Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Chân răng bị vàng: Nguyên nhân và cách cải thiện

Ngày 01/06/2022
Kích thước chữ

Chân răng bị vàng là một trong những vấn đề thường gặp khiến nhiều người mất tự tin trong giao tiếp. Ngoài ra, vàng răng còn có thể tiềm ẩn bệnh lý ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, cần tìm ra các yếu tố gây vàng răng để có hướng khắc phục. Tuy nhiên, hầu hết mọi người không nhận ra rằng những thói quen hằng ngày cũng chính là nguyên nhân khiến răng vàng ố.

Chân răng bị vàng là tình trạng răng bị xỉn màu nhiều người gặp phải gây mất thẩm mỹ và có mùi hôi khiến người bị mất tự tin. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm ra cách khắc phục tình trạng này một cách hiệu quả.

Nguyên nhân chân răng bị vàng

Đánh răng ngay sau khi ăn

Mặc dù đánh răng là điều cần thiết và tốt cho răng miệng, nhưng thời điểm đánh răng cũng rất quan trọng để bảo vệ răng miệng. Nhiều người có thói quen đánh răng ngay sau khi ăn. Đây là một hành động không tốt khiến chân răng dễ bị ố vàng. Vì thức ăn và đồ uống có tính axit có thể tấn công và làm suy yếu men răng. Đồng thời, sau khi ăn, độ pH trong miệng giảm độ axit tăng lên khá mạnh. Lúc này, việc đánh răng ngay chẳng khác nào giúp axit thâm nhập vào bên trong răng nhanh hơn, làm tăng nguy cơ mòn và ố vàng răng. Tốt nhất là đợi khoảng 30 - 60 phút sau khi ăn rồi mới đánh răng. Lúc này, độ axit đã giảm xuống, độ pH trong miệng cũng dần trở lại cân bằng, men răng cũng cứng trở lại giúp bảo vệ răng tốt hơn, tránh ố vàng răng do mòn men răng.

Chân răng bị vàng: Nguyên nhân và cách cải thiện 1 Đánh răng ngay sau khi ăn khiến độ axit tăng lên mạnh gây bào mòn răng nhanh hơn

Thời gian đánh răng ít

Đánh răng quá nhanh khiến dưỡng chất trong kem đánh răng không phát huy tác dụng kịp thời. Vi khuẩn không được loại bỏ hoàn toàn mà vẫn bám vào miệng và kẽ răng dẫn đến răng ố vàng, hôi miệng

Trên thực tế, thời gian đánh răng hợp lý tùy thuộc vào tình trạng răng miệng của mỗi người. Tuy nhiên, thời gian chải răng trung bình nên là 2 - 3 phút, trong thời gian này cần phải chải cẩn thận và nhẹ nhàng để đảm bảo răng được làm sạch hoàn toàn. Đánh răng qua loa khiến răng không sạch tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và tấn công gây sâu răng, ố vàng chân răng hoặc gây ra nhiều bệnh lý răng miệng khác.

Quên chải mặt trong của răng

Nhiều người thường vô tình quên đánh mặt trong của răng. Điều này khiến các mảng bám không được làm sạch, lưu lại trên răng và gây ra các bệnh như viêm nha chu, viêm lợi, hôi miệng, dẫn đến răng có màu vàng. Vệ sinh cẩn thận cả mặt trong, mặt ngoài của răng và bề mặt khớp cắn là điều quan trọng để hạn chế các vấn đề về răng miệng.

Sử dụng nước súc miệng có độ axit cao

Các sản phẩm nước súc miệng trên thị trường có hàm lượng axit rất cao. Nếu bạn sử dụng loại nước súc miệng này thường xuyên để giữ hơi thở thơm tho thì có nhiều nguy cơ men răng bị bào mòn do axit, làm tăng nguy cơ chân răng bị vàng.

Quên vệ sinh răng miệng

Một số người đôi khi quên đánh răng vì một lý do nào đó chẳng hạn như quá bận rộn. Nếu không đánh răng đầy đủ, không dùng chỉ nha khoa thường xuyên hoặc nước súc miệng để loại bỏ mảng bám và cao răng răng của bạn có thể nhanh chóng bị ngả màu. Không chỉ vậy, chúng còn có thể gây ra mảng bám tích tụ trên men răng của bạn, làm mỏng lớp bảo vệ góp phần gây ra bệnh viêm nướu. Vì vậy cần hết sức lưu ý trong việc chăm sóc răng miệng đúng cách để tránh vi khuẩn và mảng bám trong miệng.

Ngủ mở miệng

Khô miệng có thể gây ra nhiều bệnh lý răng miệng, vì vậy luôn cần nước bọt để cân bằng độ pH trong khoang miệng. Nhờ sự kết hợp của các enzym, khoáng chất và các hợp chất oxy, nước bọt này có thể làm giảm các axit gây mòn men răng. Nuốt nước bọt cũng là một cách để làm sạch răng miệng, ngăn ngừa vết ố bám trên men răng. Tuy nhiên, thói quen thở bằng miệng và há miệng khi ngủ khiến khoang miệng rất khô, làm tăng nguy cơ răng ngả sang màu vàng, có thể làm men răng yếu đi và thúc đẩy quá trình ố vàng chân răng.

Chân răng bị vàng: Nguyên nhân và cách cải thiện 2 Ngủ mở miệng khiến khô miệng, nước bọt tiết ra ít tạo điều kiện cho vi khuẩn hoạt động nhiều hơn

Cách cải thiện chân răng bị vàng

Để khắc phục chân răng bị vàng hoặc đen hiệu quả, bạn cần tìm ra nguyên nhân gây nên tình trạng này. Cách tốt nhất để lấy lại hàm răng trắng khỏe là đến nha khoa để kiểm tra và khắc phục bằng kỹ thuật y tế.

Lấy cao răng

Hầu hết các trường hợp chân răng bị vàng, kể cả ở người lớn và trẻ em, là do mảng bám và cao răng trên răng. Vệ sinh răng miệng không đúng dẫn đến tích tụ nhiều mảng bám đen trên răng lâu ngày sẽ khó làm sạch. Nếu không làm sạch cao răng định kỳ thì không chỉ làm mất thẩm mỹ răng mà còn tăng nguy cơ mắc các bệnh răng miệng khác. 

Bác sĩ sẽ tiến hành cạo cao răng, loại bỏ mảng bám bằng dụng cụ chuyên dụng. Sau khi làm sạch, răng được đánh bóng để hạn chế mảng bám tích tụ, giúp răng trắng sáng trở lại.

Chân răng bị vàng: Nguyên nhân và cách cải thiện 3 Lấy cao răng định kỳ 6 tháng/ lần để hạn chế chân răng bị vàng, mất thẩm mỹ

Chữa sâu răng

Ở giai đoạn đầu của bệnh sâu răng, phần men răng bên ngoài bị vi khuẩn tấn công gây ra tình trạng trên. Giải pháp hữu hiệu lúc này là trám răng. Bác sĩ sẽ làm sạch kẽ răng và loại bỏ vi khuẩn trong ổ răng, sau đó sử dụng vật liệu trám răng để trám bít lỗ sâu răng. Đối với trường hợp chân răng vàng nhưng không bị sâu thì bác sĩ cũng thực hiện trám răng để bảo vệ răng, ngăn chặn sự tấn công của vi khuẩn đồng thời giúp răng trắng đẹp.

Khắc phục chân răng vàng do nhiễm màu

Nhiều trường hợp chân răng bị vàng hoặc đen là do ăn uống khiến răng bị ngả màu hoặc do nhiễm kháng sinh. Những trường hợp này bạn có thể sử dụng các cách làm trắng răng tại nhà hoặc tới nha khoa. Nếu bị nhiễm kháng sinh nặng và không có khả năng làm trắng răng thì có thể bọc răng sứ hay dán sứ Veneer là giải pháp tốt nhất giúp răng trở nên trắng sáng và thẩm mỹ hơn.

Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn hiểu được những thói quen sai lầm hằng ngày khiến chân răng bị vàng. Từ đó loại bỏ những thói quen xấu, chăm sóc răng đúng cách để bảo vệ sức khỏe răng miệng của mình.

Cao Hiếu

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin