Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Các bước đọc X quang ngực cơ bản: Hướng dẫn và phân tích kết quả

Ngày 30/01/2024
Kích thước chữ

Bệnh nhân thực hiện chụp X quang ngực để tạo ra hình ảnh cụ thể các bộ phận trên cơ thể con người. Qua hình ảnh phim thu được, bác sĩ sẽ tiến hành phân tích, đọc kết quả và chẩn đoán bệnh lý mắc phải.

Chụp X quang được ứng dụng chủ yếu trong chẩn đoán các bệnh lý về xương và phổi con người. Đặc biệt là các bệnh có liên quan đến hô hấp. Đây là phương pháp xét nghiệm cận lâm sàng quan trọng. Kết quả bệnh sẽ được bác sĩ đọc dựa trên phim X quang được chụp trước đó. Vậy các bước đọc X quang ngực cơ bản là gì? Hãy theo dõi các thông tin được cung cấp trong bài viết này.

Giới thiệu khái quát về X quang ngực

Chụp X quang ngực là phương pháp kỹ thuật sử dụng chủ yếu để chẩn đoán và đánh giá tình trạng của ngực, thành phần và cấu trúc lân cận thông qua hình ảnh phim thu được. 

Kỹ thuật chụp phim này được ứng dụng nhiều trong y khoa. Dựa trên đó, các bác sĩ có thể phân tích, đánh giá và phát hiện các bất thường trong ngực. Sau đó, bác sĩ tiến hành đưa ra các chẩn đoán bệnh sơ bộ.

Bệnh nhân cần chụp X quang khi nào?

Nếu có các nghi ngờ mắc bệnh tim hoặc phổi, bác sĩ sẽ trao đổi với bệnh nhân về xét nghiệm chụp X quang. Dưới đây là một số dấu hiệu và triệu chứng cơ bản để chẩn đoán bệnh lý liên quan đến tim hoặc phổi:

  • Ho kéo dài;
  • Ho liên tục, ho ra máu;
  • Cảm thấy khó thở;
  • Sốt;
  • Đau nặng sau khi chấn thương (gãy xương và biến chứng phổi) hoặc do các bệnh lý về tim.
Các bước đọc X quang ngực cơ bản: Hướng dẫn và phân tích kết quả 2
Bệnh nhân có thể chụp X quang khi được bác sĩ chỉ định

Ngoài ra, bệnh nhân có thể thực hiện chụp X quang khi có các dấu hiệu của ung thư phổi và một số bệnh lý khác.

Phương pháp chụp X quang ngực phổ biến

Trong y khoa hiện nay, chụp X quang có 4 cách chủ yếu là chiếu, chụp thẳng, chụp nghiêng và chụp cắt lớp vi tính (C.T.Scanner). 

Phương pháp chiếu

Phương pháp chiếu được thực hiện ở không gian buồng tối hoặc trên máy tăng sáng truyền hình.

Về ưu điểm: Bác sĩ cần trao đổi và tương tác cùng bệnh nhân khi thực hiện khám. Bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân di chuyển người để thuận lợi quan sát các cử động của hô hấp, nhịp tim đập và di động vòm hoành. Đây là phương pháp chẩn đoán để xác định bệnh tràn dịch màng ngoài của tim.

Về nhược điểm: Hình ảnh có khả năng bị mờ và nguy cơ bỏ bỏ sót các tổn thương nhỏ ở phổi. 

Phương pháp chụp thẳng

Với phương pháp này, bệnh nhân sẽ phải chụp ở tư thế đứng theo chiều sau đến trước. Nếu gặp khó khăn khi đứng, bệnh nhân sẽ được thay đổi qua tư thế Fowler. Tuy nhiên, tư thế nằm không được khuyến khích do có thể gây khó khăn khi chẩn đoán tràn dịch hoặc tràn khí màng phổi.

Các bước đọc X quang ngực cơ bản: Hướng dẫn và phân tích kết quả 3
chụp X quang có 4 cách chủ yếu là chiếu, chụp thẳng, chụp nghiêng và chụp cắt lớp vi tính

Phương pháp chụp nghiêng

Chụp X quang tư thế nghiêng để thấy rõ các tổn thương nghi ngờ khi có dạng khối không thể xác định ở phim thẳng. Mục đích chủ yếu là phân ra vùng trung thất, định khu tổn thương vào thuỳ và phân thuỳ phổi. Khi có nghi ngờ ở bên nào, bác sĩ sẽ chụp cụ thể bên đó.

Phương pháp chụp cắt lớp vi tính (C.T.Scanner)

Phương pháp này được ứng dụng khi chụp phổi quy ước không thể xác định rõ ràng. Chụp cắt lớp vi tính có hiệu quả cao khi chẩn đoán u phổi, u trung thất và giãn phế quản.

Tổng hợp các bước đọc X quang ngực cơ bản

Trước khi bắt đầu đọc kết quả, bác sĩ cần thực hiện một số điều sau nhằm đảm bảo không xảy ra các sai sót:

  • Kiểm tra và xác nhận chính xác thông tin bệnh nhân và ngày thực hiện chụp X quang.
  • Tư thế chụp bệnh nhân: Chụp thẳng, chụp nghiêng, chụp chếch,...
  • Xem lại các đánh dấu trên phim.
  • Kiểm tra chất lượng của phim: Độ sáng tối, tư thế chụp, quá trình chuyển động và hít thở của bệnh nhân. 

Hướng dẫn đọc X quang

Kết quả hình ảnh X quang ngực bình thường dựa trên các đặc điểm dưới đây: 

Xương lồng ngực

Xương ức và xương cột sống ngực có thể không thấy được trên phim thẳng và thấy rõ trên phim nghiêng.

Xương sườn

Xác định cụ thể trên phim chụp thẳng, gồm:

  • Cung sau: Đi từ trên xuống dưới và từ trong ra ngoài.
  • Cung trước: Đi từ trên xuống dưới và từ ngoài vào trong. Phần sụn không cản quang nên không thể xác định được tổn thương.
  • Xương sườn số 11 và số 12 chỉ thấy được ở trên phim chụp tiết niệu.
Các bước đọc X quang ngực cơ bản: Hướng dẫn và phân tích kết quả 1
Bác sĩ sẽ kiểm tra ảnh chụp X quang của bệnh nhân và tiến hành đọc kết quả

Cơ và phần mềm thành ngực

  • Cơ ngực lớn và cơ ức đòn chũm.
  • Bóng vú và núm vú của phụ nữ.
  • Các bộ phận này chồng hình lên vùng nền và ngoại vi hai phế trường gây giảm độ sáng của phổi.

Nhu mô phổi và rốn phổi

Hai phế trường màu đen ở trên phim chụp chính là hình sáng.

Rốn phổi màu trắng được gọi là hình mờ. Nó xuất phát từ hai bên của bờ tim và có hình rễ cây. Động mạch phổi và các phế quản đã tạo thành rốn phổi. Rốn phổi trái cao hơn rốn phổi phải khoảng 1 - 2 cm. Rốn phổi đã chia nhánh nhỏ dần ra ngoại vi thành của vân phổi. Khi cách thành ngực khoảng 1cm, vân phổi sẽ không còn thấy rõ.

Bóng tim và trung thất

Nằm ở vị trí lệch trái và có đường kính ngang nhỏ hơn ½ đường kính ngang của lồng ngực.

Khí quản và phế quản gốc

  • Quan sát rõ được trên phim chụp điện áp cao.
  • Vòm hoành.
  • Vòm hoành phải sẽ cao hơn vòm hoành trái khoảng 1 - 2 cm. Phía dưới của vòm hoành trái là túi hơi dạ dày.

Phân chia phế trường và trung thất

Phân chia phế trường

Theo chiều ngang (Trên phim thẳng):

  • Vùng đỉnh: Bờ trên cung trước sườn 2 trở lên.
  • Vùng rốn: Bờ trên cung trước sườn 2 đến bờ trên cung trước sườn 4.
  • Vùng nền: Bờ trên cung trước sườn 4 đến vòm hoành.
Các bước đọc X quang ngực cơ bản: Hướng dẫn và phân tích kết quả 4
Chụp X quang ngực theo cách chụp thẳng

Theo chiều dọc (Trên phim thẳng):

  • Vùng trung tâm: Dọc theo điểm giữa của xương đòn trở vào.
  • Vùng ngoại vi : Dọc theo điểm giữa của xương đòn trở ra.

Theo các mốc giải phẫu X quang:

  • Vùng trên đòn;
  • Vùng dưới đòn;
  • Góc sườn hoành hai bên;
  • Góc tâm hoành hai bên;
  • Vùng rốn phổi.

Trên phim nghiêng:

  • Phổi được phân thành các thuỳ và phân thuỳ phổi. Phổi sẽ có 3 thùy là thuỳ trên, thùy giữa và thùy dưới. Phổi trái có 2 thuỳ là thùy trên và thùy dưới. Ở mỗi bên của phổi được phân chia thành 10 phân thuỳ.

Phân vùng trung thất

Bình diện thẳng:

  • Trung thất là hình mờ nằm ở giữa của hai trường phổi. Nó được giới hạn bởi phế mạc trung thất hai bên, phân thành 3 tầng (trên, giữa và dưới) bằng hai mặt phẳng qua bờ trên quai của động mạch chủ và bờ dưới ngã ba của khí phế quản.

Bình diện nghiêng: 

Phân chia dựa theo sơ đồ của Felson.

  • Trung thất trước: Từ mặt sau của xương ức tới bờ trước khí quản (bờ sau tim).
  • Trung thất giữa: Tiếp từ trung thất trước đến sau bờ trước của cột sống ngực khoảng 1cm.
  • Trung thất sau: Tiếp từ trung thất giữa đến hết máng sườn cột sống.

Trên đây là thông tin cơ bản về chụp X quang và các bước đọc X quang ngực cơ bản. Đây là phương pháp kỹ thuật hỗ trợ chẩn đoán bệnh vô cùng hiệu quả, an toàn với mức chi phí hợp lý. Do đó, khi được chỉ định chụp X quang, bệnh nhân cần phối hợp tốt với bác sĩ để tăng hiệu quả phát hiện và điều trị bệnh. 

Xem thêm: Chi tiết quy trình chụp X quang tràn khí màng phổi

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin