Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cách lấy sỏi amidan: Những lưu ý cần biết

Ngày 06/09/2024
Kích thước chữ

Sỏi amidan là một vấn đề phổ biến nhưng thường bị bỏ qua trong cuộc sống hàng ngày bởi chúng thường ít nguy hiểm, chỉ gây ra một số khó chịu như hơi thở có mùi hoặc cảm giác vướng víu trong cổ họng. Tuy nhiên, việc loại bỏ sỏi amidan không phải là điều khó khăn. Vậy có những cách lấy sỏi amidan nào?

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về những phương pháp hiệu quả và an toàn để loại bỏ sỏi amidan, giúp bạn lấy lại cảm giác thoải mái. Hãy cùng khám phá cách lấy sỏi amidan ngay trong bài viết này bạn nhé!

Tổng quan về sỏi amidan

Sỏi amidan là gì?

Amidan là một phần của hệ miễn dịch nằm ở vùng hầu họng, giúp ngăn chặn các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể. Cấu trúc của amidan bao gồm nhiều khe, kẽ nhỏ, giúp tăng diện tích tiếp xúc với môi trường xung quanh và đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ các chất thải từ quá trình chống lại vi khuẩn, virus.

Sỏi amidan là những khối vôi hóa có màu trắng hoặc vàng, thường xuất hiện trong các hốc của amidan. Do amidan có cấu trúc phức tạp với nhiều khe hở, thức ăn và các mảnh vụn dễ bị mắc kẹt tại đây, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và hình thành sỏi. Mặc dù không gây nguy hiểm nghiêm trọng, sỏi amidan có thể gây ra các triệu chứng như cảm giác vướng víu, hơi thở có mùi hôi. Bằng cách lấy sỏi amidan từ sớm sẽ giúp giảm bớt những khó chịu này.

cach-lay-soi-amidan-nhung-luu-y-can-biet 1
Sỏi amidan có thể làm cho hơi thở có mùi hôi khó chịu

Sỏi amidan do nguyên nhân nào gây ra?

Sỏi amidan thường xuất hiện khi thức ăn và dịch trong các hốc amidan tích tụ theo thời gian. Sự kết hợp với vi khuẩn trong miệng có thể dẫn đến việc hình thành các viên sỏi có kích thước khác nhau. 

Ngoài nguyên nhân chính này, một số yếu tố khác cũng góp phần vào sự hình thành sỏi amidan như:

  • Viêm xoang mãn tính có thể làm cho dịch nhầy từ xoang chảy xuống họng và mắc kẹt trong các hốc amidan. 
  • Viêm amidan mãn tính có thể gây sưng, cản trở việc di chuyển của thức ăn, dẫn đến tích tụ và hình thành sỏi khi kết hợp với vi khuẩn. 
  • Chế độ ăn uống giàu canxi có thể thúc đẩy quá trình hình thành sỏi.
  • Vệ sinh miệng không tốt tạo điều kiện cho thức ăn thừa bám lại và kết hợp với vi khuẩn. 
  • Dị ứng có thể dẫn đến việc tăng tiết dịch, góp phần vào sự hình thành sỏi.
  • Hút thuốc lá cũng được coi là một yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng xuất hiện sỏi amidan.

Sỏi amidan có ảnh hưởng đến sức khỏe không?

Mức độ nguy hiểm của sỏi amidan phụ thuộc vào kích thước của chúng. Nếu sỏi có kích thước nhỏ, việc xử lý thường không gây ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe. Tuy nhiên, khi sỏi phát triển lớn, nó có thể làm biến dạng amidan và ảnh hưởng đến chức năng của tai, mũi, họng.

Ngoài ra, sỏi amidan còn là nơi tập trung nhiều vi khuẩn, có thể dẫn đến viêm amidan và phát triển thành viêm amidan hốc mủ bã đậu, thậm chí gây ra tình trạng áp xe amidan.

cach-lay-soi-amidan-nhung-luu-y-can-biet 2
Sỏi amidan kích thước nhỏ thường không ảnh hưởng đến sức khoẻ

Cách lấy sỏi amidan

Có nhiều cách lấy sỏi amidan và việc lựa chọn cách lấy sỏi amidan phụ thuộc vào kích thước của sỏi, cũng như tình trạng sức khỏe cụ thể của người bệnh.

Cách lấy sỏi amidan tại nhà

Bạn có thể sử dụng một số phương pháp tại nhà với nguyên liệu dễ tìm để xử lý sỏi amidan, đặc biệt khi sỏi có kích thước nhỏ và mới hình thành. Những phương pháp này thường dựa vào tính acid để làm mềm hoặc bào mòn sỏi:

  • Nước chanh: Pha loãng nước chanh và dùng để súc miệng hàng ngày, có thể thêm một chút muối để tăng hiệu quả sát trùng. Acid citric trong chanh có khả năng bào mòn sỏi amidan kết hợp với muối giúp hỗ trợ khử khuẩn.
  • Tỏi và nước muối: Mặc dù không loại bỏ sỏi amidan, việc ăn tỏi và súc miệng bằng nước muối có thể giúp khử khuẩn, cải thiện hơi thở. Đây là giải pháp tốt để giảm mùi hôi miệng liên quan đến sỏi amidan.
  • Sử dụng giấm táo: Hòa giấm táo với nước và súc miệng hàng ngày. Acid acetic trong giấm táo có tác dụng làm mòn sỏi, đồng thời có khả năng sát khuẩn và giảm viêm, giúp cải thiện tình trạng hơi thở có mùi do sỏi amidan.

Nếu sỏi nhỏ và dễ tiếp cận, bạn có thể thử các phương pháp loại bỏ sỏi như:

  • Tăm bông: Dùng gương và đèn để xác định vị trí của sỏi, sau đó sử dụng tăm bông để nhẹ nhàng lấy sỏi ra. Cẩn thận không tạo áp lực quá lớn để tránh làm sỏi bị đẩy sâu hơn.
  • Bàn chải đánh răng: Đối với sỏi khó lấy hơn, bạn có thể dùng bàn chải đánh răng với lông mềm để nhẹ nhàng cọ xát bề mặt amidan nhằm đưa sỏi ra ngoài.
  • Máy tăm nước: Áp lực nước từ máy tăm nước có thể giúp đẩy sỏi ra ngoài. Sử dụng chế độ vừa phải và hướng dòng nước vào vị trí có sỏi để loại bỏ nó.

Sau khi lấy sỏi, hãy nhớ súc miệng thật kỹ để làm sạch các mảnh vụn còn sót lại và duy trì vệ sinh miệng để ngăn ngừa sự hình thành của sỏi amidan. Lưu ý, nếu không thấy cải thiện sau 7 - 10 ngày, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để tìm phương pháp điều trị phù hợp hơn.

cach-lay-soi-amidan-nhung-luu-y-can-biet 3
Sử dụng tăm nước có thể giúp loại bỏ sỏi amidan nhỏ, mới hình thành

Các biện pháp y học giúp loại bỏ sỏi amidan

Khi sỏi amidan có kích thước lớn và kèm theo triệu chứng như sưng tấy, viêm đỏ, người bệnh nên ngay lập tức đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Dựa trên mức độ nghiêm trọng của tình trạng, bác sĩ có thể áp dụng các phương pháp điều trị sau:

  • Sử dụng kháng sinh: Để kiểm soát sự phát triển của sỏi amidan hoặc ngăn chặn nhiễm khuẩn và viêm amidan.
  • Sử dụng laser hoặc máy coblator: Nhằm mục đích loại bỏ các khu vực chứa sỏi trong amidan.
  • Các phương pháp can thiệp khác: Bao gồm việc sử dụng dụng cụ chuyên dụng để gắp sỏi hoặc thực hiện các thủ thuật như rạch amidan để loại bỏ sỏi.
  • Phẫu thuật cắt amidan: Được chỉ định khi sỏi amidan rất lớn và gây ra các triệu chứng đau đớn hoặc viêm nghiêm trọng, giúp giải quyết vấn đề triệt để.

Các biện pháp phòng ngừa sự hình thành của sỏi amidan

Với cách lấy sỏi amidan như đề cập ở trên có thể giúp loại bỏ sỏi amidan ngay thời điểm đó, tuy nhiên sỏi amidan vẫn có thể tái phát nếu gặp điều kiện thuận lợi. Để giảm nguy cơ này, người bệnh nên chú ý thực hiện những bước sau:

  • Vệ sinh răng miệng thường xuyên: Đánh răng và súc miệng ít nhất 2 - 3 lần mỗi ngày để ngăn ngừa tích tụ canxi, một yếu tố gây hình thành sỏi. Súc miệng bằng nước muối pha loãng có thể giúp ngăn ngừa sỏi amidan hiệu quả.
  • Uống đủ nước: Đặc biệt sau khi ăn, nước giúp rửa trôi các mảnh vụn thực phẩm còn sót lại trong cổ họng, làm giảm nguy cơ sỏi hình thành.
  • Bảo vệ hệ hô hấp: Hạn chế tiếp xúc với các nguồn bệnh và môi trường ô nhiễm, đồng thời thực hiện tiêm phòng vắc-xin đầy đủ để bảo vệ sức khỏe đường hô hấp.
  • Duy trì lối sống lành mạnh: Ăn uống cân đối và tập thể dục đều đặn giúp nâng cao sức đề kháng cơ thể.
  • Theo dõi sức khỏe: Nếu nhận thấy triệu chứng bất thường, cần tham khảo ý kiến bác sĩ ngay lập tức để được điều trị kịp thời. Sỏi amidan không tự biến mất và có thể gây thêm vấn đề nếu không được can thiệp sớm.
  • Khám sức khỏe định kỳ: Thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và xử lý kịp thời các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. 
cach-lay-soi-amidan-nhung-luu-y-can-biet 4
Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện và xử trí kịp thời

Cách lấy sỏi amidan đúng là rất quan trọng để giảm bớt khó chịu và ngăn ngừa tái phát. Dù chọn phương pháp tự chăm sóc tại nhà hay tìm kiếm sự can thiệp y tế, việc hiểu rõ các bước cần thiết và thực hiện chúng một cách chính xác sẽ giúp cải thiện tình trạng sức khỏe. Hy vọng bài viết đã đem đến cho bạn đọc nhiều kiến thức bổ ích.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin