Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Chậm phát triển ngôn ngữ: Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị

Ngày 15/04/2024
Kích thước chữ

Cả sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ đều luôn là mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh. Các mốc phát triển đầu đời của con như biết bò, biết đi, biết nói,… luôn được cha mẹ theo dõi sát sao. Nếu trẻ có dấu hiệu nói muộn, cha mẹ cần theo dõi tình trạng chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ.

Dù sự phát triển của mỗi trẻ là khác nhau, nhưng các cột mốc phát triển đặc biệt thường có những thời điểm chung. Các mốc phát triển ngôn ngữ cũng không phải là ngoại lệ. Vậy như thế nào thì trẻ được coi là chậm phát triển ngôn ngữ? Nguyên nhân khiến trẻ phát triển ngôn ngữ chậm là gì? Cách khắc phục phát triển ngôn ngữ chậm ra sao?

Chậm phát triển ngôn ngữ là gì?

Để biết thế nào là chậm phát triển ngôn ngữ, chúng ta cần nắm được các mốc phát triển ngôn ngữ ở trẻ. Theo các chuyên gia, quá trình phát triển ngôn ngữ ở trẻ sẽ bắt đầu từ khi mới chào đời. Trẻ chậm phát triển về ngôn ngữ tức là có tình trạng chậm trễ trong việc đạt được các dấu mốc tiếp nhận và diễn đạt ngôn ngữ.

Chậm phát triển ngôn ngữ: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị 1
Các mốc phát triển ngôn ngữ giúp xác định chậm phát triển về ngôn ngữ

Trẻ có thể gặp khó khăn khi diễn đạt lời nói, phản ứng lại lời nói, chậm nói, vốn từ ít, khó nói thành câu hoàn chỉnh,… Trẻ được coi là chậm nói khi đã 2 tuổi mà vốn từ vẫn không có được khoảng 50 từ đơn hay trẻ chưa nói được từ ghép gồm 2 từ đơn.

Trẻ chậm nói đơn thuần là trẻ khó khăn trong việc tạo ra âm thanh chính xác nhưng có thể cố gắng nói. Những trẻ này vẫn có thể hiểu và giao tiếp bằng cử chỉ, ánh mắt, hình thể bình thường. Còn chậm phát triển ngôn ngữ là tình trạng trẻ gặp bất thường trong việc hiểu, giao tiếp bằng ngôn ngữ hình thể và ngôn ngữ lời nói. Trẻ có thể phát âm các từ chính xác nhưng lại khó khăn trong việc ghép thành cụm từ hay thành công có nghĩa. Vì vậy, trẻ cũng gặp khó khăn trong việc hiểu và giao tiếp với những người xung quanh.

Điều gì khiến trẻ chậm phát triển ngôn ngữ?

Theo các chuyên gia, chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ có thể bắt nguồn từ các nguyên nhân sinh lý, nguyên nhân bệnh lý hay nhiều nguyên nhân khác.

Nguyên nhân sinh lý khiến trẻ chậm phát triển ngôn ngữ

Có thể kể đến những nguyên nhân bên ngoài dẫn đến tình trạng phát triển ngôn ngữ chậm ở trẻ như:

  • Những người xung quanh, đặc biệt là người thường xuyên chăm sóc, tiếp xúc với trẻ ít giao tiếp và tương tác với trẻ.
  • Trẻ có thể bị chia cắt với bố mẹ sớm quá nên bị ảnh hưởng tâm lý.
  • Tính cách rụt rè, nhút nhát, hướng nội của trẻ bị ảnh hưởng bởi những người gần gũi nhất với trẻ.
Chậm phát triển ngôn ngữ: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị 2
Các nguyên nhân liên quan đến tinh thần có thể khiến trẻ chậm phát triển ngôn ngữ

Nguyên nhân bệnh lý dẫn đến trẻ chậm phát triển ngôn ngữ

Một số vấn đề liên quan đến bệnh lý có thể làm chậm quá trình phát triển ngôn ngữ ở trẻ như:

  • Trẻ sinh non sẽ có tốc độ phát triển thường chậm hơn các mốc trung bình của các trẻ sinh đủ tháng đủ ngày.
  • Trẻ bị mắc rối loạn phổ tự kỷ cũng thường chậm phát triển về mặt ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp hơn các trẻ khác.
  • Hội chứng Down cũng là một trong những nguyên nhân bệnh lý điển hình dẫn đến tình trạng chậm phát triển về mặt ngôn ngữ.
  • Nếu trẻ có vấn đề về thính giác, sự phát triển ngôn ngữ cũng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Bởi chỉ khi nghe được, trẻ mới phát triển được vốn từ vựng và bắt chước cách phát âm, nói chuyện của người lớn.
  • Trẻ có dị tật bẩm sinh khe hở vòm miệng cũng gặp khó khăn trong phát âm, giao tiếp.
  • Trẻ chậm phát triển trí tuệ sẽ chậm chạp trong ghi nhớ, hỏi hỏi các kỹ năng cũng như phát triển ngôn ngữ.

Các nguyên nhân khác và yếu tố nguy cơ

Ngoài các nguyên nhân trên đây, trẻ chậm phát triển ngôn ngữ có thể do di truyền từ gia đình. Ngoài ra, các yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển ngôn ngữ chậm ở trẻ em như: Trẻ nhẹ cân, trẻ gặp biến chứng khi sinh, tiền sử gia đình có người chậm phát triển ngôn ngữ, bé trai có nguy cơ chậm phát triển ngôn ngữ cao hơn bé gái khoảng 3 lần.

Chậm phát triển ngôn ngữ: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị 3
Các vấn đề về thính giác có thể ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ

Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ có biểu hiện gì?

Các dấu hiệu trẻ chậm phát triển ngôn ngữ có điểm giống và cũng có điểm khác dấu hiệu nhận biết trẻ chậm nói. Cha mẹ có thể nhận biết trẻ chậm phát triển về mặt ngôn ngữ qua các biểu hiện như:

  • Trẻ 4 tháng tuổi không bắt đầu nói bi bô, cha mẹ không nhận biết được trẻ vui hay buồn.
  • Trẻ 6 tháng tuổi không kết hợp các nguyên âm thành tiếng bập bẹ, không cười hay la hét.
  • Trẻ 7 tháng tuổi không biết sử dụng hành động để thu hút sự chú ý của người khác, không bắt chước âm thanh mà người khác tạo ra.
  • Trẻ 8 tháng tuổi chưa bập bẹ phát âm các phụ âm.
  • Trẻ 9 tháng tuổi không phản hồi khi được gọi tên, không phát âm được các từ đơn giản như ma ma, pa pa, không hướng mắt về phía cha mẹ chỉ tay.
  • Trẻ 12 tháng tuổi không nói được mẹ hay bố, không lắc đầu, vẫy tay, chỉ tay. Trẻ không hiểu các từ đơn giản như “không”, “tạm biệt”, không thể nói những từ đơn lẻ.
  • Trẻ từ 12 đến 15 tháng tuổi không phát ra âm thanh như đang nói chuyện.
Chậm phát triển ngôn ngữ: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị 4
Trẻ có thể bị chậm phát triển ngôn ngữ cùng rối loạn khác

Điều trị chậm phát triển ngôn ngữ như thế nào?

Chậm phát triển ngôn ngữ cần có cách điều trị phù hợp với từng nguyên nhân. Vì vậy, khi thấy con có các biểu hiện chậm nói hay chậm phát triển về ngôn ngữ, cha mẹ nên đưa con đi khám chuyên gia càng sớm càng tốt. Khi đó, các bác sĩ sẽ giúp gia đình tìm ra chính xác nguyên nhân và tư vấn hướng điều trị phù hợp.

  • Một số bệnh như rối loạn phổ tự kỷ, hội chứng Down không thể chữa trị. Các biện pháp giúp tăng cường chức năng não bộ và khả năng nhận thức của trẻ, phương pháp y sinh học, liệu pháp tâm lý, phương pháp luyện tập tại nhà sẽ giúp trẻ phát triển bản thân và dễ hòa nhập với xã hội.
  • Trẻ sinh non, nhẹ cân cần được chăm sóc bằng chế độ dinh dưỡng khoa học để có thể bắt kịp đà tăng trưởng của các trẻ khác. Khi đó, trẻ mới có thể đạt được các cột mốc phát triển về thể chất, ngôn ngữ, trí tuệ, kỹ năng,... như những trẻ bình thường.
  • Một số dị tật bẩm sinh như khe hở vòm miệng cũng có thể phẫu thuật để khắc phục.
  • Nếu nguyên nhân chậm phát triển ngôn ngữ do thính lực, trẻ cần được phẫu thuật phục hồi các tổn thương nếu có, dùng máy trợ thính, điều trị điếc khi trẻ trên 5 tuổi,…
  • Trị liệu phát triển ngôn ngữ nên áp dụng càng sớm càng tốt và tốt nhất là dưới 2 tuổi.
  • Tăng cường giao tiếp, tương tác với trẻ là việc gia đình cần làm. Những trò chơi phát triển ngôn ngữ cho bé sẽ rất hữu ích trong trường hợp này.
Chậm phát triển ngôn ngữ: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị 5
Trẻ phát triển ngôn ngữ chậm cần được can thiệp càng sớm càng tốt

Theo thống kê, có khoảng 20% trẻ em bị chậm phát triển ngôn ngữ. Hầu hết trong số đó nếu được can thiệp sớm có thể bắt kịp tốc độ phát triển bình thường vào năm 4 tuổi. Vì vậy, khi nhận thấy dấu hiệu chậm phát triển về mặt ngôn ngữ ở trẻ, cha mẹ cần đưa con đến khám bác sĩ ngay. 

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin