Long Châu

Viêm phổi do Mycoplasma pneumonia (MP) là gì? Nguyên nhân gây bệnh và nguyên tắc phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm phổi do Mycoplasma pneumonia (MP) là một bệnh nhiễm trùng phổi do vi khuẩn M. pneumoniae gây ra, bình thường M. pneumoniae có thể có sẵn (sống cộng sinh) trong niêm mạc hệ hô hấp (họng, phổi, khí quản) của một số người và không gây bệnh. Tuy nhiên, khi gặp điều kiện thuận lợi vi khuẩn M. pneumoniae sẽ sinh sản và phát triển gây bệnh viêm phổi không điển hình với các triệu chứng, bao gồm: Ho khan, sốt và khó thở nhẹ khi gắng sức.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm phổi do Mycoplasma pneumonica (MP) là gì?

Viêm phổi do Mycoplasma pneumonia (MP) là một bệnh nhiễm trùng hô hấp do vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae gây ra. Khi vào bên trong cơ thể, vi khuẩn có thể tự bám vào mô phổi của bạn và nhân lên cho đến khi phát triển thành nhiễm trùng toàn bộ gây viêm phổi.

Hầu hết bệnh nhân nhiễm Mycoplasma pneumoniae có biểu hiện bệnh đường hô hấp nhẹ, bao gồm viêm họng và viêm khí quản và tình trạng nhiễm trùng thường tự khỏi. Chỉ 3% ‐ 13% người nhiễm bệnh phát triển viêm phổi. 

Thông thường những người tiếp xúc trong một khoảng thời gian ngắn với người bị bệnh M. pneumoniae không bị nhiễm bệnh. M. pneumoniae bùng phát chủ yếu ở những nơi đông đúc như trường học, ký túc xá đại học, doanh trại quân đội, viện dưỡng lão và bệnh viện. Nhiễm trùng lây lan khi các giọt chứa vi khuẩn di chuyển trong không khí khi một người có nhiễm khuẩn M. pneumoniae ho hoặc hắt hơi và bệnh này có xu hướng lây lan trong gia đình hay cộng đồng với thời gian ủ bệnh từ 2 ‐ 4 tuần. Nguy cơ lây nhiễm cao nhất là ở những người trẻ tuổi từ 5 ‐ 20 tuổi. Các nhóm nguy cơ cao khác bao gồm người lớn trên 65 tuổi và những người có hệ thống miễn dịch suy yếu.

Điều trị bệnh viêm phổi do Mycoplasma pneumonia (MP) là sử dụng kháng sinh. Nếu bắt đầu điều trị sớm với thuốc kháng sinh hợp lý có thể giúp bệnh nhân phục hồi sau nhiễm trùng nhanh hơn. Bên cạnh điều trị bằng kháng sinh, để nhanh chóng hồi phục sức khỏe người bệnh cần nâng cao thể trạng bằng chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi phù hợp.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm phổi do Mycoplasma pneumonia (MP)

Sau khi nhiễm vi khuẩn M. pneumoniae, các triệu chứng thường xuất hiện sau 1 đến 4 tuần. Các triệu chứng của viêm phổi do MP, bao gồm:

  • Ho có đàm, đàm có thể có màu rỉ sắt hoặc đàm màu xanh, đàm mủ;

  • Sốt và ớn lạnh;

  • Khó thở;

  • Tức ngực;

  • Cảm thấy mệt.

Trẻ em dưới 5 tuổi có thể có các triệu chứng khác với trẻ lớn hơn và có thể có các triệu chứng giống như cảm lạnh như sau:

  • Hắt xì;

  • Ngạt hoặc chảy nước mũi;

  • Viêm họng;

  • Chảy nước mắt;

  • Thở khò khè;

  • Nôn mửa;

  • Bệnh tiêu chảy.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm phổi do Mycoplasma pneumonia(MP)

Các biến chứng của viêm phổi do MP rất hiếm, nhưng chúng có thể ảnh hưởng đến những người đã mắc bệnh phổi, chẳng hạn như hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).

Bất cứ ai có các triệu chứng gây khó thở nên đi khám càng sớm càng tốt. Nếu có các biến chứng, có thể cần nhập viện.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra như khó thở hoặc sốt cao kéo dài hơn vài ngày, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm, giảm tình trạng tăng nặng của bệnh, giúp người bệnh mau chóng phục hồi sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm phổi do Mycoplasma pneumonia (MP)

Mycoplasma pneumoniae là vi khuẩn gây viêm phổi do Mycoplasma pneumonia (MP). Khi bạn sống hoặc làm việc ở những nơi đông đúc, tiếp xúc với giọt bắn di chuyển trong không khí từ những người nhiễm M. pneumoniae khi họ ho hoặc hắt hơi, vi khuẩn này có thể gây bệnh bằng cách làm tổn thương niêm mạc của hệ hô hấp, bệnh viêm phổi do MP có thể lây ra cộng đồng.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) viêm phổi do MP?

Đối tượng nguy cơ bệnh mắc phải (bị) viêm phổi do MP:

  • Mắc bệnh đường hô hấp như bị cúm.

  • Đang hồi phục sau phẫu thuật.

  • Trẻ sinh non hoặc trẻ mắc các vấn đề tim, phổi bẩm sinh.

  • Những người mắc bệnh hồng cầu hình liềm.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) viêm phổi do Mycoplasma pneumonia (MP)

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Mycoplasma pneumonia (MP), bao gồm:

  • Nguy cơ mắc phải viêm phổi do MP đạt đỉnh điểm vào các tháng mùa thu và mùa đông. 

  • Người lớn > 65 tuổi và trẻ em < 5 tuổi.

  • Những người mắc các bệnh làm suy giảm hệ miễn dịch như HIV/AIDS hoặc những người đang sử dụng corticosteroid kéo dài, liệu pháp miễn dịch hoặc hóa trị liệu.

  • Những người hút thuốc lá, người mắc các bệnh phổi mãn tính như hen suyễn, bệnh xơ nang phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).

Những người thường xuyên ở trong môi trường đông đúc, dễ tiếp xúc gần với những người nhiễm M. pneumoniae có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm phổi do Mycoplasma pneumonia (MP)

Các phương pháp để chẩn đoán xác định là:

Bác sĩ sử dụng ống nghe để lắng nghe âm thanh ngực nếu bất thường cho thấy chất nhầy tiết ra nhiều.

Lấy mẫu máu để xác định số lượng bạch cầu, nếu số lượng bạch cầu tăng, đây là dấu hiệu của nhiễm trùng.

Lấy mẫu và cấy chất nhầy, đờm, dịch màng phổi hoặc bệnh phẩm hút từ tổn thương phổi để xác định vi khuẩn gây nhiễm trùng. 

X - quang phổi: Tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán viêm phổi.

Chụp CT - scan phổi với độ phân giải cao: Chỉ được thực hiện trong trường hợp viêm phổi nặng để xác định viêm phổi hoại tử. 

Xét nghiệm vi sinh.

Phương pháp điều trị viêm phổi do Mycoplasma pneumonia (MP) hiệu quả

Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp tùy vào thể trạng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Thuốc kháng sinh là liệu pháp điều trị đầu tiên đối với viêm phổi do MP.

Nhóm kháng sinh ưu tiên:

Macrolide (Erythromycin, Clarithromycin, Roxithromycin, Azithromycin);

Tetracyclin.

Kháng sinh thay thế:

Fluoroquinolon.

Bác sĩ có thể kê đơn kết hợp kháng sinh với corticosteroid (Prednisolone hoặc Methylprednisolone) để kiểm soát trình trạng viêm.

Lưu ý: Phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ các loại thuốc khi dùng.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm phổi do Mycoplasma pneumonia (MP)

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị về chế độ dinh dưỡng, tuân thủ trong việc sử dụng thuốc.

  • Duy trì lối sống tích cực, tránh xa khói thuốc để phổi của bạn mau hồi phục, bao gồm bỏ hút thuốc lá, khói thuốc thụ động.

  • Bệnh nhân cần nghỉ ngơi đầy đủ là điều quan trọng để duy trì tiến trình hồi phục hoàn toàn và tránh tái phát. 

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị như sốt, có nhiều đờm, tăng thở gấp hoặc đau ngực, buồn nôn, nôn.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị mới nếu bệnh của bạn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Thực hiện tốt vệ sinh bằng cách rửa tay trước khi ăn hoặc sau khi tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh.

  • Sử dụng khăn giấy để che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.

  • Bỏ khăn giấy đã sử dụng của bạn vào giỏ rác.

  • Nếu bạn không có khăn giấy, hãy ho hoặc hắt hơi vào ống tay áo trên hoặc khuỷu tay của bạn, không phải bàn tay của bạn.

Chế độ dinh dưỡng:

Bên cạnh điều trị bằng kháng sinh, cần đảm bảo nâng đỡ thể trạng.

Chế độ ăn uống lành mạnh có vai trò quan trọng đối với hệ thống miễn dịch của cơ thể bạn. Các loại rau củ quả có chứa nhiều vitamin và khoáng chất, rất tốt cho cơ thể. Những thực phẩm chống oxy hóa, thực phẩm giàu omega-3 có tác dụng kháng viêm, hỗ trợ chữa lành những tổn thương ở mô và tế bào. 

Bạn nên lựa chọn những loại rau màu xanh đậm, các loại củ có nhiều màu sắc chứa nhiều vitamin như beta-caroten, vitamin C… để bổ sung cho cơ thể những chất chống viêm tự nhiên, chẳng hạn như: Cà chua, rau cải, rau chân vịt, súp lơ xanh, ớt chuông, cam, dứa, táo…

Bổ sung những thực phẩm có chứa chất chống oxy hóa như: Nghệ, tỏi, trà xanh, các loại đậu và các loại hạt (hạt hướng dương, đậu lăng,…), yến mạch, lúa mì…

Thực phẩm giàu omega-3 như các loại cá (cá hồi, cá ngừ, cá thu…), quả óc chó…

Người bị viêm phổi nên ăn những thức ăn mềm, dạng lỏng như súp, cháo,… giúp người bệnh dễ tiêu hóa, tăng khả năng hấp thu dưỡng chất cho cơ thể.

Phương pháp phòng ngừa viêm phổi do Mycoplasma Pneumonia (MP) hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh viêm phổi do MP hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Rửa tay bằng xà phòng. 

  • Giữ ấm trong mùa lạnh đặc biệt vùng cổ và ngực.

  • Tập thể dục đều đặn, có một chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng, ngủ đủ giấc từ 6 đến 8 tiếng mỗi đêm.

  • Tránh tiếp xúc gần với những người có các triệu chứng của MP.

  • Bỏ thuốc lá nếu bạn đang hút thuốc.

  • Điều trị tốt các nhiễm khuẩn tai - mũi - họng, răng - hàm - mặt.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.healthline.com/health/mycoplasma-pneumonia

  2. Dược lâm sàng và điều trị (2021) - Viêm phổi.

Chủ đề:viêm phổi

Các bệnh liên quan

  1. Tràn khí màng phổi

  2. Viêm phổi do nấm

  3. Nhiễm nấm Histoplasma

  4. Viêm đường hô hấp trên

  5. Cúm A H3N2

  6. Bệnh sán lá phổi

  7. Tràn dịch màng phổi

  8. Viêm xoang trán

  9. Nhồi máu phổi

  10. Xơ phổi vô căn