Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Tìm hiểu về còi xương thể bụ: Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết

Ngày 12/09/2024
Kích thước chữ

Còi xương thể bụ là dạng bệnh nghiêm trọng do cơ thể thiếu hụt canxi, phospho hoặc vitamin D. Vì các triệu chứng ban đầu thường không rõ ràng, nên việc phát hiện và điều trị sớm trở nên khó khăn, dễ dẫn đến biến chứng nếu không được can thiệp kịp thời.

Bệnh còi xương thể bụ ở trẻ thường bị bỏ qua vì nhiều bậc phụ huynh yên tâm khi thấy con mình mũm mĩm, khỏe mạnh. Tuy nhiên, nhiều trẻ dù đạt cân nặng tiêu chuẩn, thậm chí vượt mức, vẫn có thể mắc bệnh còi xương. Bài viết này sẽ giúp cha mẹ nhận biết dấu hiệu sớm của còi xương thể bụ và có phương pháp điều trị kịp thời.

Còi xương thể bụ là gì?

Còi xương ở trẻ em chủ yếu do sự thiếu hụt vitamin D, canxi hoặc phospho dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về sự phát triển xương và cơ bắp. Bệnh còi xương gây ra tình trạng thấp lùn, cơ bắp mềm nhão và suy yếu, làm biến dạng hệ xương và ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như ngoại hình của trẻ.

Còi xương thể bụ là một dạng nghiêm trọng của bệnh còi xương với những triệu chứng khó nhận diện hơn so với dạng còi xương thông thường. Do đó, các bậc phụ huynh cần hết sức chú ý và không được chủ quan khi quan sát các dấu hiệu của bệnh.

Tìm hiểu về còi xương thể bụ 1
Còi xương thể bụ là tình trạng thiếu vitamin D, canxi, phospho ảnh hưởng đến sự phát triển của xương

Nhận biết trẻ bị bệnh còi xương thể bụ

Thông thường, trẻ mắc bệnh còi xương thường đi kèm với dấu hiệu nhẹ cân. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều trường hợp trẻ dù bụ bẫm vẫn bị chẩn đoán còi xương. Làm thế nào để nhận biết còi xương ở những trẻ có thân hình mập mạp? Cách tốt nhất là đưa trẻ đi khám lâm sàng để đánh giá các chỉ số cơ thể.

Để chẩn đoán còi xương, bác sĩ sẽ kiểm tra những bất thường tại hộp sọ, xương tay, chân, ngực... đồng thời thực hiện các xét nghiệm để xác định sự biến dạng của xương và đo các chỉ số vitamin D, canxi, phospho trong cơ thể trẻ. Những xét nghiệm phổ biến bao gồm: Chụp X-quang, sinh thiết xương, xét nghiệm máu và nước tiểu.

Ngoài ra, bố mẹ có thể nhận ra dấu hiệu trẻ bị còi xương thể bụ thông qua các triệu chứng điển hình. Bên cạnh cân nặng cao, trẻ mắc còi xương thể bụ có thể biểu hiện các triệu chứng sau:

  • Quấy khóc, khó ngủ và hay thức dậy vào ban đêm.
  • Dễ bị nôn trớ.
  • Tóc rụng nhiều, đặc biệt ở vùng sau gáy tạo thành vành khăn.
  • Cơ bắp nhão, chân có xu hướng vòng kiềng.
  • Trẻ đổ mồ hôi trộm.
  • Cân nặng tăng nhưng chiều cao phát triển chậm.
  • Trẻ chậm biết đi, mọc răng muộn, kỹ năng cầm nắm và phát âm kém hơn so với trẻ cùng tuổi.
  • Trẻ dễ bị hỏng men răng và sâu răng.

Khi có bất kỳ dấu hiệu nào khác thường, tốt nhất phụ huynh nên cho trẻ đi khám chuyên khoa để được thăm khám và lựa chọn phương pháp chăm sóc và điều trị phù hợp.

Nguyên nhân trẻ bị bệnh còi xương thể bụ

Hiểu rõ nguyên nhân gây ra bệnh còi xương ở trẻ sẽ giúp bố mẹ tìm được cách phòng ngừa và điều trị hiệu quả. Còi xương chủ yếu xuất phát từ sự thiếu hụt vitamin D và canxi gây rối loạn quá trình chuyển hóa canxi và phospho, dẫn đến tổn thương xương. Dưới đây là ba yếu tố chính làm trẻ bị thiếu vitamin D và canxi:

Mẹ ăn khiêng không đúng cách khi mang thai

Canxi là dưỡng chất cần thiết cho phụ nữ mang thai, đặc biệt quan trọng trong suốt quá trình phát triển của thai nhi. Theo khuyến nghị, mẹ bầu cần bổ sung đủ canxi: 800mg/ngày trong 3 tháng đầu, 1000mg/ngày ở 3 tháng giữa và 1500mg/ngày vào 3 tháng cuối. Việc thiếu hụt canxi trong thai kỳ có thể làm thai nhi chậm phát triển, làm tăng nguy cơ còi xương sau khi sinh. Mặt khác, việc mẹ bổ sung dinh dưỡng không cân đối, tuy giúp thai nhi phát triển về cân nặng nhưng lại không hỗ trợ tốt cho hệ xương.

Tìm hiểu về còi xương thể bụ 2
Nếu bà mẹ kiêng khem quá nhiều trong quá trình mang thai cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi

Kiêng cữ quá mức sau sinh

Ánh nắng mặt trời là nguồn cung cấp vitamin D tự nhiên cần thiết cho trẻ. Tuy nhiên, một số phụ huynh lo ngại vi khuẩn, giữ trẻ sơ sinh ở trong nhà quá nhiều, không cho trẻ ra ngoài tiếp xúc với ánh nắng. Điều này không chỉ cản trở quá trình thích nghi của trẻ mà còn làm giảm cơ hội hấp thụ vitamin D dẫn đến thiếu hụt canxi.

Ngoài ra, việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn mà không bổ sung dinh dưỡng hợp lý sau 1 tuổi cũng là nguyên nhân khiến trẻ thiếu canxi. Mặc dù sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tối ưu cho trẻ sơ sinh, nhưng lượng canxi trong sữa mẹ (254 - 306 mg/L) không đáp ứng đủ nhu cầu canxi hàng ngày của trẻ từ 1 - 3 tuổi (700mg/ngày). Khi bước vào giai đoạn ăn dặm, chế độ dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày cần được điều chỉnh để bổ sung đủ canxi.

Yếu tố di truyền

Di truyền cũng là một nguyên nhân khiến trẻ bụ bẫm nhưng vẫn mắc bệnh còi xương. Đây là dạng rối loạn hấp thụ canxi hoặc nhuyễn xương không đáp ứng với vitamin D, thường được xác định qua xét nghiệm chỉ số phospho máu, phosphatase kiềm và 1,25-dihydroxyvitamin D3.

Ngoài ra, trẻ sinh non hoặc sinh vào mùa đông cũng có nguy cơ cao bị còi xương hơn so với trẻ sinh đủ ngày hoặc sinh vào mùa hè.

Trẻ bị bệnh còi xương thể bụ nên làm gì?

Trẻ bị còi xương thể bụ thường có mức độ tổn thương hệ xương nghiêm trọng hơn so với trẻ còi xương do suy dinh dưỡng, vì toàn bộ trọng lượng cơ thể sẽ đè nặng lên khung xương non nớt của trẻ.

Tìm hiểu về còi xương thể bụ 3
Khám chuyên khoa dinh dưỡng là cách tốt nhất phát hiện tình trạng suy dinh dưỡng thể bụ bẩm ở trẻ

Để quản lý và điều trị tình trạng này, bố mẹ nên:

  • Khám dinh dưỡng: Đưa trẻ đến khám để đánh giá tình trạng dinh dưỡng và nhận tư vấn từ bác sĩ về chế độ ăn uống và vận động phù hợp.
  • Xây dựng chế độ ăn hợp lý: Dựa trên hướng dẫn của bác sĩ, thiết lập chế độ ăn bổ sung canxi và các dưỡng chất thiết yếu. Trái cây như táo, bưởi và thanh long cung cấp canxi mà không làm tăng cân. Các nguồn thực phẩm như thịt nạc, cá và tôm cũng cung cấp canxi cần thiết mà ít năng lượng, tốt cho trẻ còi xương thể bụ.
  • Hạn chế trái cây nhiều đường: Trẻ còi xương thể bụ không nên ăn các loại trái cây nhiều đường như mít, vải và nhãn.
  • Điều trị còi xương do di truyền: Xem xét điều trị bằng cách sử dụng phosphate kết hợp với calcitriol nếu trẻ bị còi xương do di truyền.
  • Bổ sung vitamin D3 và ánh sáng mặt trời: Cung cấp vitamin D3 dạng uống và cho trẻ tắm nắng vào khoảng từ 7 - 9 giờ sáng hoặc sau 4 giờ chiều.
Tìm hiểu về còi xương thể bụ 4
Cho trẻ tắm nắng hàng ngày để giúp hấp thụ canxi tốt hơn

Còi xương thể bụ là một dạng bệnh lý thường gặp nhưng khó phát hiện hơn so với các dạng còi xương khác. Sự khó nhận diện này có thể dẫn đến việc điều trị bị trì hoãn, làm tăng nguy cơ biến chứng cho trẻ. Vì vậy, phụ huynh nên thường xuyên theo dõi sức khỏe của trẻ và đưa trẻ đến bệnh viện để điều trị kịp thời khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào. Đồng thời, việc tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ dẫn điều trị của bác sĩ là rất quan trọng để đảm bảo việc khắc phục bệnh lý hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin