Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Chất khoáng là gì? Dấu hiệu thiếu chất khoáng

Ngày 23/10/2022
Kích thước chữ

Cơ thể cần có đủ khoáng chất để thực hiện nhiều chức năng khác nhau, giúp cơ thể được khỏe mạnh. Do đó, khi phát hiện dấu hiệu thiếu chất khoáng, bạn cần bổ sung ngay để phòng tránh những nguy cơ tiềm ẩn đe dọa đến sức khỏe.

Vitamin và khoáng chất là những chất dinh dưỡng thiết yếu trong cơ thể con người. Nếu thiếu khoáng chất, cơ thể sẽ không phát triển bình thường, dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm. Chúng ta nên bổ sung vitamin và chất khoáng mỗi ngày thông qua chế độ ăn uống để đảm bảo sức khỏe.

Chất khoáng là gì? Thiếu chất khoáng có nguy hiểm không?

Hoạt động của cơ thể hàng ngày rất cần có khoáng chất. Đây là tổng hợp các chất quan trọng và thiết yếu đối với cơ thể, đảm bảo duy trì hoạt động mỗi ngày. Mỗi loại khoáng chất riêng biệt cần có hàm lượng khác nhau để đáp ứng nhu cầu cơ thể. Bạn có thể bổ sung những khoáng chất thiếu hụt từ thực phẩm ăn uống hay sản phẩm bổ sung tùy theo điều kiện thực tế. 

chat-khoang-la-gi-dau-hieu-thieu-chat-khoang-2 1 Vitamin và khoáng chất là những chất dinh dưỡng thiết yếu trong cơ thể con người.

Khi cơ thể bạn không nhận được hoặc hấp thụ đủ lượng khoáng chất cần thiết có nghĩa là cơ thể bạn đang gặp phải tình trạng thiếu hụt khoáng chất. Sự thiếu hụt chất khoáng không biểu hiện ngay lập tức mà từ từ theo thời gian và do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó lý do phổ biến phải kể đến là do nhu cầu khoáng chất tăng lên, chế độ ăn uống thiếu hụt khoáng chất hoặc do cơ thể một người khó hấp thụ khoáng chất từ thực phẩm.

Nếu cơ thể thiếu khoáng chất gây ra tình trạng gì? Đây là vấn đề nhiều người vẫn chủ quan bỏ qua. Một khi nắm được thông tin cơ thể thiếu hụt khoáng chất sẽ đưa đến nguy cơ mắc phải các vấn đề về sức khỏe, ví dụ như yếu xương, cơ thể mệt mỏi hoặc suy giảm hệ thống miễn dịch thì hẳn là bạn sẽ có sự chú ý hơn với việc bổ sung khoáng chất.

Phân loại thiếu chất khoáng

Tình trạng thiếu chất khoáng được chia làm 5 dạng chính bao gồm: 

Thiếu canxi

Chúng ta đều biết, vai trò của canxi là giúp cho xương và răng chắc khỏe, bên cạnh đó canxi cũng hỗ trợ chức năng cho các mạch máu, cơ bắp, dây thần kinh và hormone. Khi cơ thể thiếu hụt canxi trong thời gian dài sẽ dẫn đến giảm mật độ khoáng xương (hay còn gọi là thiếu xương - osteopenia). Tình trạng này cần được sớm điều trị, nếu không thiếu xương dễ chuyển sang loãng xương (osteoporosis), làm tăng nguy cơ gãy xương, nhất là ở người lớn tuổi. 

Thiếu sắt

chat-khoang-la-gi-dau-hieu-thieu-chat-khoang-2 2 Khi phát hiện dấu hiệu thiếu chất khoáng, bạn cần bổ sung ngay. 

Lượng sắt trong cơ thể chúng ta chủ yếu là nằm bên trong các tế bào hồng cầu. Sắt là một phần quan trọng của hemoglobin – protein có chức năng mang oxy đến các mô; bên cạnh đó sắt cũng là một phần của các protein và enzyme khác có vai trò giúp cơ thể được khỏe mạnh.

Thiếu sắt thường tiến triển chậm và gây ra tình trạng thiếu máu. Người bị thiếu máu sẽ cảm thấy cơ thể luôn yếu sức, mệt mỏi, làm việc, học tập không tập trung, hiệu quả kém. Trẻ em thiếu máu do thiếu sắt có các dấu hiệu phát triển và nhận thức chậm.

Thiếu magie

Magie đóng vai trò rất quan trọng trong cơ thể khi tham gia vào hàng trăm phản ứng hóa học khác nhau, bao gồm các phản ứng kiểm soát mức đường huyết và huyết áp. Bên cạnh đó, magie còn tham gia kiểm soát chức năng cơ bắp, dây thần kinh, não, chuyển hóa năng lượng và sản xuất protein.

Trong cơ thể, khoảng 60% magie phân bổ trong xương, còn lại khoảng 40% nằm trong các tế bào mô và cơ mềm. Những người có sức khỏe yếu, nghiện rượu thường thiếu magie. 

Dấu hiệu ban đầu cảnh báo thiếu magie bao gồm:

  • Mệt mỏi;
  • Yếu đuối;
  • Ăn mất ngon;
  • Buồn nôn, nôn.

Nếu không sớm điều trị, thiếu magie sẽ dẫn đến các triệu chứng sau đây: 

  • Tê;
  • Co giật;
  • Ngứa ran;
  • Chuột rút cơ bắp;
  • Nhịp tim bất thường.

Thiếu kali

Kali là khoáng chất giữ vai trò cần thiết cho sự co cơ, chức năng tim và truyền tín hiệu thần kinh. Ngoài ra, kali còn góp phần hỗ trợ cơ thể biến carbohydrate thành năng lượng. Kali có nhiều trong trái cây và rau quả, ví dụ như chuối, bơ, rau xanh đậm, củ cải đường, khoai tây và mận.

chat-khoang-la-gi-dau-hieu-thieu-chat-khoang-2 3 Bạn có thể bổ sung những khoáng chất thiếu hụt từ thực phẩm hay sản phẩm bổ sung. 

Khi cơ thể bị mất nước quá mức sẽ dẫn đến tình trạng thiếu kali (ví dụ nôn mửa kéo dài, bệnh thận hoặc sử dụng một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu gây mất nước). Các triệu chứng thiếu kali bạn cần biết như chuột rút cơ, yếu cơ, táo bón, đầy hơi hoặc đau bụng. Ở mức độ thiếu hụt kali nghiêm trọng, bạn có thể gặp phải tình trạng tê liệt cơ bắp, nhịp tim không đều, thậm chí có nguy cơ tử vong.

Thiếu kẽm

Kẽm đóng vai trò trong quá trình trao đổi chất cơ thể bao gồm:

  • Tổng hợp DNA;
  • Tổng hợp protein;
  • Làm lành vết thương;
  • Chức năng hệ thống miễn dịch.

Kẽm góp phần vào sự tăng trưởng và phát triển thích hợp trong thời kỳ mang thai, tuổi nhỏ và thanh thiếu niên. Các loại thực phẩm như hàu, thịt đỏ và gia cầm hoặc thực vật như đậu, quả hạch, các loại ngũ cốc và sản phẩm sữa chứa lượng kẽm dồi dào. 

Thiếu kẽm trong cơ thể sẽ khiến bạn bị mất cảm giác ngon miệng, hệ thống miễn dịch suy yếu. Ngoài ra còn có thể đi kèm một số triệu chứng như tiêu chảy, rụng tóc và bất lực ở nam giới, khả năng hồi phục vết thương cũng diễn ra chậm.

Nguyên nhân thiếu chất khoáng

Cơ thể thiếu hụt khoáng chất khi không nhận đủ khoáng chất thiết yếu từ thực phẩm hoặc chất bổ sung. Đặc biệt là với những người ăn kiêng, người ăn chay, dị ứng thực phẩm hoặc không dung nạp đường sữa,... tình trạng thiếu khoáng chất rất dễ xảy ra nếu không kiểm soát chế độ ăn uống hiệu quả.

Bên cạnh đó, những người ăn khó tiêu hoặc kém hấp thụ chất dinh dưỡng đều cũng có thể bị thiếu hụt chất khoáng. Nguyên nhân tiềm ẩn của các vấn đề này bao gồm:

  • Nghiện rượu mãn tính;
  • Phẫu thuật đường tiêu hóa;
  • Bệnh về gan, túi mật, ruột, tụy hoặc thận;
  • Dùng các loại thuốc như thuốc kháng axit, thuốc kháng sinh, thuốc nhuận tràng và thuốc lợi tiểu.

Ở phụ nữ, thiếu chất khoáng cũng có thể xuất phát từ nhu cầu gia tăng của cơ thể đối với một số khoáng chất, điển hình như phụ nữ thiếu sắt khi mang thai, mất máu trong kỳ kinh nguyệt và mãn kinh.

chat-khoang-la-gi-dau-hieu-thieu-chat-khoang-2 4 Những người khó tiêu hoặc kém hấp thụ chất dinh dưỡng đều có thể bị thiếu hụt chất khoáng.

Dấu hiệu thiếu chất khoáng

Tùy thuộc vào chất dinh dưỡng nào mà cơ thể bị thiếu hụt mà triệu chứng thiếu khoáng chất sẽ khác nhau. Dưới đây là các dấu hiệu thiếu khoáng chất bạn có thể tham khảo:

  • Tiêu chảy;
  • Kém tập trung;
  • Ăn không ngon;
  • Chuột rút cơ bắp;
  • Trẻ chậm phát triển;
  • Nhịp tim không đều;
  • Buồn nôn và ói mửa;
  • Yếu đuối hoặc mệt mỏi;
  • Tê hoặc ngứa ran ở tứ chi;
  • Suy giảm hệ thống miễn dịch;
  • Táo bón, đầy hơi hoặc đau bụng.

Ở người thiếu chất khoáng, dấu hiệu thiếu chất khoáng có khi nhẹ đến mức không nhận ra, cũng như không được chẩn đoán. Vì vậy, nếu cảm thấy mệt mỏi kéo dài, yếu sức hoặc kém tập trung, bạn hãy nhanh chóng đến khám bác sĩ chuyên khoa vì đây có thể là dấu hiệu thiếu chất khoáng đặc trưng hoặc dấu hiệu cảnh báo tình trạng sức khỏe khác.

chat-khoang-la-gi-dau-hieu-thieu-chat-khoang-2 5 Nếu cảm thấy mệt mỏi kéo dài, bạn hãy nhanh chóng đến khám bác sĩ chuyên khoa.

Cách điều trị thiếu chất khoáng

Để điều trị tình trạng cơ thể thiếu chất khoáng có ba cách sau đây:

Thay đổi chế độ ăn uống

Thay đổi thói quen ăn uống không lành mạnh sang chế độ ăn uống khoa học, hợp lý là một trong những biện pháp cải thiện tình trạng thiếu hụt khoáng chất, cũng như hỗ trợ cho quá trình điều trị bệnh. 

Trường hợp bị thiếu máu do thiếu sắt, bạn có thể giải quyết bằng cách bổ sung vào chế độ ăn uống lượng thịt, trứng và ngũ cốc vừa đủ để tăng cường chất sắt.

Dùng thực phẩm bổ sung

Trường hợp thiếu hụt khoáng chất không thể được điều trị đơn lẻ bằng chế độ ăn uống, hãy kết hợp cùng biện pháp bổ sung vitamin tổng hợp hoặc khoáng chất thông qua thực phẩm bổ sung để giúp cơ thể tăng cường khả năng hấp thụ khoáng chất (chẳng hạn vitamin D thường được dùng cùng với canxi).

chat-khoang-la-gi-dau-hieu-thieu-chat-khoang-2 6 Kết hợp biện pháp bổ sung vitamin tổng hợp hoặc khoáng chất thông qua thực phẩm bổ sung.

Điều trị thiếu chất khoáng khẩn cấp

Trong tình trạng thiếu khoáng chất nặng, bệnh nhân có thể cần phải nhập viện để điều trị. Bác sĩ sẽ thăm khám, dựa trên tình trạng bệnh cụ thể sẽ chỉ định bổ sung thông qua đường tiêm tĩnh mạch. Sau khi điều trị, bác sĩ sẽ cân nhắc thực hiện các xét nghiệm máu bổ sung để xác định xem việc điều trị có thành công hay không.

Như vậy, những thông tin trên đã giúp bạn tìm hiểu được vai trò của khoáng chất, dấu hiệu thiếu chất khoáng cùng cách điều trị tình trạng này. Cách tốt nhất là chúng ta phòng ngừa từ sớm, tránh để cơ thể bị thiếu hụt chất khoáng khiến sức khỏe suy giảm gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. 

Như Quỳnh

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin