Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Chế độ ăn Keto có thực sự tốt như chúng ta nghĩ?

Ngày 23/03/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Chế độ ăn kiêng Keto là một chế độ ăn ít carb, nhiều chất béo, và thường được sử dụng để giảm cân. Mặc dù chế độ này được nhiều người tin dùng và đã giảm cân mà không có bất kỳ tác dụng phụ nào, nhưng trên thực tế, các nhà khoa học chứng minh rằng Keto không thực sự tốt như chúng ta vẫn thấy.

Chế độ Keto sẽ khiến cơ thể chuyển sang trạng thái ketosis - trạng thái trao đổi chất mà trong đó cơ thể bạn chủ yếu sử dụng chất béo để lấy năng lượng thay vì tinh bột. Nghe có vẻ đây là một cách hữu hiệu để giảm cân và loại bỏ mỡ xấu, nhưng chế độ ăn này đang tiềm ẩn những rủi ro mà bạn cần lưu ý.

Nguy cơ mắc triệu chứng “cảm Keto”

Nghe có vẻ lạ, nhưng bạn có thể mắc phải triệu chứng này nếu cơ thể của bạn bị sốc khi mới bắt đầu tập ăn Keto, do lượng tinh bột giảm đột ngột dưới mức thông thường (Lượng tinh bột trong chế độ Keto chỉ khoảng 50gr).

Khi cơ thể cạn kiệt nguồn dự trữ carb và chuyển sang sử dụng keto và chất béo để làm nguồn năng lượng, bạn có thể gặp các triệu chứng giống như cúm, chẳng hạn như đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, buồn nôn và táo bón - một phần là do mất nước và mất cân bằng điện giải xảy ra khi cơ thể bạn điều chỉnh để chuyển sang trạng thái ketosis.

Chế độ ăn Keto có thể khiến chúng ta mắc triệu chứng cảm Keto 1 Chế độ ăn Keto có thể khiến chúng ta mắc triệu chứng cảm Keto

Tăng nguy cơ sỏi thận

Đối với chế độ Keto, bạn cần tiêu thụ nhiều hơn các thực phẩm nhiều chất béo, chẳng hạn như trứng, thịt và pho mát. Những thực phẩm này có thể làm cho máu và nước tiểu của bạn có tính axit cao hơn, dẫn đến việc tăng bài tiết canxi trong nước tiểu, từ đó làm tăng nguy cơ sỏi thận

Một số nghiên cứu cũng cho thấy rằng chế độ ăn keto làm giảm lượng citrate được thải ra trong nước tiểu, mà đây lại là chất giúp ngăn ngừa sự hình thành sỏi thận khi liên kết với canxi trong cơ thể. Do vậy, việc giảm lượng citrate góp phần làm tăng nguy cơ sỏi thận. 

Ngoài ra, những người bị bệnh thận mãn tính (CKD) nên tránh keto, do thận bị suy yếu không thể loại bỏ axit tích tụ trong máu khi ăn nhiều thực phẩm từ động vật. Điều này có thể dẫn đến tình trạng nhiễm toan (nhiễm độc axit) mà có thể làm trầm trọng thêm sự tiến triển của bệnh thận mạn.

Gây ra các vấn đề tiêu hóa và thay đổi vi khuẩn đường ruột

Một số nguồn thực phẩm giàu chất xơ nhất, chẳng hạn như trái cây nhiều carb, rau giàu tinh bột, ngũ cốc nguyên hạt và đậu, bị loại bỏ khỏi chế độ ăn uống vì chúng cung cấp quá nhiều carbs. Mà chất xơ là chất giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động khỏe mạnh, nên chế độ ăn keto có thể khiến bạn khó tiêu và gặp táo bón.

Hơn nữa, chất xơ cung cấp nguồn vi khuẩn có lợi trong đường ruột của bạn, giúp tăng cường miễn dịch, cải thiện sức khỏe tâm thần và giảm viêm. Tuy nhiên, chế độ ăn keto có thể ảnh hưởng tiêu cực đến vi khuẩn đường ruột của bạn. Dẫu vậy, bạn có thể tăng cường chất xơ bằng các thực phẩm thân thiện với keto có nhiều chất xơ, bao gồm hạt lanh, hạt chia, dừa, bông cải xanh, súp lơ trắng và rau lá xanh.

Thiếu hụt chất dinh dưỡng

Do chế độ ăn keto hạn chế một số loại thực phẩm, đặc biệt là trái cây giàu chất dinh dưỡng, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu, nên nó có thể không cung cấp đủ lượng vitamin và khoáng chất được khuyến nghị. Đặc biệt, một số nghiên cứu cho thấy rằng chế độ ăn keto không cung cấp đủ canxi, vitamin D, magiê và phốt pho.

Do vậy, các bác sĩ khuyên bạn nên bổ sung kali, natri, magiê, canxi, axit béo omega-3, chất xơ psyllium và vitamin B, C và E vào chế độ keto để bù đắp sự thiếu hụt chất dinh dưỡng. Bạn có thể ăn các thực phẩm ít carb lành mạnh, chẳng hạn như bơ, các loại hạt và rau không chứa tinh bột, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng hơn.

Chế độ ăn Keto có thể gây ra tình trạng thiếu chất dinh dưỡng 2 Chế độ ăn Keto có thể gây ra tình trạng thiếu chất dinh dưỡng

Có thể làm giảm lượng đường trong máu ở mức đáng báo động

Chế độ ăn kiêng ít tinh bột như keto đã được chứng minh là giúp kiểm soát lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, những người mắc bệnh tiểu đường loại 1 có thể phải đố mặt với nhiều đợt hạ đường huyết nếu không tiêu thụ đủ tinh bột. Do đó, chế độ ăn kiêng keto ít tinh bột có thể làm tăng nguy cơ hạ đường huyết xuống mức thấp đáng báo động.

Có thể gây suy yếu xương

Một số nghiên cứu cho thấy chế độ ăn keto làm giảm mật độ khoáng chất trong xương khi cơ thể chuyển sang trạng thái ketosis. Một nghiên cứu khác ở 30 người đi bộ cho thấy những người bắt đầu theo chế độ keto trong 3,5 tuần có nồng độ canxi trong máu cao hơn đáng kể so với những người ăn chế độ ăn nhiều tinh bột hơn. Điều này có nghĩ là, những người theo chế độ keto có nguy cơ suy yếu xương cao hơn.

Gây suy yếu xương cũng là một điểm yếu của chế độ Keto 3 Gây suy yếu xương cũng là một điểm yếu của chế độ Keto

Tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính và tử vong sớm

Một số bằng chứng cho thấy rằng chế độ ăn keto mà dung nạp nhiều thực phẩm từ động vật khiến cho sức khỏe nhanh chóng suy yếu. Nghiên cứu trên 130.000 người trưởng thành trong thời gian dài cho thấy chế độ ăn keto với việc sử dụng thực phẩm chủ yếu từ động vật gây ra tỷ lệ tử vong do bệnh tim, ung thư và tất cả các nguyên nhân cao hơn. 

Tuy nhiên, chế độ ăn keto sử dụng thực phẩm từ thực vật giúp cải thiện sức khỏe. Do vậy, bạn có thể cân nhắc việc sử dụng thực phẩm từ thực vật trong chế độ keto của mình.

Vậy chế độ ăn Keto có thực sự tốt như chúng ta nghĩ? Chế độ ăn Keto mang lại nhiều lợi ích cho những người khỏe mạnh, không mắc các bệnh cấp hay mãn tính, và sử dụng phong phú thực phẩm từ thực vật thay vì động vật.

Dẫu vậy, trước khi theo chế độ Keto hoàn toàn, hãy xen kẽ chế độ này với chế độ bình thường của bạn để cơ thể quen dần với việc thiết hụt tinh bột. Bên cạnh đó, bạn cần theo dõi sức khỏe trong quá trình theo chế độ Keto để nhanh chóng điều chỉnh chế độ ăn phù hợp, nhằm đảm bảo sức khỏe của mình.

Tuyết Linh

Nguồn tham khảo: Healthline

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm