Bị khối u phổi có chữa được không? Biện pháp phòng ngừa u phổi hiệu quả
Ngày 28/10/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Khối u phổi là một trong những loại bệnh lý nghiêm trọng, thường liên quan đến ung thư phổi, gây lo ngại cho nhiều người. Sự xuất hiện của khối u trong phổi không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn tác động đến tâm lý của bệnh nhân và gia đình. Vì vậy, câu hỏi khối u phổi có chữa được không luôn là mối bận tâm hàng đầu của người bệnh và các bác sĩ.
Khối u phổi có chữa được không? Câu hỏi này thường được đặt ra khi người bệnh phát hiện có khối u trong phổi. Khả năng chữa trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kích thước, vị trí của khối u, giai đoạn bệnh, và tình trạng sức khỏe tổng quát của bệnh nhân. Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, nhiều bệnh nhân có thể đạt được kết quả tích cực. Mời quý vị độc giả cùng tìm hiểu về những thông tin cần thiết về khối u phổi qua bài viết dưới đây.
Bệnh u phổi là gì?
U phổi bao gồm hai loại u lành tính và u ác tính (ung thư phổi).
U phổi ác tính bao gồm ung thư phế quản phổi nguyên phát và ung thư phổi thứ phát. Ở Việt Nam, khi nhắc đến u phổi, người ta thường nghĩ đến ung thư phổi nguyên phát. Ngược lại, u phổi lành tính khá hiếm gặp và thường phát triển chậm, điển hình là các loại u tuyến phế quản, u mô thừa và u loạn sản sụn ở phổi. Ung thư phổi thứ phát xuất hiện khi các u ác tính từ các cơ quan khác di căn đến phổi thông qua đường bạch huyết hoặc đường máu.
Ung thư phổi nguyên phát là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao nhất, chỉ đứng sau bệnh tim mạch. Bệnh này có liên quan chặt chẽ đến môi trường sống, nghề nghiệp và đặc biệt là thói quen hút thuốc lá, với khoảng 80-90% trường hợp ung thư phổi liên quan đến việc sử dụng thuốc lá. Phần lớn ung thư phổi nguyên phát thường được phát hiện ở giai đoạn muộn.
Triệu chứng nhận biết u phổi
Với mỗi loại u phổi lành tính hay u phổi ác tính có những triệu chứng riêng, cụ thể như:
U phổi lành tính
Các khối u phổi lành tính thường không có triệu chứng rõ ràng và chỉ được phát hiện khi bệnh nhân chụp X-quang phổi hoặc CT. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như:
Nếu xuất hiện các triệu chứng trên, người bệnh nên thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
U phổi ác tính (ung thư phổi)
Ở giai đoạn đầu của u phổi ác tính, các triệu chứng có thể bao gồm:
Ho kéo dài, có đờm hoặc ho ra máu;
Khó thở, thở khò khè;
Khàn tiếng;
Đau ngực, cơn đau nặng hơn khi cười, thở sâu hoặc ho;
Chán ăn, cơ thể suy nhược, mệt mỏi;
Nhiễm trùng đường hô hấp tái phát nhiều lần, như viêm phổi hoặc viêm phế quản.
Những triệu chứng này khá giống với triệu chứng của u phổi lành tính. Nhưng khi bệnh tiến triển nặng hơn và khối u đã lan rộng hoặc di căn, các triệu chứng sẽ xuất hiện dựa trên vị trí khối u mới. Cụ thể:
Đỉnh phổi: Ảnh hưởng đến dây thần kinh mặt, gây co đồng tử, sụp mí mắt, đau vai, không đổ mồ hôi một bên mặt (hội chứng Horner);
Tĩnh mạch lớn: Nếu khối u chèn vào tĩnh mạch vận chuyển máu giữa các cơ quan như tim, đầu, và cánh tay, có thể gây sưng mặt, ngực trên, cổ và cánh tay;
Thực quản: Gây khó nuốt, cảm giác vướng ở cổ họng;
Não hoặc cột sống: Có thể gây chóng mặt, nhức đầu, khó giữ thăng bằng, hoặc tê bì tay chân;
Xương: Thường đau vùng xương sườn, lưng hoặc hông;
Hạch bạch huyết: Nổi u ở vùng xương đòn hoặc cổ;
Gan: Biểu hiện vàng da và vàng mắt.
Đôi khi, tế bào ung thư phổi có thể kích thích sản sinh hormone, gây hội chứng paraneoplastic với triệu chứng như tăng huyết áp, đường huyết, tích nước, yếu cơ, lú lẫn, buồn nôn, hôn mê, co giật,...
Bị khối u phổi có chữa được không?
Với trường hợp u phổi lành tính, nếu kích thước khối u không gia tăng, chưa có triệu chứng hay biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe, có thể chỉ cần theo dõi định kỳ bằng X-quang và điều trị phù hợp. Tuy nhiên, nếu khối u gây chảy máu hoặc chèn ép phế quản lớn dẫn đến xẹp phổi, cần tiến hành phẫu thuật ngay.
Ngược lại, ung thư phổi thường khó điều trị hơn do tiến triển âm thầm, tốc độ phát triển nhanh và dễ di căn đến các cơ quan khác nếu phát hiện muộn và không được điều trị đúng cách, kịp thời. Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị tối ưu nhất.
Phẫu thuật: Phương pháp chính cho ung thư phổi giai đoạn sớm, đặc biệt là ung thư phổi không phải tế bào nhỏ. Bác sĩ có thể cắt một phần, thùy hoặc toàn bộ phổi tùy vào mức độ bệnh.
Xạ trị: Thường được chỉ định cho bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn 1, 2 không thể phẫu thuật.
Hóa trị: Hiệu quả trong ung thư phổi không phải tế bào nhỏ, giúp giảm triệu chứng và tiêu diệt tế bào ung thư sau phẫu thuật.
Điều trị nhắm mục tiêu: Tấn công tế bào ung thư mà không gây tổn thương mô lành.
Chiếu xạ sọ dự phòng: Ngăn ngừa di căn não trong ung thư phổi dù chưa phát hiện qua hình ảnh.
Nhìn chung, tiên lượng sống của bệnh ung thư phổi thấp hơn nhiều so với u phổi lành tính do tính chất phức tạp của tế bào ung thư. Phát hiện và điều trị sớm có thể giúp tăng tỷ lệ sống sót đáng kể. Nhờ tiến bộ khoa học kỹ thuật, bệnh u phổi hiện nay có thể được chữa khỏi, tuy nhiên khối u phổi có chữa được không còn phụ thuộc vào các yếu tố như loại u, giai đoạn bệnh, tuổi tác, tình trạng bệnh lý nền và khả năng đáp ứng với phương pháp điều trị.
Biện pháp phòng ngừa u phổi
Để phòng ngừa u phổi hiệu quả, cần tránh các tác nhân gây bệnh sau:
Không hút thuốc, cai thuốc lá và tránh xa môi trường có khói thuốc.
Đảm bảo môi trường làm việc an toàn, hạn chế tiếp xúc với khói, bụi, và hóa chất.
Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung thực phẩm giàu vitamin A, D từ rau xanh và trái cây tươi.
Tập thể dục thường xuyên.
Giữ vệ sinh môi trường sống, hạn chế khói dầu nơi sinh hoạt.
Tầm soát u phổi định kỳ, đặc biệt là ung thư phổi, nên kiểm tra sức khỏe 6 tháng một lần tại cơ sở y tế.
Khối u phổi có chữa được không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại khối u, giai đoạn phát hiện, sức khỏe tổng quát của bệnh nhân, và phương pháp điều trị áp dụng. Với các tiến bộ trong y học hiện nay, việc phát hiện sớm và can thiệp đúng cách có thể mang lại kết quả tích cực, đặc biệt là với các khối u lành tính. Tuy nhiên, ung thư phổi vẫn là một thách thức, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa bệnh nhân và bác sĩ để nâng cao hiệu quả điều trị.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.