dẫn tới tử vong. Triệu chứng của bệnh thường dễ bị nhầm lẫn với các rối loạn tâm thần khác, do vậy, phụ huynh không nên chủ quan trước các triệu chứng tâm thần kinh bất thường ở trẻ. Trẻ cần được đưa đến bệnh viện sớm để bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Tìm hiểu về bệnh viêm não tự miễn ở trẻ em

Bệnh viêm não tự miễn ở trẻ em là gì?

Bệnh viêm não tự miễn ở trẻ em là tình trạng não trẻ bị suy giảm chức năng nghiêm trọng. Tình trạng này xảy ra khi hệ thống miễn dịch bị nhầm lẫn và quay lại tấn công chính các tế bào não trong cơ thể và gây tổn thương nghiêm trọng cho não bộ. Nhiễm trùng được cho là nguyên nhân chính của đa số trường hợp trẻ bị viêm não tự miễn. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều trường hợp mắc bệnh này mà chưa tìm ra nguyên nhân.

Tùy thuộc vào vị trí nhu mô não bị ảnh hưởng mà bệnh nhi sẽ gặp các triệu chứng khác nhau. Bệnh này có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho não và gây nguy cơ tử vong rất cao.

Nhờ sự tiến bộ của y học hiện đại, nhiều bệnh nhi mắc viêm não tự miễn đã có cơ hội được chẩn đoán và điều trị kịp thời, khôi phục chức năng quan trọng của hệ thần kinh trung ương. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những trường hợp viêm não tự miễn phải sống chung với các di chứng dai dẳng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chức năng vận động và nhận thức của trẻ về sau.

viem-nao-tu-mien-o-tre-em-2.jpg
Nhiễm trùng là nguyên nhân chính của viêm não tự miễn ở trẻ em

Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm não tự miễn ở trẻ em

Vì viêm não tự miễn phát sinh từ trung tâm chỉ huy của hệ thống thần kinh trung ương nên bệnh thường dẫn tới một loạt các triệu chứng thần kinh - tâm thần. Các triệu chứng này xuất hiện với các mức độ và ở thời điểm khác nhau nên dễ bị nhầm lẫn với các loại bệnh lý khác. Một số triệu chứng thường gặp của bệnh viêm não tự miễn ở trẻ em mà phụ huynh cần hết sức chú ý nhận biết là:

  • Rối loạn giấc ngủ (trẻ dễ bị tỉnh giấc giữa chừng, mất ngủ nhiều ngày);
  • Bị tê, yếu một phần cơ thể;
  • Ảo giác về thị lực hoặc thính lực, tầm nhìn bị thay đổi;
  • Rung giật cơ ở trạng thái mất kiểm soát, bị co giật;
  • Trầm cảm, hoang tưởng, lo lắng;
  • Nhận thức suy giảm, khó ghi nhớ sự vật, sự việc;
  • Mất thăng bằng cơ thể.
  • Có các triệu chứng tâm thần như: Hoảng loạn, tăng động, rối loạn tâm thần, thích gây hấn, quá hưng phấn hoặc sợ hãi, bất thường trong hành vi tình dục, hội chứng catatonia hoặc hội chứng căng trương lực.

Những biểu hiện trên có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần. Hệ quả nghiêm trọng của viêm não tự miễn gây ra cho trẻ là mất ý thức, thậm chí hôn mê. Tuy nhiên, nếu trẻ biểu hiện các triệu chứng tâm thần kéo dài từ vài tháng tới vài năm thì không phải là triệu chứng của bệnh viêm não tự miễn.

viem-nao-tu-mien-o-tre-em-3.jpg
Bệnh nhi có thể gặp ảo giác khi bị viêm não tự miễn

Nguyên nhân gây viêm não tự miễn ở trẻ em

Hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào công bố tìm ra nguyên nhân trực tiếp dẫn đến viêm não tự miễn ở trẻ em. Tuy nhiên, có một số yếu tố kích thích bệnh lý này xảy ra như:

  • Hình thành khối u quái (teratoma) trong buồng trứng của người phụ nữ;
  • Quá trình xâm nhập của các loại virus, vi khuẩn phổ biến như: Virus Herpes Simplex, vi khuẩn gây viêm phổi Mycoplasma;
  • Hội chứng tiền ung thư thường dễ dẫn tới các bệnh lý ung thư thực sự, từ đó gián tiếp kích hoạt các phản ứng tự miễn của cơ thể;
  • Mắc các bệnh tự miễn gây tổn thương nhiều cơ quan như: Bệnh lupus ban đỏ hệ thống, bệnh não Hashimoto, viêm não Rasmussen, bệnh Behcet, múa vờn Sydenham,...

Phương pháp điều trị viêm não tự miễn ở trẻ em

Nếu được điều trị tích cực, khoảng 75% bệnh nhân viêm não tự miễn có thể hồi phục hoàn toàn hoặc chỉ để lại di chứng nhẹ. Số còn lại phải chịu di chứng nặng nề, thậm chí tử vong. Vì vậy, ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường về tâm thần và hành vi của trẻ, phụ huynh cần đưa con đến ngay bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời. Việc này sẽ giúp ngăn cản viêm não tiến triển, phòng ngừa di chứng hay tái phát bệnh.

Khi bệnh viêm não tự miễn ở giai đoạn cấp tính, bệnh nhi sẽ được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch, globulin miễn dịch (IVIG) hay trao đổi huyết tương (PLEX). Những liệu pháp miễn dịch ở trẻ bị viêm não tự miễn gồm:

  • Lựa chọn đầu tay: Quá trình điều trị bệnh viêm não tự miễn ở trẻ được bắt đầu bằng liệu pháp miễn dịch đầu tay như: Corticosteroid và globulin miễn dịch (IVIG).
  • Liệu pháp miễn dịch thứ 2: Nếu không đáp ứng với các liệu pháp miễn dịch đầu tay, bệnh nhi sẽ được chỉ định sử dụng các thuốc Rituximab, Cyclophosphamide. Đây là những liệu pháp miễn dịch hàng thứ 2.
  • Liệu pháp thay thế: Một số liệu pháp miễn dịch khác có thể dùng để thay thế trong điều trị bệnh viêm não tự miễn là: Tocilizumab, Azathioprine,...
viem-nao-tu-mien-o-tre-em-4.jpg
Virus, vi khuẩn có thể là nguyên nhân dẫn đến viêm não tự miễn

Bên cạnh đó, trẻ bị viêm não tự miễn cũng cần được điều trị hỗ trợ các triệu chứng, an thần, chống động kinh, điều trị và dự phòng nhiễm khuẩn mắc phải,... Ngoài thuốc điều trị, gia đình cần chăm sóc bệnh nhi với chế độ dinh dưỡng đầy đủ nhằm tăng cường sức khỏe, giúp trẻ nhanh chóng hồi phục.

Tùy vào những triệu chứng mà bệnh nhi gặp phải, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định sử dụng loại thuốc điều trị phù hợp. Các thuốc điều trị triệu chứng chỉ nên được dùng tới sau khi đã kiểm soát ổn định tình trạng viêm. Nếu dùng loại thuốc này trước khi áp dụng liệu pháp miễn dịch thì bệnh nhân có thể sẽ gặp phải nhiều tác dụng phụ. Chỉ khi dùng sau thì thuốc điều trị triệu chứng mới giúp kiểm soát tốt những biểu hiện của bệnh, hỗ trợ hồi phục chức năng não bộ và hạn chế biến chứng về sau.

Nếu trẻ rơi vào trạng thái hôn mê, co giật, thở yếu thì phụ huynh ngay lập tức đưa trẻ đến các đơn vị hồi sức tích cực. Tại đây, trẻ sẽ được sử dụng các máy móc cần thiết như máy thở, máy lọc máu,… để cấp cứu kịp thời.

Bệnh viêm não tự miễn ở trẻ em là bệnh lý có diễn biến phức tạp với mức độ tổn thương nghiêm trọng nhưng lại khó được phát hiện sớm. Nếu trẻ được thăm khám và chẩn đoán sớm thì sẽ kịp thời xác định được tình trạng bệnh và điều trị bằng các biện pháp hiệu quả, thích hợp nhất. Khi đó, chức năng của hệ thần kinh sẽ được bảo vệ. Bài viết trên đây đã mang đến những thông tin cơ bản về viêm não tự miễn ở trẻ để phụ huynh có thể tìm hiểu và nhận biết ngay khi có những dấu hiệu ban đầu.

Xem thêm:

Các bệnh tự miễn ngoài da thường gặp nhất

Bệnh tự miễn có nguy hiểm không?

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin