Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cách sơ cứu hen phế quản hiệu quả

Ngày 25/05/2022
Kích thước chữ

Hen phế quản là bệnh hô hấp khá phổ biến. Việc nắm vững các bước của sơ cứu hen phế quản là một kiến thức thiết yếu mà chúng ta nên có để phòng tránh những hậu quả nguy hiểm của bệnh.

Hen phế quản còn được biết đến với tên quen thuộc trong cộng đồng là hen suyễn. Bệnh có đặc điểm là viêm niêm mạc phế quản mạn tính dẫn đến phế quản tăng phản ứng với các kích thích bên ngoài, hậu quả làm các cơ trơn phế quản co thắt lan tỏa. Sự co thắt phế quản là đáp ứng tạm thời của đường hô hấp với tác nhân kích thích nên có thể tự hồi phục hoặc sau sử dụng thuốc cắt cơn (có tác dụng giãn phế quản).

Vậy sơ cứu hen phế quản cơn cấp tính đúng cách như thế nào? Hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu ngay qua bài viết dưới đây nhé!

Dấu hiệu cảnh báo cơn hen phế quản cấp tính

Trước khi khởi phát cơn hen phế quản cấp thường có một số dấu hiệu đặc trưng như: Ho khan, khó thở (thở nông, ngắn, tăng thở), khò khè, tức nặng ngực, ngứa họng, ngứa mũi, hắt hơi, ho, chảy nước mắt, nước mũi… Các dấu hiệu này xuất hiện một cách đột ngột, thường xảy ra khi người bệnh tiếp xúc với một số yếu tố nguy cơ gây bệnh như chất gây dị ứng (thuốc, thức ăn…), thời tiết thay đổi, bị nhiễm virus gây bệnh đường hô hấp hay khi gắng sức quá mức.

Sau các dấu hiệu cảnh báo đó, cơn hen phế quản cấp xuất hiện với các biểu hiện ở mức dữ dội hơn: Ho liên tục, khò khè nặng cả khi bệnh nhân hít vào lẫn thở ra, thở rất nhanh.

Nếu nhận biết được và xử trí kịp thời thì các triệu chứng trên sẽ được cải thiện nhanh sau vài phút đến vài giờ. Đặc biệt, khi tình trạng khó thở được cải thiện, tính mạng người bệnh cũng sẽ được đảm bảo an toàn. Nếu chậm trễ sơ cứu, các triệu chứng sẽ dần diễn biến nặng hơn như: Nói khó, đau nặng ngực, cảm giác lo âu, mặt tái nhợt, vã mồ hôi, biểu hiện tím môi và đầu chi do hô hấp không hiệu quả. Trong trường hợp tình trạng hô hấp khó khăn kéo dài, não thiếu oxi sẽ dẫn đến mất ý thức, ngất, thậm chí có thể tử vong.

Sơ cứu hen phế quản 1 Cơ chế gây khó thở của cơn hen phế quản cấp tính

Sơ cứu hen phế quản

Việc sơ cứu hen phế quản chính xác và kịp thời sẽ giúp hạn chế tối đa bệnh diễn biến nặng hơn như xuất hiện cơn khó thở nguy kịch khiến bệnh nhân bắt buộc nhập viện, thậm chí tử vong ngay. Vì vậy, với những người bệnh bị hen, việc luôn mang theo thuốc cắt cơn dự phòng là điều tối cần thiết.

Bước 1: Tránh xa nguồn gây khởi phát cơn hen

Khi xuất hiện các biểu hiện đầu tiên của cơn hen phế quản cấp, trước hết cần tránh xa những yếu tố nghi ngờ làm khởi phát cơn hen như phấn hoa, lông thú vật, khói thuốc lá, mùi hoá chất… và ngồi ở nơi thoáng khí.

Bước 2: Sử dụng thuốc giãn phế quản

Người bệnh cần sử dụng thuốc giãn phế quản để cắt cơn khó thở cấp càng sớm càng tốt.

Loại thuốc thường được sử dụng để cắt cơn khó thở cấp là các thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh dạng xịt hít (thường là các thuốc đồng vận beta 2 tác dụng ngắn).

Tùy từng loại thuốc khác nhau mà có cách sử dụng khác nhau. Người bệnh cần được bác sĩ kê đơn hướng dẫn cụ thể về cách dùng thuốc để đạt hiệu quả cao nhất.

Thông thường với các loại thuốc:

  • Nếu khởi phát cơn hen phế quản nhẹ:
    • Đầu tiên, xịt hít 2 nhát/lần.
    • Sau 20 phút, triệu chứng vẫn chưa giảm thì tiếp tục xịt hít thêm 2 nhát.
    • 20 phút sau nữa, nếu biểu hiện khó thở vẫn không cải thiện nhiều thì tiếp tục xịt hít thêm 2 nhát nữa và nhanh chóng đưa bệnh nhân nhập viện.

Nếu cơn hen phế quản biểu hiện nặng (thở dốc, nói không thành câu, ngồi nghỉ cũng khó thở nhiều,…): Xịt hít thuốc cắt cơn và đưa ngay người bệnh vào bệnh viện gần nhất.

Nếu xuất hiện cơn hen phế quản biểu hiện đe doạ đến tính mạng (tím tái, nói không thành từ, lú lẫn,…): Gọi ngay xe cấp cứu số điện thoại 115, trong thời gian chờ xe đến phải xịt ngay 2 nhát thuốc cắt cơn.

Sơ cứu hen phế quản Sơ cứu hen phế quản bằng thuốc cắt cơn tác dụng nhanh

Ở những bệnh nhi (trẻ nhỏ) hoặc bệnh nhân lớn tuổi mà dùng dụng cụ hít khó đảm bảo hiệu quả cắt cơn thì có thể sử dụng dụng cụ buồng đệm hỗ trợ.

Sơ cứu hen phế quản 3 Sử dụng đúng cách dụng cụ buồng đệm hỗ trợ

Tham khảo: Buồng đệm Babyhaler Phillips

Phòng cơn hen phế quản tái phát

Phòng tránh bằng một số cách sau:

  • Tránh tiếp xúc với những tác nhân dễ gây khởi phát cơn hen như: Phấn hoa, bụi nhà, lông động vật, khói thuốc lá,…
  • Tránh các rối loạn cảm xúc quá mức như: Lo lắng, áp lực, xúc động mạnh, cáu gắt… Giữ tâm lý thoải mái, ổn định, có thể tập luyện các bài thiền tĩnh tâm.
  • Tránh làm việc gắng sức, sự gắng sức quá mức có thể gây khó thở do thiếu oxy dẫn đến kích hoạt cơn hen phế quản bùng phát.

Ngoài ra, người bệnh cần chú ý tuyệt đối không lạm dụng các thuốc cắt cơn. Trường hợp có nhiều cơn hen phế quản khởi phát trong một tuần nghĩa là bệnh hen chưa kiểm soát tốt, và điều người nên làm nhất lúc này là đến bác sĩ chuyên khoa để khám, tư vấn và được chỉnh liều thuốc điều trị phù hợp.

Bên cạnh thuốc cắt cơn, thuốc dự phòng cơn hen phế quản là các thuốc được sử dụng dài hạn giúp kiểm soát số đợt tái phát những cơn hen cấp tính. Tuân thủ dùng thuốc đều đặn và đầy đủ sẽ làm giảm tối đa những cơn hen cấp tính xuất hiện.

Vì vậy, thường bệnh nhân hen phế quản sẽ được dùng cả 2 loại thuốc là thuốc dự phòng hen - có tác dụng kiểm soát bệnh hen phế quản lâu dài và thuốc cắt cơn hen – dùng khi cơn hen cấp tính khởi phát. Việc phân biệt đúng 2 loại thuốc này rất quan trọng vì đảm bảo sử dụng đúng thuốc sẽ đem lại hiệu quả điều trị tốt. Cách đơn giản nhất để ghi nhớ và phân biệt thuốc là lắng nghe và tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ khi bác sĩ kê đơn thuốc.

Khi đã phân biệt đúng các loại thuốc, cần để riêng 2 loại tránh nhầm lẫn hoặc dùng các ký hiệu dễ nhớ nhất với bản thân để ghi nhớ thuốc. Thuốc dự phòng hen phế quản cần uống đều đặn hàng ngày, đầy đủ thì có thể để ở vị trí cố định và dễ thấy; còn thuốc cắt cơn hen cấp tính cần phải đảm bảo luôn mang theo bên người mọi lúc mọi nơi.

Như vậy, Nhà Thuốc Long Châu vừa cùng bạn tìm hiểu về sơ cứu hen phế quản, cũng như một số cách dự phòng tránh khởi phát cơn hen cấp. Hi vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh hen phế quản và có biện pháp “chung sống” hòa bình với bệnh.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin