Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Cách xử lý khi vết bỏng bô xe máy bị phồng

Ngày 25/12/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bỏng bô xe máy bị phồng rộp khiến bạn lo lắng và không biết phải làm sao. Liệu nó có để lại sẹo không? Để hiểu rõ hơn về tình trạng này cũng như cách xử lý khi vết bỏng bô xe máy bị phồng, bạn hãy đọc bài viết sau nhé!

Bỏng bô xe máy là tình trạng không hề hiếm gặp ở những người sử dựng loại phương tiện này. Tuy vùng da bị tổn thương chỉ có diện tích nhỏ nhưng các bạn hãy lưu ý là bòng bô xe máy được xếp vào loại bỏng cấp độ nặng. Vậy nên bạn không nên chủ quan mà hãy chăm sóc vết bỏng một cách tốt nhất.

Bỏng bô xe máy là gì?

Bỏng bô xe máy là vết thương ngoài da do nạn nhân tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ cao của bô xe máy. Mức độ nghiêm trọng của vết bỏng phụ thuộc vào nhiệt độ gây bỏng và thời gian tiếp xúc với nguồn nhiệt. Nhiệt độ càng cao và thời gian tiếp xúc càng lâu thì vết thương càng nghiêm trọng. Bỏng bô xe máy thường gây bỏng ở diện tích nhỏ nhưng do nhiệt độ của bô xe máy quá cao nên được xếp vào loại bỏng nặng.

cach-xu-ly-khi-vet-bong-bo-xe-may-bi-phong 1.jpg
Bỏng bô xe máy là gì? Cách xử lý khi vết bỏng bô xe máy bị phồng như thế nào?

Vết thương bỏng gây rối loạn quá trình chuyển hóa toàn thân và cục bộ. Ban đầu, cơ thể giải phóng các chất trung gian hóa học gây ra phản ứng viêm có biểu hiện là sưng, nóng, đỏ và đau. Đồng thời, việc sản sinh ra các gốc tự do có thể gây tổn thương tế bào nghiêm trọng. Ngoài ra, làn da sau khi bị bỏng trở nên nhạy cảm hơn, dễ bị vi khuẩn và các chất độc hại ở môi trường bên ngoài xâm nhập dẫn đến nhiễm trùng.

Nhiệt độ cao gây bỏng da:

  • Nhiệt độ dưới 43°C: Không gây tổn thương tế bào.
  • Nhiệt độ 44 đến 50°C: Nếu tiếp xúc với nhiệt hơn 6 giờ, biểu bì da sẽ bị tổn thương và chết ở 47°C, chất nguyên sinh sẽ bị phá hủy nhưng có thể phục hồi được.
  • Nhiệt độ 50 đến 70°C: Protein bị biến tính, lớp biểu bì bị phá hủy, mô tế bào bị hoại tử không thể phục hồi.

Bô xe máy thường có nhiệt độ rất cao, từ 800 đến 1400°C khi xe đang hoạt động hoặc ngay sau khi xe dừng. Nạn nhân sẽ bị bỏng ngay khi tiếp xúc với nguồn nhiệt. Nếu nạn nhân tiếp xúc lâu với bô xe máy, diện tích tiếp xúc lớn thì vết bỏng sẽ nghiêm trọng hơn.

Khi nào bỏng bô xe máy gây phồng rộp và để lại sẹo?

Có bao nhiêu cấp độ bỏng? Bỏng được phân thành 4 cấp độ dựa trên độ sâu và mức độ nghiêm trọng của vết bỏng trên bề mặt da là cấp độ một, cấp độ hai, cấp độ ba và cấp độ bốn. Khi một người bị bỏng cấp độ hai, nốt phồng rộp và sẹo có thể xuất hiện.

Bỏng độ hai làm tổn thương lớp biểu bì và một phần lớp hạ bì. Các vết phồng rộp xuất hiện trên vùng da bị tổn thương, chứa chất lỏng trong hoặc hơi vàng, có thể sưng và đau. Chất lỏng bên trong vết phồng rộp là huyết tương được sản xuất tăng lên để bảo vệ lớp tế bào da bên dưới. Các vết phồng rộp thường xuất hiện khoảng 12 đến 24 giờ sau khi bị bỏng.

cach-xu-ly-khi-vet-bong-bo-xe-may-bi-phong 2.png
Bỏng độ hai làm tổn thương lớp biểu bì và một phần lớp hạ bì

Nếu được chăm sóc đúng cách, vết bỏng cấp độ hai có thể lành sau 3 đến 4 tuần mà không để lại sẹo. Ngược lại, nếu bọng nước không được chăm sóc và bảo vệ sẽ dễ bị nhiễm trùng, gây tổn thương cho vùng da khỏe mạnh xung quanh và để lại những vết sẹo mất thẩm mỹ trên da.

Quá trình sơ cứu bỏng bô xe máy đúng cách

Các vết phồng rộp do bỏng bô xe máy có thể được ngăn ngừa bằng cách sơ cứu kịp thời và phù hợp. Sau đây là các bước sơ cứu bỏng bô xe máy giúp hỗ trợ quá trình chữa lành vết bỏng đồng thời hạn chế để lại sẹo.

Bước 1: Ngay lập tức cách ly khỏi tác nhân gây bỏng

Sau khi bị bỏng do bô xe máy, bạn cần phải di chuyển ngay ra khỏi nguồn nhiệt gây bỏng. Sau đó cắt bỏ lớp quần áo này để vùng bị tổn thương được thông thoáng.

Bước 2: Làm mát vùng da bị tổn thương

Sau khi loại bỏ tác nhân gây bỏng, vùng da bị tổn thương cần được làm mát ngay trong vòng khoảng 30 phút sau khi bị bỏng. Làm mát vết bỏng bằng cách dội hoặc ngâm trong nước sạch có nhiệt độ từ 16 đến 20°C trong khoảng 15 đến 45 phút. Việc làm mát giúp hạ nhiệt các vùng da bị tổn thương đồng thời rửa sạch bụi bẩn, giảm tổn thương tại chỗ và giảm rối loạn toàn thân.

Bước 3: Sát trùng và che phủ vết bỏng

Bạn cần nhanh chóng sát trùng vết bỏng và che phủ vết bỏng để tránh vết bỏng bị nhiễm trùng bởi các tác nhân bên ngoài.

Bước 4: Cho bệnh nhân uống bù điện giải

Khi vết bỏng nặng, tổn thương sâu, diện tích bỏng rộng, người bệnh sẽ rối loạn toàn thân rất nghiêm trọng. Vì vậy, khi người bệnh tỉnh táo, không nôn mửa cần nhanh chóng bổ sung nước và điện giải bằng cách cho người bệnh uống Oresol. Nếu không có bạn có thể sử dụng nước hoa quả, cháo loãng hoặc sữa mẹ đối với trẻ em.

cach-xu-ly-khi-vet-bong-bo-xe-may-bi-phong 3.jpg
Cho bệnh nhân uống bù điện giải khi người bệnh tỉnh táo

Bước 5: Chuyển đến cơ sở y tế gần nhất nếu cần

Đối với trường hợp chỉ bị bỏng nhẹ, vùng da tổn thương nông, vết bỏng được xếp vào độ 1 đến 2 thì có thể tự khỏi sau 2 đến 3 tuần nếu vết bỏng được chăm sóc đúng cách. Trong trường hợp tổn thương nặng, sâu và lan rộng thì nên đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Trên đây là những thông tin về cách xử lý khi vết bỏng bô xe máy bị phồng. Hy vọng với những thông tin trên đã giúp bạn biết được cách xử lý khi gặp tình trạng trên để vùng da tổn thương được phục hồi một cách tốt nhất.

Xem thêm: Vết bỏng bị phồng nước phải làm sao?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Chủ đề:bỏngTrị bỏng