Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Chảy máu đường tiêu hóa có nguy hiểm không? Cách nhận biết chảy máu đường tiêu hóa

Ngày 10/02/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hiện tượng chảy máu đường tiêu hóa là khi máu ở ống tiêu hóa chảy ra khỏi mạch, đi ra ngoài hoặc vào trong lòng mạch và gây ra một số triệu chứng điển hình. Vậy, cụ thể chảy máu đường tiêu hóa là như thế nào? Có gây nguy hiểm không?

Chảy máu đường tiêu hóa là một cấp cứu ngoại khoa và nội khoa. Bệnh nhân khi bị chảy máu đường tiêu hóa thường sẽ bị nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen. Biểu hiện của chảy máu đường tiêu hóa diễn ra khá âm thầm khiến người bệnh chủ quan không để ý tới. Hãy cùng bài viết dưới đây tìm hiểu về mức độ nguy hiểm của chảy máu đường tiêu hóa và các nguyên nhân, triệu chứng của chứng bệnh này.

Chảy máu đường tiêu hóa gây nguy hiểm như thế nào?

Chảy máu đường tiêu hóa có nguy hiểm không? Cách nhận biết chảy máu đường tiêu hóa1
Chảy máu đường tiêu hóa sẽ gây nguy hiểm nếu không can thiệp kịp thời

Chảy máu ở ruột non

Tình trạng chảy máu tiêu hóa tại ruột non do rất nhiều các loại bệnh gây ra, một số loại bệnh thường gặp như:

  • Viêm ruột xuất huyết: Bệnh nhân bị nhiễm khuẩn bởi độc tố của vi khuẩn với các biểu hiện của nhiễm khuẩn (lưỡi bẩn, môi khô, hơi thở có mùi hôi), tiêu chảy, đau bụng, phân có máu tươi hoặc màu đỏ sẫm kèm theo một số các biểu hiện mất nước.
  • Viêm ruột xuất huyết hoại tử: Thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh nhân có những biểu hiện tình trạng nhiễm khuẩn nhiễm độc nặng, sốt cao từ 40 - 41 độ C.
  • Bệnh thương hàn: Do biến chứng loét ruột hoặc thủng ruột mà biến chứng chảy máu thường xảy ra sau 1 đến 2 tuần. Bệnh nhân bị đau bụng, khi đi đại tiện phân có màu đỏ gạch hoặc sẫm.
  • Bệnh Schonlein Henoch: Miễn dịch dị ứng là nguyên nhân gây bệnh nhiều nhất. Bệnh thường gặp ở người trẻ tuổi. Chứng bệnh này đa dạng với nhiều thể khác nhau, bệnh nhân thường có biểu hiện chảy máu tại ruột ở thể tổn thương tiêu hóa, kèm theo một số các biểu hiện khác như tình trạng nhiễm khuẩn với đau khớp, sốt, đau bụng.
  • Lồng ruột: Lồng ruột ở hồi - hồi tràng hoặc hồi - manh tràng là vị trí thường gặp, bệnh thường xảy ra ở những trẻ em từ 8 - 9 tháng tuổi bụ bẫm. Bệnh bắt đầu với đau bụng từng cơn sau đó có dấu hiệu tắc ruột và đại tiện phân có nhầy máu.
  • Bệnh Crohn: Vị trí thường gặp là ở vùng hồi manh tràng với các biểu hiện như đau bụng, đại tiện phân lỏng từng đợt kèm theo sốt, máu lắng tăng. Tổn thương loét gây thủng vách ruột dẫn đến tình trạng chảy máu vào giai đoạn 2 hoặc 3 của bệnh.

Một số các bệnh khác cũng gây chảy máu tại ruột non nhưng có nguy cơ ít hơn như ung thư ruột non, sốt xuất huyết, lao ruột, bệnh bạch cầu cấp…

Chảy máu ở đại tràng

Chảy máu ở đại tràng thường xảy ra với tỷ lệ cao nhất trong chảy máu tại đường tiêu hóa. Bệnh có thể xảy ra với nhiều đối tượng khác nhau và có biểu hiện bệnh lý nghiêm trọng, cụ thể:

  • Lỵ trực tràng: Bệnh có biểu hiện của hội chứng nhiễm khuẩn (hoặc nhiễm độc) với sốt cao, bụng đau quặn dữ dội, đi đại tiện nhiều lần (15 đến 20 lần/ngày), mót rặn, bị đau hậu môn, phân lỏng hoặc toàn máu, màu đỏ như nước rửa thịt. Đối tượng thường gặp bệnh này là trẻ em. 
  • Lỵ amip: Bệnh có biểu hiện là sốt nhẹ, đau quặn bụng dọc khung đại tràng và vùng hạ vị, khi đại tiện phân nhầy máu, máu thường chỉ dính quanh phân có màu đỏ tươi, mót rặn và bị đau hậu môn sau đại tiện.
  • Ung thư đại tràng: Ung thư đại tràng ở bên phải và bên trái có những biểu hiện khác nhau. Đại tiện phân lỏng và máu đỏ sẫm là biểu hiện thường kèm theo của ung thư đại tràng. Bệnh có dấu hiệu là táo bón và đại tiện phân máu tươi.
  • Viêm loét đại trực tràng chảy máu: Biểu hiện bệnh xuất hiện từng đợt bao gồm sốt, đau khớp, đau quặn bụng dọc khung đại tràng và đại tiện ra máu tươi.
  • Ung thư trực tràng, hậu môn: Người bệnh có cảm giác kích thích đại tiện nhiều lần hoặc nhiều khi bị chảy máu hậu môn một cách tự nhiên.
  • Trĩ nội: Do vỡ hoặc viêm nhiễm khuẩn búi trĩ, chủ yếu là máu tươi và máu có thể chảy thành tia hoặc giọt.
  • Polyp đại tràng: bệnh thường chảy máu từng đợt, hoặc chỉ là máu ẩn trong phân do viêm loét nhiễm khuẩn các polyp.

Nguyên nhân chảy máu đường tiêu hóa

Chảy máu đường tiêu hóa có nguy hiểm không? Cách nhận biết chảy máu đường tiêu hóa2
Chảy máu đường tiêu hóa thường xảy ra ở dạ dày - tá tràng hoặc ở thực quản

Chảy máu ở dạ dày - tá tràng

Nguyên nhân chủ yếu gây chảy máu ở dạ dày - tá tràng là do loét dạ dày-tá tràng. Loét dạ dày thường xảy ra ở vị trí bờ cong nhỏ, vùng tâm vị, hang vị và mặt sau dạ dày. Xuất huyết trong loét dạ dày có tỷ lệ là từ 15 - 16%. Tỉ lệ loét tá tràng có biến chứng chảy máu là 25% và loét tá tràng thường ở hành tá tràng.

Chảy máu ở thực quản

Nguyên nhân do tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Khi có các mô xơ, sẹo hoặc huyết khối ở gan thì lượng máu về gan giảm, điều này khiến cho máu bị ứ lại ở ngoại biên và trong đó có tĩnh mạch thực quản. Lượng máu tăng lên đột ngột các tĩnh mạch sẽ rất dễ vỡ bởi có kích thước nhỏ.

Triệu chứng của chảy máu đường tiêu hóa

Chảy máu đường tiêu hóa có nguy hiểm không? Cách nhận biết chảy máu đường tiêu hóa3
Triệu chứng chảy máu đường tiêu hóa khiến người bệnh mệt mỏi

Triệu chứng thực thể:

  • Loét dạ dày - tá tràng: Đau ở vùng thượng vị hay 1⁄4 trên phải.
  • Loét thực quản: Trào ngược thực quản, có triệu chứng rối loạn nuốt trước đây.
  • Mallory weiss: Buồn nôn và nôn, ho nhiều.
  • Giãn, vỡ tĩnh mạch thực quản: Vàng da, thiếu máu, yếu ớt, mệt mỏi,...

Một số những biểu hiện của rối loạn huyết động:

  • Da niêm mạc: Da lạnh, niêm mạc nhợt, có màu trắng bệch.
  • Mạch: Khó bắt, nhanh.
  • Huyết áp: huyết áp giảm, hạ huyết áp tư thế.
  • Tri giác: Tỉnh,li bì, mệt, vật vã.

Các triệu chứng khác:

  • Sốt.
  • Sốc giảm thể tích.
  • Thuyên tắc phổi: Ít khi gặp.
  • Thiểu niệu.
  • Hôn mê gan.

Triệu chứng cơ năng:

  • Bị nôn ra máu: Máu tươi, máu cục, máu đen, máu có thể lẫn với thức ăn, số lượng ít hoặc nhiều.
  • Đi cầu phân có màu đen: Phân có màu đen như bã cà phê, có mùi thối khắm. Số lượng và tính chất máu sẽ phụ thuộc vào thời gian lưu chuyển trong ruột và lượng máu xuất huyết. Phân thường loãng, có nước màu đỏ xen lẫn với trường hợp chảy máu nhiều. Phân vẫn thành khuôn, có màu đen như nhựa đường, mùi khắm trong trường hợp chảy máu ít.

Trên đây là một vài thông tin về chảy máu đường tiêu hóa nhà thuốc Long Châu tổng hợp tới bạn đọc. Không thể chủ quan với chảy máu đường tiêu hóa, mong rằng những thông tin trong bài viết sẽ giúp ích cho bạn đọc trong việc nhận biết tình trạng này và từ đó có những phương pháp điều trị phù hợp.

Phương Thảo

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm