Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nguyên nhân và cách chữa zona thần kinh ở môi hiệu quả

Ngày 29/08/2023
Kích thước chữ

Môi cũng là một trong những vị trí "ưa thích" của virus gây bệnh zona thần kinh. Vậy tại sao lại bị zona thần kinh ở môi và làm thế nào để khắc phục tình trạng này nhanh chóng và an toàn? Hãy cùng tìm lời giải đáp trong bài viết dưới đây nhé!

Zona thần kinh ở miệng là tình trạng các mụn nước phồng rộp xuất hiện ở vùng miệng. Bệnh thường xảy ra ở những người có tiền sử bị bệnh thủy đậu, do hệ miễn dịch của cơ thể bị suy yếu và không đủ sức chống lại sự tấn công của virus varicella-zoster. Nếu không được điều trị và kiểm soát kịp thời có thể để lại các biến chứng nguy hiểm. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa zona thần kinh ở môi an toàn hiệu quả nhé!

Nguyên nhân gây ra bệnh zona thần kinh ở môi

Zona thần kinh là một dạng bệnh lý nhiễm trùng do virus varicella zoster (VZV), cùng loại virus với bệnh thủy đậu. Hầu hết mọi người đều sẽ bị bệnh thủy đậu một lần trong đời, nhưng sau khi hết bệnh virus vẫn sẽ tồn tại trong cơ thể ở trạng thái không hoạt động. Theo thời gian, virus có thể được kích hoạt và phát triển thành bệnh zona do hệ miễn dịch cơ thể bị suy yếu.

Nguyên nhân và cách chữa zona thần kinh ở môi hiệu quả 6
Zona thần kinh ở môi hình thành do sự tái hoạt động của virus gây bệnh thủy đậu

Khi virus gây bệnh thủy đậu tấn công ở vùng môi sẽ gây ra zona thần kinh ở môi, làm xuất hiện các nốt mụn nước phỏng rộp ở viền môi. Tuy không nguy hiểm nhưng zona ở môi sẽ gây khó chịu, ảnh hưởng đến tính thẩm mĩ cũng như sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

Một số yếu tố có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh zona thần kinh ở miệng như:

  • Thường xuyên bị stress, căng thẳng kéo dài;
  • Khí hậu thay đổi đột ngột hoặc tiếp xúc với nắng liên tục;
  • Cơ thể suy nhược, hay bị bệnh cảm cúm, cảm lạnh hoặc nóng sốt;
  • Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch gây tác dụng phụ;
  • Hệ miễn dịch của cơ thể bị suy giảm, thường gặp ở phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người bị HIV, bệnh tiểu đường, người điều trị ung thư.

Dấu hiệu nhận biết bệnh zona thần kinh ở miệng

Bệnh zona thần kinh ở môi là do sự bùng phát của virus VZV ở vị trí xung quanh vùng miệng hoặc trên môi, gây cảm giác đau rát. Nếu không được kiểm soát tốt, bệnh vẫn có khả năng tái phát và lan rộng ra xung quanh. Khi bị zona ở miệng, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng sau:

Cơ thể cảm sốt, ớn lạnh, nhức đầu và mệt mỏi

Đây là những biểu hiện đầu tiên của bệnh zona thần kinh ở miệng. Các triệu chứng này thường dễ bị nhầm lẫn với bệnh cảm cúm thông thường, khiến người bệnh chủ quan và lơ là.

Nguyên nhân và cách chữa zona thần kinh ở môi hiệu quả 4
Triệu chứng zona ở môi dễ bị nhầm lẫn với bệnh cảm cúm khiến người bệnh chủ quan

Ngứa, sưng đỏ da ở trên môi và khu vực quanh miệng

Sau khoảng 2 - 3 ngày kể từ khi bệnh bùng phát sẽ xuất hiện biểu hiện tê ngứa và sưng đỏ da ở quanh miệng. Những triệu chứng này có thể gia tăng sau thời gian.

Các mụn nước li ti xuất hiện trên môi và quanh miệng

Sau khi bệnh bùng phát, trên da có thể xuất hiện các nốt mụn nước phồng rộp kích thước nhỏ li ti mọc khu trú hoặc rải rác thành từng dải, chạy dọc theo viền môi và quanh miệng. Những nốt mụn này có thể lan sang các khu vực như cằm, má và mũi. Theo thời gian, mụn nước sẽ sưng to lên và chứa dịch bên trong. Khoảng 3 - 4 ngày sau, các nốt mụn sẽ khô lại, ngả vàng và đóng vảy. Nếu người bệnh dùng tay gãi hoặc dùng vật nhọn chích cho mụn nước vỡ ra sẽ khiến dịch chảy ra và lan sang các vùng da khác, gây viêm nhiễm nặng hoặc lây lan sang người khác.

Cách chữa zona thần kinh ở môi

Nếu được chăm sóc và điều trị đúng cách, các triệu chứng của bệnh zona thần kinh ở môi sẽ được cải thiện nhanh chóng. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và biểu hiện bệnh sẽ có các phương pháp điều trị phù hợp.

Sử dụng thuốc điều trị zona

Đối với những trường hợp nhiễm khuẩn ngoài da, việc chẩn đoán và sử dụng thuốc điều trị sớm sẽ giúp tăng hiệu quả điều trị. Nhìn chung, mục đích điều trị là để ức chế sự phát triển và lây lan của virus. Đồng thời, tăng cường đề kháng cho cơ thể để chống lại virus gây bệnh. Một số loại thuốc thường được chỉ định ở điều trị zona ở miệng như:

  • Thuốc kháng virus: Một số loại thuốc như famcilovir, acyclovir và valacyclovir sẽ giúp ức chế hoạt động của virus và hạn chế nguy cơ biến chứng.Thuốc thường được chỉ định sử dụng trong vòng 72 giờ sau khi xuất hiện các triệu chứng.
  • Thuốc kháng histamine H1: Một số loại thuốc như fexofenadin, cetirizin, clorpheniramin, loratadin... sẽ giúp giảm triệu chứng ngứa ngáy và khó chịu.
  • Thuốc giảm đau: Hầu hết các trường hợp bị zona ở môi đều gây triệu chứng sốt nhẹ, viêm và đau rát. Lúc này, các loại thuốc có tác dụng giảm đau như naproxen, ibuprofen và paracetamol có thể được chỉ định sử dụng để giảm đau.
  • Thuốc kháng sinh: Thường được bác sĩ cân nhắc để điều trị nhiễm trùng trong trường hợp bội nhiễm.
  • Kem bôi capsaicin: Kem bôi ngoài da có tác dụng giảm đau tại chỗ, thường chỉ được sử dụng khi nốt mụn nước đã vỡ và khô hoàn toàn.
Nguyên nhân và cách chữa zona thần kinh ở môi hiệu quả 1
Mục đích của việc điều trị là để ức chế sự phát triển và lây lan của virus

Ngoài các cách điều trị trên, người bệnh có thể áp dụng một số phương pháp tự nhiên để làm giảm triệu chứng nóng rát, sưng đau ở môi như chườm lạnh hoặc dùng mật ong, sữa tươi, sữa chua, tinh dầu để thoa đều lên vùng môi bị bệnh zona để giúp làm giảm triệu chứng.

Vệ sinh và dưỡng ẩm vùng da bị zona ở miệng

Ngoài cách chữa zona thần kinh ở môi bằng thuốc, việc chăm sóc cũng sẽ góp phần hỗ trợ kiểm soát triệu chứng và đẩy lùi bệnh nhanh chóng. Đồng thời, giúp giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh cho người khác.

Khi chăm sóc cho người bệnh zona ở môi cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Nên uống nhiều nước và bổ sung nhiều thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất trong khẩu phần ăn hàng ngày. Điều này giúp cơ thể phục hồi nhanh và tăng cường đề kháng chống lại virus.
  • Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, đảm bảo ngủ đủ giấc và tránh căng thẳng cũng là yếu tố quan trọng để ổn định tình trạng sức khỏe.
  • Luôn vệ sinh và giữ cho vùng da môi sạch sẽ, tránh sử dụng son môi và các loại mỹ phẩm trang điểm trong thời gian bị bệnh.
  • Tuyệt đối không chà xát hoặc dùng tay gãi vùng da bị tổn thương tránh tránh nguy cơ nhiễm trùng.
  • Tránh ăn thực phẩm có nhiều chất béo và hạn chế tiêu thụ đồ uống có cồn trong thời gian mắc bệnh.
  • Tuyệt đối không được hôn môi, quan hệ bằng môi hay sử dụng chung vật dụng cá nhân với người khác để tránh lây nhiễm và tăng tình trạng viêm nhiễm.
Nguyên nhân và cách chữa zona thần kinh ở môi hiệu quả 2
Luôn vệ sinh và giữ cho vùng da môi sạch sẽ để tránh bội nhiễm

Cách phòng ngừa bệnh zona thần kinh ở môi

Bệnh zona thần kinh ở miệng vẫn có thể tái phát cao khi có điều kiện thích hợp. Do đó, sau khi điều trị người bệnh cũng cần chú ý một số biện pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ tái hoạt động của virus gây bệnh như:

  • Duy trì thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh và tập luyện thể thao để tăng cường đề kháng và khả năng miễn dịch của cơ thể.
  • Tránh tiếp xúc với những người đang bị bệnh thủy đậu hay zona thần kinh.
  • Giữ cho tinh thần thoải mái, tránh stress và căng thẳng thần kinh để tránh tái phát bệnh.
  • Người trên 50 tuổi nên chủ động tiêm vacxin để giúp phòng ngừa bệnh hiệu quả.
Nguyên nhân và cách chữa zona thần kinh ở môi hiệu quả 5
Duy trì thói quen ăn uống và sinh hoạt lành mạnh để hạn chế tái phát bệnh

Bệnh zona thần kinh ở môi có thể để lại thâm sẹo ở môi, gây ảnh hưởng đến ngoại hình và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Việc phát hiện sớm và điều trị đúng cách rất quan trọng để ngăn chặn tình trạng tổn thương da lan rộng. Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn có thêm nhiều thông tin hữu ích nhé!

Bên cạnh đó, việc phòng bệnh zona thần kinh rất quan trọng, hiện Trung tâm Tiêm chủng Long Châu đã có đặt trước vắc xin Shingrix - Vắc xin được khuyến cáo phòng ngừa bệnh lý Zona thần kinh do chủng Herpes Zoster gây nên. Đây là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất giúp phòng ngừa bệnh hiệu quả.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin