Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Rối loạn tiền đình ngoại biên là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị rối loạn tiền đình ngoại biên

Ngày 11/07/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Rối loạn tiền đình ngoại biên là hội chứng bao gồm các bệnh lý liên quan đến phần tiền đình của dây thần kinh sọ số VIII (dây thần kinh tiền đình ốc tai). Những rối loạn này gây ra sự xáo trộn trong hệ thống thăng bằng của cơ thể.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Rối loạn tiền đình ngoại biên là gì?

Rối loạn tiền đình là tình trạng rối loạn hệ thống thăng bằng của cơ thể. Căn nguyên của rối loạn này được phân loại thành các nguyên nhân ngoại biên và trung tâm dựa trên giải phẫu học.

Các triệu chứng của rối loạn chức năng tiền đình ngoại biên và trung tâm có thể chồng lắp lên nhau và khi bác sĩ thăm khám sức khỏe toàn diện sẽ giúp phân biệt hai nhóm bệnh này. Rối loạn tiền đình thường biểu hiện cấp tính, và dạng phổ biến nhất của rối loạn tiền đình ngoại biên cấp tính là chóng mặt kịch phát tư thế lành tính.

Sáu hội chứng của rối loạn tiền đình ngoại biên phổ biến nhất, theo thứ tự tỷ lệ mắc giảm dần là:

  • Chóng mặt kịch phát tư thế lành tính;
  • Bệnh Meniere;
  • Viêm dây thần kinh tiền đình cấp tính một bên;
  • Bệnh tiền đình hai bên;
  • Cơn rối loạn tiền đình;
  • Hội chứng cửa sổ di động thứ ba (The third mobile window syndromes).

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn tiền đình ngoại biên

Rối loạn tiền đình ngoại biên là tình trạng liên quan đến hệ thống thăng bằng của cơ thể, có thể gây ra các triệu chứng sau:

  • Chóng mặt hoặc hoa mắt: Cảm giác bất ổn, chóng mặt hoặc nhìn thấy hoa mắt.
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa: Cảm giác buồn nôn hoặc nôn mửa có thể xảy ra trong trường hợp nặng.
  • Khó đi lại: Khó khăn trong việc đi lại, cảm thấy mất thăng bằng hoặc bị ngã.
  • Đau đầu: Có thể có cảm giác đau đầu hoặc đau đầu thường xuyên.
  • Ù tai hoặc tai đầy: Cảm giác ù tai hoặc tai bị đầy có thể xảy ra.
  • Rối loạn thị giác: Có thể người bệnh gặp khó khăn trong việc tập trung nhìn vào một vật thể hoặc rối loạn thị giác.
  • Rối loạn ngôn ngữ: Có thể có một số rối loạn ngôn ngữ hoặc khó khăn trong việc nói chuyện.
Rối loạn tiền đình ngoại biên là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị rối loạn tiền đình ngoại biên 4
Rối loạn tiền đình ngoại biên có thể gây ra triệu chứng buồn nôn hoặc nôn

Biến chứng có thể gặp khi bị rối loạn tiền đình ngoại biên

Các biến chứng liên quan đến rối loạn tiền đình nói chung là hậu quả của việc tăng nguy cơ té ngã và giảm chất lượng cuộc sống. Đặc biệt ở những người bệnh cao tuổi, di chứng của những cú ngã nghiêm trọng có thể gây suy nhược hoặc thậm chí gây tử vong.

Những người bệnh chóng mặt nghiêm trọng đều bị giảm sút đáng kể chất lượng cuộc sống do không thể thực hiện nhiều hoạt động trong cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như lái xe, vận hành máy móc, chạy hoặc thậm chí là đi bộ.

Khi rối loạn chức năng tiền đình là do các bệnh lý ngoại biên, mất thính lực có thể đi kèm và làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Các triệu chứng của rối loạn tiền đình ngoại biên có thể kéo dài từ vài giây đến vài tuần. Các triệu chứng thường xảy ra đột ngột có thể gây ra cảm giác khó chịu và lo lắng. Nếu bạn gặp các triệu chứng này, hãy đến gặp bác sĩ để được đưa ra chẩn đoán và điều trị chính xác.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn tiền đình ngoại biên

Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính: Khoảng 95% các trường hợp chóng mặt tư thế kịch phát lành tính là vô căn. Tình trạng này có liên quan đáng kể với tuổi tác, những lần té ngã trước đó và giảm hoạt động thể chất. Những người bị chứng đau nửa đầu có nguy cơ phát triển chứng chóng mặt tư thế kịch phát lành tính cao gấp 2,5 lần so với những người khác.

Bệnh Meniere: Chủ yếu xảy ra do tăng áp lực trong hệ thống nội dịch. Nó cũng có thể là một biến chứng của các bệnh toàn thân như:

  • Bệnh về nội tiết;
  • Các bệnh tự miễn;
  • Nhiễm ký sinh trùng;
  • Rối loạn điện giải;
  • Thuốc men;
  • Chấn thương.

Viêm dây thần kinh tiền đình: Có thể được gây ra bởi sự tái hoạt động virus Herpes simplex.

Rối loạn tiền đình ngoại biên là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị rối loạn tiền đình ngoại biên 5
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn tiền đình ngoại biên

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải rối loạn tiền đình ngoại biên?

Những đối tượng sau đây có nguy cơ cao bị rối loạn tiền đình ngoại biên:

  • Chấn thương đầu: Chấn thương vùng đầu có thể gây ra tổn thương cho hệ thống tiền đình và dẫn đến rối loạn tiền đình ngoại biên.
  • Các bệnh về tai: Các bệnh về tai như viêm tai giữa hoặc đột quỵ có thể gây ra rối loạn tiền đình ngoại biên.
  • Các bệnh lý khác: Rối loạn tiền đình ngoại biên có thể liên quan đến một số bệnh lý khác như đái tháo đường hoặc bệnh tim mạch.

Ngoài ra, những người có tiền sử gia đình bị rối loạn tiền đình ngoại biên cũng có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải rối loạn tiền đình ngoại biên

Các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến rối loạn tiền đình ngoại biên, gồm:

  • Tuổi: Rối loạn tiền đình ngoại biên thường xảy ra ở những người cao tuổi.
  • Dùng thuốc: Một số loại thuốc như thuốc kháng cholinergic, thuốc kháng histamin và thuốc chống loạn thần có thể gây ra rối loạn tiền đình ngoại biên.
  • Các yếu tố môi trường: Các yếu tố môi trường như sự thay đổi áp suất không khí, độ cao và tư thế có thể gây ra rối loạn tiền đình ngoại biên.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán rối loạn tiền đình ngoại biên

Bác sĩ có thể kiểm tra tai của bạn để tìm dấu hiệu nhiễm trùng, cũng như xem tư thế dáng bộ của bạn để kiểm tra khả năng giữ thăng bằng.

Nếu bác sĩ nghi ngờ là chóng mặt tư thế kịch phát lành tính, họ có thể thực hiện nghiệm pháp Dix-Hallpike để xác minh chẩn đoán.

Bác sĩ cũng có thể yêu cầu kiểm tra khả năng giữ thăng bằng và thính giác. Tùy thuộc vào các triệu chứng của người bệnh, bác sĩ cũng có thể đề nghị thêm cận lâm sàng hình ảnh học (chẳng hạn như chụp MRI) não và cổ để loại trừ các nguyên nhân khác gây chóng mặt.

Rối loạn tiền đình ngoại biên là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị rối loạn tiền đình ngoại biên 6
Nghiệm pháp Dix-Hallpike được dùng để chẩn đoán cơn chóng mặt tư thế kịch phát lành tính

Phương pháp điều trị rối loạn tiền đình ngoại biên hiệu quả

Thuốc và dược phẩm

Một số loại thuốc được sử dụng để điều trị rối loạn tiền đình ngoại biên, bao gồm:

  • Thuốc kháng sinh (trường hợp nguyên nhân do nhiễm trùng);
  • Thuốc kháng histamin;
  • Thuốc chống nôn;
  • Thuốc benzodiazepine (thuốc điều trị lo lắng cũng có thể làm giảm các triệu chứng thực thể của chứng chóng mặt);
  • Thuốc betahistine (có thể đối với bệnh Meniere).

Điều trị mất thính giác

Những người mắc bệnh Meniere có thể cần điều trị ù tai và mất thính lực. Điều trị bao gồm thuốc và máy trợ thính.

Nghiệm pháp

Nếu bạn được chẩn đoán là chóng mặt tư thế kịch phát lành tính, bác sĩ có thể hướng dẫn bạn thực hiện các nghiệm pháp Epley và Brandt-Daroff. Cả hai đều liên quan đến việc di chuyển đầu của bạn theo một loạt các động tác, sau khi thực hiện bạn có thể hết chóng mặt mà không cần phải dùng thuốc.

Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu liên quan đến việc một bác sĩ chuyên khoa vật lý trị liệu sẽ giúp bạn cải thiện sự cân bằng bằng cách dạy não của bạn học cách bù trừ cho các vấn đề bị thiếu hụt ở tai trong.

Phẫu thuật

Có thể là một lựa chọn cho trường hợp chóng mặt nghiêm trọng, dai dẳng nếu các phương pháp điều trị nội khoa khác không hiệu quả.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của rối loạn tiền đình ngoại biên

Chế độ sinh hoạt:

  • Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục có thể giúp cải thiện mức độ và thời gian các triệu chứng của rối loạn tiền đình ngoại biên.
  • Tránh thay đổi vị trí quá nhanh: Tránh thay đổi vị trí quá nhanh, đặc biệt là từ tư thế nằm, đến dậy, đến đứng.
  • Tránh căng thẳng: Tránh căng thẳng vì nó có thể làm tăng triệu chứng của rối loạn tiền đình ngoại biên.
  • Tránh sự tiếp xúc với chất gây dị ứng: Tránh sự tiếp xúc với các chất mà có thể gây dị ứng cho cơ thể bạn, giúp giảm triệu chứng của rối loạn tiền đình ngoại biên.

Ngoài ra, tránh những hoạt động có nguy cơ gây té ngã hoặc chấn thương đầu cũng là một phần của chế độ sinh hoạt để giảm triệu chứng của rối loạn tiền đình ngoại biên.

Chế độ dinh dưỡng:

Một chế độ dinh dưỡng lành mạnh và cân bằng có thể giúp giảm triệu chứng của rối loạn tiền đình ngoại biên. Dưới đây là một số lời khuyên về chế độ dinh dưỡng cho người bệnh rối loạn tiền đình ngoại biên:

  • Ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng: Bao gồm các loại rau quả, đậu, hạt, thịt và cá. Đảm bảo cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là vitamin B12 và calci.
  • Tránh các loại thực phẩm kích thích: Như cà phê, rượu, thuốc lá và đồ ngọt có chứa caffeine.
  • Uống đủ nước: Uống đủ nước để cơ thể duy trì sức khỏe tốt.
  • Ăn nhiều loại rau xanh: Như bông cải xanh, cải bó xôi, cải xoăn, rau mùi, rau ngò và rau cần tây. Rau xanh giúp cung cấp nhiều chất dinh dưỡng và chất xơ cho cơ thể.
  • Ăn nhiều loại trái cây: Như dâu, việt quất, táo, chuối, cam, bưởi và dứa. Trái cây cung cấp nhiều vitamin và chất xơ cho cơ thể.
  • Ăn nhiều loại thực phẩm giàu omega-3: Như cá hồi, đậu hà lan, hạt chia,... Omega-3 giúp giảm viêm và cải thiện chức năng tiền đình.
  • Tránh ăn quá no và quá nhiều đường.
Rối loạn tiền đình ngoại biên là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị rối loạn tiền đình ngoại biên 7
Uống nhiều nước để duy trì một sức khoẻ tốt

Phương pháp phòng ngừa rối loạn tiền đình ngoại biên hiệu quả

Bạn thường không thể ngăn chặn cơn chóng mặt đầu tiên xuất hiện, nhưng một số hành vi nhất định có thể giúp ngăn chặn các cơn chóng mặt tiếp theo xảy ra. Bạn nên tránh:

  • Ánh sáng đèn chói;
  • Chuyển động nhanh của đầu;
  • Cúi xuống đột ngột;
  • Nhìn lên đột ngột;

Các hành vi nên thực hiện như là đứng dậy từ từ và ngủ trong tư thế kê cao đầu.

Nguồn tham khảo

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK558926/ 

https://www.healthline.com/health/peripheral-vertigo 

https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/vestibular-balance-disorder 

https://www.webmd.com/brain/vestibular-disorders-facts 

Các bệnh liên quan

  1. Parkinson

  2. Run vô căn

  3. Lú lẫn

  4. Hoa mắt chóng mặt

  5. Động kinh thùy trán

  6. Rối loạn thần kinh thực vật

  7. Rối loạn nhân cách ranh giới

  8. Đau đầu mạn tính

  9. Cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua

  10. Alzheimer