Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Châm cứu bấm huyệt mang lại lợi ích gì cho sức khỏe?

Ngày 18/01/2024
Kích thước chữ

Châm cứu bấm huyệt đã trở thành một liệu pháp chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp của y học cổ truyền Trung Quốc và ngày càng được sử dụng rộng rãi. Vậy châm cứu bấm huyệt bắt nguồn từ đâu? Chúng mang lại lợi ích gì cho cơ thể? Khi thực hiện kỹ thuật châm cứu bấm huyệt thì cần lưu ý gì? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.

Kinh mạch và huyệt đạo là một bộ phận quan trọng của y học cổ truyền Trung Quốc, trong hàng ngàn năm qua, chúng không chỉ có tác dụng chữa bệnh mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe. Y học cổ truyền Trung Quốc có thể kích thích các huyệt đạo cụ thể trên bề mặt cơ thể thông qua châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp,... Vậy châm cứu bấm huyệt phù hợp với những trường hợp nào? Hãy cùng nhau tìm hiểu qua bài viết này.

Nguồn gốc của châm cứu bấm huyệt

Châm cứu là gì?

Châm cứu là kỹ thuật sử dụng các đầu kim mỏng, bằng thép không gỉ đưa vào cơ thể bệnh nhân để kích thích các huyệt đạo của con người qua da. Châm cứu là một nhánh quan trọng của y học cổ truyền và đã có lịch sử hàng ngàn năm ở Trung Quốc. Nó có ưu điểm là đơn giản, tiện lợi, chi phí và hiệu quả nên rất phổ biến trong việc chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp.

Có hai phương thức châm cứu bao gồm:

  • Châm cứu bằng tay: Thao tác các kim được đưa vào bằng tay, chẳng hạn như nâng, đẩy, vặn, xoay hoặc sự kết hợp phức tạp khác;
  • Điện châm cứu: Đây là một biến thể của kỹ thuật châm cứu nhằm kích thích các huyệt bằng dòng điện thay vì thao tác thủ công.
Châm cứu bấm huyệt mang lại lợi ích gì cho sức khỏe? 2
Châm cứu là một nhánh quan trọng của y học cổ truyền Trung Quốc

Bấm huyệt là gì?

Trị liệu bằng huyệt là kỹ thuật quý giá của y học Trung Hoa, là phương pháp mà các bác sĩ sử dụng các kỹ thuật khác nhau như ấn, véo, gõ, xoa và các kỹ thuật khác bằng ngón tay hoặc lòng bàn tay để tạo một áp lực vào các huyệt thích hợp hoặc các đường kích thích cụ thể trên cơ thể bệnh nhân. Sự kích thích, thông qua hoạt động của các kinh mạch, làm cho khí huyết trong cơ thể được thông suốt, cải thiện các hoạt động chức năng bị gián đoạn trở lại bình thường, từ đó đạt được hiệu quả điều trị và phòng ngừa bệnh tật. Vì phương pháp này chủ yếu dùng ngón tay để chỉ, ấn vào các huyệt đạo trên cơ thể con người nên gọi là liệu ​​pháp bấm huyệt hay ấn huyệt.

Châm cứu bấm huyệt mang lại lợi ích gì cho sức khỏe? 3
Bấm huyệt là kỹ thuật quý giá của y học Trung Hoa

Phân biệt châm cứu và bấm huyệt

Châm cứu và bấm huyệt đều kích thích huyệt đạo nhưng tác dụng của chúng vẫn khác nhau.

  • Độ chính xác: Khi kích thích huyệt, châm cứu có độ chính xác lên các kinh lạc cao hơn bấm huyệt.
  • Hiệu quả: Châm cứu là dùng kim đưa vào cơ thể qua bề mặt da còn bấm huyệt chỉ tác động trên bề mặt da. Cho nên, độ sâu của châm cứu có tác dụng kích thích huyệt và truyền năng lượng trên các kinh lạc hiệu quả hơn so với bấm huyệt.
  • Thời gian điều trị: Châm cứu có thể giữ kim lâu hơn và chính xác hơn nên có ưu điểm hơn bấm huyệt trong việc kiểm soát thời gian điều trị.
  • Đối với các huyệt đạo ở những vùng có cơ dày như bắp chân, lưng thì tác dụng của châm cứu vẫn mạnh hơn bấm huyệt.

Cơ chế của châm cứu bấm huyệt

Việc sử dụng thuốc có tác dụng trực tiếp lên các vùng bị bệnh làm giảm bớt tình trạng, còn châm cứu bấm huyệt dựa vào việc kích thích các huyệt đạo của cơ thể và điều chỉnh năng lượng, chức năng sinh lý của các kinh lạc và các cơ quan để tiêu trừ bệnh lý. Hai liệu pháp này có tác dụng:

  • Thúc đẩy lưu thông máu và cải thiện tuần hoàn.
  • Mở khóa các vật gây tắc nghẽn dòng kênh năng lượng của cơ thể.
  • Cải thiện cân bằng nội tiết, sản sinh kháng thể và cải thiện khả năng miễn dịch.
  • Thúc đẩy chức năng bình thường của các cơ quan yếu và sự phối hợp của các hệ cơ quan khác nhau.
Châm cứu bấm huyệt mang lại lợi ích gì cho sức khỏe? 4
Châm cứu bấm huyệt thúc đẩy lưu thông máu và cải thiện tuần hoàn

Lợi ích của châm cứu bấm huyệt

Châm cứu bấm huyệt có tác dụng tốt đối với thần kinh, cơ, xương, khoang miệng, đường tiêu hóa và các bệnh liên quan khác. Dưới đây là một trong các lợi ích mà châm cứu bấm huyệt mang lại.

Giảm đau

Các nghiên cứu đã xác nhận rằng châm cứu bấm huyệt có tác dụng hỗ trợ giảm đau ở người đau cổ vai gáy, đau đầu, sưng khớp, bệnh nhân vừa trải qua phẫu thuật bụng, cột sống, thần kinh. Kỹ thuật châm cứu bằng tay hay điện châm cứu có thể giúp tăng cường giảm đau chu phẫu, giảm nhu cầu opioid và giảm tác dụng phụ không mong muốn của gây mê và thời gian phục hồi sau phẫu thuật ngắn hơn. Ngoài ra, theo ghi nhận, những người được châm cứu bấm huyệt ít bị đau bụng kinh, đau lưng hơn trong những ngày đèn đỏ.

Sinh sản

Cơn đau khi chuyển dạ được đánh giá là một trong các cơn đau nhất mà người phụ nữ phải trải qua khi mang thai. Các cơn đau này khiến cơ thể căng thẳng, lo lắng, sợ hãi và làm tình trạng đau trở nên tồi tệ hơn. Nhiều phụ nữ muốn trải qua quá trình chuyển dạ mà không cần sử dụng thuốc hoặc các phương pháp xâm lấn như gây tê ngoài màng cứng. Họ thường chuyển sang các liệu pháp bổ sung để giúp giảm cường độ đau khi chuyển dạ. Trong đó, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt cũng được áp dụng để giảm căng thẳng và giảm nhận thức về cơn đau.

Tiêu hóa

Cả phương pháp châm cứu bằng tay và điện đều được sử dụng phổ biến trong thực hành lâm sàng, đặc biệt là đối với những bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa đang tìm cách kiểm soát các triệu chứng do các dấu hiệu bệnh tái phát và/hoặc thiếu phương pháp điều trị hiệu quả. Hiện nay, những bệnh nhân bị rối loạn chức năng đường tiêu hóa như táo bón, trào ngược dạ dày thực quản, viêm ruột, tắc ruột, viêm tụy cấp và liệt dạ dày có thể được hưởng lợi từ điều trị bằng châm cứu bấm huyệt.

Rối loạn giấc ngủ

Một số người mắc các bệnh lý như đột quỵ, bệnh thận giai đoạn cuối, tiền mãn kinh, mang thai, bệnh tâm thần thường hay bị mất ngủ. Theo một số nghiên cứu, bấm huyệt có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ và châm cứu là một phương pháp hỗ trợ cho các phương pháp khác cải thiện chất lượng giấc ngủ ở một số đối tượng.

Châm cứu bấm huyệt mang lại lợi ích gì cho sức khỏe? 5
Châm cứu bấm huyệt có tác dụng hỗ trợ giảm đau đầu, cột sống, vai gáy,...

Những điều cấm kỵ khi châm cứu bấm huyệt

  • Nếu có nhiễm trùng và viêm cục bộ như đỏ, sưng, nóng hoặc đau hay bị viêm toàn thân hoặc các bệnh tự miễn thì bạn không nên châm cứu bấm huyệt vùng bị ảnh hưởng hoặc nói với nhân viên y tế, họ sẽ chú ý lựa chọn huyệt đạo, cường độ và tần suất thực hiện để tránh những tổn thương không đáng có cho cơ thể.
  • Không nên châm cứu bấm huyệt khi bệnh nhân sợ hãi hoặc tức giận. Nếu bệnh nhân quá căng thẳng hoặc mệt mỏi thì nên nghỉ ngơi 30 phút để giảm bớt căng thẳng và mệt mỏi. Điều này có lợi cho tác dụng điều trị của châm cứu.
  • Không sử dụng các kỹ thuật nặng sau ăn (quá no) hoặc trước bữa ăn (quá đói). Nếu không, bệnh nhân có thể dễ dàng mệt mỏi. Các huyệt đạo nên được thực hiện cách nhau 30 phút sau bữa ăn.
Châm cứu bấm huyệt mang lại lợi ích gì cho sức khỏe? 6
Không nên châm cứu bấm huyệt khi căng thẳng

Châm cứu bấm huyệt đang trở nên phổ biến và được chấp nhận rộng rãi hơn như một phương pháp chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp. Đây là một phương pháp an toàn và hiệu quả khi được thực hiện đúng cách bởi các chuyên gia được đào tạo.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin