Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Cảnh giác với nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ sơ sinh

Ngày 09/09/2023
Kích thước chữ

Nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ sơ sinh là bệnh lý tiêu hóa phổ biến. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ba mẹ chưa hiểu rõ về mức độ nguy hiểm và những con đường gây nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ sơ sinh.

Trẻ sơ sinh là đối tượng dễ bị vi khuẩn, virus tấn công do hệ miễn dịch còn non yếu. Điển hình nhất là các bệnh ở đường ruột do hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn thiện. Trong đó, nhiễm khuẩn đường ruột là tình trạng thường gặp nhất.

Nhiễm khuẩn đường ruột có xu hướng gia tăng vào mùa nắng nóng. Vì vậy, cha mẹ cần cảnh giác với căn bệnh nguy hiểm này.

Nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ sơ sinh do những nguyên nhân nào?

Nhiễm khuẩn đường ruột là khi hệ tiêu hóa bị vi khuẩn, virus, ký sinh trùng có hại từ bên ngoài tấn công gây ra viêm ruột. Hậu quả, trẻ bị tiêu chảy nhiễm khuẩn gây đau bụng, đi ngoài ra nước liên tục trong vài ngày, thậm chí có nhầy máu.

Có nhiều nguyên nhân gây ra nhiễm khuẩn đường ruột, trong đó phổ biến nhất là do các vi khuẩn dạng E. Coli, Campylobacter, trực khuẩn lỵ Shigella, Salmonella, vi khuẩn tả Vibrio Cholerae… Trong đó, vi khuẩn E. Coli là thủ phạm hàng đầu.

Cảnh giác với nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ sơ sinh 1
Vi khuẩn E. Coli thường có trong thực phẩm không hợp vệ sinh

Ngoài nguyên nhân do vi khuẩn, một số yếu tố cũng làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ sơ sinh như do thức ăn, do môi trường sống, dụng cụ ăn uống không vệ sinh…

Nhiễm khuẩn đường ruột do sữa, thức ăn

Sữa, đồ ăn dặm không được bảo quản và chế biến đúng cách có thể là nguồn lây nhiễm vi khuẩn cực nguy hiểm. Vi khuẩn có thể xâm nhập và tấn công cơ thể từ các loại thực phẩm không an toàn này.

Ba mẹ cần lưu ý, tuyệt đối không cho trẻ ăn đồ ăn bị ôi thiu, có mùi lạ hoặc các loại sữa bảo quản không đúng cách.

Dụng cụ ăn uống không đảm bảo vệ sinh

Bình sữa, cốc uống nước, ti giả, bát ăn dặm… nếu không được rửa và tiệt trùng đúng cách có thể dẫn đến nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ sơ sinh, do vi khuẩn có thể lây lan từ dụng cụ mà trẻ tiếp xúc.

Cảnh giác với nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ sơ sinh 2
Bình sữa không tiệt trùng cẩn thận có thể là căn nguyên gây nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ sơ sinh

Môi trường sống ô nhiễm

Môi trường sống không đảm bảo vệ sinh là nơi trú ngụ lý tưởng của vi khuẩn. Sau đó, những vi khuẩn này sẽ xâm nhập vào cơ thể thông qua tiếp xúc với chăn, gối, nguồn nước… trong quá trình chăm sóc trẻ.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ sơ sinh

Tùy vào nguyên nhân gây bệnh, thể trạng và mức độ nhiễm khuẩn mà trẻ sẽ có những dấu hiệu khác nhau. Trong đó, một số dấu hiệu điển hình dễ nhận thấy gồm:

Tiêu chảy

Biểu hiện đầu tiên và rõ ràng nhất khi trẻ sơ sinh bị nhiễm khuẩn đường ruột chính là tiêu chảy. Trẻ sẽ đi ngoài phân lỏng, nước nhiều lần trong ngày. Phân của trẻ nhiễm khuẩn thường có mùi chua, lẫn chất nhầy, thậm chí có cả máu. Tiêu chảy kéo dài dễ dẫn đến thiếu nước. Nếu trẻ không được bù nước kịp thời sẽ gặt nguy hiểm như suy hô hấp, nhiễm trùng máu, thậm chí là tử vong. Do đó, ba mẹ cần hết sức chú ý khi chăm sóc trẻ nhiễm khuẩn đường ruột.

Đau bụng

Là triệu chứng điển hình của nhiễm khuẩn đường ruột. Trẻ sơ sinh chưa thể nói nhưng mẹ vẫn có thể nhận thấy trẻ bị đau bụng thông qua việc quấy khóc, ôm bụng, không chịu nằm yên. Ngoài ra, trẻ có thể bị sốt, đầy hơi kèm theo.

Cảnh giác với nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ sơ sinh
Trẻ quấy khóc là những dấu hiệu dễ nhận biết khi bị nhiễm khuẩn đường ruột

Nôn

Nhiễm khuẩn đường ruột gây ảnh hưởng lớn tới hệ tiêu hóa dẫn đến nôn, trớ.

Mệt mỏi, ăn kém

Đau bụng, tiêu chảy liên tục khiến trẻ mệt mỏi. Ngoài ra, hệ tiêu hóa bị tấn công làm cho trẻ chán ăn, bỏ bú.

Cách xử trí và phòng ngừa nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ

Với những trường hợp trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột nhẹ, ba mẹ có thể điều chỉnh chế độ ăn và theo dõi sát sao tại nhà. Thông thường, trẻ bị nhiễm khuẩn nhẹ có thể khỏi sau khoảng vài ngày.

Trong trường hợp trẻ có những biểu hiện nặng hơn như tiêu chảy kéo dài, sốt nhẹ, nôn liên tục hoặc có dấu hiệu mất nước, ba mẹ cần nhanh chóng đưa bé đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Cảnh giác với nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ sơ sinh 3
Nếu tiêu chảy nặng trẻ cần điều trị để tránh mất nước

Để phòng ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ sơ sinh, ba mẹ cần áp dụng ngay những cách sau:

  • Vệ sinh và tiệt trùng sạch sẽ dụng cụ ăn uống, đồ chơi của trẻ;
  • Hạn chế trẻ mút tay, đưa tay vào miệng;
  • Làm sạch không gian sống của trẻ;
  • Vệ sinh sạch sẽ, sát khuẩn tay thường xuyên trong quá trình chăm sóc trẻ;
  • Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và duy trì tới khi trẻ 2 tuổi;
  • Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những người đang mắc bệnh tiêu hóa;
  • Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ sau khi đi ra ngoài và trước khi ăn;
  • Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện ăn chín uống sôi, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn.

Nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ sơ sinh rất dễ mắc nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa dễ dàng nếu ba mẹ thực hiện tốt các nội dung trên. Hy vọng những thông tin trong bài viết này này sẽ giúp ích cho mẹ trong hành trình chăm sóc bé yêu khỏe mạnh.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin