Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Choáng váng: Nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 16/05/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Choáng váng là một tình trạng sức khỏe rất thường gặp, có thể có nhiều nguyên nhân gây ra. Tuy nhiên choáng váng cũng có thể là biểu hiện của bệnh lý nguy hiểm. Bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu sẽ cho bạn một số thông tin liên quan đến choáng váng.

Choáng váng không phải là một bệnh hoặc hội chứng mà là một triệu chứng của một vài vấn đề khác. Một số trường hợp choáng váng có thể tự khỏi mà không cần gặp bác sĩ hoặc điều trị. Ngược lại có một số tình trạng choáng váng cảnh báo dấu hiệu sức khỏe nghiêm trọng cần phải điều trị.

Choáng váng là gì?

Choáng váng là cảm giác lâng lâng hoặc mất thăng bằng. Choáng váng ảnh hưởng đến các cơ quan cảm giác là mắt và tai, đôi khi choáng váng có thể gây ngất xỉu. Choáng váng không phải là một căn bệnh mà là triệu chứng của các rối loạn khác nhau.

Choáng váng: Nguyên nhân và cách điều trị 4
Choáng váng gây mất thăng bằng, thậm chí buồn nôn, ngất xỉu

Choáng váng tạo ra cảm giác rằng bạn hoặc môi trường xung quanh bạn đang quay hoặc di chuyển. Choáng váng thường xuyên hoặc choáng váng liên tục có thể ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống của mỗi người.

Choáng váng là tình trạng khá phổ biến. Thỉnh thoảng choáng váng không phải là điều đáng lo ngại. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải gọi bác sĩ ngay lập tức nếu bạn đang trải qua tình trạng này lặp đi lặp lại mà không có lý do rõ ràng hoặc trong một thời gian dài.

Nguyên nhân gây choáng váng

Nguyên nhân gây ra tình trạng choáng váng có thể kể đến bao gồm:

  • Các bệnh lý về tai và tiền đình gây choáng váng: Nhiễm trùng tai trong, viêm tai trong, viêm mê nhĩ, viêm dây thần kinh tiền đình,... Các bệnh lý này ảnh hưởng đến cấu trúc, chức năng tai trong là cơ quan cảm nhận thăng bằng cho cơ thể.
  • Các bệnh lý tim mạch: Suy tim, đau tim, rối loạn nhịp tim,... Đặc điểm chung của các bệnh lý tim mạch gây ra tình trạng choáng váng là do sức co bóp cơ tim không đủ đưa máu đến não.
  • Hạ huyết áp: Huyết áp thấp đột ngột có thể được gây ra bởi nhiều lý do khác nhau hoặc do thay đổi tư thế (hạ huyết áp thế đứng). Hạ huyết áp có thể dẫn đến chóng mặt, té ngã, đặc biệt là ở người lớn tuổi.
  • Giảm thể tích máu: Đây có thể là kết quả của chảy máu hoặc mất nước. Tình trạng này có thể gây chóng mặt, mệt mỏi và tụt huyết áp.
  • Thiếu máu thiếu sắt: Khi thiếu máu, số lượng hồng cầu thấp. Nồng độ hemoglobin giàu chất sắt thấp trong các tế bào hồng cầu, có nghĩa là các tế bào không thể vận chuyển đủ oxy đi khắp cơ thể. Việc thiếu oxy do thiếu máu có thể gây choáng váng, mệt mỏi hoặc khó thở.
  • Hạ đường huyết: Lượng đường trong máu thấp sẽ có cảm giác run rẩy, lâng lâng hoặc đói. Hạ đường huyết nặng là một tình trạng nghiêm trọng có thể gây co giật.
  • Ngộ độc carbon monoxide: Hít phải khói carbon monoxide từ ô tô, lò nướng hoặc lò nung tích tụ trong nhà có thể gây tử vong. Triệu chứng ngộ độc carbon monoxide bao gồm choáng váng, nhức đầu và nôn mửa.
  • Bệnh parkinson: Choáng váng là một triệu chứng phổ biến của bệnh parkinson. Parkinson là một tình trạng thần kinh gây ra các vấn đề run rẩy và cân bằng. Choáng váng có thể trở nên nghiêm trọng hơn trong giai đoạn sau của bệnh parkinson.
  • Bệnh đa xơ cứng (MS): Bệnh đa xơ cứng làm tổn thương não và tủy sống. Từ đó gây ra một loạt các triệu chứng có thể bao gồm choáng váng, thay đổi thị lực, suy nhược,...
  • Say tàu xe: Triệu chứng điển hình của say xe là choáng váng, buồn nôn, mệt mỏi.
  • Vận động quá mức: Việc vận động quá mức có thể gây mất nước hoặc kiệt sức do nhiệt. Do đó dẫn đến tình trạng choáng váng, mệt mỏi, yếu,...
  • Tác dụng của một số loại thuốc như: Thuốc chống trầm cảm, thuốc chống động kinh, thuốc an thần,...
Choáng váng: Nguyên nhân và cách điều trị 5
Nguyên nhân gây choáng váng có thể đến từ bệnh lý hoặc do chế độ sinh hoạt

Điều trị choáng váng

Thông thường để điều trị được choáng váng cần xác định được nguyên nhân gây ra choáng váng. Việc dùng thuốc hoặc các phương pháp trị liệu cần đúng và đủ để đạt được hiệu quả, duy trì lâu dài.

Choáng váng: Nguyên nhân và cách điều trị 3
Choáng váng không phải là bệnh mà là triệu chứng của một bệnh nào đó

Đối với các nguyên nhân gây ra chóng mặt do mất nước như vận động quá mức hoặc do nhiệt, thì việc bù nước là vô cùng quan trọng. Trong trường hợp này cần nghỉ ngơi và bù nước, đặc biệt là bổ sung điện giải.

Đối với các bệnh lý liên quan đến tai trong thì cần thăm khám bác sĩ trước khi tự ý dùng thuốc. Bởi vì nguyên nhân gây viêm nhiễm có thể do vi khuẩn hoặc vi rút. Các loại thuốc kháng sinh diệt khuẩn có thể được dùng đơn trị liệu hoặc phối hợp với nhau. Do đó cần phải có chỉ định của bác sĩ để đảm bảo dùng đúng và đủ liều.

Các bệnh lý về tim mạch có thể gây ra các vấn đề như chóng mặt, đau đầu, khó thở, mệt,... cần phải được chẩn đoán chính xác bởi bác sĩ chuyên khoa. Nếu động mạch bị tắc nghẽn do xơ vữa động mạch, lưu lượng máu sẽ chậm lại và không lưu thông qua cơ thể như bình thường. Lúc này tim phải cố gắng tăng sức co bóp để đẩy máu đi khắp cơ thể. Từ đó gây ra các vấn đề về tim mạch và tuần hoàn máu. Cần tuân thủ điều trị với các bệnh lý tim mạch để ngăn ngừa tình trạng nặng hơn choáng váng là đột quỵ, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não,...

Trường hợp choáng váng do thiếu máu cũng cần phải được xét nghiệm trước khi chẩn đoán nguyên nhân. Việc bổ sung sắt bằng các thuốc đường uống cũng đơn giản và dễ thực hiện.

Để khắc phục tình trạng say tàu xe, có thể dùng thuốc kháng Histamin H1 không kê đơn trước khi lên xe 30 phút. Thêm nữa có thể ăn nhẹ để tránh trào ngược axit dạ dày gây nóng rát.

Trường hợp mắc bệnh parkinson sẽ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Hoặc có thể được chỉ định phẫu thuật tùy tình trạng. Tuy nhiên thuốc chỉ giải quyết được triệu chứng chứ không điều trị đặc hiệu. Thông thường parkinson và bệnh đa xơ cứng sẽ kết hợp với liệu pháp vật lý trị liệu để giảm thiểu các triệu chứng.

Như vậy cần phải biết được nguyên nhân gây ra choáng váng để điều trị đúng hướng. Tình trạng choáng váng xảy ra chỉ là triệu chứng của một bệnh hoặc tình trạng sức khỏe nào đó. Nếu bạn hoàn toàn khỏe mạnh nhưng đột nhiên choáng váng xảy ra, việc cần làm là nằm nghỉ ngơi, tránh thay đổi tư thế đột ngột. Nếu cơn choáng váng kèm theo các biểu hiện như run rẩy, tê tay, đau đầu dữ dội, khó thở, đau ngực, khó nói,... cần lập tức đến bệnh viện gần nhất để được chẩn đoán, thăm khám.

Trong chế độ dinh dưỡng và lối sống cũng cần phải thay đổi nếu tình trạng thường xuyên xảy ra. Việc cần làm trước hết là bổ sung dinh dưỡng đầy đủ hàng ngày, tránh các loại thức uống kích thích như rượu bia, cà phê. Đồng thời sắp xếp lại lịch làm việc, sinh hoạt để đảm bảo ngủ đủ giấc.

Choáng váng: Nguyên nhân và cách điều trị 2
Thay đổi thói quen sinh hoạt cũng là cách để kiểm soát choáng váng

Bài viết trên đã cho bạn các thông tin cần thiết về choáng váng: Nguyên nhân và cách điều trị. Hi vọng bạn có thêm được nhiều kiến thức hữu ích. Chúc bạn luôn vui khỏe.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin