Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Chi phí đặt máy trợ tim thông thường là bao nhiêu?

Ngày 27/05/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Trong lĩnh vực y tế hiện nay, việc đặt máy trợ tim đã trở thành một phương pháp điều trị phổ biến và hiệu quả đối với những bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch. Tuy nhiên, chi phí để thực hiện ca phẫu thuật này lại là một vấn đề khiến nhiều bệnh nhân và gia đình phải băn khoăn, lo lắng. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về chi phí đặt máy trợ tim qua bài viết dưới đây nhé!

Chi phí đặt máy trợ tim thường có thể chênh lệch tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Sự chênh lệch về giá cả phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại máy được lựa chọn, bệnh viện thực hiện ca phẫu thuật và đội ngũ bác sĩ điều trị. Các bệnh viện danh tiếng thường có chi phí cao hơn so với các bệnh viện khác. Ngoài ra, mức độ phức tạp của ca phẫu thuật cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến tổng chi phí.

Máy trợ tim là loại thiết bị gì?

Máy trợ tim còn được gọi là máy tạo nhịp tim, là một thiết bị nhỏ hoạt động bằng pin, được cấy ghép vào cơ thể người để hỗ trợ hệ thống tạo và dẫn truyền nhịp tim. Máy được đặt dưới da ngực, trên cơ và xương thành ngực, cũng như phía dưới xương đòn trái, thông qua một ca phẫu thuật nhỏ.

Tim có hệ thống điện tự tạo xung và dẫn truyền riêng để điều khiển nhịp tim. Các tín hiệu điện (xung điện) di chuyển qua các buồng tim, thúc đẩy tim đập (co bóp) đồng bộ, từ đó đẩy máu đi vào vòng tuần hoàn khắp cơ thể.

Chi phí đặt máy trợ tim thông thường là bao nhiêu? 1
Máy trợ tim giúp hỗ trợ hệ thống tạo và dẫn truyền nhịp tim

Tuy nhiên, khi hệ thống tạo nhịp và dẫn truyền điện của tim bị tổn thương, tim có thể không co bóp theo từng nhịp một cách hiệu quả, trở nên quá chậm hoặc quá yếu. Hậu quả là tim không thể bơm đủ máu đến các cơ quan còn lại trong cơ thể. Trong những trường hợp như vậy, máy trợ tim đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ và duy trì nhịp tim, đảm bảo lưu thông máu đến các cơ quan.

Đặt máy tạo nhịp tim được chỉ định để kiểm soát và ổn định nhịp tim bất thường, giảm các triệu chứng do rối loạn nhịp tim như: Đau ngực, choáng váng, tiền ngất, đánh trống ngực và giảm khả năng gắng sức. Việc này cũng giúp ngăn ngừa các triệu chứng khó chịu do rối loạn nhịp, cải thiện chất lượng cuộc sống và phòng ngừa tử vong đột ngột do tim ngừng đập.

Máy tạo nhịp tim có thể được lập trình để chỉ hoạt động khi phát hiện vấn đề về nhịp tim, chẳng hạn như nhịp tim quá chậm. Một số máy còn có thể tăng nhịp tim khi cần, ví dụ khi tập thể dục.

Khi nào thì cần phải đặt máy trợ tim?

Bác sĩ có thể chỉ định đặt máy trợ tim để điều trị các tình trạng sau:

  • Rối loạn nhịp tim (nhịp tim chậm, nhanh, bất thường);
  • Gián đoạn hệ thống dẫn truyền điện của tim.

Bạn nên đến khám sớm với bác sĩ nếu có các triệu chứng sau, vì đây có thể là dấu hiệu của các bệnh lý rối loạn nhịp nghiêm trọng:

  • Đau ngực;
  • Nhịp tim nhanh bất thường (trên 100 nhịp/phút);
  • Nhịp tim chậm bất thường (dưới 60 nhịp/phút);
  • Nhịp tim không đều (loạn nhịp);
  • Đánh trống ngực;
  • Khó thở, đặc biệt khi gắng sức;
  • Chóng mặt, tiền ngất không rõ nguyên nhân;
  • Chậm chạp, lú lẫn không rõ nguyên nhân.

Việc điều trị bằng cách đặt máy trợ tim là cần thiết để ổn định các tình trạng rối loạn nhịp tim này.

Chi phí đặt máy trợ tim thông thường là bao nhiêu? 2
Máy trợ tim thường dùng cho bệnh nhân rối loạn nhịp tim nặng

Các loại máy trợ tim phổ biến hiện nay

Tùy thuộc vào loạn nhịp tim, bác sĩ sẽ chỉ định máy tạo nhịp tim phù hợp. Các loại máy tạo nhịp tim phổ biến hiện nay có thể kế đến:

  • Máy tạo nhịp tim không dây dẫn: Thiết bị nhỏ như viên thuốc được đưa vào cơ thể, gắn trực tiếp vào thành tim và không cần sử dụng dây dẫn.
  • Máy tạo nhịp tim một buồng: Sử dụng một sợi dây dẫn gắn vào tâm thất phải.
  • Máy tạo nhịp tim hai buồng: Sử dụng hai dây dẫn, một gắn vào tâm nhĩ phải và một gắn vào tâm thất phải.
  • Máy tạo nhịp tim hai tâm thất: Sử dụng ba dây dẫn, hai gán vào tâm thất phải và trái, một gắn vào tâm nhĩ phải. Loại này phối hợp với chức năng tái đồng bộ tim (CRT) dành cho suy tim giai đoạn cuối có kèm bất thường về nhịp tim.

Biến chứng có thể xảy ra khi đặt máy trợ tim

Quy trình đặt máy đòi hỏi phải thực hiện tiểu phẫu do đó vẫn sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Các biến chứng liên quan đến phẫu thuật đặt máy trợ tim tuy không phổ biến, nhưng có thể gặp phải bao gồm:

  • Nhiễm trùng tại ổ máy hay vị trí trong tim nơi đặt dây dẫn.
  • Thuốc cản quang sử dụng trong quy trình đặt máy có thể gây dị ứng hoặc dị ứng với một trong những vật liệu được sử dụng chế tạo máy trợ tim cùng dây dẫn.
  • Chảy máu, sưng, bầm tím, đặc biệt nếu đang dùng thuốc chống đông máu.
  • Hình thành cục máu đông gần nơi đặt thiết bị.
  • Tổn thương mạch máu hoặc dây thần kinh khi thao tác đặt máy.
  • Tràn khí màng phổi gây khó thở, xẹp phổi.
  • Tràn máu màng phổi, tràn máu trung thất.
  • Di chuyển thiết bị hoặc dây dẫn có thể gây ra lỗ thủng trên thành mạch hay thành tim.
  • Dây dẫn của máy tạo nhịp tim bị đứt hoặc di lệch khỏi vị trí.
  • Nhiễu sóng điện từ do các nguồn phát sóng bên ngoài có từ trường mạnh, làm ảnh hưởng đến hoạt động của máy trợ tim.

Chi phí đặt máy trợ tim là bao nhiêu?

Chi phí đặt máy trợ tim thường khá cao và có thể có chút chênh lệch tùy thuộc vào loại máy, bệnh viện và bác sĩ phẫu thuật. Thông thường, giá máy trợ tim một buồng và hai buồng sẽ dao động từ 52 - 90 triệu VNĐ. Tuy nhiên, một số loại máy cao cấp, có thêm chức năng tái đồng bộ tim cho bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối, có thể có giá lên đến 200 đến 500 triệu VNĐ.

Chi phí đặt máy trợ tim thông thường là bao nhiêu? 3
Chi phí đặt máy trợ tim còn tùy thuộc vào mức độ phức tạp của phẫu thuật cấy ghép

Đặt máy trợ tim là một biện pháp can thiệp chuyên sâu trong điều trị các bệnh lý tim mạch mạn tính nói chung và bệnh lý loạn nhịp tim nói riêng. Tuy nhiên, do chi phí cao và thông tin chưa được phổ biến rộng rãi, nhiều bệnh nhân thường có cảm giác hoang mang, lo lắng khi được bác sĩ chỉ định cần đặt máy trợ tim.

Hy vọng rằng những thông tin về máy trợ tim được cung cấp trong bài viết này sẽ giúp bệnh nhân và người nhà không còn băn khoăn về chi phí đặt máy trợ tim, từ đó thêm vững tin vào các lựa chọn điều trị tiến bộ của y khoa.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Bệnh tim mạch