Cây thuốc dòi hay còn gọi là cây bọ mắm, tên khoa học là pouzolzia zeylanica, là cây thảo thân mềm, có lông. Là loại dược liệu được sử dụng trong y học dân gian để điều trị các bệnh ho, hỗ trợ điều trị ho lao, mụn nhọt,... Vậy cây thuốc dòi trị ung thư được không?
Đặc điểm cây thuốc dòi
Cây dòi tím có tên khoa học là pouzolzia zeylanica, thuộc họ tầm ma. Cây thuốc dòi có những đặc tính sau:
- Thuộc cây thân thảo, thân cây có lông phân thành nhiều nhánh, mọc sát đất.
- Lá màu xanh lục, thường mọc xen kẽ, hình trứng và thuôn nhỏ về phần đầu lá.
- Hoa nhỏ, mọc thành chùm, ra hoa quanh năm.
- Quả dòi có hình trứng, có các vân chạy dọc quả.
- Cây thuốc dòi mọc hoang ở nơi ẩm thấp, có nguồn gốc từ Ấn Độ, Philippines và Việt Nam.
- Thân cây, nhựa cây, hoa, lá của cây thuốc dòi dùng để làm thuốc. Có thể thu hái quanh năm.
Cây thuốc dòi hay gọi là bọ mắm, tên khoa học là Pouzolzia zeylanica, thuộc họ tầm ma
Công dụng cây thuốc dòi
Theo y học cổ truyền, cây thuốc dòi có vị ngọt, tính mát, được sử dụng để điều trị các bệnh như:
- Chữa các bệnh về đường hô hấp, tai mũi họng, ho dai dẳng, ho có đờm, viêm mũi, viêm họng.
- Thanh nhiệt, giải độc, trị mụn nhọt.
- Chữa viêm vú, thông tuyến sữa.
- Cây thuốc dòi trị ung thư.
- Điều trị rong kinh.
- Điều trị bệnh dạ dày do vi khuẩn HP.
- Ngoài ra, loại thuốc này còn có tác dụng lợi tiểu, làm tan vết bầm tím cũng rất tốt.
Một số bài thuốc dùng cây thuốc dòi để chữa bệnh như sau:
- Cây thuốc dòi chữa ho, viêm họng: Mỗi ngày uống 10 - 20g cây thuốc dòi khô với nước cho đến khi hết các triệu chứng.
- Cây thuốc dòi chống lao: Ngâm nhựa cây thuốc dòi trong mật ong, chắt lấy nước, ngày uống 2 - 3 lần. Duy trì đều đặn để cải thiện triệu chứng bệnh hiệu quả.
- Thanh nhiệt giải độc: Ngày dùng 10 - 20g cây thuốc dòi nấu làm nước uống. Để có hiệu quả tốt hơn, nên kết hợp với râu ngô, mã đề hoặc bạch mao căn.
- Cây thuốc dòi chữa mụn nhọt, viêm sưng vú, tắc sữa: Lấy cây giã nát đắp trực tiếp lên chỗ bị sưng viêm, mụn nhọt, các triệu chứng sẽ thuyên giảm rất nhanh.
Một số công dụng của cây thuốc dòi ở các nước trên thế giới:
- Ở Ấn Độ, dùng cây thuốc dòi để chữa bệnh lậu, giang mai, rắn cắn. Ngoài ra, ẩm thực Ấn Độ còn sử dụng cây thuốc này để chế biến các món ăn với thịt hun khói, măng khô trong các lễ hội.
- Ở Malaysia, lá cây thuốc dòi được dùng chữa tắc tia sữa, viêm vú sau khi sinh và phụ nữ đang cho con bú.
- Người Trung Quốc thường nhai lá cây thuốc dòi để chữa sâu răng và viêm mũi.
- Ở Việt Nam, loại cây này thường được dùng để đuổi dòi bọ trong nước mắm.
Cây thuốc dòi trị ung thư và được sử dụng để điều trị nhiều bệnh lý khác
Cây thuốc dòi trị ung thư được không?
Bên trong cây thuốc dòi có thành phần chủ yếu là flavonoid là hoạt chất có khả năng hỗ trợ tiêu diệt các tế bào ung thư như ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư phổi, ung thư cổ tử cung,… Loại thảo mộc này đã được chứng minh là ngăn ngừa và ức chế sự phân hủy các gốc tự do trong cơ thể con người.
Đối với bệnh nhân mắc bệnh nan y sau hóa trị, sử dụng cây thuốc dòi giúp giảm đau, kích thích ăn ngon hơn, từ đó có tinh thần điều trị bệnh tốt hơn. Ngoài ra, loại dược phẩm này còn giúp tăng cường hệ miễn dịch, tăng khả năng chống lại sự tấn công của các tế bào ung thư và ngăn ngừa các bệnh nan y ở người bình thường.
Uống nhiều cây thuốc dòi có tốt không?
Nhìn chung, khi được sử dụng đúng cách, cây thuốc dòi khá lành tính. Tuy nhiên, lạm dụng quá nhiều cây thuốc này thì có thể gây hại cho sức khỏe.
Đối với người cơ thể tính hàn
Cây thuốc dòi có tác dụng thanh nhiệt, giải độc cơ thể. Vì vậy, ở người có cơ địa tính hàn hay còn gọi là thấp nhiệt dễ sinh ra những phản ứng không tốt cho cơ thể. Vì vậy nếu thể hàn thì nên chú ý liều lượng khi sử dụng.
Mất cân bằng khoáng chất
Vì cây thuốc dòi có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu nên trong nhiều trường hợp có thể làm mất cân bằng điện giải trong cơ thể, đặc biệt nếu sử dụng quá thường xuyên. Điều này làm giảm hấp thu các chất khoáng như kali, natri… do bị đào thải ra qua nước tiểu.
Đối với phụ nữ mang thai
Cây thuốc dòi là cây thuốc có tính chất điều kinh. Do đó, phụ nữ mang thai không nên sử dụng cây thuốc dòi thường xuyên vì có thể làm tăng co bóp cơ trơn tử cung, ảnh hưởng đến thai nhi, thậm chí gây sảy thai.
Trường hợp phụ nữ mang thai muốn sử dụng loại thảo dược này cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng bất thường nào nên ngừng sử dụng ngay lập tức và đến bệnh viện kịp thời để kiểm tra.
Ngoài ra, uống nhiều lá cây thuốc dòi có thể làm hạ huyết áp, hạ nhiệt, giảm tác dụng của một số thuốc điều trị bệnh khi sử dụng cùng lúc.
Phụ nữ mang thai không nên sử dụng cây thuốc dòi vì có thể làm tăng co bóp tử cung ảnh hưởng đến thai nhi
Những lưu ý khi sử dụng cây thuốc dòi
Trên thực tế, không chỉ cây thuốc dòi mà tất cả các loại thuốc khác đều cần sử dụng với một liều lượng nhất định. Sử dụng quá nhiều dược liệu gây tác dụng phụ cho người bệnh.
Đối với cây thuốc dòi, liều lượng khuyến cáo hàng ngày là khoảng 10 - 20g. Việc tăng giảm liều lượng phải theo đúng chỉ định của bác sĩ, tùy theo tình trạng sức khỏe cụ thể của từng người. Một số lưu ý khi dùng cây thuốc dòi:
- Cần hỏi ý kiến bác sĩ, không tự ý dùng cây thuốc nam điều trị bệnh.
- Không được lạm dụng thuốc với mục đích giải nhiệt làm thuốc lợi tiểu vì có thể gây mất nước và mất cân bằng điện giải.
- Phụ nữ có thai không được sử dụng vì có thể gây sảy thai.
- Bệnh nhân cao huyết áp và đái tháo đường nên cẩn trọng khi sử dụng.
- Làm sạch dược liệu trước khi sử dụng.
Tóm lại, cây thuốc dòi là một loại dược liệu tương đối tốt cho sức khỏe, vài thông tin cho thấy cây thuốc dòi trị ung thư. Tuy nhiên, dược liệu chỉ có tác dụng khi được nghiên cứu bài bản, dùng với liều lượng phù hợp, đúng cách, đúng mục đích. Bạn không thể tự ý sử dụng tại nhà mà không có sự tham vấn của bác sĩ chuyên môn.