Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Các loại rau tiền đạo thường gặp ở bà bầu và dấu hiệu nhận biết bị rau tiền đạo

Ngày 30/01/2023
Kích thước chữ

Rau tiền đạo là hiện tượng rau thai nằm ở vị trí thấp của tử cung và làm chèn mất một phần hoặc toàn bộ tử cung, gây cản trở đường ra của thai nhi trong khi chuyển dạ. Vậy các loại rau tiền đạo thường gặp ở bà bầu là gì? Dấu hiệu nhận biết bị rau tiền đạo như thế nào?

Rau tiền đạo là một trong những biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng của cả mẹ và bé. Dưới đây Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu về các loại rau tiền đạo thường gặp ở bà bầu và dấu hiệu nhận biết rau tiền đạo để được điều trị kịp thời. Hãy theo dõi đến cuối bài viết nhé!

Các loại rau tiền đạo thường gặp ở bà bầu. Dấu hiệu nhận biết bị rau tiền đạo là gì? 1 Các loại rau tiền đạo thường gặp ở bà bầu là gì?

Các loại rau tiền đạo thường gặp ở bà bầu

Trong suốt thời kỳ mang thai, rau thai (hay còn gọi là nhau thai) là bộ phận trao đổi, cung cấp dưỡng chất duy nhất giữa mẹ và thai nhi. Rau thai được hình thành từ rất sớm, bám vào mặt trước, mặt sau hoặc phía trên thành tử cung, bên trái hoặc bên phải tử cung. Bánh rau tồn tại song song cùng với sự phát triển của thai nhi cho đến khi chuyển dạ và ra khỏi tử cung của thai phụ sau khi trẻ sơ sinh chào đời.

Tuy nhiên, vì một nguyên nhân nào đó mà một phần hoặc toàn bộ rau thai bám vào đoạn dưới tử cung và cổ tử cung, gây xuất huyết tử cung, cản trở đường ra của thai nhi trong quá trình chuyển dạ. Hiện tượng đó gọi là rau tiền đạo và tỷ lệ mắc phải là 1/200 trường hợp phụ nữ mang thai. Vậy các loại rau tiền đạo thường gặp ở bầu là gì?

Dựa vào vị trí bám của bánh rau mà rau tiền đạo được chia thành 4 loại:

  • Rau tiền đạo bám thấp: Bánh rau bám thân tử cung, một phần nhỏ bám ở đoạn dưới tử cung nhưng chưa đến cổ tử cung.
  • Rau tiền đạo bám mép: Bờ bánh rau bám đến lỗ trong cổ tử cung nhưng chưa che lấp cổ tử cung.
  • Rau tiền đạo bán trung tâm: Bánh rau bám đến cổ tử cung và che kín một phần lỗ trong cổ tử cung.
  • Rau tiền đạo trung tâm: Bánh rau che kín toàn bộ lỗ trong cổ tử cung.
Các loại rau tiền đạo thường gặp ở bà bầu. Dấu hiệu nhận biết bị rau tiền đạo là gì? 2 Rau tiền đạo gây cản trở đường ra của thai nhi khi trong quá trình chuyển dạ

Dấu hiệu nhận biết bị rau tiền đạo là gì?

Các dấu hiệu của rau tiền đạo là khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng lâm sàng và mức độ bệnh nặng hay nhẹ. Nhìn chung, thai phụ có thể sớm nhận biết rau tiền đạo qua các triệu chứng sau:

  • Xuất huyết âm đạo bất thường: Trong thai kỳ, nhất là ở thời điểm 3 tháng cuối, thai phụ đột ngột bị xuất huyết âm đạo không rõ nguyên nhân (máu có màu đỏ tươi hoặc có lẫn cục) nhưng không kèm theo đau bụng. 
  • Lượng máu tăng dần: Tình trạng xuất huyết âm đạo có thể từ mức độ nhẹ đến nặng. Lượng máu chảy ra trong những lần đầu thường ít hơn và tăng dần trong những lần xuất huyết âm đạo tái phát tiếp theo.
  • Dễ bị xuất huyết khi vận động: Khi thai phụ đi lại, vận động nhiều, làm việc nặng hoặc có giao hợp… thì nguy cơ xuất huyết âm đạo càng cao.

Ngoài ra, có một vài trường hợp thai phụ bị chảy máu âm đạo bất thường có kèm theo cơn cơ thắt tử cung. Điều này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của thai phụ và thai nhi. Do đó, nếu mẹ bầu có dấu hiệu bị rau tiền đạo, hãy đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời để tránh nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. 

Hiện nay, với sự phát triển của kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, dấu hiệu bị rau tiền đạo ở bà bầu có thể được phát hiện sớm nhờ phương pháp siêu âm ngay cả khi chưa có dấu hiệu lâm sàng. 

Các loại rau tiền đạo thường gặp ở bà bầu. Dấu hiệu nhận biết bị rau tiền đạo là gì? 3 Xuất huyết âm đạo ở thai phụ là một dấu hiệu sớm nhất của rau tiền đạo

Nguyên nhân gây ra hiện tượng rau tiền đạo 

Hiện nay, nguyên nhân gây ra hiện tượng rau tiền đạo vẫn chưa xác định rõ ràng. Theo các một số bác sĩ chuyên khoa, bánh rau có thể bám vào bất kỳ vị trí nào mà phôi thai làm tổ trong lòng tử cung. Nghĩa là, nếu phôi thai làm tổ tại phần dưới của tử cung thì rau thai sẽ phát triển tại vị trí này và không di chuyển lên phía trên trong cả thai kỳ, từ đó dẫn đến hiện tượng rau tiền đạo.

Bên cạnh đó, có một số yếu tố sẽ làm tăng nguy cơ gặp phải hiện tượng rau tiền đạo như:

  • Có tiền sử rau tiền đạo ở những lần mang thai trước.
  • Có tiền sử phẫu thuật tử cung lấy thai.
  • Phụ nữ trải qua nhiều lần sinh nở.
  • Phụ nữ mang thai trên 35 tuổi.
  • Tử cung có hình dạng bất thường.
  • Có tiền sử sảy thai hoặc nạo phá thai nhiều lần trước.
  • Bị viêm nhiễm tử cung trước và trong khi mang thai.
  • Phụ nữ mang song thai, đa thai hoặc bánh rau lớn sẽ có nguy cơ mắc rau tiền đạo cao.
  • Có tiền sử kiểm soát tử cung khi sinh đẻ hoặc bóc rau nhân tạo.
  • Phụ nữ có lối sống không lành mạnh, thường xuyên sử dụng các chất kích thích như hút thuốc, uống rượu bia…
Các loại rau tiền đạo thường gặp ở bà bầu. Dấu hiệu nhận biết bị rau tiền đạo là gì? 4 Phụ nữ thường xuyên hút thuốc lá có nguy cơ bị rau tiền đạo khi mang thai

Bị rau tiền đạo có nguy hiểm không?

Tình trạng rau tiền đạo nếu không được phát hiện sớm và can thiệp điều trị kịp thời, có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là nguy hại đến tính mạng của cả mẹ và thai nhi. Cụ thể như sau:

Đối với thai phụ

Tình trạng xuất huyết âm đạo liên tục, tái đi tái lại nhiều lần và kéo dài trong thai kỳ có thể khiến cho thai phụ bị thiếu máu, dễ sinh non, thậm chí là sốc mất máu đe dọa đến tính mạng.

Mặt khác, trong trường hợp thai phụ bị rau tiền đạo bán trung tâm hoặc trung tâm, sau khi sinh thì bánh rau sẽ được bóc tách và làm cổ tử cung bị hở, tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi sinh trùng có hại xâm nhập vào tử cung gây nhiễm trùng. Vì thế, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của người phụ nữ trong những lần mang thai sau đó.

Cũng có nhiều trường hợp, thai phụ bắt buộc phải cắt bỏ tử cung do bánh rau bám chặt vào cơ tử cung, không thể tách chúng ra khỏi lớp niêm mạc. Do đó, họ không còn khả năng mang thai lần nữa. 

Đối với thai nhi

Khi thai phụ bị thiếu máu, thai nhi có nguy cơ bị suy dinh dưỡng, không đủ chất nuôi dưỡng dễ dẫn đến suy thai. 

Trong trường hợp, thai phụ bị xuất huyết nghiêm trọng và có chỉ định phải phẫu thuật lấy thai khẩn cấp để cứu cả 2 mẹ con. Nếu thai nhi chưa đủ tuần tuổi, sẽ bị sinh non và có thể bị suy hô hấp ngày sau sinh nếu không được can thiệp kịp thời. 

Mặt khác, nếu bánh rau vào phần đáy của tử cũng sẽ khiến cho thai nhi gặp khó khăn khi xoay đầu xuống và gây bất lợi cho đường ra của thai nhi khi chuyển dạ. Thai phụ có nguy cơ cao phải sinh ngôi thai ngược (ngôi mông hoặc ngôi ngang).

Các loại rau tiền đạo thường gặp ở bà bầu. Dấu hiệu nhận biết bị rau tiền đạo là gì? 5 Rau tiền đạo có thể khiến mẹ bầu sinh non

Tóm lại, dựa vào vị trí bánh rau mà rau tiền đạo được chia thành 4 loại, trong đó rau tiền đạo trung tâm là một trong các loại rau tiền đạo thường gặp ở bà bầu gây nguy hiểm nhất do bánh rau che hoàn toàn cổ tử cung. Nếu mẹ bầu bị rau tiền đạo mà không được phát hiện và điều trị kịp thời, có gây ra các biến chứng nghiêm trọng cho cả hai mẹ con. Do đó, hãy đến cơ sở y tế nếu có dấu hiệu bị rau tiền đạo mẹ nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Vinmec

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin