Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Kiệt sức: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 31/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Kiệt sức là một tình trạng hao mòn về sức khỏe đến suy kiệt dễ gặp trong xã hội hiện đại nhiều áp lực. Trong bài viết này, Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa khi bị kiệt sức.

Kiệt sức không chỉ đơn giản là trạng thái suy kiệt về thể chất mà còn bao gồm cả tình trạng hao mòn về sức khỏe tinh thần. Kiệt sức không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý và còn làm suy giảm hiệu suất lao động và chất lượng cuộc sống của người mắc phải. Vì vậy, việc việc cách nhận biết sớm dấu hiệu của kiệt sức cũng như nguyên nhân, cách khắc phục và cách phòng ngừa vô cùng quan trọng.

Kiệt sức là gì?

Kiệt sức được định nghĩa là tình trạng suy kiệt về thể chất, tinh thần, cảm xúc do sự căng thẳng và mệt mỏi quá độ kéo dài. Tình trạng này xảy ra khi chúng ta phải gồng mình cố gắng để bắt kịp những đòi hỏi không ngừng của cuộc sống trong khi sức lực, tâm lý, cảm xúc bị quá tải và kiệt quệ. Khi đó, không những chúng ta không còn sức lực mà còn giảm hứng thú và động lực với mọi việc xung quanh.

Kiệt sức: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 1
Tình trạng kiệt sức ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại

Như vậy, kiệt sức ảnh hưởng đến mọi mặt liên quan đến một cá nhân như:

  • Ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần. Khi đó, hệ miễn dịch cũng dễ bị suy yếu và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính.
  • Ảnh hưởng đến hiệu quả học tập hay làm việc.
  • Ảnh hưởng đến các mối quan hệ gia đình, bạn bè, tình yêu, xã hội.

Kiệt sức nhận biết thế nào?

Kiệt sức là hậu quả của một quá trình bào mòn sức lực, tâm lý, trí tuệ diễn ra từ từ. Càng ngày, các triệu chứng càng tồi tệ và có thể khi bạn và những người xung quanh nhận ra, kiệt sức đã ở mức độ nghiêm trọng. Vì vậy, việc biết cách nhận biết dấu hiệu kiệt sức rất quan trọng.

  • Người bị kiệt sức có thể gặp các triệu chứng thể chất như: Thấy suy nhược cơ thể ít sức sống, chán ăn, mất ngủ hoặc ngủ nhiều hơn bình thường, đau nhức đầu, đau nhức cơ, hay gặp vấn đề về tiêu hóa, thường xuyên bị ốm vặt…
  • Họ cũng có thể có những thay đổi về hành vi như: Tự cô lập bản thân với thế giới xung quanh, có xu hướng thoái thác trách nhiệm, bỏ ngang công việc một cách bất cần, không muốn tuân theo nguyên tắc, hay trì hoãn mọi việc, hiệu quả làm việc giảm sút, dễ cáu kỉnh với những người xung quanh.
  • Về mặt cảm xúc, người bị kiệt sức có các triệu chứng như: Tự ti về bản thân, không có động lực, cảm thấy như một người thất bại, hoài nghi về mọi việc, cảm giác đơn độc, chủ động tách biệt với mọi người.
Kiệt sức: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 2
Bất cứ ai trong chúng ta dù làm công việc gì cũng có thể bị kiệt sức

Nguyên nhân nào dẫn đến kiệt sức?

Có thể kể đến những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng kiệt sức như:

  • Kiệt sức vì làm việc tại nhà là tình trạng khá phổ biến trong giai đoạn cách ly về đại dịch Covid19. Lúc này, nhiều người không thể làm quen với cuộc sống ít giao tiếp, cô độc, hạn chế đi lại nên bị suy kiệt cả về thể chất lẫn tinh thần.
  • Kiệt sức cũng có thể là hậu quả của mất ngủ, thiếu ngủ kéo dài. Ngủ là hoạt động sống quan trọng để cơ thể tái tạo và phục hồi. Khi giấc ngủ bị rối loạn, sẽ có nhiều vấn đề về thể chất và tinh thần xảy ra, trong đó có kiệt sức.
  • Có người bị kiệt sức bắt đầu từ việc thiếu hụt dinh dưỡng. Đặc biệt, sự thiếu hụt các vitamin B2, B3, B5, B6, B9, B12, vitamin D, C, sắt, magie,... dễ dẫn đến suy mòn sức khỏe.
  • Căng thẳng mãn tính làm tăng nguy cơ bị kiệt sức liên quan đến căng thẳng. Tình trạng căng thẳng kéo dài làm thay đổi cấu trúc, chức năng não bộ và dẫn đến viêm mãn tính, gây mệt mỏi, kiệt sức.
  • Cơ thể mất nước nghiêm trọng và kéo dài có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, làm sức khỏe hao mòn, suy kiệt.
  • Các nghiên cứu cũng cho thấy người thừa cân béo phì bị tăng nguy cơ mắc bệnh huyết áp, tim mạch, tiểu đường, rối loạn giấc ngủ và mệt mỏi mãn tính. Tất cả những tình trạng này đều có thể dẫn đến kiệt sức.

Ngoài những nguyên nhân trên, một số lý do khác cũng được cho là có liên quan trực tiếp đến tình trạng kiệt sức như: Nghiện ma túy, nghiện rượu, tăng ca quá nhiều hoặc thường xuyên làm việc ca đêm, người ít vận động, người đang mắc các bệnh mãn tính (bệnh thận, suy giáp, đa xơ cứng, đau cơ xơ hóa, tiểu đường…), người đang dùng một số loại thuốc (thuốc huyết áp, thuốc chống trầm cảm, steroid, thuốc huyết áp)...

Kiệt sức: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 3
Nguyên nhân gây kiệt sức ở mỗi người có thể khác nhau

Điều trị, phòng ngừa kiệt sức

Khi biết rõ các nguyên nhân gây ra kiệt sức, chúng ta có thể biết cách điều trị và phòng ngừa kiệt sức. Cụ thể là:

Phòng ngừa kiệt sức

Một số cách có thể tránh cho bạn rơi vào trạng thái kiệt sức như:

  • Xây dựng thói quen ăn uống khoa học, nghỉ ngơi hợp lý, làm việc vừa đủ và vận động phù hợp với tình trạng sức khỏe.
  • Nên duy trì việc ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc, áp dụng những cách vệ sinh giấc ngủ để nâng cao chất lượng giấc ngủ, tăng thời gian ngủ sâu.
  • Thi thoảng nên tự thưởng cho mình một kỳ nghỉ để tái tạo sức khỏe thể chất cũng như tinh thần.
  • Theo đuổi đam mê và sở thích của cá nhân cũng là cách bạn giảm căng thẳng và áp lực trong cuộc sống. Những thú vui như hội họa, khiêu vũ, nấu ăn, cắm hoa… sẽ giúp bạn tìm lại trạng thái cân bằng trong cuộc sống.
  • Thay đổi môi trường làm việc, không nên ở nhà quá lâu để tìm lại sự hứng khởi, tăng giao lưu, kết nối với những người xung quanh.
  • Nên chia sẻ và tìm kiếm sự hỗ trợ của những người xung quanh khi bạn bị quá tải trong việc nhà, việc cơ quan… Sự sẻ chia và đồng cảm của người khác sẽ giúp bạn giảm sự mệt mỏi về thể chất và sự căng thẳng về tinh thần.
  • Tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ tâm lý, chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ chuyên khoa… khi cần thiết. Vì chỉ có những người có chuyên môn mới cho bạn lời khuyên chính xác về những việc cần làm để sớm thoát khỏi và phòng tránh tình trạng kiệt sức.
  • Khi có dấu hiệu mệt mỏi, chúng ta nên tìm đến niềm vui và tránh những suy nghĩ, thông tin, con người tiêu cực.
Kiệt sức: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 4
Cân bằng giữa công việc và thư giãn giúp phòng ngừa kiệt sức

Điều trị kiệt sức theo nguyên nhân

Tùy từng nguyên nhân gây kiệt sức, chúng ta sẽ áp dụng những cách khắc phục khác nhau như:

  • Kiệt sức do suy dinh dưỡng cần được điều trị bằng chế độ dinh dưỡng bổ sung khoa học và phù hợp. Việc xét nghiệm các chỉ số vi chất dinh dưỡng sẽ cho biết bạn đang thiếu chất gì và cần bổ sung những gì trong chế độ ăn uống hàng ngày.
  • Các biện pháp nâng cao chất lượng giấc ngủ để điều trị rối loạn giấc ngủ nên được áp dụng càng sớm càng tốt.
  • Cân bằng giữa lao động và thư giãn, nghỉ ngơi sẽ giúp cả thể chất và tinh thần đạt được trạng thái cân bằng, giảm căng thẳng do công việc. Nếu công việc quá áp lực, bạn hoàn toàn có thể cân nhắc việc chuyển đổi công việc phù hợp.
  • Với những người kiệt sức do bệnh lý nền hay tình trạng sức khỏe sẵn có, họ nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn điều trị bệnh triệt để.
  • Một số người sau khi bị kiệt sức không những suy giảm về sức khỏe mà còn bị rối loạn tâm lý. Lúc này, việc điều trị không chỉ dừng lại ở phục hồi sức khỏe hay điều trị bệnh lý nền. Họ cần được trị liệu tâm lý, cần có sự hỗ trợ, sẻ chia, đồng cảm từ những người xung quanh.
Kiệt sức: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 5
Bạn nên đi khám sớm nếu có dấu hiệu kiệt sức

Trong xã hội hiện đại, số lượng người bị kiệt sức có xu hướng gia tăng và trẻ hóa. Vì vậy, mỗi người trong chúng ta đều cần chủ động phòng ngừa, nhận biết sớm các dấu hiệu kiệt sức để điều trị, khắc phục kịp thời. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm