Thai phụ có tiền sử mắc tiền sản giật ở lần mang thai đầu càng có nguy cơ cao tái phát tiền sản giật mang thai lần 2. Do đó, nếu thuộc nhóm đối tượng này, thai phụ càng cần phải cẩn trọng khi mang thai lần tiếp theo, chú ý đi khám thai định kỳ đúng hẹn cũng như thường xuyên trao đổi tình trạng sức khỏe của mình với bác sĩ để sớm có biện pháp can thiệp nếu chẳng may tiền sản giật tái phát.
Tiền sản giật là gì?
Giai đoạn sau tuần thứ 20, thai phụ dễ gặp tiền sản giật (nhiễm độc thai nghén) với các biểu hiện như cao huyết áp, mức protein niệu tăng,... Nguyên nhân gây ra tiền sản giật hiện nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tình trạng này xảy ra có thể từ sự mất cân bằng prostaglandin - một chất giúp giữ vai trò quan trọng trong sự vận động co lại của mạch máu trong quá trình mang thai của mẹ bầu.
Giai đoạn sau tuần thứ 20, thai phụ dễ gặp tiền sản giật.
Điều đáng lo lắng là khi bị tiền sản giật, thai phụ sẽ gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm, điển hình như tăng nguy cơ sinh non, trẻ sơ sinh thiếu cân, sức khỏe kém... Nguy hiểm hơn là tiền sản giật sẽ kéo theo nguy cơ bị sản giật khiến thai phụ co giật, mất ý thức, hôn mê, nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tính mạng cả mẹ lẫn con. Chưa kể, tiền sản giật còn là nguyên nhân của nhiều bệnh lý nguy hiểm sau sinh, ví dụ như bị tai biến mạch máu não, tổn thương thận, bệnh thận mạn tính,...
Vì sao tiền sản giật thường mắc ở lần mang thai đầu?
Một trong những yếu tố nguy cơ của tiền sản giật là độ tuổi và chủ yếu xảy ra ở nữ giới trong độ tuổi thanh thiếu niên hoặc thời điểm từ 30 - 40 tuổi. Do đó, sản giật thường xảy ra trong lần mang thai đầu, nhất là với thai phụ tuổi còn trẻ.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc nếu không bị tiền sản giật trong lần mang thai đầu thì ở các lần mang thai tiếp theo thai phụ sẽ không bị tiền sản giật. Một trong những biến chứng tiền sản giật nặng tiến triển thành là hội chứng Hellp gây tan huyết, tăng men gan, giảm tiểu cầu lại xảy ra phổ biến hơn ở thai phụ mang thai lần sau hơn là lần đầu.
Tiền sản giật có dễ tái phát không?
Thai phụ cần lưu ý một số yếu tố thuận lợi dẫn đến tiền sản giật tái lại như sau:
-
Đa thai đa ối;
-
Mang thai ở độ tuổi dưới 18 tuổi/trên 30 tuổi;
-
Thai phụ nghiện thuốc lá;
-
Thời điểm mang thai vào mùa lạnh, độ ẩm không khí cao;
-
Thai phụ bị đái tháo đường, tăng huyết áp mạn tính, béo phì;
-
Có tiền sử tiền sản giật, đã bị sản giật ở lần mang thai trước.
Thai phụ cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe.
Nguy cơ tiền sản giật tái phát phụ thuộc nhiều yếu tố, bao gồm tình trạng sức khỏe thai phụ, thời gian phát triển cùng mức độ nghiêm trọng của tiền sản giật những lần trước đó.
-
Nếu ở thai kỳ trước, thai phụ bị tiền sản giật giai đoạn cuối thai kỳ thì khả năng tái phát là khoảng 13%.
-
Nếu thai phụ bị tiền sản giật thai kỳ trước ở tuần 29 thì khả năng tái lại vào khoảng hơn 40%.
-
Nếu bị tiền sản giật cả hai lần mang thai trước, thai phụ càng nên cẩn trọng bởi nguy cơ tái lại đến hơn 80%.
Phòng ngừa tiền sản giật mang thai lần 2
Mặc dù thai phụ mắc tiền sản giật ở lần mang thai đầu sẽ có nguy cơ tiền sản giật mang thai lần 2 nhưng cũng không cần lo lắng quá. Nếu thai kỳ được chăm sóc đúng cách và đầy đủ thì thai phụ lẫn thai nhi hoàn toàn có thể khỏe mạnh và an toàn.
Dưới đây là những lưu ý mà thai phụ từng có tiền sử mắc phải cần hết sức lưu ý chăm sóc sức khỏe ngay từ trước khi mang bầu. Cụ thể:
Trước khi mang thai
Nạn nên thăm khám bác sĩ chuyên môn để chuẩn bị sức khỏe thật tốt trước khi bước vào thai kỳ. Những triệu chứng cũng như mức độ tiền sản giật trước đó của mình cần được trình bày để bác sĩ đánh giá đúng nhất về thể trạng sức khỏe và có chỉ định cụ thể.
Nếu gặp các vấn đề về thận (suy thận, viêm thận), tiểu đường, huyết áp cao, cân nặng và nhiều bệnh lý khác,… thì chị em càng nên điều trị dứt điểm trước khi mang thai.
Chú ý bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho thai kỳ như axit folic, sắt, canxi.
Việc duy trì thể trạng sức khỏe và lối sống lành mạnh trong giai đoạn này rất cần thiết để có được thai kỳ khỏe mạnh. Chú ý bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng qua bữa ăn cũng như các dưỡng chất cần thiết cho thai kỳ như axit folic, sắt, canxi.
Trong thai kỳ
Thực hiện thăm khám định kỳ đầy đủ
Bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng sức khỏe cả mẹ và bé ở mỗi giai đoạn phát triển của thai kỳ để đưa ra những tư vấn sát nhất.
Khi phát hiện nguy cơ tiềm ẩn tiền sản giật, việc theo dõi đường huyết, huyết áp, cân nặng,… cần đặc biệt chú ý, có thể theo dõi tại nhà (theo hướng dẫn của bác sĩ) hoặc tại cơ sở y tế có tiến hành các phép kiểm tra, thăm khám bắt buộc (tùy theo từng giai đoạn thai kỳ) để theo dõi nguy cơ bao gồm:
-
Xét nghiệm máu;
-
Creatinin huyết thanh, nồng độ men gan;
-
Siêu âm Doppler, siêu âm kiểm tra hình thái thai nhi, nước ối của mẹ,...;
-
Xét nghiệm Non-stress.
Duy trì chế độ dinh dưỡng theo thể trạng sức khỏe
Việc bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng trong thời gian thai kỳ là rất quan trọng.
Việc bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng trong thời gian thai kỳ là rất quan trọng. Lưu ý những thực phẩm nên ăn, hạn chế ăn lẫn những thực phẩm nên tránh hoàn toàn để đảm bảo mẹ và bé tăng cân theo đúng chuẩn, đủ chất.
Giữ tinh thần thoải mái và kiểm soát tốt nỗi sợ hãi về tiền sản giật
Lo lắng, sợ hãi về tiền sản giật càng khiến những mẹ bầu từng bị tiền sản giật hoặc sản giật trước đó có nguy cơ tiền sản giật mang thai lần 2 hơn. Do đó, điều cần thiết là kiểm soát những lo lắng và sợ hãi về tiền sản giật, giữ tinh thần luôn được thoải mái. Hãy tâm sự với bác sĩ về những lo lắng này để bác sĩ giúp bạn tìm cách khắc phục.
Như vậy, tiền sản giật mang thai lần 2 hoàn toàn có khả năng cao xảy ra. Tuy nhiên, chỉ cần mẹ bầu thực sự quan tâm và chăm sóc sức khỏe đúng cách thì sẽ kiểm soát và loại trừ được nguy cơ. Chính vì thế, để có một thai kỳ khỏe mạnh, mẹ bầu hãy chủ động thăm khám, điều chỉnh các sinh hoạt, ăn uống, vận động phù hợp nhất theo thể trạng và khuyến cáo của bác sĩ.
Như Quỳnh
Nguồn tham khảo: Tổng hợp