Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh/
  4. Kiến thức y khoa

Cách phòng tránh dị tật thai nhi mẹ bầu cần biết

Ngày 16/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Cách phòng tránh dị tật thai nhi là một vấn đề được nhiều gia đình quan tâm nhằm giúp đảm bảo sức khỏe và sự phát triển toàn diện cho thai nhi. Cùng với sự phát triển của khoa học y tế, ngày nay có nhiều biện pháp được đưa ra để giảm thiểu nguy cơ xuất hiện của các tình trạng bất thường trong thai kỳ như tiêm phòng vắc xin, giám định di truyền, bổ sung acid folic,...

Ngày nay, dị tật thai nhi có xu hướng ngày càng gia tăng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó, cách phòng tránh dị tật thai nhi đóng vai trò quan trọng, mang lại sự an tâm và hy vọng cho bà bầu cũng như gia đình. Hãy cùng tìm hiểu về những biện pháp phòng tránh dị tật thai nhi cùng các kiến thức cần thiết trong quá trình mang thai nhé.

Dị tật thai nhi là gì?

Dị tật thai nhi xảy ra khi em bé gặp các bất thường trong quá trình phát triển trong bụng mẹ. Các dị tật này có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận cơ thể khác nhau, bao gồm vùng mặt, vùng đầu, vùng bụng, hệ thần kinh, hệ xương và các chi, chẳng hạn như:

  • Hội chứng Down;
  • Sứt môi và hở hàm ếch;
  • Dị tật ống thần kinh thai nhi;
  • Dị tật tim bẩm sinh;
  • Dị tật hệ xương (cột sống, chân tay bị vẹo);
  • Dị tật nứt đốt sống;
  • Khuyết tật hậu môn.
cach-phong-tranh-di-tat-thai-nhi-me-bau-can-biet 1
Dị tật thai nhi là những bất thường của thai nhi hình thành ngay từ trong bào thai

Cách phòng tránh dị tật thai nhi trước thai kỳ

Giám định di truyền

Nếu trong gia đình của vợ hoặc chồng có người thân từng bị dị tật di truyền, nên tiến hành xét nghiệm chẩn đoán di truyền trước khi mang thai. Xét nghiệm này giúp sàng lọc các gen mang bệnh ở bố mẹ và xác định khả năng truyền gen đó cho con.

Để kiểm tra liệu bố mẹ có mang bệnh di truyền hay không, bác sĩ sẽ lấy mẫu nước bọt hoặc máu của bố mẹ. Kết quả xét nghiệm sẽ hỗ trợ chẩn đoán các nguy cơ dị tật. Dựa trên kết quả này, bác sĩ có thể tư vấn và đề xuất các giải pháp để chuẩn bị tốt hơn cho việc mang thai, sinh con trong tương lai.

Khám tiền sản trước mang thai

Trong quá trình mang thai, nếu người mẹ mắc các bệnh như viêm cầu thận, hội chứng thận hư, bệnh lý nội tiết (suy giáp, cường giáp), tiểu đường, béo phì, các bệnh nhiễm khuẩn hoặc các vấn đề về thần kinh, thai nhi sẽ trực tiếp bị ảnh hưởng.

Vì vậy, phụ nữ nên thực hiện thăm khám tiền sản trước khi có ý định mang thai. Nếu mắc các bệnh có nguy cơ gây hại cho thai nhi, họ nên điều trị trước khi mang bầu hoặc thông báo trước với bác sĩ để được theo dõi chặt chẽ trong suốt thai kỳ.

cach-phong-tranh-di-tat-thai-nhi-me-bau-can-biet 2
Khám tiền sản trước khi mang thai là một trong những cách phòng tránh dị tật thai nhi

Bổ sung axit folic từ sớm

Axit folic có thể làm giảm tỷ lệ đột biến gen dẫn đến dị tật. Vì vậy, phụ nữ nên bổ sung axit folic ít nhất ba tháng trước khi mang thai.

Những dị tật do đột biến gen thường xảy ra rất sớm trong thai kỳ, đôi khi trước lúc thai phụ nhận ra mình đã mang thai. Axit folic có thể được bổ sung qua đường uống hoặc từ các thực phẩm tự nhiên như súp lơ, hạt hướng dương, đậu cô ve, quả bơ, trứng và măng tây.

Tiêm phòng vắc xin

Tiêm phòng vắc xin trước khi mang thai là một trong những cách giúp hạn chế dị tật thai nhi và đang trở thành biện pháp mà nhiều gia đình lựa chọn trong những năm gần đây. Tiêm phòng giúp nâng cao khả năng bảo vệ thai nhi khỏi những dị tật bẩm sinh khi còn trong bụng mẹ.

Các loại vắc xin cần tiêm phòng trước khi mang thai bao gồm: Bạch hầu - ho gà, cúm, thủy đậu, sởi, quai bị, rubella. Sau khi tiêm vắc xin, bố mẹ nên đợi khoảng 3 - 6 tháng trước khi bắt đầu thụ thai.

cach-phong-tranh-di-tat-thai-nhi-me-bau-can-biet 3
Tiêm phòng trước khi mang thai là cách giúp bảo vệ sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi

Cách phòng tránh dị tật thai nhi trong thai kỳ

Chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ

Mẹ bầu cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào. Tự ý sử dụng thuốc bừa bãi là một trong những nguyên nhân phổ biến gây dị tật ở thai nhi.

Nếu không may gặp vấn đề về sức khỏe trong thời kỳ mang thai, mẹ bầu cần đến bệnh viện thăm khám để được chỉ định sử dụng thuốc đúng cách. Một số thuốc mà mẹ bầu sử dụng bừa bãi có thể khiến thai nhi phát triển bất thường như: Isotretinoin, các loại thuốc chống trầm cảm,...

Tránh xa các chất kích thích

Rượu, bia, cà phê, thuốc lá,… đều là những chất kích thích nguy hại, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ:

  • Rượu, bia: Nếu bà bầu sử dụng nhiều rượu, bia, có thể tiềm ẩn nguy cơ gây sảy thai và nhiều khiếm khuyết khác về cả thể chất lẫn trí tuệ, có thể ảnh hưởng suốt đời đến em bé.
  • Hút thuốc lá: Khói thuốc lá có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của phổi và não thai nhi. Bà bầu tiếp xúc với thuốc lá (chủ động lẫn thụ động) trong thời kỳ mang thai sẽ gia tăng nguy cơ em bé bị sinh non hoặc dị tật bẩm sinh.

Tránh xa môi trường độc hại

Mẹ bầu không nên tiếp xúc với môi trường có nhiều hóa chất độc hại. Ngay cả những hóa chất tẩy rửa thông thường trong gia đình cũng nên hạn chế tiếp xúc khi mang thai. Nếu phải làm việc trong môi trường nhiều hóa chất, mẹ bầu cần trang bị bảo hộ thật cẩn thận để bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và bé.

Ngoài ra, bà bầu nên kiêng chụp X-quang trong thời kỳ mang thai và tránh đến gần phòng chụp X-quang. Đồng thời, nên tránh xa các loại vật nuôi như chó, mèo vì cơ thể chúng có thể tiềm ẩn nhiều vi khuẩn nguy hiểm, gây nguy cơ bệnh tật.

Ăn uống lành mạnh

Chế độ ăn uống lành mạnh và hợp lý luôn là cách để có một thai kỳ khỏe mạnh. Thai phụ nên bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất dinh dưỡng tốt cho thai nhi, đồng thời hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn.

Để hỗ trợ sự phát triển của thai nhi, nên bổ sung các vitamin cần thiết như acid folic, sắt, canxi, DHA từ nguồn thực phẩm. Bên cạnh đó, thai phụ nên duy trì cân nặng lý tưởng, lối sống lành mạnh để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé trong suốt thai kỳ.

cach-phong-tranh-di-tat-thai-nhi-me-bau-can-biet 4
Chế độ ăn uống lành mạnh, hợp lý luôn là cách để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé trong suốt thai kỳ

Khám thai định kỳ

Việc thực hiện khám thai định kỳ giúp thai phụ nắm bắt được tình hình của thai nhi cũng như sớm phát hiện các dị tật bẩm sinh có thể xuất hiện. Từ đó, bác sĩ có thể đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp ngay khi phát hiện thai nhi có dấu hiệu của dị tật.

Ngoài ra, việc sử dụng siêu âm cũng là một công cụ hữu ích để phát hiện sớm các dạng dị tật của thai nhi, giúp tăng cơ hội cho việc can thiệp và điều trị kịp thời.

Trong hành trình của mỗi gia đình, việc chuẩn bị cho sự xuất hiện của một thành viên mới luôn là một trải nghiệm đầy niềm vui và lo lắng. Hy vọng thông qua này viết này, các bố mẹ đã có được những thông tin hữu ích về cách phòng tránh dị tật thai nhi. Bằng sự tuân thủ các biện pháp phòng tránh, ăn uống lành mạnh, khám thai định kỳ, chúng ta có thể giảm thiểu nguy cơ cho sức khỏe của thai nhi và mang lại cơ hội phát triển tốt nhất cho sự ra đời của em bé.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin