Khớp gối là bộ phận quan trọng, quyết định trong việc vận động, di chuyển linh hoạt của chân. Khi bị cứng khớp gối, người bệnh thường gặp phải những cơn đau nhức kéo dài, ảnh hưởng không ít đến chất lượng cuộc sống.
Khớp gối khi xuất hiện triệu chứng đau nhức, căng cứng bất thường rất có thể liên quan đến các bệnh lý như viêm bao hoạt dịch khớp, hư hỏng sụn chêm hoặc khô khớp gối,... Khi này, ngoài việc sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, người bị cứng khớp gối cũng nên áp dụng thêm biện pháp giảm đau.
Nguyên nhân đau cứng khớp gối
Cứng khớp gối có thể là dấu hiệu của rất nhiều bệnh lý khác nhau liên quan đến khớp gối. Trước tiên, chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua về khớp gối cũng như cơ chế chấn thương của bộ phận này.
Khớp gối bao gồm có phần dưới của xương đùi và phần trên của xương chày và xương bánh chè tạo thành. Hai đầu của xương đùi và xương chày được bao bọc bởi một lớp sụn và dịch nhầy được sản sinh để bôi trơn lớp sụn này, tạo sự linh hoạt, giảm ma sát khi vận động. Khi lớp sụn hoặc dịch nhầy ở khớp gối tổn thương, tình trạng cứng khớp gối, đau nhức rất dễ xảy ra, gây cả trở trong sinh hoạt của bệnh nhân, đặc biệt là khi đi lại, đứng lên ngồi xuống.
Vậy nguyên nhân cứng, đau đầu gối là gì? Theo nhiều chuyên gia đầu ngành, tình trạng này có thể do những yếu tố như:
Chấn thương: Té ngã, chấn thương thể thao, chạy nhảy nhiều, vận động mạnh,... đều có thể khiến khớp gối tổn thương và đau nhức, khô cứng khớp gối. Nghiêm trọng hơn còn là tình trạng nứt, rách sụn chêm, dãn đứt dây chằng, vỡ mặt xương,...
Thoái hóa: Thoái hóa khớp gối dẫn đến cứng khớp gối là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất. Mỗi khi ngủ dậy sau khi nằm 1 tư thế quá lâu, người lớn tuổi cảm nhận thấy tình trạng khớp gối cứng, khó vận động,... là do tác động của tuổi tác khiến khớp dần khô, cứng và giảm tiết dịch khớp.
Viêm khớp: Một nguyên nhân nữa cũng thường gặp ở người bị cứng khớp gối là bệnh viêm khớp. Ngoài cảm giác đau cứng khớp gối, người bệnh có thể có thêm những triệu chứng khác như mệt mỏi, sụt cân nhanh chóng, ngủ kém, niêm mạc xanh nhợt,...
Bất động khớp: Sau một thời gian dài không vận động khớp gối, bạn cũng rất dễ gặp phải cứng khớp gối ở thời gian đầu tập đi lại. Hiện tượng này thường xảy ra ở người bó bột lâu ngày, người cứng khớp gối sau phẫu thuật hoặc co rút dây chằng, bao khớp,...
Điều trị cứng khớp gối như thế nào?
Phương pháp điều trị cứng khớp gối hiệu quả cần xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh và thăm khám chuyên khoa của bác sĩ. Những cách chữa cứng khớp gối thường dùng gồm có:
Vật lý trị liệu kết hợp với việc tập luyện thường ngày đem lại hiệu quả cao trong việc phục hồi khả năng vận động linh hoạt của khớp gối.
Nếu những phương pháp nêu trên không đạt hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để giải phóng khớp gối.
Bên cạnh đó, trong quá trình điều trị tích cực theo chỉ dẫn của bác sĩ, bệnh nhân bị cứng khớp gối cũng cần rèn luyện thường xuyên tại nhà bằng cách tập luyện thể thao vừa sức, có lợi cho hệ thống xương khớp như đạp xe đạp, bơi lội, chạy bộ tốc độ chậm,... Những cách thức tập luyện khác nhau kích thích được khớp gối di chuyển nhiều hơn, từ đó tăng sự mềm dẻo, linh hoạt của khớp gối.
Cứng khớp gối còn là triệu chứng của tràn dịch khớp gối. Do đó, chế độ ăn uống chữa tràn dịch khớp gối cũng đóng vai trò rất quan trọng. Người bệnh nên bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng, ăn đầy đủ các nhóm chất và hạn chế thức ăn chứa nhiều chất béo, cholesterol, đường, chất kích thích, bia, rượu,... để bảo vệ cơ thể nói chung và xương khớp nói riêng. Kết hợp với một số mẹo chữa tràn dịch khớp gối dân gian như chữa tràn dịch khớp gối bằng ngải cứu, nghệ,...
Bài tập giảm đau cứng khớp gối
Như đã nói ở trên, tập luyện thể dục thể thao thường xuyên giúp ích rất nhiều cho khớp gối và xương khớp. Người bị cứng khớp gối cũng nên tập luyện vừa sức, duy trì thói quen tập luyện, hỗ trợ giảm đau nhức và tăng tốc độ phục hồi khớp gối bị chấn thương. Một số bài tập giúp giảm các cơn đau do cứng khớp gối mang lại bạn nên thử như:
Động tác kéo dài gót chân và bắp chân
Bài tập này không những cải thiện tình trạng đau cứng khớp gối mà còn có tác dụng tốt với các khối cơ ở chi dưới, đặc biệt là cơ bắp chân, tăng sự dẻo dai và khả năng chịu lực của cơ. Thao tác thực hiện như sau:
Đứng đối diện bức tường phẳng.
Bạn đặt 1 tay lên tường, tay giữ thẳng và đưa 1 chân ra phía sau xa nhất có thể. Lưu ý ngón chân trên cả 2 bàn chân phải hướng về phía trước, gót chân thẳng và lưng thẳng.
Nhún chân trước, từ từ đưa cơ thể gần vào tường, khuỷu tay hơi khụy và giữ trong 20 - 30 giây.
Từ từ về lại vị trí ban đầu và lặp lại với bên chân còn lại. Bạn nên thực hiện đều đặn cả 2 chân trong 3 hoặc 4 lượt động tác.
Bài tập giảm đau cứng khớp gối - Duỗi cơ tứ đầu
Thêm một động tác tập luyện đơn giản nhưng có hiệu quả rất cao trong việc ngăn ngừa cơn đau nhức do cứng khớp gối là động tác duỗi cơ tứ đầu. Bài tập này tác động mạnh đến phần cơ tứ đầu cũng như khối cơ đùi trước một cách hiệu quả, từ đó cải thiện tần suất đau nhức và tăng sức mạnh cho đôi chân.
Bạn bắt đầu ở tư thế đứng cạnh tường, có thể sử dụng ghế để hỗ trợ thực hiện đơn giản hơn, chân rộng bằng vai.
Cong 1 bên đầu gối lên và để bàn chân đi về phía mông.
Nhẹ nhàng nắm lấy mắt cá chân đang đưa lại gần và kéo về phía mông, khoảng cách càng gần thì cơ đùi trước càng được kéo căng và săn chắc.
Giữ tư thế này trong ít nhất 30 giây.
Quay lại vị trí ban đầu, thực hiện với chân còn lại và lặp lại mỗi bên chân 2 lần.
Bài tập giãn gân kheo có lợi cho người bị cứng khớp gối
Bạn bị cứng khớp gối và không biết làm cách nào để bệnh nhanh khỏi và khớp gối được linh hoạt, khỏe mạnh hơn? Vậy hãy thử tập ngay bài tập giãn gân kheo với các bước hướng dẫn dưới đây nhé.
Khi tập, bạn nên lót thảm dưới lưng để bảo vệ cột sống, hạn chế đau lưng sau tập.
Nằm xuống mặt sàn có trải thảm và duỗi thẳng 2 chân, nếu muốn thoải mái hơn, bạn cũng có thể cong nhẹ 2 đầu gối.
Nhấc 1 chân khỏi mặt sàn, đặt 2 tay sau đùi và kéo đầu gối về gần mặt đến khi cảm nhận độ căng của cơ đùi.
Tư thế nên duy trì trong 30 giây để đạt hiệu quả tốt nhất.
Hạ chân từ từ, thả lỏng và thực hiện với bên chân còn lại, mỗi bên làm 2 lần là được.
Mong rằng với những chia sẻ từ Nhà thuốc Long Châu trong bài viết trên đã giúp bạn biết thêm cách giảm đau nhức, khó chịu khi bị cứng khớp gối. Nếu có dấu hiệu khớp gối cứng, khô, kêu lọc cọc khi đứng lên, ngồi xuống hoặc đau nhức bất thường, bạn nên đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe và thực hiện điều trị chuyên sâu theo hướng dẫn của bác sĩ.
Hồng Nhung
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.