Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Zona thần kinh là gì? Triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Zona thần kinh với biểu hiện nổi hồng ban mụn nước kèm đau rát dọc theo các dây thần kinh ở 1 bên thân mình hoặc 1 bên mặt, các hồng ban mụn nước thường đóng vảy trong 7 đến 10 ngày và khỏi hoàn toàn trong vòng 2 đến 4 tuần. Bệnh zona có thể điều trị bằng thuốc kháng virus và thuốc giảm đau. Hiện tại bệnh Zona đã có vaccine dự phòng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Zona thần kinh là gì? 

Zona thần kinh hay Zona (tên gọi dân gian là giời leo) là bệnh nhiễm do varicella zoster virus (VZV), đây chính là loại virus gây bệnh thuỷ đậu. Người sau khi bị thuỷ đậu khỏi bệnh thì virus vẫn chưa hoàn toàn được loại trừ khỏi cơ thể mà sẽ "ngủ yên" - ở trạng thái không hoạt động trong cơ thể. Vì một lý do nào đó thì virus có thể tái hoạt và gây bệnh trở lại với biểu hiện nổi hồng ban mụn nước kèm đau rát dọc theo các dây thần kinh ở 1 bên thân mình hoặc 1 bên mặt. Do đó bệnh được gọi là Zona hay Zona thần kinh.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của zona thần kinh

Các dấu hiệu và triệu chứng của Zona thường chỉ ảnh hưởng đến một phần cơ thể. Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Đau, rát, tê hoặc ngứa ran 1 vùng cơ thể.
  • Nổi hồng ban vài ngày sau khi có triệu chứng đau.
  • Xuất hiện mụn nước chứa dịch, mụn nước có thể vỡ ra và đóng mài.
  • Ngứa.
  • Đau thường là triệu chứng đầu tiên của bệnh zona, một số người bị đau do zona mà không có phát ban.

Các triệu chứng khác: Sốt, đau đầu, nhạy cảm với ánh sáng, mệt mỏi.

Tác động của zona thần kinh đối với sức khỏe 

Các hồng ban mụn nước thường đóng vảy trong 7 đến 10 ngày và khỏi hoàn toàn trong vòng 2 đến 4 tuần. Trong thời gian đó, các triệu chứng đau, ngứa... có thể cần phải điều trị hỗ trợ.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh zona thần kinh

Biến chứng phổ biến nhất của bệnh zona là tình trạng đau dây thần kinh kéo dài sau khi mụn nước đã khỏi. Tình trạng này được gọi là đau dây thần kinh sau Zona và xảy ra do các tổn thương thần kinh làm rối loạn sự dẫn truyền cảm giác đau ở vùng cơ thể bị Zona. Đau dây thần kinh sau Zona có thể rất nghiêm trọng và gây cản trở cuộc sống lẫn sinh hoạt hàng ngày.

Bệnh zona ở mặt có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng liên quan đến mắt, bao gồm cả mù lòa. 

Các biến chứng khác hiếm gặp hơn như:

Viêm phổi;

Vấn đề về thính giác;

Viêm não hoặc thậm chí tử vong.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh zona thần kinh

Bệnh gây ra do varicella zoster virus (VZV), đây chính là loại virus gây bệnh thuỷ đậu. Người sau khi bị thuỷ đậu khỏi bệnh thì virus vẫn chưa hoàn toàn được loại trừ khỏi cơ thể mà sẽ "ngủ yên" ở trạng thái không hoạt động trong cơ thể. Vì một lý do nào đó thì virus có thể tái hoạt và gây bệnh trở lại. 

Hầu hết mọi người chỉ bị zona một lần trong suốt cuộc đời. 

Những người chưa từng mắc bệnh thủy đậu hoặc chưa bao giờ chủng ngừa bệnh thủy đậu nếu tiếp xúc trực tiếp với chất dịch từ các mụn nước của người bị Zona có thể bị nhiễm varicella zoster virus. Nếu bị nhiễm bệnh, ban đầu người bệnh sẽ bị thủy đậu chứ không phải bệnh zona. Họ có thể bị bệnh zona sau này trong cuộc đời.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải zona thần kinh?

Bất cứ ai đã từng mắc bệnh thủy đậu đều có thể bị bệnh zona.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải zona thần kinh

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Zona thần kinh, bao gồm:

  • Tuổi trên 50: Nguy cơ gia tăng theo tuổi.
  • Mắc các bệnh lý suy giảm hệ thống miễn dịch như HIV, ung thư.
  • Đang điều trị với các thuốc hoá trị liệu ung thư hoặc xạ trị liệu pháp.
  • Đang dùng các thuốc chống thải ghép hoặc corticosteroid.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán zona thần kinh

Bệnh zona thần kinh chẩn đoán chủ yếu dựa trên lâm sàng của bệnh nhân với biểu hiện đau ở một bên cơ thể, phát ban và mụn nước. Bác sĩ cũng có thể lấy mô hoặc nuôi cấy các mụn nước trong phòng thí nghiệm để xác định virus.

Phương pháp điều trị zona thần kinh hiệu quả

Hiện không có thuốc chữa khỏi bệnh zona nhưng điều trị kịp thời bằng thuốc kháng virus có thể giúp bệnh nhân hồi phục nhanh và giảm nguy cơ biến chứng. Các thuốc kháng virus thường dùng bao gồm: Acyclovir, Famciclovir, Valacyclovir...

Bệnh zona có thể gây đau dữ dội, do đó bác sĩ có thể kê đơn các thuốc giảm đau bao gồm: 

Miếng dán tại chỗ Capsaicin.

Thuốc chống trầm cảm ba vòng (Amitriptylin), thuốc chống co giật (gabapentin) để điều trị đau do rối loạn các xung động dẫn truyền cảm giác đau ở dây thần kinh.

Các thuốc tê như lidocaine dưới dạng kem, gel, thuốc xịt hoặc miếng dán da.

Thuốc giảm đau opioid như codeine.

Thuốc tiêm bao gồm corticosteroid và thuốc tê tại chỗ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của zona thần kinh

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 
  • Che phủ vùng có tổn thương hồng ban mụn nước, tránh chạm hoặc gãi vào vùng phát ban.
  • Rửa tay thường xuyên.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến bệnh đang tiến triển ở những giai đoạn của zona thần kinh nào, và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Chế độ dinh dưỡng:

Chưa có dữ liệu.

Phương pháp phòng ngừa zona thần kinh hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

Tránh tiếp xúc với người bệnh bị thuỷ đậu hoặc Zona, đặc biệt nếu bạn là phụ nữ có thai hoặc người có bệnh nền gây suy giảm miễn dịch.

Nguy cơ lây lan varicella zoster virus sẽ thấp nếu vùng có tổn thương hồng ban mụn nước được che phủ cẩn thận.

Hiện nay theo trung tâm kiểm soát bệnh tật Mỹ khuyến cáo, có thể tiêm vắc xin Zoster tái tổ hợp để phòng ngừa bệnh zona và các biến chứng liên quan ở người lớn từ 50 tuổi trở lên. Ngoài ra vaccine cũng được khuyến cáo tiêm cho người lớn từ 19 tuổi trở có bệnh lý gây suy giảm hệ thống miễn dịch hoặc đang điều trị với các liệu pháp gây suy giảm miễn dịch.

Xem thêm:

Nguồn tham khảo

1. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/shingles/diagnosis-treatment/drc-20353060

2. https://www.cdc.gov/shingles/index.html

3. https://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/shingles/shingles-skin

Các bệnh liên quan

  1. Parkinson thứ phát

  2. Bệnh Tay-Sachs

  3. Rỗng tủy sống

  4. Chứng mất ngôn ngữ

  5. Co giật

  6. Thiếu 1 phần não

  7. Chán ăn

  8. Xơ cứng củ

  9. Loạn trương lực cơ