Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Khỏe đẹp/
  4. Chăm sóc cơ thể

Cần lưu ý: Có những người không nên ngâm chân nước nóng!

Ngày 26/06/2023
Kích thước chữ

Ngâm chân với nước nóng là một liệu pháp trị bệnh thông dụng trong y học cổ truyền. Tuy nhiên không phải ai cũng biết thực hiện đúng cách cũng như có trường hợp những người không nên ngâm chân với nước nóng cần phải lưu ý.

Đôi chân được ví như một “huyệt đạo” quan trọng vì là nơi phải chịu áp lực của cả cơ thể. Ngâm chân nước nóng là một biện pháp góp phần cải thiện sức khỏe và giải tỏa stress. Vậy bạn đã biết cách ngâm chân với nước nóng hiệu quả và những người không nên ngâm chân chưa? Cùng khám phá trong bài viết sau nhé!

Tác dụng của việc ngâm chân nước nóng

Việc ngâm chân với nước nóng là một phương pháp mang lại nhiều lợi ích cho cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

Giảm chứng mất ngủ

Nếu bạn bị rối loạn giấc ngủ thì hãy ngâm chân nước gừng hoặc nước muối ấm đều đặn mỗi buổi tối trước khi đi ngủ. Cùng với đó là kết hợp xoa bóp nhẹ nhàng để kích thích tuần hoàn máu, tạo những tác động tích cực đến hệ thần kinh, từ đó giúp bạn có một giấc ngủ sâu và ngon giấc hơn.

Lưu ý: Có những người không nên ngâm chân nước nóng! 1
Ngâm chân bằng nước nóng hỗ trợ cải thiện chất lượng giấc ngủ

Cải thiện trí não, tinh thần

Stress và thiếu máu có thể là nguyên nhân gây đau đầu bất thường. Ngâm chân với nước nóng trước khi ngủ sẽ giúp tăng cường lượng máu lưu thông, tạo cảm giác thư giãn sâu, hồi phục sự cân bằng giữa suy nghĩ và cảm xúc.

Bên cạnh đó, phương pháp này còn giúp cơ thể sản xuất ra hormone làm bạn cảm thấy hài lòng, thỏa mãn, cải thiện sự tập trung của trí não và tăng cường năng lượng khi mệt mỏi.

Tăng cường thể chất

Ngâm chân nước ấm kết hợp cùng xoa bóp bấm huyệt sẽ giúp tăng lưu lượng máu xuống vùng bàn chân, mang lại sự thư giãn tối đa và giải độc cho những vùng cơ thể cần chữa lành. Đây cũng là cách điều trị hiệu quả với một số tình trạng phổ biến như sáng ngủ dậy bị đau lòng bàn chân, thay đổi hormone, huyết áp bất thường, suy giảm chức năng xương khớp.

Trị các bệnh mạn tính

Phương pháp cổ truyền kết hợp giữa bấm huyệt và ngâm chân có tác dụng làm giảm triệu chứng của các bệnh mạn tính. Cách làm này có thể mang lại tác động tích cực đối với một số bệnh như đái tháo đường, lạc nội mạc tử cung, các bệnh lý về cơ xương khớp (viêm khớp cổ bàn chân, đau cơ xơ hóa,...).

Lưu ý: Có những người không nên ngâm chân nước nóng! 2
Ngân chân giúp cải thiện các bệnh mãn tính về xương khớp chân

Trị bệnh ngoài da

Khi áp dụng phương pháp ngâm chân với nước muối ấm, một số bệnh như nấm chân, nứt gót chân có thể được chữa trị hiệu quả. Muối và nước ấm có tác dụng tẩy tế bào chết, giảm ngứa, đau nhức, viêm nhiễm, nhanh chóng hồi phục vết thương.

Hướng dẫn ngâm chân nước nóng đúng cách, hiệu quả

Để liệu pháp ngâm chân nước nóng phát huy được tối đa tác dụng, bạn hãy áp dụng theo các bước hướng dẫn dưới đây:

  • Bước 1: Chuẩn bị một chiếc chậu đủ lớn để ngâm cả 2 chân được thoải mái, sau đó đổ nước nóng (có thể là nước sạch đun sôi hoặc nước thảo dược) khoảng 40 - 50 độ C vào.
  • Bước 2: Kiểm tra nhiệt độ của nước trước khi ngâm chân, có thể điều chỉnh bằng cách đổ thêm nước nếu thấy quá lạnh hoặc quá nóng.
  • Bước 3: Ngồi thoải mái trên ghế, đặt cả 2 chân vào thau nước, chú ý nước nên ngâm ngập cổ chân và trên mắt cá chân khoảng 2 cm.
  • Bước 4: Ngâm chân trong khoảng 10 - 15 phút, tránh ngâm lâu hơn, thực hiện đều đặn mỗi ngày trước khi đi ngủ.
  • Bước 5: Nhấc chân ra và dùng khăn bông mềm lau khô, thoa thêm kem dưỡng ẩm để bàn chân tránh bị khô, nứt.

Những người không nên ngâm chân với nước nóng

Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, những người không nên ngâm chân nước nóng là:

  • Người thường xuyên chóng mặt, huyết áp và mắc bệnh tim mạch không nên áp dụng phương pháp này. Nếu vẫn ngâm và trong quá trình thực hiện thấy ra nhiều mồ hôi thì cần dừng lại, lau khô mồ hôi, nghỉ ngơi ở chỗ kín gió.
  • Những người bị bong gân hoặc vừa uống rượu không nên dùng nước nóng để ngâm chân.
  • Phụ nữ trong ngày hành kinh là những người không nên ngâm chân vì lúc này cơ thể đang bị mất máu và mệt mỏi.
Lưu ý: Có những người không nên ngâm chân nước nóng! 3
Những người không nên ngâm chân với nước nóng cần tuân thủ nghiêm ngặt

Một số lưu ý khi thực hiện ngâm chân

Khi ngâm chân cũng cần phải lưu ý những điều sau để quá trình thực hiện đạt hiệu quả:

  • Không ngâm chân trong vòng 30 phút sau bữa ăn vì lượng máu dồn xuống chân sẽ ảnh hưởng đến khả năng hấp thu của cơ thể.
  • Nhiệt độ nước ngâm chân phù hợp là từ 40 - 50 độ C, không dùng nước quá nóng vì sẽ ảnh hưởng đến phân bố tuần hoàn của cơ thể.
  • Không ngâm chân quá lâu, đặc biệt là vào mùa đông vì sẽ khiến da khô và mẩn ngứa.
  • Không đi ngủ ngay sau khi ngâm chân mà cần lau khô và đợi nhiệt độ của chân cân bằng với nhiệt độ cơ thể.

Như vậy, ngâm chân nước nóng là một liệu pháp rất đơn giản, hữu ích để cải thiện và nâng cao sức khỏe. Ngoại trừ những người không nên ngâm chân nước nóng ở trên thì bất kỳ ai cũng có thể áp dụng phương pháp này để giúp sức khỏe thể chất và tinh thần trở nên tốt hơn.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin