Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Thu Thủy
Mặc định
Lớn hơn
Hiện nay, tỷ lệ mắc các bệnh lý tiền đình ngày càng gia tăng, chóng mặt trở thành triệu chứng phổ biến khiến nhiều người phải tìm đến cơ sở y tế. Tuy không đe dọa trực tiếp đến tính mạng, nhưng chóng mặt, đặc biệt khi tái phát lại tác động sâu rộng đến cả thể chất lẫn tinh thần. Chính vì vậy, việc nhận diện nguyên nhân, tuân thủ điều trị và điều chỉnh lối sống đóng vai trò then chốt trong kiểm soát bệnh lý này.
Chóng mặt là biểu hiện thường gặp trong nhiều bệnh lý. Tình trạng tái phát khiến người bệnh không chỉ phải chịu đựng sự khó chịu về thể chất mà còn đối mặt với những tổn hại tinh thần kéo dài. Việc hiểu rõ cơ chế bệnh sinh, tác động và các biện pháp dự phòng sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều trị và cải thiện cuộc sống cho người bệnh.
Chóng mặt là thuật ngữ thường được người bệnh sử dụng để mô tả bất kỳ cảm giác rối loạn nào liên quan đến thăng bằng. Các biểu hiện phổ biến bao gồm cảm giác đồ vật hoặc môi trường xung quanh quay cuồng (chóng mặt quay), cảm giác xoay trong đầu hoặc cảm giác chòng chành, mất thăng bằng. Trên lâm sàng, nhiều người bệnh đến khám vì triệu chứng chóng mặt kéo dài, tái diễn nhiều lần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, công việc và chất lượng cuộc sống.
Trong phần lớn các trường hợp, chóng mặt quay xuất phát từ rối loạn tiền đình ngoại biên. Ba nguyên nhân phổ biến nhất là: Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV), bệnh Ménière và viêm dây thần kinh tiền đình.
Chóng mặt do rối loạn tiền đình có xu hướng tái phát cao. Thực tế cho thấy phần lớn bệnh nhân đến khám đã có tiền sử nhiều tháng hoặc nhiều năm bị chóng mặt tái phát với thời gian kéo dài từ vài giây đến vài ngày. Việc tự điều trị bằng thuốc hoặc truyền dịch không theo hướng dẫn chuyên môn khiến bệnh không được kiểm soát hiệu quả.
Các nghiên cứu trên thế giới cũng cho thấy chóng mặt là một triệu chứng có tính chất tái phát cao, đặc biệt là ở những người có yếu tố tâm lý kèm theo như lo âu và trầm cảm.
Chóng mặt tái phát dẫn đến ba hậu quả chính:
Những yếu tố này kết hợp làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Chóng mặt tái diễn không chỉ là vấn đề sinh lý mà còn ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tâm thần và xã hội của người bệnh. Tình trạng lo âu quá mức, cảm giác mất kiểm soát và né tránh các hoạt động dễ gây chóng mặt khiến người bệnh rơi vào trạng thái cô lập, giảm vận động và từ đó làm trầm trọng thêm các triệu chứng.
Ngoài ra, nguy cơ té ngã là một biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt ở những bệnh nhân bị rối loạn tiền đình ngoại biên. Các tình huống té ngã thường xảy ra khi bệnh nhân đang sinh hoạt bình thường như đi bộ, làm việc hoặc leo cầu thang.
Tình trạng lo lắng kéo dài và tránh né hoạt động có thể tạo thành một vòng luẩn quẩn, khiến người bệnh càng thêm hoang mang, giảm chất lượng cuộc sống và mất định hướng trong điều trị.
Tuân thủ điều trị là yếu tố quan trọng hàng đầu trong kiểm soát và phòng ngừa chóng mặt tái phát. Nhiều bệnh nhân có xu hướng ngừng thuốc sau khi triệu chứng cải thiện, không tái khám đúng hẹn, dẫn đến khả năng tái phát cao và khó điều trị hơn.
Tuân thủ điều trị không chỉ dừng lại ở việc uống đủ thuốc mà còn cần uống đúng liều, đúng giờ và đúng liệu trình. Trong điều trị chóng mặt do rối loạn tiền đình, thuốc chứa hoạt chất betahistine là một trong những lựa chọn phổ biến. Thuốc chứa betahistine có thể được sử dụng với liều 48 mg mỗi ngày trong 2 - 3 tháng để giúp giảm nguy cơ tái phát.
Đối với bệnh nhân Ménière, thuốc lợi tiểu nhóm thiazide như hydrochlorothiazide có thể được sử dụng để giảm tích tụ dịch trong tai trong, từ đó góp phần cải thiện triệu chứng chóng mặt. Ở bệnh nhân bị viêm dây thần kinh tiền đình cấp tính, corticosteroids (methylprednisolone) có thể hỗ trợ phục hồi chức năng tiền đình ngoại biên. Tuy nhiên, hiện vẫn cần thêm bằng chứng lâm sàng để xác định hiệu quả điều trị rõ ràng và đưa ra khuyến nghị sử dụng rộng rãi.
Song song với điều trị bằng thuốc, các bài tập phục hồi chức năng tiền đình đóng vai trò quan trọng trong ngăn ngừa chóng mặt tái phát, đặc biệt với bệnh nhân bị giảm chức năng tiền đình một bên như trong viêm dây thần kinh tiền đình hoặc bệnh Ménière.
Việc duy trì đều đặn các bài tập theo hướng dẫn chuyên môn là điều cần thiết, ngay cả khi triệu chứng đã giảm, nhằm đạt được hiệu quả phục hồi lâu dài và phòng ngừa các đợt tái phát trong tương lai.
Thay đổi lối sống, xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh và duy trì suy nghĩ tích cực là những yếu tố nền tảng trong điều trị và phòng ngừa chóng mặt tái phát. Người bệnh cần được tư vấn đầy đủ về cơ chế bệnh lý để tránh lo lắng không cần thiết, từ đó duy trì tinh thần lạc quan, giảm áp lực tâm lý.
Chế độ ăn uống điều độ, không bỏ bữa, uống đủ nước, kiểm soát cân nặng hợp lý và nghỉ ngơi đầy đủ là những yếu tố giúp nâng cao sức khỏe toàn diện. Bên cạnh đó, hoạt động thể chất phù hợp cũng giúp tăng cường hệ tuần hoàn và thần kinh cơ, từ đó cải thiện khả năng thích nghi của hệ tiền đình.
Chóng mặt là tình trạng phổ biến và có xu hướng tái phát cao, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Việc chủ động phòng ngừa thông qua tuân thủ điều trị, kết hợp tập phục hồi chức năng tiền đình và điều chỉnh lối sống là chiến lược hiệu quả để kiểm soát bệnh lý này. Hướng tiếp cận toàn diện không chỉ giúp chủ động phòng ngừa chóng mặt tái phát mà còn cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền
Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.