1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Cẩm nang mang thai: Các xét nghiệm bắt buộc trước khi sinh nên biết

Tố Uyên

26/06/2025
Kích thước chữ

Việc thực hiện các xét nghiệm bắt buộc trước khi sinh không chỉ giúp đảm bảo sức khỏe của mẹ mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm những bất thường có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Các xét nghiệm chính là “kim chỉ nam” để mẹ bầu chủ động theo dõi sức khỏe trong suốt 9 tháng 10 ngày. Hãy cùng tìm hiểu các xét nghiệm bắt buộc trước khi sinh mà mẹ bầu cần biết để có một thai kỳ khỏe mạnh.

Khám phá cẩm nang mang thai với các xét nghiệm bắt buộc trước khi sinh dành cho mẹ bầu. Chủ động bảo vệ sức khỏe mẹ và bé trong suốt thai kỳ với thông tin hữu ích trong bài viết dưới đây.

Lý do cần thực hiện các xét nghiệm bắt buộc trước khi sinh?

Các xét nghiệm bắt buộc trước khi sinh đóng vai trò rất quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe cho mẹ và thai nhi. Chúng giúp phát hiện sớm những bệnh lý tiềm ẩn ở mẹ bầu mà đôi khi không có dấu hiệu rõ ràng, như thiếu máu, viêm gan hay bệnh tim mạch, từ đó bác sĩ có thể can thiệp kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến thai nhi.

Bên cạnh đó, các xét nghiệm như Triple Test, NIPT hay chọc ối giúp kiểm tra sức khỏe của thai nhi và phát hiện các dị tật bẩm sinh như hội chứng Down hay hội chứng Edwards, giúp gia đình và bác sĩ có thể chuẩn bị phương án hỗ trợ phù hợp.

Ngoài ra, xét nghiệm còn giúp sàng lọc các bệnh lây truyền từ mẹ sang con như HIV, viêm gan B hay giang mai, từ đó có biện pháp phòng ngừa hoặc điều trị kịp thời để bảo vệ sức khỏe của bé ngay từ trong bụng mẹ. Vì vậy, việc thực hiện đầy đủ các xét nghiệm trước sinh là bước quan trọng không thể thiếu để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn.

Cẩm nang mang thai: Các xét nghiệm bắt buộc trước khi sinh nên biết 1
Trước khi sinh, thai phụ cần thực hiện nhiều loại xét nghiệm khác nhau

Các xét nghiệm bắt buộc trước khi sinh nào cần phải thực hiện?

Khi mang thai, việc thực hiện các xét nghiệm xét nghiệm trước khi sinh là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe của mẹ và bé. Dưới đây là các xét nghiệm mà mẹ bầu cần phải thực hiện để đảm bảo thai kỳ an toàn và khỏe mạnh.

Xét nghiệm nước tiểu

Xét nghiệm nước tiểu được thực hiện định kỳ trong thai kỳ để theo dõi sức khỏe của mẹ và phát hiện sớm các bất thường. Một số yếu tố quan trọng được kiểm tra gồm:

  • Protein niệu: Sự xuất hiện protein trong nước tiểu có thể là dấu hiệu của tiền sản giật.
  • Glucose: Giúp nhận biết nguy cơ tiểu đường thai kỳ.
  • Vi khuẩn: Phát hiện nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu, một yếu tố có thể dẫn đến sinh non nếu không được điều trị kịp thời.

Xét nghiệm máu trước khi sinh

Xét nghiệm máu là một trong những bước cơ bản và quan trọng để đảm bảo sức khỏe cả mẹ và bé trong thai kỳ. Thông qua xét nghiệm máu, bác sĩ có thể phát hiện và quản lý sớm các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Các xét nghiệm máu bắt buộc gồm kiểm tra nhóm máu và yếu tố Rh, định lượng huyết sắc tố, kiểm tra chức năng gan thận, kiểm tra bệnh lý truyền nhiễm như HIV, viêm gan B, bệnh lây qua đường tình dục, công thức máu toàn phần…

Cẩm nang mang thai: Các xét nghiệm bắt buộc trước khi sinh nên biết 2
Các xét nghiệm khuyến cáo trước khi sinh không thể thiếu xét nghiệm máu

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ là tình trạng phổ biến có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ và bé nếu không được kiểm soát. Xét nghiệm đường huyết, đặc biệt là xét nghiệm dung nạp glucose (OGTT), thường được thực hiện vào tuần 24 - 28 của thai kỳ để phát hiện sớm tình trạng này. Nếu được chẩn đoán sớm, bác sĩ sẽ hỗ trợ mẹ bầu kiểm soát đường huyết thông qua chế độ ăn uống hoặc điều trị y tế.

Xét nghiệm dị tật thai nhi

Để phát hiện sớm các bệnh di truyền hoặc dị tật thai nhi, bác sĩ thường chỉ định một số xét nghiệm trước sinh như:

  • Sàng lọc dị tật bẩm sinh: Như Double test, Triple test hoặc NIPT, các xét nghiệm này giúp phát hiện nguy cơ hội chứng Down, hội chứng Edwards hoặc hội chứng Patau.
  • Chọc ối hoặc lấy mẫu lông màng đệm (CVS): Đây là các xét nghiệm xâm lấn, áp dụng khi có nguy cơ cao dị tật bẩm sinh sau sàng lọc ban đầu.
Cẩm nang mang thai: Các xét nghiệm bắt buộc trước khi sinh nên biết 3
Xét nghiệm NIPT giúp sàng lọc dị tật thai nhi hiệu quả, an toàn

Siêu âm

Siêu âm là công cụ chẩn đoán quan trọng, được thực hiện thường xuyên trong thai kỳ để đánh giá sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Phương pháp này cung cấp nhiều thông tin hữu ích, bao gồm:

  • Xác định vị trí thai: Giúp đảm bảo thai nằm trong tử cung, đồng thời phát hiện kịp thời tình trạng thai ngoài tử cung nếu có.
  • Đánh giá sự phát triển: Theo dõi các chỉ số như chiều dài, cân nặng và đánh giá sự phát triển tổng thể của em bé để phát hiện sớm bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.
  • Phát hiện dị tật bẩm sinh: Hỗ trợ phát hiện các dị tật như hở hàm ếch, bất thường ở tim mạch hoặc các cơ quan khác, giúp bố mẹ chuẩn bị tâm lý và kế hoạch chăm sóc phù hợp.

Ai nên xét nghiệm trước khi sinh?

Tất cả phụ nữ mang thai cần phải thực hiện các xét nghiệm bắt buộc trước khi sinh để đảm bảo sức khỏe cho mẹ bầu và thai nhi. Ngoài ra, xét nghiệm này có thể giúp tìm ra nguy cơ thai nhi mắc một số dị tật bẩm sinh để có hướng can thiệp kịp thời. Đặc biệt những nhóm đối tượng sau không nên bỏ qua những xét nghiệm sàng lọc dị tật bẩm sinh cho con:

  • Phụ nữ mang thai trên 35 tuổi.
  • Phụ nữ từng sảy thai trong quá khứ, thai chết lưu không rõ nguyên nhân, thai nhi không khỏe mạnh.
  • Có các triệu chứng như cúm, thủy đậu, sởi…
  • Mẹ bầu thường xuyên cảm thấy căng thẳng và lo lắng.
  • Mẹ bầu làm việc trong môi trường độc hại hoặc tiếp xúc với môi trường không tốt cho sự phát triển của thai nhi trong thời gian dài.
  • Thường xuyên sử dụng chất kích thích hoặc thuốc tránh thai nhưng vẫn mang thai.
  • Tiền sử sức khỏe gia đình có người mắc dị tật bẩm sinh.
  • Phụ nữ sử dụng thuốc kháng sinh trong quá trình mang thai.
Cẩm nang mang thai: Các xét nghiệm bắt buộc trước khi sinh nên biết 4
Thai phụ thuộc nhóm yếu tố nguy cơ cần thực hiện đầy đủ các xét nghiệm bắt buộc trước khi sinh

Các xét nghiệm bắt buộc trước khi sinh là bước không thể thiếu để đảm bảo sức khỏe toàn diện cho mẹ và bé. Việc hiểu rõ và thực hiện đầy đủ các xét nghiệm này giúp phát hiện sớm bất kỳ vấn đề nào có thể phát sinh trong thai kỳ, đồng thời giúp mẹ bầu an tâm hơn trong hành trình 9 tháng 10 ngày. Đừng quên tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể và luôn đặt sức khỏe mẹ và bé lên hàng đầu nhé.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTừ Vĩnh Khánh Tường

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Võ Trường Toản. Có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin