Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Chứng khó viết (Dysgraphia): Những điều bạn nên biết

Ngày 14/04/2024
Kích thước chữ

Chứng khó viết được đặc trưng bởi tình trạng suy giảm hoặc yếu kém về khả năng viết chữ bằng tay. Người mắc hội chứng này có trí tuệ bình thường, vẫn có thể đọc tốt nhưng việc viết bằng tay gặp nhiều trở ngại.

Chứng khó viết tuy rằng không ảnh hưởng đến sức khỏe hay tính mạng người bệnh nhưng lại gây nhiều tác động tiêu cực đối với đời sống, công việc, học tập,… Để hiểu thêm về hội chứng này, Nhà thuốc Long Châu mời bạn tham khảo bài viết sau.

Thế nào là chứng khó viết?

Chứng khó viết hay hội chứng khó viết (tiếng Anh là Dysgraphia) là một trong những rối loạn học tập rất phổ biến. Thuật ngữ hội chứng khó viết dùng để chỉ hiện tượng suy giảm hoặc yếu kém về khả năng viết chữ bằng tay. Tuy rằng người bệnh có thể đọc bình thường, trí tuệ phát triển ổn định nhưng việc viết chữ bằng tay khiến họ gặp nhiều khó khăn hơn so với người bình thường.

Triệu chứng thường thấy nhất ở người mắc chứng khó viết là khả năng viết chữ bằng tay kém, thường xuyên viết sai chính tả, gặp khó khăn khi lựa chọn từ ngữ để viết, chọn từ không phù hợp.

Chứng khó viết (Dysgraphia): Những điều bạn nên biết 1
Chứng khó viết có thể gặp ở người lớn và trẻ em

Hội chứng khó viết có thể gặp ở mọi đối tượng, bao gồm cả trẻ em và người lớn. Các biểu hiện của bệnh sẽ xuất hiện ngay từ giai đoạn đầu, nhất là khi trẻ tập viết nhưng đôi khi bố mẹ, thầy cô lại không chú ý dẫn đến phát hiện bệnh muộn, việc cải thiện trở nên khó khăn hơn.

Mức độ của chứng khó viết có sự khác biệt ở từng trường hợp người bệnh khác nhau. Trẻ em mắc hội chứng khó viết thường có nguy cơ cao cũng sẽ mắc phải các hội chứng rối loạn học tập khác và gặp nhiều phiền toái, khó khăn trong quá trình học tập.

Rối loạn chữ viết hay chứng khó viết thường được chẩn đoán dựa trên khả năng viết chữ dưới mức bình thường, chương trình giáo dục cụ thể và chỉ số IQ. Dó đó, những trẻ chậm phát triển và có chỉ số IQ thấp, khi xuất hiện triệu chứng khó viết được chẩn đoán chứng khó viết.

Nguyên nhân gây chứng khó viết

Cũng giống với chứng khó đọc, nguyên nhân dẫn đến chứng khó viết hiện chưa được xác định chính xác. Hiện nay, yếu tố duy nhất mà các chuyên gia tìm hiểu được là nhân tố di truyền. Một số nghiên cứu chỉ ra được nguy cơ mắc chứng khó viết có liên quan nhất định đến di truyền, cụ thể nếu trong gia đình có người mắc hội chứng khó viết thì người thân có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Ở người lớn, chứng khó viết thường xuất hiện sau khi trải qua chấn thương đầu. Các chuyên gia cũng cho biết thêm, hệ thần kinh xuất hiện tổn thương thực tế ở những trường hợp người lớn bị rối loạn chữ viết. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều người bệnh gặp nhiều khó khăn khi viết chữ bằng tay dù có khả năng đọc tốt, tư duy và giao tiếp bình thường.

Chứng khó viết (Dysgraphia): Những điều bạn nên biết 2
Chứng khó viết có liên quan mật thiết đến gen di truyền

Phân loại chứng khó viết

Hội chứng khó viết là thuật ngữ chung chỉ tình trạng yếu kém hoặc suy giảm khả năng viết chữ bằng tay. Trong đó bao gồm nhiều loại khác nhau như:

Chứng viết khó: Chứng viết khó được đặc trưng bởi tình trạng viết chữ rất nhanh và gần như không thể đọc được. Nếu yêu cầu người mắc hội chứng này chép chậm lại thì chữ viết dễ đọc hơn nhưng vẫn không rõ ràng như chữ viết bình thường. Người mắc chứng viết khó rất hay sai chính tả ngay cả những lỗi rất cơ bản và đã được nhắc nhở nhiều lần trước đó. Người mắc chứng này có khả năng đánh máy ổn nên loại trừ khả năng bệnh nhân bị tổn thương tiểu não hoặc rối loạn các kỹ năng vận động tinh.

Rối loạn vận động viết: Ngược lại với chứng viết khó, chứng rối loạn vận động viết khiến người bệnh có trương cơ lực yếu, vận động tinh không phát triển hoặc vận động cơ không định hướng nên thường cử động vụng về, gặp khó khăn khi kiểm soát cơ bàn tay, cơ ngón tay để viết chữ. Chứng rối loạn vận động viết khiến bệnh nhân chỉ viết được chữ đơn giản nhưng phải mất rất nhiều thời gian và công sức.

Rối loạn vận động không gian: Đây là một dạng của chứng khó viết có liên quan đến sự suy giảm về nhận thức không gian. Chính vì vậy mà người mắc hội chứng này thường gặp khó khăn trong việc giữ khoảng cách giữa các chữ, các từ, dòng trên và dòng dưới,… khi viết chữ bằng tay. Đây cũng là tác nhân khiến chữ viết của người bị rối loạn vận động không gian khó đọc.

Chứng khó viết (Dysgraphia): Những điều bạn nên biết 3
Rối loạn vận động không gian khiến người bệnh không thể viết thẳng hàng

Dấu hiệu nhận biết chứng khó viết

Chứng khó viết khiến bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu như:

  • Chữ viết rất khó đọc, hình dạng chữ kỳ lạ, kích thước chữ không đều, khoảng cách chữ quá rộng hoặc quá hẹp, chữ viết không nằm trên một đường thẳng,…
  • Trẻ em bị chứng khó viết thường không thích, không có hứng thú với việc viết chữ bằng tay, đặc biệt là viết chữ thường. Trẻ sẽ có xu hướng thích viết chữ hoa hơn và sử dụng chữ hoa một cách lộn xộn.
  • Cảm giác người mắc hội chứng khó viết rất vất vả, gần như “vật lộn” mỗi khi viết chữ.
  • Tốc độ viết chữ hoặc chép bài không ổn định, thường quá nhanh hoặc quá chậm.
  • Một số trẻ sẽ có biểu hiện cơ bắp cánh tay bị co thắt tạo thành hình chữ L hoặc không co tay lại được.

Biện pháp trị liệu chứng khó viết

Tùy theo tác nhân gây bệnh như di truyền, chấn thương,… mà bác sĩ đưa ra cách cải thiện, biện pháp trị liệu chứng khó viết phù hợp và có hiệu quả. Dưới đây là một số biện pháp được sử dụng phổ biến.

Liệu pháp vận động: Đây là liệu pháp được thực hiện cho những trường hợp trẻ em bị rối loạn vận động tinh và gặp khó khăn trong việc cầm nắm cũng như giữ bút viết, thao tác viết,… Qua cách này, bệnh nhân sẽ được phát triển kỹ năng vận động tinh, từ đó có thể dễ dàng viết chữ hơn.

Trị liệu rèn luyện: Trẻ em mắc chứng khó viết thường có trí nhớ khá kém nên trẻ dễ quên lời dặn của bố mẹ, cô giáo,… dẫn đến hay sai chính tả, sai lỗi cơ bản,… Áp dụng trị liệu rèn luyện hay phục hồi trí nhớ có tác dụng rất tốt trong việc cải thiện tình trạng viết khó.

Chứng khó viết (Dysgraphia): Những điều bạn nên biết 4
Rèn luyện là cách hiệu quả để trẻ cải thiện chứng khó viết

Trị liệu vấn đề thần kinh: Hội chứng khó viết thường liên quan đến chấn thương, tổn thương thần kinh (người lớn) và rối loạn phát triển thần kinh như chứng rối loạn tăng động giảm trí nhớ, rối loạn phổ tự kỷ (trẻ em),… Vì vậy, muốn cải thiện chứng khó viết cần giải quyết gốc rễ vấn đề.

Chứng khó viết không gây hại đến sức khỏe người bệnh nhưng lại gây nhiều khó khăn trong học tập, làm việc,… Khi có dấu hiệu mắc cần giải quyết gốc rễ vấn đề, người bệnh cần được thăm khám, tìm ra nguyên nhân cụ thể và cách chữa trị phù hợp.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin