Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Chuột rút ở bụng khi mới mang thai có nguy hiểm không?

Ngày 21/05/2022
Kích thước chữ

Chuột rút ở bà bầu có lẽ là trường hợp khá quen thuộc mà mẹ bầu nào cũng từng gặp phải. Vậy chuột rút ở bụng khi mới mang thai thì sao, có nguy hiểm không? Mời bạn tham khảo bài viết dưới đây nhé.

Có rất nhiều mẹ bầu gặp tình trạng chuột rút chân khi mang thai 3 tháng cuối nhưng ít ai bị chuột rút bụng khi mang thai tháng đầu tiên nên khiến nhiều mẹ lo lắng không biết có gây ảnh hưởng gì đến con không. Hãy cùng tìm hiểu ngay dưới đây về hiện tượng này nhé.

Hiện tượng chuột rút ở bà bầu là như thế nào?

Trước hết, bạn có thể hiểu chuột rút là tình trạng cơ bắp ở bất cứ nơi nào trên cơ thể bị co thắt một cách đột ngột khiến người bị không kịp đề phòng và phải chịu những cơn đau co rút cơ khá khó chịu ở phần bắp thịt. Lúc này, người bị thường không thể điều khiển được nhóm cơ đó. Hiện tượng này thường diễn ra ở người lớn hơn trẻ nhỏ và có hơn 70% người mắc phải chịu cơn đau chuột rút vào ban đêm.

Chuột rút ở bụng khi mới mang thai có nguy hiểm không 1

Hiện tượng chuột rút ở bụng khi mới mang thai khá phổ biến

Đối với bà bầu, chuột rút thường xảy ra ở phần bắp đùi, bắp chân, bàn tay, bàn chân,… và đặc biệt là vùng bụng, thường bắt gặp nhất là những cơn đau tại vùng bụng có kèm với cảm giác bồn chồn ở chân. Chuột rút bụng khi mang thai tháng đầu thường sẽ hết sau vài phút và gây ra những cơn đau âm ỉ, nặng hơn có thể xuất hiện những cơn co thắt vùng cơ bụng.

Trường hợp chuột rút ở bụng khi mới mang thai tháng đầu khá hiếm gặp nhưng không có nghĩa là không có. Mẹ bầu cần cẩn trọng trong chế độ sinh hoạt, ăn uống cũng như luyện tập để tránh khỏi cơ đau do tình trạng chuột rút.

Nguyên nhân dẫn đến chuột rút ở bụng khi mang thai

  • Thai nhi ngày càng phát triển lớn hơn khiến trọng lượng dồn hết vào người mẹ, gây ra những áp lực lên các nhóm cơ chân, cơ bắp chân, cơ bàn chân, cơ đùi và đặc biệt là cơ bụng.
  • Để có không gian tốt nhất tạo điều kiện cho thai nhi phát triển, tử cung người mẹ sẽ giãn nở to ra, gây chèn ép lên các dây thần kinh và mạch máu đốt sống, dây thần kinh ở bụng và vùng xương chậu, đùi, chân,… gây ra chuột rút khi mang thai.
  • Vào những tháng đầu mang thai, người mẹ bị ốm nghén khiến việc nôn ói diễn ra thường xuyên làm cơ thể mất nước, các cơ vùng bụng cũng bị kích thích mạnh gây nên tình trạng co rút các cơ.
  • Không bổ sung đầy đủ canxi cần cho mẹ và bé cũng là nguyên nhân gây ra chuột rút ở bụng khi mang thai. Bởi lúc này thai nhi cần gấp đôi lượng canxi thông thường để phát triển xương, khớp một cách toàn diện, nếu không bổ sung đầy đủ canxi khi mang thai thì không những gây chuột rút mà còn kéo theo đó là các vấn đề về thai nhi.
  • Một số nguyên nhân khác có thể khiến mẹ bầu bị chuột rút ở bụng như: Khó tiêu, sỏi thận hay nhiễm trùng bàng quang,…

Chuột rút bụng khi mang thai có gây nguy hiểm không?

Mẹ bầu thường bị chuột rút ở 2 vị trí là chân và bụng. Tuy nhiên, việc chuột rút ở bụng cần chú ý hơn cả vì đây có thể đang là dấu hiệu của một số bệnh đấy mẹ nhé.

Nếu chuột rút ở bụng thời gian dài và chuyển thành những cơn đau bụng âm ỉ thì mẹ nên đến ngay bệnh viện gần nhất để được thăm khám, siêu âm và điều trị sớm nhé. Cơn đau do chuột rút thường gây lầm tưởng với một số cơn đau nguy hiểm khác nên cần mẹ phải đặc biệt quan tâm, để ý.

Chuột rút ở bụng khi mới mang thai có nguy hiểm không 2

Chuột rút ở bụng kèm theo biểu hiện bất thường thì mẹ nên đi khám

Một số cơn đau có thể bị nhầm với chuột rút ở bụng khi mang thai tháng đầu:

  • Có thai ngoài tử cung: Mang thai ngoài tử cung là hiện tượng khá nguy hiểm khi trứng sau khi đã thụ tinh lại không chuyển xuống thành tử cung để làm tổ. Nếu nhận thấy những cơn chuột rút bụng và đau bụng kéo dài, mẹ nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chữa trị.
  • Hiện tượng chuột rút gây đau quặn thắt kèm với âm đạo ra máu: Đây là dấu hiệu có nguy cơ sảy thai, mẹ nên đến ngay các cơ sở y tế gần đó để các bác sĩ can thiệp kịp thời.
  • Cơn đau dữ dội ở vùng bụng phía trên: do triệu chứng tiền sản giật.
  • Chuột rút ở bụng kèm với đau lưng: tử cung giãn nở trước 37 tuần là dấu hiệu sinh non.
  • Hiện tượng chuột rút bụng có thể là do viêm đường tiết niệu: thường đi kèm với đau buốt khi đi tiểu, đau bụng dưới.

Tình trạng các cơn đau do chuột rút kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ rất nguy hiểm, có thể dẫn đến thai nhi bị tách khỏi tử cung. Mẹ cần cẩn thận di chuyển đến nơi khám gần nhất nhé.

Chuột rút ở bụng khi mang thai tháng đầu có cần lo lắng không?

Thông thường, những cơn chuột rút khi mới mang thai thường là dấu hiệu của việc trứng thụ tinh thành công và bắt đầu làm tổ ở tử cung. Đây cũng có thể xem là một dấu hiệu tốt vì thai nhi phát triển bình thường và cơ thể đang dần thích nghi với sự có mặt của thiên thần nhỏ. Khi này, các cơ tử cung có thể bị co thắt nhẹ nếu gặp phải áp lực nào đó.

Khi bắt đầu mang thai tháng đầu tiên, cơ thể sản sinh một lượng lớn hormone cũng khiến cơn đau do chuột rút ở bụng xảy ra nhiều hơn.

Cách phòng ngừa chuột rút ở bụng khi mới mang thai

Tuy là phản ứng tự nhiên của cơ thể nhưng mẹ bầu hoàn toàn có thể phòng ngừa những cơn đau khó chịu này bằng cách:

  • Thường xuyên đứng lên, ngồi xuống để các cơ được hoạt động, tranh giữ một tư thế ngồi, nằm quá lâu;
  • Nên xoa bóp nhẹ nhàng cho vùng bị chuột rút bằng dầu nóng hoặc dầu massage để giãn cơ, giúp cơ được nghỉ ngơi đồng thời tăng lưu thông máu;
  • Nên có ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập những bài tập đơn giản giúp giãn gân cốt, tăng sự linh hoạt của cơ bắp;
  • Dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn, không nên làm việc quá sức, đặc biệt là những việc nặng nhọc;
  • Bà bầu nên giữ một tinh thần vui vẻ, lạc quan phần chấn, tránh áp lực hay stress sẽ tốt hơn cho cả bé và mẹ;
  • Tăng cường ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi để bổ sung thêm vitamin, khoáng chất cần thiết cho thai nhi, góp phần phòng ngừa chuột rút bụng ở mẹ;
  • Khi tắm, mẹ bầu có thể tắm bằng nước ấm và ngâm chân với gừng giúp thư giãn, giảm khả năng bị chuột rút ở cả chân và bụng.

Chuột rút ở bụng khi mới mang thai có nguy hiểm không 3

Thường xuyên xoa bóp, massage giúp mẹ giảm đau do chuột rút

Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp mẹ giải đáp được thắc mắc chuột rút bụng khi mang thai có nguy hiểm hay không cũng như cách phòng tránh tình trạng trên. Bà bầu cũng nên đi khám định kỳ và hỏi ý kiến từ bác sĩ về bất cứ vấn đề sức khỏe nào mình gặp phải nhé. Chúc mẹ có một thai kỳ thuận lợi, mẹ tròn con vuông.

Hồng Nhung 

Nguồn tham khảo: Tổng hợp 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin