Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Chậm liền xương: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách thúc đẩy quá trình liền xương

Ngày 19/11/2024
Kích thước chữ

Hầu hết các tình trạng gãy xương đều có thể hồi phục và đảm bảo sinh hoạt bình thường. Thời gian hồi phục của mỗi người là khác nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên nếu trong quá trình hồi phục, xương không có dấu hiệu lành, điều này có thể cảnh báo về những bất thường cần được can thiệp. Cùng tìm hiểu chậm liền xương nguyên nhân và dấu hiệu là gì để có những biện pháp khắc phục phù hợp nhé!

Quá trình hồi phục một vị trí xương bị gãy thường mất khoảng 3 tháng nếu được điều trị và chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, nếu thời gian hồi phục này kéo dài hơn hoặc thậm chí không có dấu hiệu liền xương thì rất có thể người bệnh đang gặp phải trường hợp chậm liền xương. Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân và dấu hiệu của chậm liền xương, mời bạn tham khảo bài viết sau đây.

Quá trình liền xương thông thường

Tốc độ hồi phục sau gãy xương phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm mức độ chấn thương, vị trí gãy xương, độ tuổi, tình trạng sức khỏe, phương pháp điều trị…

Đối với trẻ em

Trẻ em thuộc nhóm đối tượng đang trong độ tuổi phát triển, chính vì thế xương có khả năng sẽ được tái tạo lại nhanh chóng. Thông thường mất khoảng 2 - 3 tháng để xương có thể hồi phục hoàn toàn nếu được điều trị đúng cách.

Đối với người lớn

Những người trong độ tuổi trưởng thành sẽ có tốc độ liền xương chậm hơn so với trẻ em bởi lúc này cấu trúc xương đã được hoàn thiện đầy đủ. Khi xuất hiện chấn thương làm thay đổi hoặc phá vỡ cấu trúc vốn có của xương, sẽ cần nhiều thời gian hơn để xương tái tạo và về lại đúng vị trí. Hơn thế nữa, những vị trí khác nhau sẽ có thời gian hồi phục khác nhau. 

Chẳng hạn như nếu gãy ở xương cẳng chân sẽ mất khoảng 3 - 4 tháng để hồi phục khả năng vận động, trong khi gãy ở xương cẳng chân hoặc xương háng thì thời gian sẽ dài hơn khoảng 4 - 6 tháng.

cham-lien-xuong-nguyen-nhan-va-dau-hieu-la-gi 1.jpg
Thời gian liền xương phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau

Đối với người lớn tuổi

Người lớn tuổi thường mắc các bệnh mãn tính và đây cũng là độ tuổi mà xương bắt đầu quá trình lão hóa, điều này làm cản trở quá trình hồi phục xương nếu gặp chấn thương. Bình thường, nếu được điều trị và chăm sóc đúng cách người lớn tuổi bị chấn thương xương có thể khôi phục khả năng vận động sau 4 - 6 tháng.

Nguyên nhân gây chậm liền xương

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến quá trình chậm liền xương, một số nguyên nhân phổ biến có thể kể đến như:

  • Chấn thương nặng: Trong trường hợp chấn thương nặng, vị trí xương bị xê dịch nhiều, có nhiều vị trí bị gãy hoặc vỡ khiến cho những mạch máu xung quanh xương bị phá vỡ cũng khiến cho quá trình liền xương bị trì trệ.
  • Điều trị không đúng phương pháp: Một số trường hợp người bệnh tự điều trị gãy xương gây khó khăn trong quá trình hồi phục chấn thương, làm chậm quá trình liền xương, hay nguy hiểm hơn có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm khác.
  • Không tuân thủ y lệnh của bác sĩ: Một số trường hợp không tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ, tự ý điều chỉnh thuốc, tháo nẹp hoặc bột sớm hay vận động khi vị trí chấn thương chưa hồi phục khiến cho tình trạng gãy xương càng nghiêm trọng hơn.

Bên cạnh đó, một số yếu tố như dinh dưỡng kém, hấp thu kém, người mắc các bệnh mãn tính như đái tháo đường, người thường xuyên hút thuốc lá, người bệnh có hàm lượng canxi thấp, người cao tuổi… cũng có thể là nguyên nhân khiến cho quá trình liền xương chậm lại.

cham-lien-xuong-nguyen-nhan-va-dau-hieu-la-gi 2.jpg
Vận động nhiều khi vết thương chưa hồi phục có thể làm trầm trọng hơn tình trạng gãy xương

Dấu hiệu nhận biết quá trình chậm liền xương

Chậm liền xương có thể biểu hiện thành một số triệu chứng cụ thể như sau:

Cảm thấy đau liên tục ở vị trí bị gãy

Thông thường cảm giác đau là điều khó tránh khỏi khi gặp chấn thương. Tuy nhiên, nếu xuyên suốt quá trình điều trị mà người bệnh vẫn liên tục cảm thấy đau ở vị trí bị gãy, hoặc đã qua một khoảng thời gian dài điều trị mà tình trạng đau vẫn chưa cải thiện thì đây có thể là dấu hiệu của tình trạng chậm liền xương.

Chuyển động bất thường

Sau khoảng thời gian điều trị mà người bệnh có cảm giác vị trí bị gãy vẫn chưa ổn định, chưa về lại trạng thái ban đầu, gây ra một số khó khăn trong việc sinh hoạt và vận động hàng ngày thì đây cũng được xem là dấu hiệu của chậm liền xương

Thời gian phục hồi vượt quá thời gian dự kiến

Thời gian hồi phục sẽ tùy thuộc vào từng độ tuổi và vị trí tổn thương, đa số thời gian hồi phục sẽ rơi vào khoảng từ 2 - 6 tháng. Tuy nhiên, nếu vượt quá khoảng thời gian trên mà quá trình hồi phục vẫn chưa hoàn thành, người bệnh cần thăm khám lại với bác sĩ chuyên khoa để có kế hoạch điều trị phù hợp.

Thông qua hình ảnh phim chụp X-quang 

Để quan sát được rõ nét và chính xác quá trình liền xương, các bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh tiến hành chụp X-quang vị trí gãy để thấy rõ tình trạng hiện tại để đưa ra những kết luận chính xác.

cham-lien-xuong-nguyen-nhan-va-dau-hieu-la-gi 3.png
Thông qua hình ảnh chụp X-quang có thể phát hiện được tình trạng chậm liền xương

Cách thúc đẩy quá trình liền xương

Để đảm bảo quá trình hồi phục xương diễn ra tốt nhất, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau:

Tái khám theo lịch hẹn: Trong những buổi tái khám, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra và đánh giá lại tình trạng hồi phục của người bệnh. Nếu có dấu hiệu bất thường hoặc nghi ngờ chậm liền xương, bác sĩ sẽ đề xuất các phương án điều trị mới, phù hợp với tình trạng của người bệnh.

Vệ sinh đúng cách: Đối với những vị trí được bó bột hoặc nẹp cố định hoặc đã được phẫu thuật cần được vệ sinh sạch sẽ, đúng cách để tránh nguy cơ viêm nhiễm làm trầm trọng hơn tình trạng hiện tại.

Vận động phù hợp: Sự vận động có nhiều ảnh hưởng đến quá trình hồi phục xương bị gãy. Các bác sĩ thường sẽ chỉ định các bài tập vận động để giúp thúc đẩy quá trình tái tạo xương cũng như hồi phục lại khả năng vận động của người bệnh.

Đảm bảo chế độ dinh dưỡng: Cung cấp đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt các thực phẩm giàu vitamin D, canxi sẽ giúp thúc đẩy quá trình hồi phục xương tốt hơn.

Việc tìm hiểu chậm liền xương nguyên nhân và dấu hiệu là gì, nắm được các lưu ý trong quá trình hồi phục sau chấn thương sẽ giúp người bệnh nhận biết được những điều bất thường cũng như hỗ trợ quá trình hồi phục thương tổn tốt nhất. Khi gặp bất kỳ dấu hiệu bất thường đừng chủ quan, hãy liên hệ với các bác sĩ chuyên gia để được kiểm tra và tư vấn phù hợp. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin