Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Cách đọc kết quả chạy máy monitor theo từng loại

Ngày 15/04/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Máy monitor theo dõi bệnh nhân đóng vai trò thiết yếu trong lĩnh vực y tế, đặc biệt tại các bệnh viện, phòng mổ và khoa cấp cứu. Thiết bị này cung cấp cho bác sĩ thông tin chi tiết về các chỉ số sức khỏe quan trọng của bệnh nhân, giúp họ theo dõi và đánh giá tình trạng bệnh một cách hiệu quả. Vậy cách đọc kết quả chạy máy monitor cụ thể như thế nào? Mời các bạn cùng theo dõi qua bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu nhé!

Theo dõi nhịp tim của thai nhi và ghi lại các cơn gò bằng máy monitor đóng vai trò vô cùng quan trọng. Điều này giúp đánh giá sức khỏe của thai nhi, phát hiện sớm tình trạng suy thai, và nhận biết những dấu hiệu bất thường trong cơn gò, giúp các bác sĩ có thể can thiệp kịp thời và chính xác để đảm bảo an toàn cho cả thai phụ và thai nhi. Cụ thể cách đọc kết quả chạy máy monitor như thế nào? Dưới đây sẽ là các thông tin tham khảo của chúng tôi.

Ý nghĩa của các thông số trên monitor để theo dõi bệnh nhân

Máy monitor là thiết bị y tế quan trọng được sử dụng để theo dõi các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân, giúp phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe và hỗ trợ trong quá trình điều trị. Dưới đây là giải thích chi tiết về ý nghĩa của các thông số thường gặp trên màn hình monitor:

  • SpO2 là một chỉ số quan trọng nhất được máy monitor theo dõi bệnh nhân sử dụng để đo lường nồng độ oxy hòa tan trong máu, thường biểu thị dưới dạng phần trăm từ 0 đến 100%. Đối với những người khỏe mạnh, SpO2 thường dao động từ 95 đến 100%.
  • ECG là chỉ số đo điện tim (Điện tâm đồ), thường là loại 3 kênh hoặc 5 kênh được gắn vào ngực của bệnh nhân.
  • IBP đo huyết áp xâm lấn (đo trực tiếp từ động mạch), trong khi NiBP đo huyết áp không xâm lấn bằng cách quấn bao đo đo huyết áp ở bắp tay.
  • Nhịp tim và nhịp thở được tính bằng số lần/phút.
  • EtCO2 là chỉ số quan trọng, thường là tùy chọn có giá đắt của các máy monitor theo dõi bệnh nhân. Nó đo áp lực hoặc nồng độ khí cacbonic vào cuối kỳ thở ra của bệnh nhân, đo bằng phương pháp không xâm nhập.
Cách đọc kết quả chạy máy monitor 1
Một vài thông số trên máy monitor

Cách đọc kết quả chạy máy monitor theo từng loại

Hiện nay, có nhiều loại máy monitor khác nhau trên thị trường, cách đọc kết quả chạy máy monitor cũng khác nhau. Do đó, dưới đây chúng tôi sẽ cung cấp hướng dẫn chi tiết cho bạn về cách đọc kết quả từ mỗi loại máy monitor:

Cách đọc kết quả chạy máy monitor ở dạng số

Khi đọc kết quả từ máy monitor, bạn sẽ thường gặp các chỉ số quan trọng sau:

  • Nhịp tim (HR): Thường được hiển thị ở phía trên cùng của màn hình với màu xanh lục và được ghi là "HR" hoặc "PR" (Nhịp tim). Mức nhịp tim bình thường của người trưởng thành là từ 60-100 nhịp/phút khi nghỉ ngơi.
  • Huyết áp (HA): Thường được hiển thị dưới dạng "SYST" hoặc "SYS" cho tâm thu hoặc tâm trương. Huyết áp trung bình của người bình thường là 120/80.
  • Độ bão hòa oxy (SpO2): Thường được hiển thị trong khung số "SpO2", đo lường lượng oxy trong máu của bệnh nhân. Mức độ bão hòa O2 bình thường là 95% hoặc cao hơn.
  • Tốc độ hô hấp (RR): Thường được hiển thị trong khung "RR" trên màn hình monitor. Được báo cáo bằng số nhịp thở mỗi phút, với mức bình thường từ 12-20 nhịp/phút. Tuy nhiên, con số này có thể không chính xác 100%, đặc biệt khi bệnh nhân thở nhanh hoặc chậm.

Cách đọc kết quả chạy máy monitor ở dạng sóng

Đọc chỉ số điện tâm đồ (ECG) là một kỹ năng quan trọng, đặc biệt trong việc hướng dẫn hồi sức cấp cứu hoặc quản lý rối loạn nhịp tim. Thông qua ECG, bạn có thể thu thập thông tin về hoạt động điện của tim và đánh giá chức năng của nó.

Cách đọc kết quả từ máy monitor dạng sóng ECG là một trong những phần quan trọng nhất. Máy monitor thông thường thường không theo dõi đầy đủ 12 đạo trình như các máy điện tâm đồ chuyên dụng, thay vào đó thường sử dụng 3 điện cực để theo dõi 7 đạo trình.

Dạng sóng SpO2 cung cấp thông tin về tuần hoàn máu và tưới máu ngoại vi. Mỗi đỉnh của dạng sóng SpO2 tương ứng với nhịp tim trên ECG trong cùng một khoảng thời gian, vì màu được oxy cung cấp được bơm ra từ tim theo từng nhịp.

Dạng sóng hô hấp (RESP) là một phần quan trọng giúp theo dõi vấn đề liên quan đến hô hấp, như ngưng thở hoặc khó thở.

Cách đọc kết quả chạy máy monitor 2
Bác sĩ cần hiểu cách đọc kết quả chạy máy monitor một cách chính xác

Theo dõi tim thai và độ cơn gò bằng máy monitor

Việc theo dõi tim thai và độ cơn gò bằng máy monitor là thủ thuật y tế quan trọng giúp đánh giá sức khỏe thai nhi và hỗ trợ bác sĩ đưa ra quyết định điều trị phù hợp. Quá trình này được thực hiện cả trước và trong khi chuyển dạ, giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.

Theo dõi trước chuyển dạ

Theo dõi trước khi chuyển dạ có thể thực hiện bằng việc đo nhịp tim và đo cơn gò trước khi chuyển dạ để đánh giá tình trạng thiếu oxy gây suy thai. Có hai phương pháp thử nghiệm theo dõi thai, bao gồm: Phương pháp không đả kích (theo dõi nhịp tim thai mà không cần kích thích cơn co tử cung) và phương pháp đả kích (theo dõi nhịp tim thai trong quá trình co tử cung).

Theo dõi trong chuyển dạ

Theo dõi nhịp tim thai và đo cơn gò trong quá trình chuyển dạ được khuyến nghị thực hiện cho tất cả sản phụ nếu có điều kiện, đặc biệt quan trọng đối với các trường hợp thai nghén có nguy cơ cao, bao gồm: Sản phụ mắc các bệnh liên quan đến thai nhi, có tuổi cao, có tiền sử bệnh sản khoa nặng nề, có dấu hiệu nghi ngờ về thai suy hoặc thai kém phát triển trong tử cung, rối loạn cơn co tử cung, có nguy cơ ối vỡ non hoặc ối vỡ sớm, chuyển dạ kéo dài hoặc có vết sẹo mổ trên tử cung.

Để chuẩn bị, cần có máy đo monitor sản khoa để ghi lại cả nhịp tim thai và cơn co tử cung. Sản phụ cần được giải thích về mục đích của việc theo dõi và cách thức thực hiện. Kỹ thuật thực hiện bao gồm việc đặt đầu dò để ghi lại cơn co tử cung và nhịp tim thai, sau đó ghi biểu đồ của cả hai trên máy. Thêm vào đó, cần ghi lại một số thông tin quan trọng về sản phụ trên băng giấy ghi của máy.

Sau khi thu thập dữ liệu, phân tích kết quả bao gồm: Tần số của nhịp tim thai, hình dạng cơ bản và mức độ dao động của nhịp tim và cách mà nhịp tim thay đổi khi có cơn co tử cung. Đối với cơn co tử cung, phân tích tần số, biên độ và trương lực cơ bản của chúng.

Cách đọc kết quả chạy máy monitor 3
Cần theo dõi tim thai trước và trong khi chuyển dạ

Cách đọc kết quả chạy máy monitor thai nhi

Một số cách đọc kết quả chạy máy monitor thai nhi như sau:

Đường biểu diễn tim thai bình thường

Đường biểu diễn tim thai là biểu đồ ghi lại nhịp tim thai theo thời gian, được theo dõi bằng máy monitor sản khoa. Đường biểu diễn tim thai bình thường cung cấp thông tin quan trọng về tình trạng sức khỏe thai nhi, giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường để có biện pháp xử trí kịp thời.

Biểu đồ của nhịp tim thai bình thường thường cho thấy nhịp tim cơ bản dao động từ 120 đến 150 nhịp/phút, với các nhịp tăng đôi khi xuất hiện một cách không đều. Đồng thời, độ dao động nội tại của nhịp tim thường dao động trong khoảng từ 5 đến 25 nhịp/phút và không có sự giảm đột ngột.

Biểu đồ của nhịp tim thai bất thường

Biểu đồ của nhịp tim thai bất thường có thể thể hiện những biểu hiện không bình thường như sau:

  • Đối với nhịp tim cơ bản: Khoảng nhịp tim cơ bản bình thường thường dao động từ 120 đến 150 nhịp/phút cho thai đủ tháng. Nếu nhịp tim vượt quá 150 nhịp/phút, được coi là nhịp tim nhanh. Khi nhịp tim cơ bản của thai nằm trong khoảng từ 100 đến 120 nhịp/phút, có thể gây nghi ngờ. Nếu nhịp tim cơ bản của thai bé hơn 100 nhịp/phút, có thể là dấu hiệu của một bệnh lý.
  • Đối với nhịp tim chậm: Nhịp tim chậm có thể phản ánh sự tăng huyết áp đột ngột, được kích hoạt bởi phản xạ của các receptor áp lực. Đồng thời, cũng có thể là dấu hiệu của thiếu oxy gây ảnh hưởng đến hoạt động của cơ tim hoặc các rối loạn về nhịp tim của thai nhi. Các nguyên nhân gây ra nhịp tim chậm có thể bao gồm: Mẹ sử dụng thuốc hạ huyết áp; mẹ gặp các vấn đề như tụt huyết áp, choáng, co giật, hoặc hạ thân nhiệt;...
  • Đối với nhịp tim nhanh: Nhịp tim nhanh được định nghĩa là khi nhịp tim cơ bản của thai nhi vượt qua mức 150 nhịp/phút. Khi nhịp tim nhanh xảy ra mà không có sự kèm theo của các nhịp tăng cùng với sự giảm hoặc mất điều chỉnh của dao động nội tại, hoặc nếu có nhịp giảm muộn, có thể là biểu hiện của một tình trạng nghiêm trọng về thiếu oxy cho thai nhi. Các nguyên nhân gây ra nhịp tim thai nhanh có thể bao gồm: Mẹ mắc các vấn đề như sốt, lo lắng, hoặc cường giáp; viêm màng ối; thai nhi bị thiếu máu, nhiễm virus hoặc nhiễm trùng;...

Các biểu đồ đặc thù khác

Các biểu đồ đặc thù khác bao gồm:

  • Dịch chuyển của đường biểu diễn tim thai cơ bản có thể diễn ra theo hướng lên trên hoặc xuống dưới trên biểu đồ. Dịch chuyển lên có thể do nhiễm trùng trong tử cung, thiếu oxy cho thai nhi (do chèn ép rốn), hoặc liên quan đến pH máu cuống rốn thấp trong giai đoạn 2 của chuyển dạ.
  • Đường cơ bản nhấp nhô: Đường biểu diễn nhịp tim chậm và nặng nề, thường xuất hiện trong trường hợp tắc nghẽn tuần hoàn dây rốn, nhau bong non, hoặc các biến chứng của mẹ như tụt huyết áp, choáng, co giật, vỡ tử cung, hoặc kích thích quá mức cơ tử cung. Trong một số trường hợp, việc xuất hiện đường cơ bản nhấp nhô trong khoảng thời gian mà nhịp tim thai bình thường cũng có thể phản ánh tổn thương thần kinh của thai nhi.
  • Đường cơ bản không rõ: Không thể xác định rõ được đường biểu diễn của nhịp tim cơ bản. Nguyên nhân có thể là do một loạt các nhịp tăng, sự biến đổi độ dao động nội tại, các nhịp giảm xuất hiện lần lượt, hoặc các rối loạn nhịp tim.

Nhịp tim tăng là biểu hiện của sự khỏe mạnh của thai nhi, cũng được gọi là đường biểu diễn tim thai có phản ứng tích cực.

Dao động nội tại của nhịp tim thai giảm đi trước khi thai chết. Một trong những biểu hiện lo lắng nhất trên đồ điện tâm đồ thai là sự phẳng của đường biểu diễn tim thai.

Các dạng nhịp tim giảm:

  • Nhịp giảm sớm: Thường xảy ra khi đầu thai nhi bị chèn ép vào tiểu khung trong mỗi cơn co tử cung, kích thích phản xạ thần kinh.
  • Nhịp giảm biến đổi: Thường là do chèn ép rốn, có thể là một phần hoặc toàn bộ rốn. Nhịp giảm biến đổi thường đi kèm với giảm dao động nội tại và nhịp tim thai nhanh tương đối. Nếu không thấy có nhịp tăng, thì thường là do thai nhi đang hít phân su.
  • Nhịp tim giảm muộn, cùng với việc giảm dao động nội tại và thiếu sự xuất hiện của nhịp tăng, là biểu hiện của một trạng thái thai nghiêm trọng.
Cách đọc kết quả chạy máy monitor 4
Người mẹ cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ khi thực hiện đo monitor

Qua bài viết trên là những chia sẻ về cách đọc kết quả chạy máy monitor của Nhà thuốc Long Châu. Việc thực hiện monitoring một cách chính xác và hiệu quả trong lĩnh vực sản khoa, kết hợp với việc sử dụng siêu âm và thăm khám lâm sàng, có thể giúp phát hiện kịp thời các bất thường trong hoạt động của tim thai và cơn co tử cung có thể xảy ra trong thai kỳ và quá trình chuyển dạ. Từ đó, các bác sĩ có thể chẩn đoán và xử trí các vấn đề liên quan đến sức khỏe của thai nhi và sản phụ một cách chính xác và kịp thời nhất.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm