Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bị căng cơ bắp chân khi ngủ: Nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị

Ngày 31/05/2022
Kích thước chữ

“Căng cơ bắp chân khi ngủ là gì? Nguyên nhân, cách điều trị khi bị căng cơ bắp chân ra sao?” và còn rất nhiều câu hỏi khác liên quan đến tình trạng căng cơ bắp chân đang được nhiều người quan tâm hiện nay. Để hiểu rõ hơn về tình trạng này, hãy đọc bài viết của Nhà thuốc Long Châu ngay dưới đây.

Thông thường, căng cơ bắp chân khi ngủ xảy ra là do vận động quá sức hoặc lặp đi lặp lại những chuyển động khiến cơ bị căng vào ban ngày. Tình trạng này sẽ khiến cho người bệnh cảm thấy đau ở cơ bắp và căng cứng. 

Khái niệm căng cơ bắp chân khi ngủ

Căng cơ bắp chân khi ngủ là tình trạng căng cơ ở bắp chân, thường xảy ra vào ban đêm. Biểu hiện đặc trưng của tình trạng này đó chính là sự căng cứng cơ bắp một cách đột ngột, không thể tự thư giãn và không chủ ý. Khi xảy ra tình trạng này, người bệnh có cảm giác đau đớn và khó vận động. Bên cạnh đó, người bệnh còn có thể bị tê bắp chân khi cố gắng di chuyển vị trí của chân. 

Trên thực tế, bắp chân căng cứng vào ban đêm thường xuất phát từ nguyên nhân đó là lạm dụng cơ bắp quá mức vào ban ngày, chẳng hạn như: Thực hiện những động tác có cường độ cao, vận động gắng sức, lặp đi lặp lại những động tác ở chân,...

căng cơ bắp chân gây ra những cơn đau

Căng cơ bắp chân khi ngủ gây ra những cơn đau khó chịu

Ngoài ra, bệnh nhân khi bị căng cơ bắp chân khi ngủ có thể giảm nhẹ những triệu chứng bằng cách kéo giãn và xoa bóp nhẹ trong khoảng 10 phút hoặc nghỉ ngơi trong tư thế nâng cao chân. 

Tuy nhiên, tình trạng căng cơ bắp chân khi ngủ có thể tái phát trở lại. Do đó, người bệnh cần phải biết được những nguyên nhân và cách điều trị tình trạng này để có thể giảm thiểu tối đa việc tái phát trở lại. 

Những nguyên nhân gây nên căng cơ bắp chân khi ngủ

Như đã nói ở trên, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng căng cơ bắp chân khi ngủ đó là lạm dụng cơ bắp một cách quá mức vào ban ngày. Nguyên nhân này có thể xuất phát từ việc luyện tập, thi đấu trong thể thao và có thể ở trong sinh hoạt hàng ngày. 

Ngoài ra, việc thay đổi đột ngột các chuyển động khi chơi thể thao như: Chạy nhanh và liên tục, dừng chuyển đột ngột và chuyển hướng đột ngột cũng làm cho cơ bắp chân bị căng, gây ra tình trạng căng cơ bắp chân khi ngủ. Bên cạnh những nguyên nhân chính trên thì còn có một số nguyên nhân khác như:

  • Chuột rút co cứng;
  • Cơ bắp chân không được nuôi dưỡng bởi một chế độ ăn uống khoa học;
  • Sử dụng một số loại thuốc ảnh hưởng đến chức năng của cơ như: Thuốc statin, thuốc lợi tiểu;
  • Bị rối loạn thoái hóa thần kinh;
  • Bị huyết khối tĩnh mạch sâu;
  • Mất nước;
  • Bệnh mạch máu ngoại vi.

Một số dấu hiệu nhận biết căng cơ bắp chân khi ngủ

Tình trạng căng cơ bắp chân khi ngủ sẽ khiến cho bệnh nhân có cảm giác căng cứng và phải đối mặt với cơn đau ở bắp chân. Khi người bệnh cố gắng co duỗi chân, đi lại hoặc đứng lên thì sẽ khiến cho cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn.

Vì vậy, để tránh tình trạng này, người bệnh nên cố gắng nghỉ ngơi và hạn chế đi lại. Một số triệu chứng khi để nhận biết căng cơ bắp chân khi ngủ đó là:

  • Khó có thể uốn cong các ngón chân và bàn chân;
  • Bầm tím hoặc sưng đau ở bắp chân;
  • Khả năng vận động ở chân vào sáng hôm sau bị hạn chế nhiều;
  • Xuất hiện tình trạng mỏi ở cơ bắp chân. 

biểu hiện khi bị căng cơ bắp chân là bầm tím và sưng đau

Một trong những biểu hiện khi bị căng cơ bắp chân khi ngủ đó là bầm tím và sưng đau bắp chân

Chẩn đoán về tình trạng căng cơ bắp chân khi ngủ

Hầu hết, những người bệnh bị căng cơ bắp chân khi ngủ đều có thể phát hiện nhanh bằng phương pháp thăm khám lâm sàng như: Kiểm tra cơ chế bệnh, triệu chứng bệnh và những bất thường ở cơ bắp chân khi vận động.

Trong trường hợp, khi thăm khám mà các biểu hiện không được rõ ràng thì người bệnh có thể yêu cầu thực hiện một số phương pháp khác, như:

  • Siêu âm: Những sợi cơ có tình trạng bị rách hoặc căng quá mức thì sẽ được thể hiện rõ trên màn hình siêu âm. Bên cạnh đó, phương pháp này còn có thể kiểm tra dây chằng, gân và những mô mềm khác. 
  • Chụp CT: Đối với phương pháp này, sẽ giúp bệnh nhân có thể phát hiện nhanh những tổn thương tiềm ẩn và sâu. Những bệnh nhân bị căng cơ do tổn thương nặng gây ra thì phương pháp rất phù hợp.
  • Chụp MRI: Khi thực hiện phương pháp này, người bệnh có thể biết được rõ hơn về tình trạng cũng như các vấn đề liên quan đến căng cơ bắp chân khi ngủ.
  • Chụp X - quang: Phương pháp này được bác sĩ sử dụng để kiểm tra xương khi có nghi ngờ về căng cơ kèm theo tình trạng gãy xương. 
  • Điện cơ: Phương pháp này được chỉ định sử dụng khi có nghi ngờ căng cơ bắp chân liên quan đến rối loạn ở dây thần kinh, bác sĩ sẽ kiểm tra hoạt động của cơ bắp và các dây thần kinh.

Cách điều trị căng cơ bắp chân khi ngủ

Tình trạng căng cơ bắp chân có thể xảy ra ở nhiều mức độ khác nhau. Do đó, đối với mức độ sẽ có cách điều trị khác nhau, nhẹ có thể điều trị tại nhà và nặng cần phải có sự can thiệp của y tế. 

Một số cách điều trị tại nhà

Để có thể giảm thiểu tình trạng căng cơ bắp chân ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể thực hiện những cách điều trị dưới đây:

  • Nghỉ ngơi: Người bệnh có thể giữ chân ở tư thế thoải mái nhất để cho cơ bắp có thể thư giãn. Từ đó, cơn đau sẽ được xoa dịu và các triệu chứng sẽ được giảm đi một cách đáng kể.
  • Nâng cao chân lên: Để hạn chế tình trạng sưng tấy hoặc giảm nhanh các triệu chứng thì người bệnh có thể đặt một cái gối dưới cổ chân. Điều này giúp cho cơ bắp được thư giãn hiệu quả.
  • Chườm lạnh: Đối với cách này thì người bệnh nên thực hiện sau khoảng 48 đến 72 giờ đồng hồ từ khi xuất hiện tình trạng căng cơ và đau ở bắp chân. Cách này giúp cho người bệnh có thể giảm đau nhanh.
  • Xoa bóp chân: Thực hiện những động tác xoa bóp chân nhẹ nhàng ở vùng cơ bị căng cứng sẽ giúp cho các cơ được thư giãn, nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường. 

nghỉ ngơi trong tư thế kê chân lên gối

Nghỉ ngơi với tư thế chân kê lên gối là cách giảm đau hiệu quả khi bị căng cơ bắp chân

Một số cách điều trị y tế

Trong trường hợp, tình trạng căng cơ bắp chân khi ngủ xuất hiện những triệu chứng nghiêm trọng hay cơn đau kéo dài thì người bệnh nên gặp bác sĩ để được kiểm tra và điều trị. Hầu hết, các bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng cách vật lý trị liệu hoặc dùng thuốc. 

Sử dụng thuốc chống viêm không steroid

Nếu như xuất hiện tình trạng căng cơ quá mức hoặc đau kéo dài thì người bệnh có thể sử dụng một số loại thuốc chống viêm không steroid như: Ibuprofen, Naproxen,... Những loại thuốc này giúp người bệnh giảm đau nhanh, cải thiện tình trạng khó chịu cho cơ bị căng cứng.

Sử dụng thuốc Ibuprofen

Sử dụng thuốc Ibuprofen là cách giảm đau hiệu quả khi bị căng cơ bắp chân

Dùng phương pháp vật lý trị liệu

Phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân gây ra tình trạng căng cơ bắp chân khi ngủ, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện phương pháp vật lý trị liệu. Đối với phương pháp này thì người bệnh sẽ được điều trị với những bài tập tăng cường sức mạnh và giãn cơ. Những bài tập này có tác dụng cải thiện sức cơ, giảm đau và tăng độ dẻo dai. 

Trên đây là bài viết tổng hợp những vấn đề quan trọng liên quan đến căng cơ bắp chân khi ngủ. Hy vọng qua bài viết này, mọi người có thể hiểu rõ hơn về tình trạng này một cách đầy đủ nhất. 

Quân Lê

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.