Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Biến chứng tiểu đường ở răng và cách phòng ngừa

Ngày 27/05/2024
Kích thước chữ

Tiểu đường hay đái tháo đường là một bệnh lý mạn tính, có thể gây ra nhiều biến chứng sức khoẻ nguy hiểm, trong đó không thể không kể đến các vấn đề về răng miệng. Vậy biến chứng tiểu đường ở răng hay gặp là những biến chứng nào? Cùng Nhà thuốc Long Châu đi tìm câu trả lời trong bài viết sức khỏe hôm nay nhé.

Do đường máu tăng cao gây nhiễm trùng mà người bệnh tiểu đường thường hay gặp phải các vấn đề về răng miệng. Trước khi tìm hiểu về biến chứng tiểu đường ở răng, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu điểm qua một vài thông tin cơ bản xoay quanh căn bệnh tiểu đường bạn nhé.

Tổng quan về căn bệnh tiểu đường

Tiểu đường hay đái tháo đường là một bệnh rối loạn chuyển hoá, đặc trưng với biểu hiện lượng đường trong máu luôn ở ngưỡng cao hơn bình thường. Nguyên nhân dẫn đến rối loạn này là do sự thiếu hụt insulin, đề kháng với insulin hoặc cả 2 dẫn đến sự rối loạn chuyển hoá đường, chất đạm, chất béo và chất khoáng trong cơ thể.

Khi mắc bệnh tiểu đường, người bệnh thường mất khả năng chuyển hoá các chất bột đường từ nguồn thức ăn tiêu thụ hàng ngày để sinh ra năng lượng, lâu dần gây ra hiện tượng lượng đường tích tụ và tăng cao trong máu. Nếu chỉ số đường máu luôn ở mức cao sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch đồng thời gây tổn thương nhiều cơ quan quan trọng khác trong cơ thể như thần kinh, mắt, thận cùng nhiều bệnh lý nghiêm trọng khác.

Biến chứng tiểu đường ở răng và cách phòng ngừa biến chứng tiểu đường ở răng 1
Tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường đang có xu hướng ngày một gia tăng hiện nay

Các loại tiểu đường thường gặp bao gồm:

Tiểu đường tuýp 1

Đây là thể bệnh xảy ra khi cơ thể giảm tiết insulin hoặc không tiết ra insulin do tế bào beta tuyến tụy bị phá huỷ. Loại tiểu đường này thường xảy ra ở trẻ em hoặc người trẻ tuổi, chiếm khoảng 5 - 10% trên tổng số ca mắc bệnh tiểu đường. Các triệu chứng của bệnh ở thể này thường xảy ra đột ngột và tiến triển nhanh do vậy mà người bệnh có thể dễ dàng phát hiện bệnh.

Tiểu đường tuýp 2

Đây là thể bệnh tiểu đường không phụ thuộc vào insulin hay còn được gọi là bệnh tiểu đường của người lớn tuổi. Ở thể bệnh này, mặc dù số lượng insulin tuyến tuỵ tiết ra như người bình thường song lại giảm, thậm chí là không có vai trò điều hòa lượng đường trong máu do tế bào beta tuyến bị suy giảm chức năng tiến triển trên nền tảng đề kháng insulin.

Tiểu đường tuýp 2 là thể bệnh phổ biến, gặp chủ yếu ở những đối tượng trên 40 tuổi, chiếm 90 - 95% tổng số ca mắc tiểu đường. Bệnh không có triệu chứng rõ ràng do vậy mà rất khó để người bệnh phát ra bệnh.

Tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ là thể bệnh chỉ xảy ra ở phụ nữ mang thai. Khi mang thai, nhau thai sẽ sản sinh ra các hormon nữ như progesteron, estrogen. Các hormone này sẽ tác động vào các thụ thể insulin ở trên tế bào đích và làm tăng đề kháng insulin. Tuy nhiên, khi tuyến tụy không sản xuất đủ lượng insulin cần thiết để vượt qua sức đề kháng này sẽ khiến cho đường tích tụ trong máu và dẫn đến tiểu đường trong suốt thai kỳ. Trên thực tế, thể tiểu đường này sẽ biến mất ngay khi sản phụ sinh con.

Ảnh hưởng của bệnh tiểu đường đến sức khỏe răng miệng

Tiểu đường và các bệnh lý răng miệng được chứng minh là luôn song hành cùng nhau. So với người bình thường, người bệnh mắc bệnh tiểu đường có hàm lượng đường trong nước bọt sẽ tăng cao hơn rất nhiều. Đây chính là cơ hội và cũng là môi trường lý tượng để vi sinh vật gây bệnh sinh sôi và phát triển nhanh chóng.

Khi ăn, thức ăn trong miệng sẽ kết hợp vi khuẩn, hình thành nên các mảng bám lại trên răng. Nếu không vệ sinh sạch sẽ sẽ dẫn đến một loạt các vấn đề về sức khỏe răng miệng như sâu răng, viêm nướu đồng thời khiến cho hơi thở của người bệnh có mùi hôi khó chịu.

Biến chứng tiểu đường ở răng

Thực tế cho thấy, người bệnh tiểu đường có nguy cơ gặp phải các vấn đề về sức khỏe răng miệng cao hơn bình thường. Vậy biến chứng tiểu đường ở răng gồm những biến chứng nào?

Biến chứng tiểu đường ở răng thường gặp bao gồm các bệnh lý răng miệng thường gặp như:

  • Sâu răng: Các mảng bám thức ăn và vi khuẩn bám trên răng, đọng lại trong các kẽ răng nếu không được vệ sinh đúng cách và thường xuyên sẽ sản sinh ra acid và tấn công lên bề mặt răng, hậu quả là gây sâu răng.
  • Viêm nướu chân răng: Theo thời gian, các mảng bám thức ăn không được làm sạch và loại bỏ đúng cách sẽ chuyển thành cao răng. Cao răng sẽ gây kích thích nướu răng và gây viêm với các biểu hiện sưng đỏ, chảy máu…
  • Viêm nha chu: Viêm nướu răng nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm sẽ tiến triển thành viêm nha chu. Tình trạng viêm nha chu sẽ gây phá huỷ các mô mềm, xương cũng như dây chằng nâng đỡ răng gây ra hiện tượng tụt lợi, tiêu xương, khiến cho răng của người bệnh trở nên lỏng lẻo, thậm chí có thể dẫn đến mất răng.
  • Bệnh tưa miệng: Đây là bệnh lý gây ra bởi nấm Candida. Khi bị tưa miệng, người bệnh sẽ có một số triệu chứng như đau, xuất hiện các đốm trắng hoặc đỏ trên lưỡi, má hoặc vòm miệng, nướu răng sưng và hình thành nên các vết thương hở. Bệnh lý này sẽ nhanh chóng phát triển nếu lượng đường trong máu không được kiểm soát chặt chẽ.
  • Khô miệng: Đây là tình trạng thường gặp ở người bệnh tiểu đường. Khi mắc tiểu đường, quá trình bài tiết nước bọt bị suy giảm gây ra tình trạng khô miệng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh lý vùng miệng như viêm nướu, sâu răng và tưa miệng…
Biến chứng tiểu đường ở răng và cách phòng ngừa biến chứng tiểu đường ở răng 2
Viêm nha chu là một trong những biến chứng tiểu đường ở răng

Làm sao để phòng ngừa các biến chứng về răng cho người bệnh tiểu đường?

Để phòng ngừa các biến chứng tiểu đường ở răng, người bệnh tiểu đường cần:

Vệ sinh răng miệng đúng cách

Vệ sinh răng miệng đúng cách và thường xuyên cũng là một trong những biện pháp hữu hiệu giúp người bệnh tiểu đường phòng ngừa các biến chứng về sức khỏe răng miệng.

Việc vệ sinh răng miệng đúng cách không chỉ giúp loại bỏ vi khuẩn và mảng bám thức ăn bám trên răng và trong kẽ răng từ đó ngăn ngừa các bệnh lý về răng miệng mà còn giúp giữ cho hơi thở của bạn luôn thơm mát.

Theo khuyến cáo từ các nha sĩ, bạn nên đánh răng tối thiểu 2 lần/ngày và cần đảm bảo đánh răng đúng cách. Việc chải răng sai cách sẽ làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về răng như sâu răng, mòn cổ răng…

Bên cạnh việc chải răng thông thường, bạn nên kết hợp sử dụng thêm chỉ tơ nha khoa, bàn chải kẽ hay máy tăm nước để có thể làm sạch các kẽ răng - vị trí mà chải răng thông thường không thể tiếp cận. Cùng với đó, bạn có thể kết hợp sử dụng nước súc miệng để nâng cao hiệu quả vệ sinh răng miệng bạn nhé.

Biến chứng tiểu đường ở răng và cách phòng ngừa biến chứng tiểu đường ở răng 3
Vệ sinh răng miệng đúng cách sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc biến chứng tiểu đường ở răng

Kiểm soát tốt đường huyết

Kiểm soát tốt đường huyết hay nói cách khác là kiểm soát tốt bệnh tiểu đường sẽ góp phần chăm sóc cũng như bảo vệ răng miệng hiệu quả. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu không kiểm soát tốt bệnh, người bệnh tiểu đường sẽ có nguy cơ cao mắc các vấn đề về răng miệng như viêm nướu, khô miệng, tiêu xương, tụt lợi, sâu răng…

Để kiểm soát đường huyết, bên cạnh việc tuân thủ chỉ định điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, người bệnh cần duy trì một lối sống lành mạnh.

Các chuyên gia chỉ ra rằng một lối sống lành mạnh không chỉ giúp người bệnh kiểm soát tốt đường huyết mà còn là yếu tố quan trọng giúp phòng ngừa các biến chứng tiểu đường ở răng. Theo đó, người bệnh tiểu đường nên:

  • Hạn chế sử dụng các thực phẩm có hàm lượng đường và tinh bột cao.
  • Hạn chế tối đa việc hút thuốc lá bởi việc làm này không tốt cho sức khỏe răng miệng, có thể gây ra nhiều vấn đề răng miệng như tiêu xương, tụt lợi, viêm nha chu…
  • Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức khoẻ…

Khám răng định kỳ

Người bệnh tiểu đường có nguy cơ cao mắc các bệnh lý về răng miệng. Chính vì thế, người bệnh tiểu đường cần duy trì khám răng định kỳ tối thiểu 3 - 6 tháng/năm. Thông qua việc khám răng định kỳ, sẽ giúp bạn phát hiện sớm các vấn đề răng miệng (nếu có) và xử lý (nếu cần) để tránh bệnh tiến triển nặng, gây ra hậu quả khôn lường.

Khi đi khám răng định kỳ, bạn nên thông báo cho bác sĩ về tình trạng bệnh mà bạn đang mắc phải đồng thời kể ra các loại thuốc mà bạn đang sử dụng để bác sĩ nắm được để từ đó có thể đưa ra hướng xử trí phù hợp nếu bạn đang gặp phải các vấn đề răng miệng cần được xử trí.

Biến chứng tiểu đường ở răng và cách phòng ngừa biến chứng tiểu đường ở răng 4
Bạn nên đi khám sức khỏe răng miệng định kỳ 3 - 6 tháng/lần

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh căn bệnh tiểu đường và biến chứng tiểu đường ở răng mà Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp để chia sẻ đến quý độc giả. Mong rằng, với những chia sẻ hôm nay, bạn đọc sẽ có cái nhìn rõ hơn về chủ đề này. Cảm ơn các bạn đã luôn tin tưởng, đồng hành và dõi theo các bài viết sức khỏe của Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.