Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Chạy thận tốn bao nhiêu tiền? Mỗi tuần cần chạy thận bao nhiêu lần?

Ngày 11/12/2023
Kích thước chữ

Khi thận không còn khả năng lọc bỏ cặn bã khỏi cơ thể, bệnh nhân buộc phải chạy thận. Nhiều người phải phụ thuộc vào phương pháp này đến hết đời. Vậy chạy thận tốn bao nhiêu tiền và thực hiện bao nhiêu lần/tuần?

Chi phí chạy thận là một trong những vấn đề mà không ít bệnh nhân và người nhà quan tâm. Khi thận bị suy giảm chức năng nghiêm trọng, người bệnh buộc phải chạy thận để duy trì sự sống. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng đủ điều kiện chạy thận liên tục. Chạy thận tốn bao nhiêu tiền? Chạy thận bao nhiêu lần 1 tuần mới đủ? Hãy cùng tham khảo qua bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu về chạy thận nhân tạo.

Thông tin cơ bản về chạy thận nhân tạo

Thận là một trong những cơ quan quan trọng của cơ thể với nhiều chức năng thiết yếu, đặc biệt là lọc chất thải từ thực phẩm, thuốc và những chất độc hại. Khi thận không thể thực hiện đầy đủ chức năng tự nhiên, cơ thể sẽ bị tổn hại nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Lúc này, chạy thận nhân tạo là giải pháp tối ưu cho người bệnh.

Trường hợp nào phải chạy thận?

Chạy thận là phương pháp điều trị dành cho bệnh nhân suy thận giai đoạn muộn. Việc này giúp kéo dài sự sống khi thận đã suy giảm chức năng đến mức không thể đào thải các chất cặn bã.

Chạy thận tốn bao nhiêu tiền? Mỗi tuần cần chạy thận bao nhiêu lần 1
Khi chức năng thận bị tổn thương, người bệnh cần chạy thận nhân tạo

Quá trình chạy thận được tiến hành khi khả năng lọc của cầu thận giảm xuống mức < 10% (<39 ml/phút). Khi đó, thận bị tổn thương nặng nề, các chất cặn bã, độc hại được lọc chậm trễ. Tình trạng này dẫn đến tích tụ chất cặn, gây độc hại cho thận và nhiều cơ quan khác.

Người bệnh sẽ được lọc máu để làm sạch chất thải, chất dư thừa trong máu nhờ vào bộ lọc bên ngoài, sau đó máu được đưa trở lại cơ thể. Phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, mức độ tổn thương thận và tần suất thực hiện mà người bệnh có thể chạy thận tại bệnh viện, ở cơ sở lọc máu hoặc ngay tại nhà.

Trong đa số trường hợp, việc chạy thận phải thực hiện đến khi nào tình trạng bệnh được kiểm soát hoặc đến cuối đời. Chính vì vậy mà chạy thận tốn bao nhiêu tiền trở thành vấn đề khiến nhiều người quan tâm.

Tần suất chạy thận bao nhiêu lần 1 tuần?

Chạy thận bao nhiêu lần 1 tuần mới khỏi? Người bệnh chạy thận nhân tạo với chu kỳ thông thường sẽ được chỉ định chạy 3 lần/tuần. Với người bị nhẹ, thời gian đầu chỉ cần chạy 2 lần mỗi tuần, sau đó tăng lên 3 lần.

Theo nghiên cứu, nếu chạy thận nhân tạo đều đặn, khả năng sống sẽ tăng lên 5 - 10 năm, thậm chí có trường hợp lên đến 20 - 30 năm. Điều này liên quan đến nhiều yếu tố như: Tình trạng bệnh, giai đoạn mắc bệnh, chế độ ăn uống, việc luyện tập, khả năng tài chính,...

Lợi ích và rủi ro khi chạy thận nhân tạo

Chạy thận nhân tạo thường được chỉ định cho trường hợp điều trị cấp cứu ở bệnh nhân suy thận cấp (trường hợp bị ngộ độc) hoặc suy thận mạn giai đoạn cuối. Sau đây là những lợi ích và rủi ro của biện pháp chạy thận.

Lợi ích của chạy thận nhân tạo

Phương pháp chạy thận nhân tạo khá phổ biến vì có những ưu điểm sau:

  • Thay thế những chức năng thận bị suy giảm, loại bỏ chất độc và cặn bã ra khỏi máu. Việc này giúp cân bằng các chất trong cơ thể và ngăn chặn biến chứng nguy hiểm có thể gây tử vong.
  • Loại bỏ các triệu chứng: Mệt mỏi, ngứa ngáy, buồn ngủ, đau ngực và sưng,… Những điều này giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân suy thận.
  • Kiểm soát tình trạng sức khỏe thông qua duy trì cân bằng nước và nồng độ các ion trong cơ thể, ổn định huyết áp.
  • Đóng vai trò như một phương pháp tạm thời trong khi chờ ghép thận.
Chạy thận tốn bao nhiêu tiền? Mỗi tuần cần chạy thận bao nhiêu lần 2
Chạy thận nhân tạo giúp loại bỏ triệu chứng mệt mỏi, buồn ngủ…

Rủi ro khi chạy thận nhân tạo

Bệnh nhân có thể phải đối mặt với các vấn đề dưới đây trong quá trình chạy thận nhân tạo:

  • Có nguy cơ bị nhiễm trùng khi sử dụng catheter hoặc các thiết bị liên quan trong quá trình chạy thận.
  • Gặp các vấn đề về mạch máu như: Tăng huyết áp, mất máu, rối loạn nhịp tim, tắc nghẽn mạch,…
  • Đôi khi có thể phản ứng mẫn cảm hoặc dị ứng với các chất được sử dụng để chạy thận nhân tạo, ví dụ như dung dịch lọc thận.
  • Có thể ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh, gây cảm giác bất an, lo lắng, suy nghĩ nhiều.

Mỗi lần chạy thận tốn bao nhiêu tiền?

Chi phí chạy thận tốn bao nhiêu tiền được quyết định bởi nhiều yếu tố như:

  • Chi phí vật liệu, dụng cụ, thiết bị dùng cho chạy thận;
  • Tần suất chạy thận bao nhiêu lần 1 tuần;
  • Cơ sở y tế thực hiện chạy thận;
  • Bệnh nhân chạy thận có sử dụng bảo hiểm y tế không,...

Theo Bộ Y tế quy định, chi phí cho mỗi lần chạy thận nhân tạo gồm 11 khoản: Dây lọc máu, màng lọc, dịch sát khuẩn màng lọc,... Trong số này, bảo hiểm y tế chi trả cho 7 khoản nhưng không vượt quá 543.000 đồng (đối với bệnh viện hạng một). Mức chi trả bảo hiểm còn phụ thuộc vào việc người bệnh được thanh toán chi phí theo diện đồng chi trả 80%, 95% hay 100% và chạy thận ở bệnh viện nào.

Chạy thận tốn bao nhiêu tiền còn phụ thuộc vào dạng chạy thận. Hiện có hai dạng là chạy thận cấp cứu (khi mắc bệnh lý cấp tính) và chạy thận theo chu kỳ. Bệnh nhân chạy thận cấp cứu lần đầu cần phải đặt catheter riêng với chi phí khoảng 1 triệu đồng. Số tiền chạy thận chu kỳ phụ thuộc vào vật tư tiêu hao với mức trung bình khoảng 700.000 đến 1 triệu đồng mỗi lần. Do vậy, ngay cả khi bảo hiểm y tế chi trả 100%, người bệnh còn phải đóng thêm khoảng 150.000 - 450.000 đồng cho mỗi lần chạy thận. Một số bệnh viện quy định phải chi trả thêm phụ phí đi kèm như: Điện, nước,... ở mức khoảng 20 - 30 nghìn đồng.

Chạy thận tốn bao nhiêu tiền? Mỗi tuần cần chạy thận bao nhiêu lần 3
Bệnh nhân chạy thận có thể bị tăng huyết áp

Khoản chi phí phải trả thêm với nhiều bệnh nhân chạy thận chu kỳ là con số đáng kể. Nguyên nhân là bởi số lần chạy thận rất nhiều và họ phải theo gần như suốt cuộc đời để duy trì sự sống.

Tuy nhiên, chi phí chạy thận này chỉ mang tính tham khảo. Khi bệnh nhân có bảo hiểm y tế, tuỳ theo mức độ hưởng bảo hiểm bao nhiêu %, chi phí mà bệnh nhân chạy thận phải chi trả sẽ có sự chênh lệch.

Bài viết trên đây đã giải đáp những thắc mắc về chạy thận nhân tạo như: Chạy thận tốn bao nhiêu tiền, chạy thận bao nhiêu lần 1 tuần, lợi ích và rủi ro của phương pháp này,… Dù chi phí chạy thận tốn kém trong khi vẫn không thể khôi phục hoàn toàn chức năng thận, nhưng đây là cách duy nhất để bệnh nhân có thể khôi phục sức khỏe và duy trì sự sống. Để đảm bảo an toàn, tiết kiệm và đạt hiệu quả điều trị cao nhất, bệnh nhân nên lựa chọn thăm khám cũng như điều trị tại đơn vị y tế uy tín.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin