Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Chẩn đoán và điều trị viêm cột sống dính khớp như thế nào?

Ngày 07/04/2024
Kích thước chữ

Viêm cột sống dính khớp (VCSDK) là tình trạng viêm mạn tính và liên quan đến yếu tố di truyền. Bệnh ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, sinh hoạt của người bệnh. Vậy làm thế nào để chẩn đoán và điều trị viêm cột sống dính khớp?

Viêm cột sống dính khớp (VCSDK) là một bệnh tự miễn dịch mãn tính, ảnh hưởng chủ yếu đến cột sống và khớp, gây ra những trở ngại cho cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về chẩn đoán và điều trị viêm cột sống dính khớp ở trong bài viết này nhé!

Viêm cột sống dính khớp là bệnh gì?

Viêm cột sống dính khớp (VCSDK) là bệnh lý hệ thống có tính chất viêm mạn, đặc trưng bởi các tổn thương ở cột sống, khớp cùng chậu, khớp ở chi và điểm bám gân. Tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới cao hơn nữ giới 2 - 3 lần và có khoảng 1 - 1.4% người dân bị viêm cột sống dính khớp.

Bệnh nhân khi bị viêm cột sống dính khớp sẽ bị đau vùng hông, lưng dưới, cơn đau tăng vào buổi sáng và có thể cải thiện khi vận động hoặc tiến triển khi nghỉ ngơi. Cơn đau của bệnh nhân bị VCSDK thường kéo dài ít nhất 3 tháng, có thể khởi phát từ sớm đau âm ỉ và tăng dần theo thời gian.

Chẩn đoán và điều trị viêm cột sống dính khớp như thế nào?
Viêm cột sống dính khớp gây đau, cứng khớp và giảm khả năng vận động

Chẩn đoán và điều trị viêm cột sống dính khớp

VCSDK ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, vì thế việc chẩn đoán và điều trị viêm cột sống dính khớp sớm rất quan trọng và cần thiết.

Chẩn đoán viêm cột sống dính khớp

Chẩn đoán bệnh này đòi hỏi sự kết hợp của nhiều phương pháp để đảm bảo độ chính xác. Dưới đây là các yếu tố quan trọng trong quá trình chẩn đoán:

Triệu chứng lâm sàng:

  • Đau lưng mãn tính: Đau lưng dai dẳng, đặc biệt là vào buổi sáng hoặc sau khi nghỉ ngơi, có thể là dấu hiệu đầu tiên của VCSDK.
  • Đau và cứng khớp: Đau và cứng khớp cột sống, khớp hông và các khớp lớn khác thường kéo dài trên 3 tháng.
  • Hạn chế vận động: Khả năng vận động cột sống giảm dần do viêm và dính khớp.

Tiền sử bệnh: Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh của bệnh nhân, bao gồm các triệu chứng, thời gian xuất hiện triệu chứng, và bất kỳ yếu tố nào có thể liên quan đến bệnh như tiền sử gia đình mắc VCSDK hoặc các bệnh lý tự miễn khác.

Khám lâm sàng:

  • Bác sĩ sẽ thực hiện các bài kiểm tra thể chất để đánh giá khả năng vận động của cột sống và khớp, tìm kiếm các dấu hiệu viêm như sưng, đau và cứng khớp.
  • Test Schober: Kiểm tra sự linh hoạt của cột sống lưng dưới.
  • Test đo chiều cao ngực: Đánh giá khả năng mở rộng lồng ngực.

Xét nghiệm hình ảnh:

  • X-quang: Hình ảnh X-quang có thể cho thấy dấu hiệu của VCSDK như dính khớp (sacroiliitis) ở khớp cùng chậu, gai xương, và sự thay đổi cấu trúc của cột sống.
  • MRI (Cộng hưởng từ): MRI là phương pháp nhạy cảm hơn X-quang trong việc phát hiện viêm sớm ở các khớp và cột sống, đặc biệt là ở khớp cùng chậu.
  • CT scan: Có thể được sử dụng để xác định mức độ tổn thương ở các khớp và cột sống.

Xét nghiệm máu:

  • HLA-B27: Kiểm tra sự hiện diện của kháng nguyên HLA-B27, một yếu tố di truyền liên quan đến VCSDK. Khoảng 90% người mắc VCSDK có kết quả dương tính với HLA-B27.
  • Các dấu hiệu viêm: Xét nghiệm tốc độ lắng máu (ESR) và protein phản ứng C (CRP) để đo mức độ viêm trong cơ thể.

Khác: Đánh giá các triệu chứng không liên quan đến khớp: Bệnh nhân VCSDK có thể có các triệu chứng ngoài khớp như viêm mống mắt (iritis), bệnh vảy nến, viêm ruột, cần được đánh giá kỹ lưỡng.

Chẩn đoán và điều trị viêm cột sống dính khớp như thế nào?
Chụp X-quang phát hiện được tổn thương của người bệnh

Bệnh VCSDK tại Việt Nam thường viêm các khớp gốc chi sớm như khớp háng, khớp gối, còn biểu hiện tại cột sống thì khá khó nhận biết. Do vậy để chẩn đoán bệnh chính xác cần khai thác triệu chứng, chụp X-quang và làm xét nghiệm HLA-B27. Trường hợp mà nghi ngờ bệnh nhân bị bệnh nhưng không có biểu hiện trên film X-quang thì cần chụp cộng hưởng từ khung chậu hoặc cột sống, có giá trị cao trong việc chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm.

Điều trị bệnh viêm cột sống dính khớp

Mục đích khi điều trị là giảm đau, chống viêm, phòng tình trạng cứng khớp và khắc phục dính khớp nếu có. Tùy từng trường hợp người bệnh mà sẽ có cách điều trị cụ thể, dựa trên mức độ bệnh, triệu chứng và tiên lượng. Phác đồ điều trị bệnh theo khuyến cáo của ASAS/EULAR 2011 và được áp dụng vào điều kiện Việt Nam. 

Điều trị không dùng thuốc: Bệnh nhân cần được giáo dục để hiểu về bệnh và thực hiện luyện tập đều đặn. Luyện tập tại nhà hoặc vật lý trị liệu và có sự giám sát về mức độ, có thể tự tập hoặc tập theo nhóm.

Dưới đây là một số loại thuốc để điều trị thuốc ở bệnh nhân bị viêm cột sống dính khớp:

  • Thuốc chống viêm không steroid: Đây là lựa chọn đầu tiên được chỉ định cho bệnh nhân VCSDK có đau và/hoặc cứng khớp. Có thể sử dụng trong thời gian dài nếu tình trạng viêm kéo dài. 
  • Thuốc giảm đau: Nên phối hợp thuốc giảm đau theo sơ đồ của WHO. 
  • Glucocorticoids: Tiêm corticoid được chỉ định với các trường hợp viêm điểm bám gân hoặc có tình trạng viêm kéo dài.
  • Điều trị VCSDK bằng chế phẩm sinh học: Điều trị thuốc kháng TNF cho các thể bệnh dai dẳng, mặc dù đã điều trị thường quy và người bệnh cần tuân theo quy trình chỉ định thuốc sinh học.

Điều trị phẫu thuật được chỉ định khi người bệnh không đáp ứng với phương pháp nội khoa:

  • Trong trường hợp người bệnh có tình trạng đau kéo dài, hạn chế vận động và có phá hủy cấu trúc rõ trên hình ảnh X quang, sẽ được chỉ định thay khớp háng. 
  • Chỉnh hình đối với cột sống khi cột sống biến dạng. 
  • Ở người bệnh bị viêm cột sống dính khớp mà có tình trạng gãy đốt sống cấp tính thì xem xét chỉ định phẫu thuật cho người bệnh.
Chẩn đoán và điều trị viêm cột sống dính khớp như thế nào?
Chẩn đoán và điều trị viêm cột sống dính khớp sớm sẽ giúp cuộc sống người bệnh tốt hơn

Viêm cột sống dính khớp phòng ngừa được không?

Bên cạnh việc chẩn đoán và điều trị viêm cột sống dính khớp thì phương pháp phòng ngừa bệnh cũng được nhiều người tìm kiếm. Vậy viêm cột sống dính khớp phòng ngừa được không?

Vì chưa rõ nguyên nhân gây bệnh nên không có cách nào phòng ngừa hoàn toàn, nên rèn thói quen luyện tập thể thao thường xuyên (bơi hoặc đi xe đạp) kết hợp cùng lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp trì hoãn quá trình tiến triển của bệnh. Đồng thời còn có thể ngăn ngừa tình trạng dính các khớp và đốt sống gây tàn tật vĩnh viễn.

Chẩn đoán và điều trị viêm cột sống dính khớp như thế nào?
Luyện tập thể dục thể thao giúp trì hoãn quá trình tiến triển bệnh

Viêm cột là sống dính khớp một bệnh mãn tính, cần điều trị lâu dài. Vì thế nên việc phát hiện, chẩn đoán và điều trị viêm cột sống dính khớp sớm rất quan trọng. Nếu nghi ngờ bị bệnh hãy đến cơ sở y tế để được nhân viên y tế cùng các bác sĩ hỗ trợ điều trị bệnh.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin