Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Chống chỉ định cắt amidan cho trường hợp nào?

Ngày 27/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm amidan đang ngày một phổ biến, nhất là ở đối tượng trẻ nhỏ. Khi viêm amidan tái phát nhiều lần sẽ dễ gây ra các biến chứng nguy hiêm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Lúc này, cắt amidan là một giải pháp có thể lựa chọn, tuy nhiên cần nắm các trường hợp chống chỉ định cắt amidan trước khi thực hiện để đảm bảo an toàn tối đa.

Amidan là các tế bào lympho ở vùng họng miệng. Chức năng chính của amidan đó là sản xuất ra kháng thể để bảo vệ cơ thể trước những tác nhân xâm nhập gây bệnh. Amidan còn là nơi sản xuất kháng thể Immunoglobulin IgG quan trọng ở hệ miễn dịch.

Tìm hiểu về tình trạng viêm amidan

Amidan được ví như một hàng rào miễn dịch, hoạt động mạnh ở trẻ nhỏ, đặc biệt là từ 4 - 10 tuổi. Tuy nhiên, khi đến giai đoạn dậy thì, khả năng miễn dịch của amidan sẽ giảm đi, không còn hoạt động mạnh như trước nữa.

Viêm amidan là bệnh lý thường gặp trong bệnh lý tai - mũi - họng, phổ biến ở trẻ nhỏ. Khi vi khuẩn tấn công vào mũi họng gây ra viêm nhiễm, sưng tấy sẽ làm giảm khả năng miễn dịch và tích tụ thành ổ vi trùng (lò viêm gồm xác vi khuẩn, mô hoại tử, bạch cầu,...) gây hại.

Chống chỉ định cắt amidan cho trường hợp nào? 1
Viêm amidan là bệnh lý thường gặp trong các bệnh lý về tai - mũi - họng

Viêm amidan có tính chất tái phát nhiều lần, dễ gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người bị. Một số biến chứng có thể kể đến như:

  • Áp xe quanh amidan: Với biểu hiện đau họng, sưng tấy họng, nói không ra tiếng, đau đầu, sốt cao, khó nuốt, chảy nước dãi, hơi thở có mùi,...
  • Viêm khớp cấp: Gồm triệu chứng như đỏ và nóng cổ tay, đầu gối, các ngón tay, ngón chân. Đồng thời còn có biểu hiện sưng khớp, mệt mỏi, cơ thể suy nhược. Viêm khớp nếu không được điều trị kịp thời cũng dẫn nhiều chiến chứng nguy hiểm khác như viêm tai giữa, bệnh lý màng tim (viêm nội mạc tim, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim cấp).
  • Viêm cầu thận: Với dấu hiệu phù chân, phù mặt khi mới ngủ dậy.
  • Rối loạn nhịp thở khi ngủ: Đây là một biến chứng của amidan phì đại. Nó sẽ có những triệu chứng như ngáy ngủ, thiếu oxy làm ngạt thở, ngủ không ngon giấc.

Chỉ định cắt amidan

Thông thường, viêm amidan sẽ được điều trị nội khoa chống nhiễm khuẩn bằng thuốc kháng sinh. Trường hợp được chỉ định cắt bỏ amidan khi:

  • Người bệnh tái phát viêm amidan cấp khoảng trên 4 đợt trong năm.
  • Kích thước của amidan quá lớn, gây khó khăn trong việc ăn uống, nuốt, thở và hẹp eo họng. Đồng thời, gây ngưng thở trong lúc ngủ, ngủ ngáy và nhiễm khuẩn tái đi tái lại nhiều lần.
  • Trường hợp bị viêm amidan và có nhiều biến chứng liên quan như viêm tai giữa, áp xe, viêm xoang hay những biến chứng như viêm cầu thận, viêm khớp, thấp tim.

Với những trường hợp trên đây, nếu không thực hiện phẫu thuật cắt bỏ amidan thì có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm sưng, viêm thanh quản, viêm cơ tim, làm hỏng van tin và gây phản ứng tự miễn.

Chống chỉ định cắt amidan cho trường hợp nào? 2
Một số trường hợp, nếu không cắt bỏ amidan thì có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm

Ngoài ra, viêm amidan hốc mủ nếu không cắt thì có khả năng khiến bệnh nhân bị hôi miệng, làm mất tự tin trong giao tiếp hằng ngày. Đối với trẻ nhỏ, khi viêm amidan tái phát nhiều lần sẽ khiến trẻ dễ mắc phải các bệnh về đường hô hấp hoặc rối loạn khác, có thể kể đến như chậm phát triển trí tuệ, tiểu dầm, biếng ăn.

Những trường hợp chống chỉ định cắt amidan

Amidan là tổ chức sản xuất kháng thể, góp vai trò chống lại những vi khuẩn gây hại xâm nhập vào cơ thể. Nếu chúng ta thực hiện cắt bỏ không đúng chỉ định hoặc không cần thiết thì có khả năng làm suy giảm miễn dịch của cơ thể. Thậm chí, nếu cắt bỏ không đúng chỉ định hoặc không đúng phương pháp, một số trường hợp còn có thể gặp các biến chứng và bị tử vong với các nguyên nhân như: Gây mê, cắt sai kỹ thuật làm chạm phải mạch máu khiến chảy máu nhiều và không cầm được máu.

Vì vậy, khi cắt bỏ amidan, bệnh nhân cần tới các bệnh viện và cơ sở y tế uy tín để thực hiện những xét nghiệm kỹ lưỡng về các chứng năng của gan, thận cũng như tình trạng đông máu. Đồng thời nhận hướng dẫn, chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa để tránh những tai biến không mong muốn xảy ra.

Các trường hợp chống chỉ định cắt amidan gồm có:

Trường hợp chống chỉ định cắt amidan tạm thời:

  • Đối với người có bệnh mạn tính và chưa ổn định.
  • Phụ nữ đang mang thai hoặc đang có kinh nguyệt.
  • Bệnh nhân đang bị nhiễm khuẩn cục bộ hoặc toàn thân, ví dụ như mụn nhọt.
  • Bệnh nhân dưới 5 tuổi và trên 55 tuổi.
  • Bệnh nhân đang ở những nơi xảy ra bệnh dịch như cúm, sốt xuất huyết, sởi,...
  • Amidan đang trong giai đoạn viêm cấp và có biến chứng tại chỗ như đau rát họng, niêm mạc xung huyết hay bạch cầu cao trên 10.000.

Trường hợp chống chỉ định cắt amidan tuyệt đối:

  • Người bệnh mắc các bệnh dị ứng.
  • Người bệnh có bệnh lý về chảy máu như rối loạn đông máu, chảy máu kéo dài, cao huyết áp,...
  • Người có bệnh lý về tim mạch như suy tim nặng, tâm phế mạn,...
  • Những ai có bệnh mạn tính như: Bệnh lao, suy thận mạn, đái tháo đường.

Bên cạnh đó, đối với những người lớn tuổi, khoảng từ trên 45 tuổi, nếu cắt amidan sẽ rất dễ bị chảy máu do amidan xơ dính hoặc có những bệnh nền khác kèm theo như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường,... Do đó, hãy tham khảo ý kiến từ bác sĩ chuyên khoa để được chỉ định phù hợp nhé!

Chống chỉ định cắt amidan cho trường hợp nào? 3
Người cao tuổi dễ bị chảy máu khi cắt amidan nên cần chỉ định và hướng dẫn từ bác sĩ chuyên khoa

Trên đây là những thông tin về viêm amidan, các trường hợp được chỉ định và chống chỉ định cắt amidan dành cho bạn tham khảo. Hy vọng đã giúp bạn nắm được những kiến thức hưu ích, để qua đó chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình tốt hơn.

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm