Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bệnh zona thần kinh mắt và những điều cần biết

Ngày 29/08/2023
Kích thước chữ

Bệnh zona thần kinh mắt là gì? Nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị khi bị bệnh zona thần kinh ở mắt như thế nào? Có thể phòng ngừa bệnh zona này bằng vacxin hay không? Mời bạn cùng tìm lời giải đáp trong bài viết dưới đây nhé!

Bệnh zona thần kinh mắt là bệnh nhiễm trùng vùng da ở mắt do virus varicella zoster (VZV). Nếu không được phát hiện và can thiệp điều trị kịp thời, bị zona thần kinh ở mắt có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như để lại sẹo, giảm thị lực và nhiều vấn đề nguy hiểm khác. Vậy căn bệnh này nguy hiểm như thế nào và cách điều trị ra sao? Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp tất tần tật những thông tin cần biết về căn bệnh này nhé!

Bệnh zona thần kinh mắt là gì?

Zona thần kinh mắt hay còn gọi là Herpes Zoster Ophthalmicus, là tình trạng bệnh do sự tái hoạt động của virus varicella zoster (VZV) gây ra. Cụ thể, khi mới nhiễm virus người bệnh sẽ khởi phát bệnh thủy đậu. Sau khi hết bệnh, virus này sẽ không hoàn toàn biến mất mà mà vẫn sẽ tồn tại ở thể ngủ trong dây thần kinh.

Bệnh zona thần kinh mắt và những điều cần biết 2
Zona thần kinh mắt gây ra do sự tái hoạt động của virus varicella zoster

Khi hệ miễn dịch của cơ thể suy yếu do nhiều tác nhân khác nhau như tuổi tác, căng thẳng, bệnh lý… virus VZV có thể được kích hoạt và bắt đầu tấn công dây thần kinh. Khi tấn công dây thần kinh gần mắt, người bệnh sẽ có biểu hiện zona thần kinh ở mắt. Theo thống kê, có khoảng 10 - 20% người bệnh sẽ phát triển zona ở xung quanh mắt.

Zona ở mắt gây tổn thương ở mí mắt, bề mặt giác mạc và kết mạc hoặc thậm chí là tổn thương võng mạc, dịch kính. Nếu không được điều trị kiểm soát kịp thời và đúng cách có thể để lại sẹo trên võng mạc, thậm chí ảnh hưởng đến thị lực.

Triệu chứng khi bị zona thần kinh ở mắt

Triệu chứng điển hình khi bị zona thần kinh mắt là xuất hiện các nốt phát ban đỏ phỏng rộp ở vùng mí mắt, trán, má hay thậm chí là ở chóp hoặc một bên mũi. Thông thường, hiện tượng ban da đỏ sẽ xuất hiện trước và sẽ tiến triển thành nốt mụn nước. Ngoài dấu hiệu trên, người bị zona thần kinh ở mắt còn đi kèm với một số biểu hiện khác như:

  • Cảm giác ngứa, chảy nhiều nước mắt và kích ứng ở mắt hoặc xung quanh mắt;
  • Gặp vấn đề về thị lực như nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng;
  • Mụn nước có thể lan rộng đến cổ hoặc các khu vực khác ở vùng mặt;
  • Các cơn đau từ nhẹ đến nặng, cảm giác đau rát hoặc đau nhói ở trong mắt;
  • Đau nhức ở vùng mắt, đỏ mắt và khu vực xung quanh mắt.
Bệnh zona thần kinh mắt và những điều cần biết 3
Đỏ mắt và đau nhức quanh mắt có thể là triệu chứng của bệnh zona ở mắt

Ngoài những triệu chứng trên, một số trường hợp nhiễm bệnh còn bị sưng ở các phần khác của mắt. Nhìn chung, triệu chứng của zona ở mắt thường tiến triển nhanh và gây cảm giác đau rát, khó chịu, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người bệnh. Do đó, nếu thấy xuất hiện những dấu hiệu lạ nào của bệnh, nên đến bệnh viện chuyên khoa mắt để được thăm khám và có phương pháp can thiệp sớm nhất, giúp hạn chế được những biến chứng nguy hiểm.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh zona thần kinh mắt

Những trường hợp đã từng bị bệnh thủy đậu hoặc bị zona thần kinh ở các khu vực khác trên cơ thể đều có nguy cơ cao bị zona thần kinh ở mắt. Ngoài ra, nguy cơ mắc bệnh zona ở mắt còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như:

  • Người có độ tuổi từ 50 trở lên;
  • Người mắc các bệnh lý làm suy giảm hệ miễn dịch như HIV/AIDS, ung thư;
  • Người đang dùng thuốc hoặc các phương pháp điều trị làm suy yếu miễn dịch như hóa trị và xạ trị, thuốc điều trị ung thư, thuốc chống thải ghép;
  • Người bị stress, căng thẳng kéo dài.
Bệnh zona thần kinh mắt và những điều cần biết 1
Nguy cơ mắc bệnh zona ở mắt còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau

Ngoài ra, bệnh zona ở mắt sẽ đặc biệt nghiêm trọng hơn khi phụ nữ mang thai, trẻ em sinh non hay người bệnh có hệ miễn dịch yếu bị nhiễm bệnh.

Biến chứng của bệnh zona thần kinh ở mắt

Khi bị bệnh zona thần kinh mắt, người bệnh cần hết sức cẩn trọng vì các triệu chứng của bệnh thường tiến triển khá nhanh. Nếu không được phát hiện và điều trị kiểm soát virus kịp thời có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như:

  • Mắt bị khô, có thể để lại sẹo ở vùng mí mắt hoặc giác mạc, bội nhiễm, sụp mí mắt. Về lâu dài sẽ dẫn đến hoại tử giác mạc, kết mạc và có nguy cơ gây liệt dây thần kinh, thậm chí dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn.
  • Trong một số trường hợp, bệnh zona ở mắt có thể dẫn đến các biến chứng như mất vị giác, tê liệt hoặc mất cảm giác trên mặt, đau tai.
  • Có thể gây ra biến chứng nặng như viêm tai, mũi, và họng dẫn đến điếc.
  • Tăng nguy cơ mắc bệnh tai biến mạch máu não hoặc viêm màng não ở người lớn tuổi.

Cách điều trị khi bị zona thần kinh ở mắt

Để có phương pháp điều trị hiệu quả, cần phải chẩn đoán chính xác về tình trạng bệnh, nguy cơ biến chứng có thể gặp cũng như tình trạng sức khỏe tổng quan của người bệnh. Các bác sĩ sẽ dựa trên kết quả khám lâm sàng hoặc xét nghiệm dịch từ nốt phát ban để chẩn đoán chi tiết về tình trạng bệnh. Một số hướng điều trị có thể được chỉ định như:

Sử dụng thuốc

Người bệnh có thể được chỉ định sử dụng một số loại thuốc đặc trị zona thần kinh và ngăn chặn khả năng lây lan rộng của bệnh như Famciclovir, Acyclovir, Valacyclovir cùng với một số loại chứa Steroid. Việc dùng thuốc cần tuân thủ đúng liều lượng và theo hướng dẫn của bác sĩ có thể điều trị bệnh triệt để.

Ngoài ra, nếu bệnh ảnh hưởng đến hệ thần kinh thì bác sĩ có thể kê thêm một số loại thuốc giúp giảm đau và thuốc an thần để giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn. Kết hợp với một số loại thuốc bôi để hạn chế để lại sẹo và vết thâm.

Bệnh zona thần kinh mắt và những điều cần biết 4
Người bệnh có thể được chỉ định dùng thuốc bôi để hạn chế để lại thâm sẹo

Chăm sóc da

Việc vệ sinh và luôn giữ cho cơ thể sạch sẽ, đặc biệt là vùng da quanh mắt sẽ giúp hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn khiến bệnh lan rộng. Tránh dùng tay bẩn để cào hoặc gãi gây trầy xước, chảy máu vùng da quanh mắt.

Kết hợp với chế độ ăn uống cân đối, nghỉ ngơi hợp lý và ngủ đủ giấc để giúp cơ thể phục hồi nhanh. Đồng thời, giúp tăng sức đề kháng để chống lại virus gây bệnh.

Cách phòng ngừa bệnh zona ở mắt

Tiêm vacxin là một trong những biện pháp phòng ngừa bệnh zona thần kinh mắt hiệu quả nhất. Theo khuyến nghị của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), người ở độ tuổi từ 50 trở lên nên tiêm vacxin phòng ngừa để giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh lên đến 50% và tỷ lệ tổn thương dây thần kinh lâu dài đến 60%.

Bệnh zona thần kinh mắt và những điều cần biết 5
Tiêm vacxin là cách phòng ngừa bệnh zona thần kinh mắt hiệu quả

Các chuyên gia y tế cũng khuyên rằng, người bệnh nên hạn chế tiếp xúc với những người chưa có tiền sử mắc bệnh thủy đậu, phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh hoặc người bị suy yếu hệ miễn dịch để tránh lây lan bệnh cho họ. Ngoài ra, để tránh nguy cơ lây nhiễm, người bệnh cũng cần lưu ý một số điều sau:

  • Không nên chà xát hoặc gãi ngứa để tránh làm tổn thương da và làm phát ban trên vùng da bị xước.
  • Giữ vệ sinh thân thể, thường xuyên rửa tay bằng dung dịch khử trùng sau khi tiếp xúc với vùng da có phát ban.

Hy vọng những chia sẻ từ bài viết trên đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về bệnh zona thần kinh mắt. Có thể thấy rằng, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nên cần được thăm khám và điều trị ngay khi thấy dấu hiệu bất thường để giúp ngừa các biến chứng nguy hiểm. Ngoài ra, việc tiêm vacxin Shingrix cũng là biện pháp phòng ngừa bệnh zona ở mắt và các biến chứng có thể xảy ra một cách hiệu quả.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin