Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Các chỉ số và cách đọc kết quả đo chức năng hô hấp

Ngày 15/11/2024
Kích thước chữ

Đo chức năng hô hấp là gì? Khi nào cần thực hiện đo và cách đọc kết quả đo chức năng hô hấp như thế nào? Mời bạn đọc cùng tìm lời giải đáp trong bài viết dưới đây nhé!

Đo chức năng hô hấp là phương pháp được chỉ định để kiểm tra chức năng và tầm soát các bệnh lý liên quan đến hô hấp. Trong bài viết dưới đây, Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu về các chỉ số và cách đọc kết quả đo chức năng hô hấp. Khám phá ngay nhé!

Đo chức năng hô hấp là gì?

Phổi là cơ quan chính đảm nhận nhiệm vụ trao đổi khí, khuếch tán và thông khí trong cơ thể. Ngoài ba chức năng cốt lõi này, phổi còn tham gia vào các nhiệm vụ quan trọng khác như thanh thải máu, dự trữ máu, hỗ trợ các quá trình chuyển hóa và duy trì cân bằng kiềm toan. Đo chức năng hô hấp giúp thu thập các thông tin liên quan đến thể tích hô hấp (TV, IRV, ERV, RV,...), dung tích hô hấp (VC, FVC, IC,...) và các chỉ số lưu lượng thở (FEV1, PEF, FEF 25-75,...).

Các chỉ số và cách đọc kết quả đo chức năng hô hấp 3
Đo chức năng hô hấp được thực hiện thông qua thiết bị đo dòng khí khi hít vào và thở ra

Một số dạng rối loạn chức năng hô hấp thường gặp bao gồm:

  • Rối loạn thông khí hạn chế;
  • Rối loạn thông khí tắc nghẽn;
  • Rối loạn thông khí hỗn hợp.

Việc đo chức năng hô hấp được thực hiện thông qua thiết bị đo dòng khí khi hít vào và thở ra, từ đó tính toán các thông số cần thiết để đánh giá hoạt động của phổi. Phương pháp này thường được ứng dụng để chẩn đoán, theo dõi mức độ tiến triển và đánh giá mức độ nghiêm trọng của các bệnh lý đường hô hấp, đặc biệt với hội chứng hạn chế và hội chứng tắc nghẽn.

Đọc kết quả đo chức năng hô hấp thường được biểu thị dưới dạng các trị số và phần trăm, đồng thời được minh họa bằng đường cong lưu lượng thể tích. Đường cong này thể hiện mối quan hệ giữa lưu lượng khí và thể tích phổi qua hai trục bao gồm một trục biểu thị lưu lượng khí lưu thông và một trục biểu thị thể tích khí trong phổi.

Phương pháp đo chức năng hô hấp có quy trình thực hiện đơn giản, không gây đau đớn hay khó chịu cho bệnh nhân và hầu như không tiềm ẩn nguy cơ tai biến.

Quy trình thực hiện đo chức năng hô hấp

Chuẩn bị trước khi đo

Trước khi tiến hành đo chức năng hô hấp, bệnh nhân cần cần tuân thủ một số lưu ý sau để đảm bảo cho kết quả chính xác:

  • Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái để tránh gây cản trở quá trình hô hấp.
  • Tránh ăn uống quá no trong vòng 2 giờ trước khi đo.
  • Ngưng sử dụng thuốc giãn phế quản trước 12 giờ đối với thuốc dạng uống và trước 8 giờ với thuốc dạng hít, đặc biệt với những trường hợp đo lần đầu.
  • Không vận động mạnh trong vòng 30 phút trước khi thực hiện.
  • Kiêng rượu bia, chất kích thích trong khoảng 4 giờ và không hút thuốc lá.
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ về những loại thuốc cần ngừng trước khi tiến hành đo.
  • Lắng nghe hướng dẫn từ nhân viên y tế và cung cấp đầy đủ thông tin về tình trạng sức khỏe của bản thân.

Quy trình đo chức năng hô hấp

Trước khi tiến hành, bác sĩ sẽ kiểm tra tổng quát tình trạng sức khỏe của người bệnh. Quy trình sử dụng phế dung kế – thiết bị đo lưu lượng khí và dung tích phổi – được thực hiện qua các bước cơ bản:

  • Bước 1: Người bệnh ngồi thẳng lưng trên ghế, bác sĩ có thể sử dụng kẹp mũi hoặc yêu cầu bệnh nhân tự bịt mũi để tránh thất thoát không khí.
  • Bước 2: Người bệnh hít một hơi thật sâu để phổi được lấp đầy không khí.
  • Bước 3: Thở ra mạnh và nhanh qua ống ngậm kết nối với máy trong vòng 6 - 10 giây. Đối với trẻ nhỏ, thời gian này có thể rút ngắn xuống còn khoảng 3 giây. Động tác này thường được lặp lại ít nhất 3 lần để đảm bảo tính chính xác của kết quả.
Các chỉ số và cách đọc kết quả đo chức năng hô hấp 2
Bác sĩ sẽ kiểm tra tổng quát sức khỏe của người bệnh trước khi đo chức năng hô hấp

Sau khi đo xong, bác sĩ sẽ chọn giá trị cao nhất trong các lần đo để làm kết quả cuối cùng. Toàn bộ quy trình thường kéo dài từ 15 - 30 phút.

Theo dõi sau khi đo

Ngoài các bước trên, điều dưỡng sẽ yêu cầu người bệnh hít thuốc giãn phế quản trong một số trường hợp. Sau 15 phút, quá trình đo sẽ được lặp lại nhằm so sánh hai kết quả để đánh giá hiệu quả của thuốc đối với chức năng hô hấp. Dựa trên kết quả này, bác sĩ sẽ đưa ra quyết định về việc có nên sử dụng thuốc giãn phế quản trong phác đồ điều trị hay không.

Các chỉ số và cách đọc kết quả đo chức năng hô hấp

Khi đọc kết quả đo chức năng hô hấp sẽ bao gồm nhiều chỉ số khác nhau, mỗi chỉ số mang ý nghĩa cụ thể trong việc đánh giá chức năng của phổi:

  • FEV1: Thể tích khí mà thở ra trong 1 giây đầu tiên. Đây là chỉ số quan trọng nhất để đánh giá chức năng phổi. Chỉ số bình thường nằm ở mức > 80%.
  • VC: Dung tích sống, thể hiện tổng lượng khí mà phổi có thể thở ra sau khi hít vào tối đa. Giá trị bình thường của VC là > 80%.
  • FVC: Dung tích sống gắng sức, chỉ lượng khí tối đa mà người bệnh có thể thở ra khi thực hiện động tác thở mạnh và nhanh. Chỉ số này cũng đạt mức bình thường khi đạt > 80%.
  • FEV1/VC: Còn gọi là chỉ số Tiffeneau, dùng để đánh giá mức độ tắc nghẽn đường thở. Giá trị bình thường > 70% hoặc cao hơn mức giới hạn thấp (LLN).
  • FEV1/FVC: Còn được biết đến với tên chỉ số Gaensler, mang ý nghĩa tương tự như FEV1/VC trong việc đánh giá chức năng thông khí. Giá trị FEV1/FVC bình thường > 70% hoặc cao hơn LLN.
  • FEF25-75: Biểu thị lưu lượng khí thở ra trong khoảng giữa của dung tích sống gắng sức. Giá trị bình thường thường > 60%.
  • PEF: Lưu lượng thở ra đỉnh, thể hiện tốc độ cao nhất mà người bệnh có thể thở ra. Chỉ số này được coi là bình thường khi > 80%.
  • MVV: Thông khí phút, phản ánh khả năng hô hấp tối đa trong một phút. Giá trị MVV bình thường  > 60%.
  • TLC: Dung tích phổi toàn phần, thể hiện tổng thể tích khí trong phổi khi hít vào sâu nhất. Chỉ số bình thường > 80%.
Các chỉ số và cách đọc kết quả đo chức năng hô hấp 1
Kết quả đo chức năng hô hấp sẽ bao gồm nhiều chỉ số khác nhau

Những chỉ số này đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ bác sĩ xác định tình trạng chức năng hô hấp, chẩn đoán các vấn đề về rối loạn thông khí hoặc tắc nghẽn đường thở, đồng thời đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh lý hô hấp. Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn biết hiểu hơn về cách đọc kết quả đo chức năng hô hấp nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin