Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bị chó con cắn xước nhẹ ở tay có cần tiêm phòng dại không?

Ngày 26/10/2022
Kích thước chữ

Bị chó con cắn xước nhẹ ở tay có sao không, có cần tiêm phòng dại không? Để biết cách xử trí đúng đắn và an toàn nhất cho sức khỏe, bạn xem thông tin hướng dẫn dưới đây nhé!

Chó con tinh nghịch, đáng yêu và thích đùa giỡn, cắn vào ngón tay hoặc chân của chủ. Đôi khi, vết cắn của chúng có thể làm trầy xước nhẹ ở da. Nhiều người cho rằng vết xước nhẹ do chó con cắn không gây nguy hiểm. Hầu hết mọi người đều nghĩ phải là chó to cắn vết răng sâu, chảy máu mới gây nguy cơ nhiễm trùng hoặc bệnh dại. Tuy nhiên, đây là suy nghĩ chủ quan và chưa chính xác.

Rủi ro khi bị chó con cắn xước nhẹ ở tay

Nô đùa với chó con có thể mang tới cho bạn những cảm xúc thư giãn, thoải mái. Nhưng nếu chẳng may bị chó con cắn xước da, bạn nên cẩn trọng vì có thể gây ra nhiều tác hại đối với sức khỏe. Bị chó cắn không phân biệt chó to hay chó con, xước nhẹ hay xước sâu gây chảy máu. Chỉ cần có sự tiếp xúc giữa nước dãi của chó với vết xước trên da cũng đủ để vi khuẩn, virus xâm nhập.

Chó con cắn tay có sao không? Bị chó con cắn xước da tiềm ẩn nguy cơ gì? Dưới đây là 3 tác hại có thể xảy ra sau khi bị chó con cắn xước da ở tay hoặc các vị trí khác trên cơ thể.

bị chó con cắn xước nhẹ ở tay 1 Bị chó con cắn xước da có thể mang tới mối nguy hại cho sức khỏe, tính mạng

Nhiễm trùng

Theo thống kê, khoảng 50% vết cắn của chó chứa các loại vi khuẩn: Liên cầu, tụ cầu, pasteurella, capnocytophaga. Thông qua tiếp xúc với vết xước trên da, vi khuẩn xâm nhập gây hiện tượng nhiễm trùng. Nhiễm trùng do chó cắn dễ gặp ở những người có hệ miễn dịch yếu, đang hóa trị liệu hoặc mắc bệnh tiểu đường. Nhiễm trùng ở vết cắn có thể biến chứng nhiễm trùng máu rất nguy hiểm.

Bệnh dại nguy cơ tử vong

Hơn 99% các trường hợp mắc bệnh dại ở Việt Nam là do bị chó cắn. Kể cả bị chó con cắn xước nhẹ ở tay cũng có thể nhiễm bệnh dại. Thậm chí, chó con không cắn nhưng liếm nước bọt vào các vết xước trên da của bạn cũng có nguy cơ lây bệnh dại. Virus bệnh dại từ nước bọt của chó xâm nhập vào máu, di chuyển đến các tổ chức bên trong cơ thể và hệ thần kinh trung ương.

Virus dại tiếp tục lan tỏa ra khắp hệ thần kinh, gây tổn thương não, viêm não cấp. Triệu chứng mắc bệnh dại ở người là tính tình thay đổi, biểu hiện hung dữ hoặc tê liệt. Với thể hung dữ, người bệnh hoảng loạn, đập phá sau đó hôn mê và tử vong. Ở thể tê liệt, người bệnh đau cột sống thắt lưng, đi vệ sinh không tự chủ, liệt thần kinh sọ não, ngừng hô hấp và tử vong.

bị chó con cắn xước nhẹ ở tay 2 Bị chó con cắn xước nhẹ ở tay tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh dại

Bệnh uốn ván

Nếu không biết cách xử lý sau khi bị chó con cắn xước nhẹ ở tay, vi khuẩn uốn ván Clostridium tetani có thể xâm nhập và phát triển tại vết xước. Điều này dẫn tới bệnh nhiễm trùng uốn ván cực kỳ nguy hiểm vì gây tử vong cao. Triệu chứng khi bị nhiễm uốn ván là cứng hàm, tâm lý bồn chồn và dễ cáu gắt, đau đầu, lưng bị uốn cong, rối loạn thần kinh, co thắt thanh quản, ngừng tim.

Cách xử trí khi bị chó con cắn xước nhẹ ở tay

Vết chó cắn trên da được chia thành 5 cấp độ khác nhau. Trong đó, chó cắn xước nhẹ trên da nằm ở cấp độ 2 và 3. Nặng nhất là cấp độ 5 bị chó tấn công mạnh bạo, cắn nhiều vết thương thủng sâu. Với những nguy cơ kể trên, bạn không thể chủ quan khi bị chó con cắn xước da, nhưng bạn cũng không nên quá hoang mang. Bạn bình tĩnh sơ cứu khi bị chó cắn như sau:

  • Rửa sạch vùng da bị chó cắn trầy xước bằng xà phòng và nước ấm. Lưu ý không chà xát mạnh vì có thể khiến vết xước lan rộng hoặc rách sâu hơn.
  • Bôi kem kháng sinh hoặc rửa lại bằng nước sát trùng hoặc cồn 70 độ. Lau khô bằng khăn sạch, sau đó phủ kín vết xước bằng băng vô trùng.
  • Bảo vệ vùng da bị xước do chó cắn bằng cách hạn chế tiếp xúc với nước, các bề mặt ô nhiễm để tránh làm sưng và nhiễm trùng.
  • Bắt nhốt con chó đã cắn bạn để theo dõi dự phòng chó bị bệnh dại.
bị chó con cắn xước nhẹ ở tay 3 Vệ sinh và giữ gìn sạch sẽ vùng da bị chó cắn trầy xước để tránh nhiễm trùng

Bị chó con cắn xước nhẹ ở tay có cần thiết tiêm phòng không? Theo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa thì chưa cần tiêm vacxin phòng dại ngay. Nếu con chó đó đã được tiêm phòng dại đầy đủ thì bạn có thể yên tâm. Nếu chó chưa tiêm phòng, bạn theo dõi trong vòng 15 ngày. Đặc biệt cẩn thận nếu chó có một trong 2 biểu hiện sau:

  • Chó nằm im một chỗ, không sủa, mồm chảy nhiều nước dãi và chết trong 3 - 5 ngày.
  • Chó hung dữ, chạy điên loạn sau đó phờ phạc, kêu thất thanh và chết trong 7 - 10 ngày.

Nhận thấy triệu chứng chó mắc bệnh dại, bạn cần ngay lập tức đi tiêm huyết thanh phòng bệnh. Trường hợp bị chó lang thang ngoài đường cắn xước da và không kịp bắt nhốt, để yên tâm thì bạn cũng nên chích ngừa bệnh dại. Bệnh dại không có thuốc chữa, một khi đã lên cơn dại thì khó tránh tử vong.

Verorab là vacxin phòng dại của Pháp được đánh giá an toàn nhất hiện nay, tiêm được cho cả trẻ nhỏ và người lớn. Nếu vẫn lo ngại về việc tiêm vacxin, bạn có thể đến các phòng tiêm chủng để được tư vấn thêm.

Khi nào cần gặp bác sĩ nếu bị chó cắn xước da?

Kể cả khi đã tiêm phòng bệnh dại, bạn vẫn nên cẩn trọng vì bị chó con cắn xước nhẹ ở tay có thể dẫn tới nhiễm trùng, bệnh uốn ván. Nếu nhận thấy vết xước bị đau, sưng tấy, mưng mủ thì bạn cần đến gặp bác sĩ thăm khám và điều trị. Việc thăm khám cũng cần thiết trong trường hợp người bị chó cắn cũng đang mắc bệnh lý nền như: Suy giảm hệ miễn dịch, tiểu đường, hóa trị liệu…

bị chó con cắn xước nhẹ ở tay Cần thiết gặp bác sĩ nếu vết trầy xước có dấu hiệu nhiễm trùng

Bài viết đã giúp bạn hiểu rõ nguy cơ của việc bị chó con cắn xước da. Nếu chẳng may bị chó con cắn, dù chỉ là trầy xước hay chảy máu thì bạn vẫn nên cẩn thận nhé! Ngoài ra, bạn lưu ý thêm về lịch tiêm phòng uốn ván. Vacxin uốn ván không chỉ phòng ngừa khi bị chó cắn mà còn bảo vệ bạn khi cơ thể có vết thương.

Hiện nay, Trung tâm Tiêm chủng Long Châu cung cấp các loại vắc xin phòng dại chính hãng, đảm bảo an toàn và hiệu quả. Vắc xin dại giúp bảo vệ cơ thể trước nguy cơ nhiễm virus dại nguy hiểm, ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng. Tại Long Châu, vắc xin dại có giá dao động từ 244.000 đồng đến 470.000 đồng (Giá bán mang tính chất tham khảo, có thể thay đổi theo thời điểm). Để được tư vấn cụ thể và đặt lịch tiêm nhanh chóng, vui lòng liên hệ trực tiếp qua Hotline 1800 6928!

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Bác sĩNguyễn Thị Xoan

Đã kiểm duyệt nội dung

Bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực y tế, với chuyên môn sâu về Nhi khoa. Hiện đang là bác sĩ tại Trung tâm Tiêm chủng Long Châu, bác sĩ không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng.

Xem thêm thông tin