Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Chuếnh choáng là gì? Chuếnh choáng là biểu hiện của bệnh gì?

Ngày 12/07/2024
Kích thước chữ

Chuếnh choáng là gì? Không phải ai cũng hiểu rõ nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của nó. Đâu là những bệnh lý tiềm ẩn gây ra tình trạng này?

Cảm giác chuếnh choáng, mất thăng bằng thường khiến chúng ta lo lắng về sức khỏe của mình. Chuếnh choáng không chỉ là một triệu chứng khó chịu mà còn có thể là dấu hiệu cảnh báo của nhiều bệnh lý tiềm ẩn. Hiểu rõ chuếnh choáng là gì, nguyên nhân và các bệnh lý liên quan đến chuếnh choáng sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe bản thân.

Chuếnh choáng là gì? Chuếnh choáng có biểu hiện thế nào?

Chuếnh choáng là cảm giác mất thăng bằng, không vững vàng, cảm thấy như sắp ngã hoặc chao đảo. Người bị chuếnh choáng có thể cảm thấy như mọi thứ xung quanh đang chuyển động hoặc xoay tròn mặc dù thực tế không phải vậy. Chúng ta thường dễ bị chuếnh choáng khi có sự thay đổi nhanh về vị trí, tư thế của cơ thể hoặc môi trường xung quanh.

Những cảm giác trên đây có thể kéo dài vài giây đến vài phút, thậm chí vài giờ và có thể kèm theo các triệu chứng khác như buồn nôn, nôn, vã mồ hôi, hoặc ù tai. Mức độ và cường độ của chuếnh choáng có thể khác nhau từ nhẹ đến nghiêm trọng, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra và cơ địa của từng người.

Chuếnh choáng là gì? Chuếnh choáng là biểu hiện của bệnh gì 1
Nhiều người miêu tả chuếnh choáng như cảm giác sắp ngã

Phân biệt chuếnh choáng, chóng mặt và hoa mắt

Chuếnh choáng, chóng mặt và hoa mắt là những thuật ngữ thường được sử dụng lẫn lộn, nhưng thực tế chúng mô tả những cảm giác khác nhau và có thể liên quan đến các nguyên nhân khác nhau. Một số thông tin dưới đây có thể giúp bạn phân biệt ba tình trạng này:

  • Chuếnh choáng là cảm giác mất thăng bằng như sắp ngã, có thể kèm theo cảm giác bồng bềnh, lảo đảo, hoặc quay cuồng. Nguyên nhân thường liên quan đến vấn đề về hệ thống tiền đình, hệ thần kinh, huyết áp thấp hoặc các bệnh lý khác.
  • Chóng mặt là cảm giác mơ màng, choáng váng, đầu óc nhẹ bẫng có thể có cảm giác như sắp ngất xỉu. Nguyên nhân thường liên quan đến huyết áp thấp, hạ đường huyết, mất nước, thiếu máu, hoặc các vấn đề về tim mạch.
  • Hoa mắt là cảm giác nhìn mờ, nhìn đôi, nhìn thấy các đốm sáng hoặc các vật thể chuyển động bất thường. Nguyên nhân thường liên quan đến các vấn đề về mắt như khô mắt, cận thị, loạn thị, hoặc các bệnh lý về võng mạc.

Các triệu chứng trên đây có thể xuất hiện đồng thời hoặc riêng biệt. Nếu bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng nào trong số này, đặc biệt là nếu chúng kéo dài hoặc tái phát thường xuyên, hãy tìm đến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Chuếnh choáng là gì? Chuếnh choáng là biểu hiện của bệnh gì 2
Việc hiểu rõ chuếnh choáng là gì và khác với chóng mặt, hoa mắt là việc cần thiết

Nguyên nhân gây ra tình trạng chuếnh choáng

Chuếnh choáng có thể được gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm bệnh thiếu máu, rối loạn tiền đình, huyết áp thấp và các rối loạn chuyển hóa khác. Cụ thể là:

  • Bệnh thiếu máu là một nguyên nhân phổ biến gây chuếnh choáng. Khi cơ thể thiếu máu, lượng oxy được cung cấp đến não bộ và các cơ quan khác không đủ gây ra cảm giác chóng mặt, mất cân bằng. Triệu chứng kèm theo của thiếu máu có thể bao gồm người mệt mỏi và da xanh xao.
  • Rối loạn tiền đình là một trạng thái liên quan đến hệ thống cân bằng của cơ thể, bao gồm các cơ quan như tai, mắt và hệ thần kinh. Khi tiền đình hoạt động không đúng, người bệnh có thể gặp phải mất thăng bằng và buồn nôn.
  • Huyết áp thấp cũng có thể gây ra chuếnh choáng do giảm lưu lượng máu và oxy đến não bộ. Triệu chứng của huyết áp thấp còn bao gồm mệt mỏi và cảm giác lạnh ở tay chân.
  • Rối loạn chuyển hoá như tiểu đường cũng có thể góp phần vào tình trạng chuếnh choáng. Bệnh có thể tác động đến hệ thống thần kinh và sự cân bằng nước, điện giải của cơ thể.
Chuếnh choáng là gì? Chuếnh choáng là biểu hiện của bệnh gì 3
Chuếnh choáng được khắc phục hiệu quả khi bệnh lý nguyên nhân được kiểm soát

Chuếnh choáng ảnh hưởng gì đến cuộc sống hàng ngày?

Chuếnh choáng là gì và nguyên nhân gây chuếnh choáng đến đây bạn đã biết. Vậy tình trạng này ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta thế nào?

  • Chuếnh choáng có thể làm giảm khả năng làm việc và học tập của người bệnh. Cảm giác mất thăng bằng và đầu óc quay cuồng khiến họ khó tập trung và thực hiện các hoạt động công việc hay học tập một cách hiệu quả.
  • Chuếnh choáng cũng ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động hàng ngày như đi lại và lái xe. Người bị chuếnh choáng thường cảm thấy không ổn định khi di chuyển, làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông hoặc té ngã.
  • Những cảm giác lo lắng, căng thẳng do chuếnh choáng kéo dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Phương pháp điều trị và phòng ngừa chuếnh choáng

Việc điều trị tình trạng chuếnh choáng phụ thuộc vào từng nguyên nhân cụ thể. Muốn biết chính xác nguyên nhân dẫn đến tình trạng của mình, bạn cần đi khám bác sĩ. Qua thăm khám lâm sàng và kết quả các xét nghiệm cần thiết (siêu âm, xét nghiệm máu, chụp MRI, chụp X-quang…), bác sĩ có thể tìm ra chính xác nguyên nhân để tư vấn cách điều trị hiệu quả.

Chuếnh choáng là gì? Chuếnh choáng là biểu hiện của bệnh gì 4
Bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân và tư vấn cách điều trị tình trạng chuếnh choáng

Một số phương pháp điều trị phổ biến được áp dụng như:

  • Điều trị chuếnh choáng do thiếu máu phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Thiếu máu do thiếu sắt thường được điều trị bằng bổ sung sắt qua đường uống hoặc tiêm. Thiếu máu do thiếu vitamin B12 hoặc folate được điều trị bằng bổ sung các vitamin này. Trong một số trường hợp, truyền máu hoặc các biện pháp khác có thể được chỉ định.
  • Điều trị chuếnh choáng do rối loạn tiền đình, bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống triệu chứng chóng mặt, buồn nôn. Vật lý trị liệu giúp cải thiện thăng bằng. Trong trường hợp nặng, phẫu thuật có thể được cân nhắc.
  • Điều trị chuếnh choáng do huyết áp thấp trường hợp bệnh nhẹ có thể điều chỉnh chế độ ăn uống, tăng cường muối và nước. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể kê đơn thuốc tăng huyết áp.

Bên cạnh đó, việc thay đổi lối sống cũng là một phương pháp quan trọng trong phòng ngừa và điều trị chuếnh choáng. Tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và duy trì sự ổn định của hệ thống tiền đình. Chế độ ăn uống cân bằng, không dùng chất kích thích, ăn đủ bữa, ngủ đủ giấc và đúng giờ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu nguy cơ chuếnh choáng do thiếu máu.

Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ cũng giúp phát hiện sớm và điều trị các bệnh lý gây chuếnh choáng.

Mối nguy hiểm lớn nhất của chuếnh choáng là nguy cơ tai nạn, té ngã do mất thăng bằng. Hiểu rõ chuếnh choáng là gì, tác động của chuếnh choáng đến cuộc sống hàng ngày sẽ giúp chúng ta có những biện pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả hơn, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm thiểu các nguy cơ khác liên quan.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin