Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cách nhận biết dấu hiệu thiếu đồng trong cơ thể

Ngày 27/10/2022
Kích thước chữ

Đồng là khoáng chất rất cần thiết cho sự phát triển của cơ thể. Thừa hay thiếu nguyên tố vi lượng này cũng đều gây ra những vấn đề về sức khỏe. Làm sao nhận biết cơ thể đang thiếu đồng? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn nhận diện các dấu hiệu thiếu đồng điển hình cùng cách bổ sung đồng hợp lý.

Khi cơ thể không cung cấp đủ đồng sẽ dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm vì khoáng chất đồng rất quan trọng với sức khỏe. Khi nhận thấy dấu hiệu thiếu đồng, bạn cần nhanh chóng bổ sung đúng cách với hàm lượng hợp lý để không gây hại cho cơ thể.

Công dụng của đồng đối với cơ thể con người

Chất khoáng là chất dinh dưỡng thiết yếu trong cơ thể, tham gia duy trì hoạt động sống, bảo vệ sức khỏe con người. Chất khoáng được chia thành hai loại là chất khoáng đa lượng (cơ thể cần số lượng lớn, tính bằng đơn vị gram trở lên như canxi, kali, natri, clo, photpho, magie) và chất khoáng vi lượng (hay được gọi là vi khoáng với đơn vị tính bằng miligam hoặc nhỏ hơn, như sắt, đồng, selen, kẽm, flo, crom, iot, mangan).

Cách nhận biết dấu hiệu thiếu đồng trong cơ thể 1 Nhận diện các dấu hiệu thiếu đồng điển hình để có cách bổ sung đồng hợp lý.

So với chất khoáng đa lượng, những chất khoáng vi lượng trong cơ thể chiếm tỉ lệ thấp hơn nhưng đều có vai trò quan trọng như nhau, đều có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe khi thiếu hụt. Mỗi chất trong nhóm chất khoáng vi lượng đều có chức năng và tác dụng riêng, bao gồm có đồng.

Dưới đây là những tác dụng của đồng đối với sức khỏe:

Đối với người lớn

Công dụng đầu tiên của đồng ở người trưởng thành là chống oxy hóa, ngăn ngừa ung thư. Có được tác dụng này vì đồng chính là một thành phần của enzyme superoxide dismutase.

Ngoài ra, đồng còn tham gia vào việc cấu tạo nên các tế bào hồng cầu, chuyển hóa sắt, chất béo, và là chất cần thiết cho sự hoạt động của hệ thần kinh.

Trong cơ thể, nếu quá ít đồng sẽ có nguy cơ giảm bạch cầu. Điều này có nghĩa là một người có lượng bạch cầu trung tính thấp sẽ có nhiều khả năng mắc bệnh truyền nhiễm.

Đối với trẻ em

Không chỉ cần thiết đối với người trưởng thành, đồng cũng là một trong chất khoáng vi lượng rất quan trọng cho sức khỏe của trẻ, giúp bảo vệ cơ tim và tăng cường khả năng miễn dịch. Bên cạnh đó, chất này còn tham gia vào việc tạo xương, răng vững chắc, khỏe mạnh. Trẻ thiếu hụt khoáng chất đồng có nguy cơ cao bị co giật và rối loạn thần kinh.

Cách nhận biết dấu hiệu thiếu đồng trong cơ thể 2 Đồng là một trong những chất khoáng vi lượng rất quan trọng cho sức khỏe của trẻ.

Đối với phụ nữ mang thai

Không riêng đồng, phụ nữ mang thai rất cần được bổ sung nhiều khoáng chất. Việc bổ sung vi chất đồng có tác dụng hỗ trợ phát triển mô và giúp chuyển hóa glucose trong cơ thể.

Bên cạnh đó, nếu người mẹ bổ sung đồng hợp lý, đúng cách sẽ giúp hệ tim mạch, xương, hệ thần kinh… của thai nhi phát triển tốt ngay từ trong bụng mẹ.

Dấu hiệu thiếu đồng

Cơ thể chúng ta không cần nhiều đồng mà chỉ với hàm lượng ít cũng đủ để duy trì hoạt động cơ thể, bảo vệ sức khỏe. Đó là lý do chúng ta có thể bổ sung chất này thông qua chế độ ăn uống cân bằng, khoa học hàng này là đủ. Trường hợp một người bị suy dinh dưỡng thì nguy cơ thiếu hụt khoáng chất đồng là rất cao.

Ngoài ra, những bệnh nhân gặp các rối loạn tiêu hóa nặng sẽ làm giảm khả năng hấp thụ đồng lẫn những khoáng chất khác. Chưa kể, khi cơ thể hấp thụ kẽm, sắt với một số lượng lớn cũng làm giảm lượng đồng trong cơ thể.

Dưới đây là hàm lượng đồng mà cơ thể cần tiêu thụ mỗi ngày theo độ tuổi là:

  • Bé từ 0 – 6 tháng: 200mcg/ngày;
  • Trẻ em từ 6 tháng – 14 tuổi: Từ 220 – 890mcg/ngày tùy theo độ tuổi chính xác;
  • Thanh thiếu niên từ 14 – 18 tuổi: 890mcg/ngày;
  • Người lớn: 900mcg/ngày;
  • Phụ nữ đang mang thai: 1.000mcg/ngày;
  • Phụ nữ đang cho con bú: 1.300mcg ngày.

Vậy làm sao biết cơ thể đang thiếu hụt đồng? Dưới đây là một số dấu hiệu thiếu hụt đồng phổ biến, bao gồm:

Cách nhận biết dấu hiệu thiếu đồng trong cơ thể 3 Mệt mỏi, suy nhược là những dấu hiệu thiếu đồng bạn cần lưu ý.

Mệt mỏi, suy nhược, dễ mắc bệnh

Mệt mỏi, suy nhược là những dấu hiệu thiếu đồng bạn cần lưu ý. Đồng có khả năng thúc đẩy quá trình hấp thụ sắt ở ruột nên khi đồng không đủ kéo theo việc hấp thụ sắt cũng ít hơn. 

Chúng ta đều biết, thiếu sắt sẽ dẫn đến thiếu máu, cơ thể không mang đủ oxy đến các mô nên cơ thể vì thế cũng trở nên yếu ớt và mệt mỏi hơn.

Thiếu hụt đồng cũng tác động đến mức năng lượng ATP khiến cơ thể không đủ năng lượng hoạt động, càng cảm thấy mệt mỏi hơn. Ngoài ra, hệ thống miễn dịch cũng bị ảnh hưởng khi hàm lượng đồng trong cơ thể thấp hơn nhu cầu, làm tăng khả năng chống lại nhiễm trùng của cơ thể.

Xương yếu và giòn

Một trong những dấu hiệu thiếu đồng là bạn gặp phải tình trạng xương yếu, giòn và dễ gãy hơn. Loãng xương gắn liền với tuổi tác, đồng thời cũng có sự liên quan đến việc thiếu hụt đồng.

Theo nghiên cứu, ở những người loãng xương thường có lượng đồng thấp hơn những người khỏe mạnh. Nguyên nhân là vì đồng tham gia vào quá trình tạo ra các liên kết chéo bên trong xương, giúp xương luôn chắc khỏe; đồng thời nó còn tạo ra các nguyên bào xương giúp sản sinh các tế bào xương, định hình và củng cố mô xương.

Ngoài ra, thiếu đồng cũng khiến bạn đi lại khó khăn hơn, do sự mất phối hợp và không ổn định giữa não và cơ thể, từ đó ảnh hưởng trong việc di chuyển, đi không vững.

Cách nhận biết dấu hiệu thiếu đồng trong cơ thể 4 Người loãng xương thường có lượng đồng thấp hơn những người khỏe mạnh.

Các vấn đề trí nhớ và học tập

Khi bạn nhận thấy việc học và ghi nhớ trở nên khó khăn hơn thì có thể đây chính là dấu hiệu thiếu đồng. Đồng có vai trò quan trọng trong chức năng và sự phát triển của não. Do đó, thiếu hụt đồng dễ dẫn đến các bệnh làm chậm sự phát triển của não hoặc ảnh hưởng đến khả năng học hỏi và ghi nhớ, chẳng hạn như bệnh Alzheimer

Cơ thể nhạy cảm với lạnh

Đối với những người bị thiếu đồng thường sẽ cảm thấy nhạy cảm hơn khi nhiệt độ lạnh. Đồng có khả năng duy trì chức năng tuyến giáp một cách tối ưu. Theo đó, khi đồng trong máu thấp, hormone tuyến giáp cũng sẽ giảm. Chức năng của tuyến giáp là điều chỉnh sự trao đổi chất và sản xuất nhiệt trong cơ thể nên nếu tuyến giáp hoạt động không hiệu quả sẽ khiến người bị thiếu đồng cảm thấy nhạy cảm với nhiệt độ lạnh.

Da nhợt nhạt

Sắc tố melanin quyết định màu da, do đó những người có làn da sáng hơn thường có ít sắc tố melanin hơn. Thiếu đồng có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất melanin, từ đó khiến da trông nhợt nhạt hơn.

Tóc bạc sớm

Cách nhận biết dấu hiệu thiếu đồng trong cơ thể 5 Thiếu đồng sẽ gây tác động đến việc hình thành melanin, khiến tóc bạc sớm hơn.

Sắc tố melanin không chỉ ảnh hưởng đến màu da mà còn đến màu tóc. Thiếu đồng sẽ gây tác động đến việc hình thành melanin, từ đó cũng khiến tóc bạc sớm hơn.

Mất thị lực

Tình trạng bị mất thị lực chỉ xảy ra khi cơ thể một người bị thiếu hụt đồng lâu dài.

Lưu ý là mất thị lực do thiếu đồng xảy ra phổ biến hơn ở những người đã tiến hành phẫu thuật đường tiêu hóa (chẳng hạn cắt bỏ dạ dày) do việc phẫu thuật đường tiêu hóa làm giảm khả năng hấp thụ đồng của cơ thể.

Tuy việc cơ thể thiếu đồng là rất hiếm xảy ra do chất này có thể được bổ sung từ chế độ ăn uống hàng ngày bằng những thực phẩm giàu đồng, nhưng khi phát hiện ra dấu hiệu thiếu đồng bạn cần nhanh chóng bổ sung. Nếu lo lắng về hàm lượng đồng trong cơ thể, bạn hãy liên hệ với các bác sĩ để được tư vấn và kiểm tra nồng độ đồng trong máu tốt nhất.

Nam Anh

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin