Long Châu

Bồi dưỡng thể chất để chiến thắng bệnh ung thư

Ngày 21/05/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh ung thư thường làm người bệnh bị suy nhược thể xác và tinh thần. Các phương pháp điều trị bệnh cũng rất nặng nề, bệnh nhân cần nhiều sức khỏe để theo đuổi cuộc điều trị đến nơi đến chốn. Do đó, cần phải bồi dưỡng cho cơ thể và tâm hồn người bệnh ung thư luôn ở trạng thái khỏe mạnh.

Tất cả mọi người cần biết, từ lúc nhỏ đến lúc lớn lên, việc bồi dưỡng thể chất vững mạnh và tinh thần giúp gia tăng trạng thái hưng phấn, tích cực và tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Sức đề kháng của cơ thể là yếu tố quan trọng nhất để phòng ngừa và điều trị bệnh nhiễm trùng và ung thư. Cần đặc biệt lưu ý nguyên tắc bồi dưỡng tổng hợp của 3 yếu tố: Bồi dưỡng thể chất, bồi dưỡng tinh thần và bồi dưỡng vận động. Sau đây là phần trình bày kinh nghiệm về công việc bồi dưỡng thể chất cho những bệnh nhân ung thư mà bạn đọc có thể tham khảo.

Bồi dưỡng thể chất để chiến thắng bệnh ung thư

Khi mang bệnh ung thư, người bệnh có 3/4 cho đến 4/5 thời gian ban đầu gọi là ung thư giai đoạn sớm không có triệu chứng. Lúc này, bệnh nhân hoàn toàn như người bình thường. Nguyên tắc của việc bồi dưỡng là chủ động tích cực nhưng phải vừa đủ. Mặt khác, những tế bào đang ở giai đoạn sinh sản thì rất dễ chết khi có thuốc hoặc tia xạ, nếu không đủ chất tế bào ung thư sẽ ngủ yên và không sinh sản. Vì thế, hóa trị và xạ trị trong ung thư có thể khiến cơ thể thiếu chất, hiệu quả phương pháp điều trị mang lại kém tác dụng, làm hại nhiều cho cơ thể mà tăng khả năng sống sót cho tế bào ung thư.

Bồi dưỡng thể chất để chiến thắng bệnh ung thư1 Bồi dưỡng thể chất để chiến thắng bệnh ung thư

Như thế nào là bồi dưỡng thể chất?

Là việc tăng cường cung cấp chất liệu xây dựng lên cơ thể và năng lượng sống. Nếu thiếu năng lượng, cơ thể sẽ suy giảm hoạt động. Xương yếu thì khung cơ thể không vững, cơ thịt yếu thì yếu vận động, tế bào miễn dịch yếu thì yếu sức đề kháng, tế bào thần kinh trung ương yếu thì hoạt động tinh thần sẽ uể oải. Người nào cũng cần đủ chất để đủ sức mạnh giúp tồn tại và phòng ngừa hoặc đề kháng bệnh, làm lành những tổn thương cơ thể.

Người bệnh ung thư lại càng không thể thiếu chất, đặc biệt là những người đang điều trị ung thư. Khi cơ thể thiếu chất, các tế bào cơ thể và tế bào ung thư sẽ đi vào trạng thái “ngủ nghỉ” như con gấu ngủ đông. Do đó tế bào ung thư sẽ không “ăn” thuốc, không “ăn” được tia xạ.

Bên cạnh đó, cũng không được bồi dưỡng làm dư chất trong cơ thể. Dư chất gây béo phì và đủ các chứng bệnh như tiểu đường, tim mạch, ung thư… Dư chất, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng. Đối với bệnh nhân ung thư, ngoài lúc đang điều trị thì dư chất làm tế bào ung thư no đủ, sinh sản nhanh, bệnh mau trở nặng hoặc nhanh tái phát. Do đó cần nhấn mạnh tính vừa đủ trong bồi dưỡng về chất.

Bồi dưỡng thể chất để chiến thắng bệnh ung thư2 Bồi dưỡng thể chất giúp bệnh nhân có đủ sức khỏe chống chọi với ung thư

Bồi dưỡng thực phẩm, thức ăn

Nên ăn đủ, không thừa và không thiếu. Thực hành đơn giản nhất là ăn nhưng không lên cân và không mập ra. Muốn ăn đủ các chất thì phải ăn đổi món thường xuyên, đủ các loại rau quả, thịt cá, trứng sữa… Nếu chỉ ăn một món sẽ bị nguy cơ chất thì dư, chất thì thiếu. Lưu ý rằng không phải các món cao lương mỹ vị đắt tiền mới đủ chất và là ngược lại. Chỉ cần các món bình dân trong các chợ ở địa phương, đảm bảo chất lượng. Bồi dưỡng thực phẩm tốt nhất vẫn là ăn uống bình thường với thực phẩm thông thường. Trong trường hợp bệnh nhân ung thư quá yếu, có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về việc dùng thêm vitamin tổng hợp, thuốc bổ, nặng hơn nữa mới phải dùng thức ăn tổng hợp hoặc truyền dịch.

Nước uống

Phải đủ nước cho cơ thể, bởi 90% trọng lượng tế bào là nước. Đủ nước thì mới bảo đảm tốt cho quá trình lưu thông, chuyển hóa các chất trong cơ thể, giúp cơ thể thực hiện tốt quá trình tổng hợp chất và khử thải độc. Nước còn là vị thuốc giúp khử và thải độc tốt nhất và rẻ nhất. Đó là điều rất quan trọng, đặc biệt đối với người bệnh ung thư đang tiến hành điều trị.

Uống và truyền nhiều nước để có nhiều nước tiểu trước và trong đến sau cuộc truyền hóa chất sẽ giúp tránh suy thận cho người bệnh ung thư. Đủ nước sẽ tăng hiệu quả xạ trị. Ngoài ra, ở người bình thường, đủ nước giúp đủ nước tiểu và không bị táo bón, giúp tránh bị sỏi đường niệu và bệnh trĩ, giảm nguy cơ bị ung thư bàng quang và ruột già. Uống đủ nước giúp không khô răng miệng thì miệng họng sẽ ít bị viêm, răng ít bị sâu hơn. Nước ảnh hưởng đến năng xuất hoạt động thể xác và trí não. Thiếu nước nặng bệnh nhân có thể bị lú lẫn, ảo giác hoặc hôn mê, chân tay không cử động nổi. Thiếu nước nhẹ (chỉ cần thiếu 1%, do vận động, sốt) là mọi hoạt động thể xác tinh thần đều giảm.

Với người bệnh ung thư, nhất là người bệnh bị rối loạn hoặc mất cảm giác khát nước. Việc đảm bảo đủ nước trong cơ thể không phải là công việc đơn giản. Người bác sĩ có kiến thức cơ bản về cân bằng nước điện giải sẽ giúp bệnh nhân duy trì đủ nước trong cơ thể. Cơ thể đào thải chất cặn bã độc hại không chỉ qua tiêu tiểu mà còn qua nước ở mồ hôi và hơi thở. Uống đủ nước, uống nước đúng cách kết hợp với làm cho cơ thể ra mồ hôi như xông hơi, tập thể dục, lao động… là việc làm hữu ích.

Bồi dưỡng thể chất để chiến thắng bệnh ung thư3 Nước là vị thuốc giúp khử độc và thải độc tốt nhất và rẻ nhất

Khí thở

Đối với người bình thường, không khí trong lành là dưỡng khí cần thiết. Để nhận được khí trong lành, cần môi trường tốt và biết cách thở đúng. Những miền quê miền biển, rừng núi, đồng bằng ít khói bụi là nguồn dưỡng khí tốt cho sức khỏe. Đối với người bệnh ung thư, việc đủ oxygen cho mô tế bào là yếu tố quan trọng để tế bào bướu nhạy điều trị xạ hóa. Tiến hành điều trị trong khi hô hấp kém, sẽ làm giảm kết quả diệt tế bào bướu. Cần chú trọng hơn về việc thở và tập thở cho đúng cách giúp điều trị tốt những bệnh về hô hấp như hen suyễn, viêm phế quản tắc nghẽn…

Bồi dưỡng thể chất để chiến thắng bệnh ung thư4 Đối với chúng ta, không khí trong lành là dưỡng khí cần thiết

Ánh sáng mặt trời

Đối với làn da, tia nắng mặt trời là yếu tố quan trọng để tổng hợp vitamin D cho cơ thể một cách hiệu quả mà tự nhiên. Đi bộ buổi sáng là bồi dưỡng nhiều mặt trong đó có tắm nắng sớm mai. Bằng tác dụng của Vitamin D, ánh sáng giúp cơ thể tổng hợp và chuyển hóa calcium và phosphorus, tăng cường hệ miễn dịch và ổn định tinh thần. Đối với mắt, sáng tối và màu sắc của môi trường sống ảnh hưởng đến tâm trạng của bệnh nhân. Cần tránh để phòng ốc u tối và quá nhiều vật dụng gam màu lạnh.

Ánh sáng mặt trời đã gắn với lịch sử phát sinh, tồn tại và phát triển của mọi loài trên trái đất. Ánh sáng là một yếu tố quan trọng duy trì sự hoạt động của đồng hồ sinh học trong cơ thể. Ánh sáng quyết định sự phát triển cơ thể hòa hợp với nhịp sinh học cho nên không thể thiếu ánh sáng. Người Mỹ được khuyên tắm nắng sớm 15 đến 30 phút mỗi ngày. Người Việt nam có lẽ tắm nắng sớm mai 1 – 2 tiếng đồng hồ cũng không sao. Đặc biệt, nên tránh nắng từ 10h sáng đến 4h chiều vì khoảng thời gian đó ánh nắng quá mạnh. Dư nắng có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư da, ung thư tế bào hắc tố và cườm mắt.

Ở vùng thiếu ánh nắng, uống thêm vitamin D và các vitamin khác có thể là cần thiết, người Việt nam bình thường thì không cần thiết khi nhiều thời gian tiếp xúc ánh nắng và có hoa quả và rau tươi dùng mỗi ngày. Chỉ uống khi có bệnh làm rối loạn chuyển hóa hoặc gây ăn uống kém làm cơ thể thiếu hụt vitamin.

Bồi dưỡng thể chất để chiến thắng bệnh ung thư5 Đối với làn da, tia nắng mặt trời là yếu tố quan trọng để tổng hợp vitamin D

Âm thanh

Đối với người bệnh ung thư, không gian yên tĩnh quá cũng không tốt, làm con người cảm giác cô đơn, dễ chìm đắm vào những nghĩ suy và tình cảm tiêu cực. Cần có âm thanh nhưng không ồn ào, đủ để biểu hiện sự sống động của cuộc sống, từ tự nhiên như tiếng chim hót, tiếng lá cây trong gió, tiếng nước chảy, sóng biển… cho đến những âm thanh của con người. Khuyến khích bệnh nhân ca hát và đi nghe trình diễn nhạc kịch.

Bồi dưỡng thể chất để chiến thắng bệnh ung thư6 Bệnh nhân ung thư cần có âm thanh từ tự nhiên như tiếng chim hót, tiếng lá cây trong gió,...

Một số vấn đề cần lưu ý trong việc bồi dưỡng thể chất cho bệnh nhân ung thư

Chán ăn

Ăn không ngon miệng là phản ứng tự nhiên của cơ thể. Cơ thể không muốn nhập thêm chất với nhiều nguyên nhân như: Cơ thể đã đủ chất – nếu thêm dư sẽ làm ung thư phát triển hơn, hoặc cơ quan tiêu hóa, bài tiết đã suy – khó tiêu hóa... Đối với người già hoặc người bệnh thường hay có tâm lý thèm các món ăn, trái cây hồi còn khỏe mạnh thấy ngon miệng. Tuy nhiên, khi ăn sẽ thấy không ngon như hồi xưa nữa, chỉ vài ba miếng là không muốn ăn tiếp. Khi một người bệnh ung thư thèm ăn món gì, hãy chiều nguyện vọng của họ.

Để khắc phục hiện tượng chán ăn, bản thân người bệnh phải ráng ăn. Không ăn được nhiều một lúc thì chia ra làm nhiều bữa nhỏ với thay đổi các loại thực phẩm và hình thức món ăn để chống nhàm chán trong ăn uống. Người bác sĩ phải tìm ra nguyên nhân chủ yếu gây chán ăn, có thể cho bệnh nhân dùng thêm thuốc để tăng cường tiêu hóa và tăng cảm giác ngon miệng. Nhưng quan trọng nhất là hướng dẫn bệnh nhân sinh hoạt cho đúng để cơ thể tăng nhu cầu về chất, đòi hỏi được ăn uống thêm một cách tự nhiên mà không dư chất trong cơ thể.

Bồi dưỡng thể chất để chiến thắng bệnh ung thư7

Ăn không ngon miệng thường gặp ở bệnh nhân ung thư 

Ăn chay, ăn mặn

Ăn kiểu gì cũng được, miễn là tuân thủ nguyên tắc ăn đủ chất và lượng. Ăn chay dễ bị thiếu chất, ăn mặn dễ bị dư chất. Không nên bắt người không quen ăn chay phải chuyển qua ăn chay và cũng không nên bắt người quen ăn chay phải ăn mặn.

Ăn chay giúp khắc phục được tình trạng dư thừa chất do đó có vẻ như là món ăn tốt cho sức khỏe hơn so với ăn mặn. Ăn chay muốn không bị thiếu chất, bữa ăn phải phong phú chủng loại rau xanh, đậu, nấm, củ, quả… thật ra là đắt hơn ăn mặn và việc chuẩn bị tốn thời gian hơn.

Tránh xu hướng sợ bệnh mà kiêng khem quá đáng

Sợ bệnh tim mạch nên không dám ăn dầu mỡ làm cơ thể thiếu hụt vitamin A, D, E, K gây ra đủ thứ rối loạn trong cơ thể. Giảm cholesterol trong máu sẽ thiếu hormone sinh dục của cơ thể gây hàng loạt hệ quả tiêu cực khác. Sợ bệnh tiểu đường không dám ăn một tí đường nào cũng cực kỳ sai lầm vì đường là nguyên liệu chính tạo năng lượng hoạt động của cơ thể. Sợ bị tội sát sanh không dám ăn thịt làm thiếu chất đạm trong cơ thể, làm trầm trọng teo yếu cơ. Sợ bột ngọt không dám đụng vào thức ăn có bột ngọt. Cần nhắc lại rằng, thứ gì cũng ăn được hết, miễn là đừng ăn quá nhiều.

Mỗi cá nhân, trong một số tình cảnh nào đó có thể phải kiêng cữ ăn uống một số chất ví dụ như rau xanh, đậu đũa, bưởi, nho… thường là rất ít so với những chất cần bồi bổ. Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để biết cần kiêng cữ những thứ gì, không nên kiêng cữ một cách thiếu hiểu biết.

Bổ sung dinh dưỡng khi cần

Hiện nay, từ thành tựu dinh dưỡng cho các phi hành gia, trên thị trường có những sản phẩm dinh dưỡng cao cấp như những viên kẹo nhưng cung cấp đủ dinh dưỡng và năng lượng như một ly sữa Ensure. Rất thuận tiện cho bệnh nhân bị cắt nhỏ dạ dày hoặc ăn uống quá kém.

Thực phẩm chức năng (TPCN)

TPCN chỉ nên coi là một món ăn như mọi món ăn bình thường khác, nhưng đắt tiền. Người bệnh có thể cân nhắc và tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng TPCN, hạn chế tự ý sử dụng.

Các chất kích thích và gây nghiện

Chất kích thích đặc biệt cấm ở trẻ nhỏ và nên loại bỏ ở người bình thường và người đang điều trị bệnh.

Bồi dưỡng thể chất để chiến thắng bệnh ung thư8 Chất kích thích đặc biệt cấm ở trẻ nhỏ và nên loại bỏ ở người bình thường và người đang điều trị bệnh

Thuốc bổ

Không để thiếu nhưng cũng không được lạm dụng các loại thuốc bổ, vì làm dư thừa vitamin và muối khoáng cũng gây rối loạn cơ thể.

Không tra tấn người bệnh bằng việc ăn uống

Lưu ý an toàn trong việc ăn uống. Bên cạnh đó, phải thận trọng khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng nuốt sặc. Những món ăn bồi bổ có thuốc bắc thì phải thận trọng, dễ bị ngộ độc bởi thần sa, chu sa. Đã có những trường hợp bà mẹ chuẩn bị đồ ăn cho con làm con bị chấn thương, bỏng nặng.

Truyền máu khi cần

Bệnh nhân ung thư bị thiếu máu nặng do chảy máu và ăn uống quá kém sẽ rất mệt mỏi và phù nề. Chỉ định truyền máu là cách bồi dưỡng cho kết quả nhanh và hiệu quả cao. Người bệnh ung thư thiếu máu sẽ giảm oxygen cung cấp dinh dưỡng đến mô, làm bướu giảm nhạy điều trị hóa và xạ trị, chậm lành vết mổ. Thiếu bạch cầu sẽ giảm sức kháng bướu. Điều trị thiếu máu trước, trong và sau khi điều trị ung thư là một vấn đề chuyên môn rất hay.

Cuối cùng, xin nhấn mạnh một lần nữa việc tăng cường bổ dưỡng trong khi đang điều trị ung thư là việc làm tối cần thiết. Bồi dưỡng khi phẫu thuật để lành vùng mổ. Bồi dưỡng khi hóa trị và xạ trị để làm tế bào ung thư tăng nhạy thuốc, nhạy tia – giúp hóa và xạ diệt được nhiều tế bào bướu.

Hoàng Yến

Nguồn tham khảo: yhoccongdong.com

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm