Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bị viêm tuyến nước bọt bao lâu thì khỏi?

Ngày 18/09/2023
Kích thước chữ

Viêm tuyến nước bọt là một dạng nhiễm trùng tuyến nước bọt, khiến người bệnh cảm thấy đau đớn, khó ăn uống và giao tiếp. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu hơn về căn bệnh này và giải đáp được thắc mắc bị viêm tuyến nước bọt bao lâu thì khỏi?

Tuyến nước bọt của con người có nhiệm vụ chính là sản xuất nước bọt. Nước bọt hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn, bảo vệ niêm mạc miệng, tạo rào chắn ngăn cản bụi bẩn, vi khuẩn tấn công cơ thể. Khi tuyến nước bọt bị viêm, nó không thể hoàn thành chức năng của mình. Người bệnh cũng cảm thấy đau đớn và khó chịu. Vậy bị viêm tuyến nước bọt bao lâu thì khỏi?

Viêm tuyến nước bọt là bệnh gì?

Viêm tuyến nước bọt là tình trạng nhiễm trùng gây sưng, đau ở tuyến nước bọt. Tình trạng nhiễm trùng này có thể do ống dẫn nước bọt của tuyến bị tắc nghẽn hoặc tuyến bị vi khuẩn tấn công gây bệnh. Con người có 3 tuyến nước bọt chính và cũng là 3 tuyến dễ bị viêm nhất gồm:

  • Viêm tuyến nước bọt mang tai: Đây là tuyến nước bọt có vị trí ở hai bên má, phía trước tai và cũng là tuyến nước bọt lớn nhất của con người.
  • Viêm tuyến nước bọt dưới hàm: Đây là tuyến nước bọt lớn thứ hai và vị trí nằm ở vùng dưới hàm.
  • Viêm tuyến nước bọt dưới lưỡi: Đây là tuyến nước bọt nhỏ nhất trong 3 tuyến nước bọt chính. Nó nằm ở dưới hai bên lưỡi.

Viêm tuyến nước bọt sẽ bắt đầu từ tình trạng tắc nghẽn bên trong tuyến hoặc giảm lưu lượng nước bọt. Sự tắc nghẽn khiến vi khuẩn sinh sôi, phát triển và gây viêm tại chỗ. Tuyến nước bọt bị viêm sẽ tiết ít nước bọt hơn hoặc dịch tiết nước bọt bị tích tụ trong ống tuyến. Điều này lại càng tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn và virus sinh sôi gây viêm nặng hơn.

bi-viem-tuyen-nuoc-bot-bao-lau-thi-khoi-1.jpg
Nhiều người bệnh thắc mắc bị viêm tuyến nước bọt bao lâu thì khỏi?

Nguyên nhân gây viêm tuyến nước bọt

Có nhiều nguyên nhân gây viêm tuyến nước bọt. Trong đó có những nguyên nhân phổ biến như:

  • Một số virus gây bệnh quai bị, cúm A, Herpes, Coxsackievirus, Parainfluenza,… cũng có thể gây viêm tuyến nước bọt.
  • Các vi khuẩn như vi khuẩn liên cầu, Coliform, Staphylococcus aureus cũng có thể là “thủ phạm” gây viêm tuyến nước bọt.
  • Có sỏi trong tuyến nước bọt, u trong tuyến nước bọt hoặc tuyến nước bọt bị gấp khúc cũng làm tắc nghẽn tuyến nước bọt và gây viêm.
  • Ở một số người bệnh, tuyến nước bọt hình thành bất thường hoặc có sẹo làm hẹp tuyến cũng có nguy cơ viêm tuyến nước bọt cao do tuyến dễ bị tắc nghẽn.
  • Tuổi tác đôi khi cũng là nguyên nhân gây viêm tuyến nước bọt. Đối tượng có nguy cơ mắc viêm tuyến nước bọt cao thường trong độ tuổi từ 50 - 60.
  • Những người mới phẫu thuật hoặc chữa bệnh bằng phương pháp xạ trị cũng dễ bị viêm tuyến nước bọt.
  • Một số bệnh có thể khiến tuyến nước bọt tăng nguy cơ bị viêm như: Suy thận, tiểu đường, nấm miệng hoặc các hội chứng như: Rối loạn ăn uống, rối loạn tự miễn dịch, thở bằng miệng khi ngủ,...
  • Một số loại thuốc cũng ảnh hưởng đến việc tiết nước bọt và làm tăng nguy cơ viêm tuyến nước bọt như: Thuốc lợi tiểu, thuốc an thần, thuốc kháng histamin, thuốc chẹn beta, thuốc chống trầm cảm,…
bi-viem-tuyen-nuoc-bot-bao-lau-thi-khoi-2.jpg
Tuyến nước bọt bị viêm có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau

Triệu chứng viêm tuyến nước bọt

Trước khi giải đáp thắc mắc bị viêm tuyến nước bọt bao lâu thì khỏi, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những dấu hiệu cảnh báo tình trạng này. Nhiều người nhầm lẫn quai bị và viêm tuyến nước bọt. Triệu chứng viêm tuyến nước bọt sẽ tùy theo từng loại tuyến nước bọt bị viêm. Cụ thể là:

Triệu chứng viêm tuyến nước bọt mang tai hoặc dưới hàm

Khi tuyến nước bọt mang tai hoặc dưới hàm bị viêm, người bệnh có những triệu chứng như:

  • Khuôn mặt bị phình to, biến dạng, cằm hơi xệ. Quan sát ở góc hàm thấy sưng do hạch to hoặc tuyến nước bọt bị viêm sưng to.
  • Da ở vùng tuyến nước bọt mang tai căng bóng hơn bình thường do mặt bị sưng phình. Chỗ căng bóng sờ vào thấy nóng và đau.
  • Nếu nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn, vùng da ở tuyến nước bọt sẽ đỏ, ấn vào có thể bị lõm. Nếu nguyên nhân gây bệnh là virus, vùng da chỗ viêm khi ấn vào không lõm.
  • Giảm tiết nước bọt nên nước bọt ít hơn, đặc quánh hơn.
  • Người bị viêm tuyến nước bọt do vi khuẩn ở lỗ ống Stenon sẽ viêm đỏ hoặc có mủ chảy ra nếu vuốt dọc ông tuyến.

Triệu chứng viêm các tuyến nước bọt khác

Các tuyến nước bọt khác bị viêm sẽ có các triệu chứng như:

  • Đau họng hoặc đau hàm khi há miệng, đau lan ra tai khi nuốt.
  • Người bệnh có thể bị sốt, ớn lạnh kèm đau đầu, mệt mỏi.
  • Hơi thở người bệnh có mùi hôi do viêm tuyến nước bọt có thể gây hôi miệng.
  • Nếu viêm tuyến nước bọt do khối u có thể sờ hoặc cảm nhận thấy u cục cứng ở chỗ viêm.
bi-viem-tuyen-nuoc-bot-bao-lau-thi-khoi-4.jpg
Viêm tuyến nước bọt gây sưng đau

Bị viêm tuyến nước bọt bao lâu thì khỏi?

Không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi bị viêm tuyến nước bọt bao lâu thì khỏi. Câu trả lời phụ thuộc vào mức độ viêm, nguyên nhân gây bệnh, độ tuổi mắc bệnh, cách điều trị bệnh,… Trong nhiều trường hợp, người bệnh có thể tự khỏi sau khoảng 10 ngày nếu vệ sinh miệng và chăm sóc tốt. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp đều cần điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Viêm tuyến nước bọt nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể gây áp xe tuyến nước bọt. Không chỉ viêm tại chỗ, viêm có thể còn lây lan đến các bộ phận khác gây viêm mô tế bào, nhiễm trùng khoang dưới hàm,…

Ngoài ra, viêm tuyến nước bọt do khối u nếu không được phát hiện kịp thời có thể gây phì đại tuyến nước bọt. Nếu khối u là ác tính có thể gây ung thư tuyến nước bọt và tê liệt phần mặt có tuyến nước bọt bị viêm. Ngoài ra, nhiễm trùng tuyến nước bọt không được chữa trị triệt để có thể tái phát nhiều lần. Việc này ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người bệnh.

Điều trị viêm tuyến nước bọt

Điều trị viêm tuyến nước bọt cần thực hiện theo nguyên tắc giảm đau, kháng viêm, chống nhiễm trùng. Bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân dùng kháng sinh, thuốc kháng virus,… tùy từng trường hợp. Bệnh nhân cần lưu ý, không tự ý mua thuốc về sử dụng khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Việc lạm dụng thuốc giảm đau và không thăm khám kịp thời có thể dẫn đến việc phát hiện bệnh lý muộn, ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.

bi-viem-tuyen-nuoc-bot-bao-lau-thi-khoi-3.jpg
Vệ sinh khoang miệng kỹ càng giúp giảm nguy cơ viêm tuyến nước bọt

Nếu có sỏi, u hoặc bất thường ở tuyến nước bọt, người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật. Những bệnh nhân viêm tuyến nước bọt do các bệnh lý khác như suy thận, tiểu đường điều trị bệnh lý nền để trị tận căn nguyên gây viêm.

Với những thông tin trên đây, hy vọng bạn đã giải đáp được thắc mắc bị viêm tuyến nước bọt bao lâu thì khỏi. Để phòng ngừa tình trạng này, mỗi người trong chúng ta nên chú trọng việc vệ sinh răng miệng, uống đủ nước, ăn uống đủ chất để tăng đề kháng cho cơ thể.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin