Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bị ốm là gì? 5 dấu hiệu chứng tỏ bạn đang bị ốm

Ngày 24/07/2024
Kích thước chữ

Vậy bị ốm là gì và làm thế nào để nhận ra những dấu hiệu đầu tiên của bệnh? Nhận diện 5 dấu hiệu chứng tỏ bạn đang bị ốm để có thể kịp thời phản ứng và bảo vệ sức khỏe của mình.

Bị ốm là gì và những dấu hiệu nào cho thấy cơ thể đang cần được chăm sóc đặc biệt? Bài viết này sẽ cung cấp thông tin chi tiết về 5 dấu hiệu chứng tỏ bạn đang bị ốm, giúp bạn hiểu rõ hơn và có biện pháp phòng ngừa, chữa trị thích hợp.

Bị ốm là gì?

Bị ốm là tình trạng cơ thể không khỏe mạnh do các nguyên nhân như nhiễm trùng, vi khuẩn, virus, hoặc các yếu tố khác ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi bị ốm, các cơ quan trong cơ thể có thể hoạt động không bình thường, gây ra các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, hắt hơi, ho, và nhiều triệu chứng khác.

Cơ thể phản ứng với bệnh tật bằng cách kích hoạt hệ thống miễn dịch để chống lại các tác nhân gây bệnh. Quá trình này thường dẫn đến các biểu hiện như viêm, tăng tiết dịch nhầy, và sốt. Trong thời gian bị ốm, cơ thể cần được nghỉ ngơi, chăm sóc và bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và nước để tăng cường sức đề kháng và hồi phục sức khỏe.

Bị ốm là gì? 5 dấu hiệu chứng tỏ bạn đang bị ốm 1
Bị ốm là khi cơ thể xuất hiện các phản ứng chống lại bệnh tật

5 dấu hiệu chứng tỏ bạn đang bị ốm

Cổ họng hơi khó chịu

Trước khi xuất hiện cơn đau họng rõ rệt, bạn thường sẽ cảm thấy có gì đó hơi vướng ở phía sau cổ họng. Đây thường là một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy bệnh tật sắp đến.

Tiến sĩ Natalie Cameron, giảng viên khoa nội tổng quát và dịch tễ học tại Trường Y Feinberg thuộc Đại học Northwestern, giải thích rằng khi bạn tiếp xúc với mầm bệnh như rhinovirus hoặc adenovirus, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách tạo ra các phân tử chống lại nhiễm trùng. Một trong những phân tử này là bradykinin, đóng vai trò quan trọng trong phản ứng viêm. Khi bị nhiễm trùng đường hô hấp, bradykinin di chuyển từ đường mũi đến vòm họng, kích thích các thụ thể cảm giác trong cổ họng, gây ra cảm giác sưng tấy và thô ráp.

Cảm thấy mệt mỏi

Trước khi các triệu chứng hô hấp điển hình xuất hiện, bạn có thể cảm thấy kiệt sức trong một hoặc hai ngày, cảm thấy cơ thể yếu và thiếu năng lượng một cách bất thường. Điều này là do cơ thể giải phóng các cytokine, chất truyền thông quan trọng giữa các tế bào khi bắt đầu nhiễm trùng. Các cytokine kích hoạt tế bào miễn dịch để chống lại nhiễm trùng, gây ra tình trạng viêm khắp cơ thể, làm bạn cảm thấy mệt mỏi. Quá trình viêm này cũng có thể gây đau nhức cơ, khiến cơ bắp của bạn cảm thấy yếu và đau.

Thường xuyên hắt hơi

Trước khi bị nghẹt mũi hoặc ho, bạn có thể hắt hơi nhiều hơn. Đây là cách cơ thể loại bỏ virus một cách mạnh mẽ, tương tự như khi bạn hít phấn hoa hoặc hạt tiêu. Hắt hơi là biện pháp phòng vệ hiệu quả để loại bỏ những tác nhân gây khó chịu hoặc tổn thương đường thở.

Vì vậy, việc che miệng khi hắt hơi rất quan trọng. Hắt hơi có thể phát tán virus rất mạnh, nếu không che miệng, bạn có thể vô tình lây bệnh cho người khác, giúp virus lan rộng hơn.

Bị ốm là gì? 5 dấu hiệu chứng tỏ bạn đang bị ốm 2
Thường xuyên hắt hơi chứng tỏ bạn đang bị ốm

Đột nhiên bị đau đầu

Đau đầu là một dấu hiệu phổ biến của nhiễm trùng. Đôi khi, cơn đau đầu xuất hiện do áp lực tích tụ trong đầu khi xoang bị tắc nghẽn bởi chất nhầy. Thiếu ngủ hoặc mất nước trong những ngày đầu bị bệnh cũng có thể khiến bạn bị đau đầu dữ dội.

Ngoài ra, nhức đầu có thể do tình trạng viêm mà hệ miễn dịch tạo ra khi chống lại nhiễm trùng, gây cảm giác đau nhói trong đầu.

Dễ xúc động

Khi cơ thể không khỏe, nhiều người thường cảm thấy khó chịu và cáu kỉnh.

Tiến sĩ Theresa Fiorito, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và giám đốc Trung tâm Du lịch Y tế Gia đình tại New York, cho biết: "Một số người trở nên bất ổn về mặt cảm xúc, dễ rơi nước mắt hoặc chỉ muốn ở một mình".

Thực tế, những thay đổi tâm trạng và hành vi này phổ biến đến mức các bác sĩ đã đặt tên cho hiện tượng này là "hành vi bệnh tật".

Cách chăm sóc bản thân khi bị ốm

Khi bị ốm, bạn hãy lưu ý những điều sau để đẩy lùi cảm giác mệt mỏi, khó chịu và tăng cường phục hồi sức khỏe.

Tự kiểm tra cơ thể

Chăm sóc và kiểm tra cơ thể thường xuyên là điều quan trọng khi bị ốm. Đầu tiên, hãy xác định nhiệt độ cơ thể, chỉ số huyết áp và đường huyết (đặc biệt nếu bạn có tiền sử hoặc nguy cơ tiểu đường). Sốt dưới 38 độ C là phản ứng bình thường của cơ thể khi chống lại virus. Tuy nhiên, nếu sốt cao hơn, có thể do nhiễm trùng vi khuẩn hoặc bệnh cúm, bạn nên kiểm tra thường xuyên và tham khảo ý kiến bác sĩ về cách điều trị và sử dụng thuốc.

Ăn uống đủ chất

Cơ thể cần nhiều chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng và chống lại bệnh tật khi bị ốm. Hãy đảm bảo bạn ăn uống đầy đủ và đa dạng thực phẩm chứa nhiều vitamin và khoáng chất. Ưu tiên các món ăn lỏng hoặc nấu mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp, hoặc canh thay vì các món chiên xào nhiều dầu mỡ.

Uống đủ nước

Sốt là triệu chứng phổ biến khi bị ốm, khiến cơ thể mất nước do mồ hôi, tiêu chảy, hoặc nôn ói. Hãy uống nhiều nước, đặc biệt là nước lọc, nước trái cây tươi, và nước dừa để tránh mất nước. Người lớn nên uống từ 2 đến 2.5 lít nước mỗi ngày, trong khi trẻ em cần từ 1 đến 1.5 lít. Tránh xa các loại nước ngọt có gas và nước trái cây đóng hộp trong quá trình điều trị và phục hồi.

Bị ốm là gì? 5 dấu hiệu chứng tỏ bạn đang bị ốm 3
Uống đủ nước trong khi bị ốm

Tạm ngưng công việc

Nghỉ ngơi nhiều là yếu tố quan trọng khi chăm sóc bản thân lúc ốm. Hãy để tinh thần thư giãn, tránh căng thẳng và suy nghĩ nhiều. Tạm ngưng công việc ít nhất cho đến khi bạn cảm thấy khỏe hơn, các triệu chứng giảm dần và không còn sốt. Bạn có thể làm những việc nhà đơn giản như quét nhà, phơi quần áo, và hút bụi để tránh nằm nhiều một chỗ, gây cảm giác trì trệ và chán nản.

Nhận biết sớm các dấu hiệu của bị ốm và hiểu rõ bị ốm là gì từ đó chú ý đến những triệu chứng như đau họng, mệt mỏi, đau đầu, và những dấu hiệu khác, bạn có thể kịp thời điều chỉnh lối sống và tìm kiếm sự hỗ trợ y tế cần thiết. Đừng chủ quan với sức khỏe của mình; hãy luôn lắng nghe cơ thể và chăm sóc nó một cách chu đáo để duy trì cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin