Cắt bỏ túi lệ: Trường hợp chỉ định, quy trình và cách xử trí tai biến
Ngày 07/06/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Cắt bỏ túi lệ là một kỹ thuật can thiệp xâm lấn không quá phức tạp, có thể thao tác nhanh gọn chỉ sau thời gian ngắn. Tuy nhiên nếu không thực hiện theo các bước chuẩn y khoa thì vẫn có thể phát sinh tai biến cả trong và sau khi phẫu thuật.
Chỉ khi túi lệ không thể đảm đương được vai trò vốn có thì bác sĩ mới chỉ định cắt bỏ. Vậy bạn có biết cắt bỏ túi lệ được thực hiện trong trường hợp nào và cách thức tiến hành ra sao hay không?
Túi lệ là gì?
Túi lệ thực chất là đầu kéo dài lên phía trên của ống lệ mũi. Chúng nằm bên trong một rãnh sâu lòng, được hợp thành từ mỏm trán của hàm trên và xương lệ. Túi lệ chính là nơi đổ vào của ống lệ (lệ quản), ngăn cách với phần ống lệ mũi phía dưới bằng một eo thắt.
Bộ phận này có hình bầu dục, kích thước dao động từ 12 - 15mm ở người trưởng thành. Đầu trên của túi được đóng kín và bo góc tròn trịa. Bên trong túi được phủ bởi lớp biểu mô trụ phân tầng, hợp thành từ các tế bào cốc có khả năng tiết chất nhầy bôi trơn.
Chức năng của túi lệ là chứa đựng nước mắt. Nước mắt có thể di chuyển từ bộ phận này ra ngoài hoặc từ bên ngoài vào trong túi thông qua cử động của cơ vòng mắt. Đặc biệt không chỉ nước mắt, còn có các dị vật khác cũng có thể đi vào túi lệ và gây ra hiện tượng tắc nghẽn, viêm nhiễm.
Cắt bỏ túi lệ - Trường hợp nên và không nên
Việc cắt bỏ túi lệ là lựa chọn nằm ngoài mong muốn, khi các kỹ thuật can thiệp khác không thể bảo tồn được chức năng vốn có của bộ phận này. Vậy khi phát sinh các bệnh lý về mắt thì đâu là những trường hợp nên và không nên cắt túi lệ?
Chỉ định
Việc loại bỏ túi lệ được chỉ định trong 3 trường hợp dưới đây:
Bệnh nhân bị viêm túi lệ cấp hoặc mạn tính, đã được can thiệp bằng cách phẫu thuật nhằm nối thông túi lệ mũi nhưng bệnh tình không thuyên giảm;
Bệnh nhân viêm túi lệ nhưng không có điều kiện/cơ hội để phẫu thuật nối thông túi lệ.
Chống chỉ định
Tuyệt đối không nên cắt túi lệ trong những trường hợp sau:
Mắc bệnh cấp tính vùng mắt nhưng không liên quan đến túi lệ.
Người bệnh yếu, không đủ điều kiện sức khỏe để thực hiện kỹ thuật nói trên.
Tiến trình cắt bỏ túi lệ diễn ra như thế nào?
Tiến trình cắt túi lệ sẽ trải qua 2 giai đoạn chính yếu, đó là khâu chuẩn bị và các bước thực hiện cơ bản.
Chuẩn bị
Để tiến hành loại bỏ túi lệ, một ca can thiệp cần chuẩn bị đủ 4 điều kiện thiết yếu, đó là:
Người thực hiện thủ thuật: Bác sĩ chuyên khoa mắt (có kinh nghiệm phẫu thuật túi lệ).
Phương tiện hỗ trợ: Bộ dụng cụ phẫu thuật, chỉ tổng hợp, chỉ tự tiêu.
Người bệnh: Chuyên viên y tế sẽ phân tích, giải thích cặn kẽ cho bệnh nhân và người nhà vì lý do cần phẫu thuật, tiên lượng và biến chứng có thể xảy ra. Nếu sau khi nắm bắt thông tin, người bệnh và gia đình đồng ý phẫu thuật thì sẽ ký cam kết trước khi vào phòng mổ.
Hồ sơ bệnh án: Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ theo quy định chuẩn chỉnh của Bộ Y tế để tiện cho việc kiểm tra, đánh giá và theo dõi sức khỏe bệnh nhân.
Các bước tiến hành
Các bước phẫu thuật cắt túi lệ được thực hiện như sau:
Bước 1: Kiểm tra qua hồ sơ, sức khỏe người bệnh và tiến hành gây mê hoặc gây tê tại chỗ (tùy từng trường hợp).
Bước 2: Dùng dao đã tiệt trùng rạch một đường dài khoảng 12mm, cách góc trong mắt chừng 5mm. Lưu ý, không rạch thẳng mà hơi lia ra phía ngoài sao cho 1/3 phía trên nằm trên góc trong mắt và phần còn lại nằm dưới góc trong mắt.
Bước 3: Dùng dụng cụ chuyên biệt tách da, cơ để tiếp cận dây chằng mi trong. Sau đó cắt bộ phận này ngay ở vị trí bám vào mào lệ trước.
Bước 4: Gỡ dây chằng mi trong ra khỏi mặt trước của túi lệ. Sau đó tách biệt thành ngoài của túi ra khỏi thành trong hốc mắt. Tiếp đến là tách thành trong túi khỏi máng lệ nằm ngay liền kề. Để lộ phần đỉnh túi lệ, người can thiệp sẽ hướng mũi dao lên phía trên và cắt đứt dây chằng đỉnh túi. Khi đó, túi sẽ được gỡ bỏ hoàn toàn ra khỏi máng lệ.
Bước 5: Cắt bỏ túi ngay tại vị trí eo thắt giáp ranh ống lệ mũi (còn gọi là cổ túi lệ). Lưu ý cắt sát ống lệ mũi để tổ chức trên được loại bỏ triệt để. Đảm bảo thao tác đúng kỹ thuật để toàn bộ túi lệ được lấy ra khỏi kết cấu chung.
Bước 6: Tiến hành cầm máu cho khu vực vừa can thiệp bằng cách đốt vào phần trên cùng của ống lệ mũi và đường lệ chung.
Bước 7: Phục hồi dây chằng mi trong bằng cách khâu mối đứt với sự hỗ trợ của chỉ tự tiêu. Riêng với vết rạch da bên ngoài thì dùng chỉ không tiêu để xử lý. Sau đó khử trùng và băng bó vết thương. Ở giai đoạn hậu phẫu, bệnh nhân sẽ được kê thuốc kháng sinh toàn thân, thuốc chống viêm để giảm đau, chống nhiễm khuẩn và phù nề.
Những tai biến có thể xảy ra và cách xử trí
Như đã nhắc qua ở đầu bài viết, mặc dù cắt bỏ túi lệ là một kỹ thuật không hề phức tạp nhưng tai biến vẫn luôn rình rập, cả trong và sau khi can thiệp. Ngay sau đây là những sự cố có thể xảy ra và cách xử trí hiệu quả cho từng trường hợp:
Thủng ở thành trong hốc mắt: Nguyên nhân là do dao kéo chạm vào tổ chức này. Hệ quả có thể khiến mỡ phòi ra ngoài và gây khó khăn cho việc can thiệp. Để khắc phục bạn chỉ cần vét sạch túi lệ mà không cần xử lý trực tiếp ngay ở vị trí có lỗ thủng.
Rỉ máu sau khi phẫu thuật: Có thể do khâu không đúng kỹ thuật, đốt điện sai cách. Lúc này các chuyên gia sẽ xem lại mối khâu và tiến hành đốt điện một lần nữa để khắc phục tình hình.
Tái phát viêm, rò vết mổ: Nguyên nhân chủ yếu do cắt sót, khâu vết mổ không đúng kỹ thuật. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ mở góc trong mắt một lần nữa để loại bỏ phần túi lệ còn sót, sau đó khâu lại mối rạch để khắc phục sự cố.
Trên đây là những thông tin quan trọng về quy trình cắt bỏ túi lệ, những trường hợp nên và không nên can thiệp bằng phương pháp này. Mong rằng qua bài viết, bạn đã tìm được những nội dung hữu ích để phục vụ việc học tập, nghiên cứu và bảo vệ sức khỏe cá nhân! Trân trọng!
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.