Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Chụp cắt lớp có hại không và khi nào thì gây nguy hiểm?

Ngày 27/01/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Chụp cắt lớp vi tính hay gọi là chụp CT là một trong những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại, được sử dụng phổ biến trong chẩn đoán và điều trị bệnh tại các cơ sở y tế hiện nay. Tuy nhiên, người bệnh thường lo lắng chụp cắt lớp gây nguy hiểm cho sức khỏe của người chụp, nhất là có thể bị ung thư. Vậy thực tế chụp cắt lớp có hại không?

Kỹ thuật chụp cắt lớp được bác sĩ chỉ định thực hiện trong những trường hợp khẩn cấp, cần đánh giá sâu tình trạng bệnh lý, qua đó, bác sĩ có thể đưa ra phương án điều trị phù hợp với từng người bệnh. Ngày nay, kỹ thuật chụp cắt lớp cũng được sử dụng trong khâu tầm soát nhằm sàng lọc bệnh lý nhanh chóng và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm mà chụp cắt lớp mang lại, kỹ thuật này cũng có một vài nhược điểm nhất định. Vậy chụp cắt lớp có hại không và trường hợp nào không thể chụp cắt lớp?

Kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính là gì?

Cơ chế hoạt động của máy chụp cắt lớp (chụp CT) là chạy vòng quanh cơ thể người bệnh, cùng lúc đó phát ra sóng X-quang để có thể hấp thụ năng lượng tia X từ các cấu trúc khác nhau trên cơ thể người bệnh. Chụp cắt lớp ghi lại hình ảnh không gian đa chiều, chỉ trong một thời gian ngắn hỗ trợ tìm kiếm các dấu ấn tổn thương. Do đó, chụp cắt lớp thường được chỉ định cho các trường hợp cấp cứu khẩn cấp.

Chụp cắt lớp có hại không và khi nào thì gây nguy hiểm? 1
Chụp cắt lớp thường được chỉ định cho các trường hợp cấp cứu khẩn cấp

So với chụp X-quang, chụp cắt lớp có thế mạnh là cho ra những hình ảnh của cơ thể trên không gian 2 hoặc 3 chiều, giúp bác sĩ xác định rõ hơn về kích thước, vị trí, mức độ thương tổn. Đặc biệt, chụp cắt lớp có thể được thực hiện với mọi bộ phận trên cơ thể, bao gồm: Sọ não, vùng mặt cổ, phổi và lồng ngực, bụng và khung chậu, cột sống thắt lưng, xương trục và các chi, mạch,…

Tùy vào loại hình chụp cắt lớp mà bác sĩ sẽ yêu cầu người chụp cần nhịn ăn hay không. Nếu chụp cắt lớp không dùng chất cản quang cho trường hợp chụp phổi, cột sống, đầu,… thì người bệnh thường không cần nhịn ăn. Nếu chụp cắt lớp sử dụng chất cản quang cho trường hợp chụp dạ dày, ruột non, hệ tiết niệu, người bệnh có thể cần nhịn ăn (và uống) từ 4 đến 6 giờ trước khi thực hiện.

Chụp cắt lớp có hại không? Có nguy hiểm không?

Nhiều người bệnh cảm thấy lo lắng không biết chụp cắt lớp có hại không khi được bác sĩ chỉ định thực hiện kỹ thuật này. Đã có nhiều ý kiến cho rằng chụp cắt lớp có thể ảnh hưởng tới sức khỏe, chẳng hạn: Nguy cơ bị ung thư tăng cao, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của thai nhi và trẻ em, có khả năng bị nhiễm độc gây suy thận, gặp phản ứng với thuốc cản quang,…

Chụp cắt lớp có hại không và khi nào thì gây nguy hiểm? 2
Nhiều người bệnh cảm thấy lo lắng không biết chụp cắt lớp có hại không

Theo ý kiến chuyên gia, chụp cắt lớp vi tính không gây hại tới sức khỏe. Những ảnh hưởng kể trên hoàn toàn có thể khắc phục được hoặc bác sĩ có thể thay thế bằng kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác. Vì tùy vào tình trạng sức khỏe của mỗi người, bác sĩ sẽ chỉ định kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh phù hợp, tránh tác động không tốt tới sức khỏe người bệnh.

Một lo lắng khác khi nghĩ đến chụp cắt lớp là tiềm ẩn nguy cơ ung thư từ bức xạ tia X. Thực tế chụp cắt lớp chỉ góp phần gia tăng rất nhỏ nguy cơ gây ung thư. Khi đối tượng chụp là trẻ em, để đảm bảo an toàn tối đa cho trẻ, bác sĩ sẽ điều chỉnh lượng tia bức xạ phù hợp.

Trong quá trình chụp cắt lớp, nhiễm độc gây suy thận rất hiếm khi xảy ra. Trường hợp xảy ra tình trạng nhiễm độc có thể do ảnh hưởng từ thuốc cản quang, tuy nhiên chỉ những người đã bị bệnh lý nền như tiểu đường, suy giảm chức năng thận, mất nước,… mới có nguy cơ bị ảnh hưởng, do đó bạn không nên quá lo lắng.

Trước khi chụp cắt lớp, bác sĩ sẽ hỏi thăm tình hình sức khỏe của người bệnh để phòng ngừa mọi rủi ro không mong muốn. Ngoài ra, để hỗ trợ quá trình đào thải, người bệnh có thể uống nhiều nước trong vòng 24 giờ kể từ lúc chụp.

Khi chụp cắt lớp, phản ứng thuốc cản quang là hiện tượng thường gặp. Thuốc cản quang có tác dụng làm rõ hình ảnh và kết quả thu nhận được nhưng có thể gây ra một vài tác dụng phụ như gây nóng toàn cơ thể, nổi mẩn ngứa, nổi mề đay,… Ít có trường hợp bị dị ứng nặng, kèm theo khó thở. Một khi người bệnh đã thông qua khám sàng lọc kỹ lưỡng thì tỷ lệ phản ứng thuốc cản quang không nhiều. Nếu bạn lo lắng về điều này, hãy trao đổi với bác sĩ để có cách làm giảm các triệu chứng của tác dụng phụ.

Chụp cắt lớp có hại không và khi nào thì gây nguy hiểm? 3
Trước khi chụp cắt lớp, bác sĩ sẽ hỏi thăm tình hình sức khỏe của người bệnh để phòng ngừa mọi rủi ro

Khi nào chụp cắt lớp có thể gây nguy hiểm?

Kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính được đánh giá là an toàn với người chụp nên không có chống chỉ định tuyệt đối với các trường hợp chụp cắt lớp không tiêm thuốc cản quang. Tuy nhiên, nếu bạn thắc mắc chụp cắt lớp có hại không thì thật ra có hai đối tượng được khuyến cáo nên cân nhắc đến việc chụp cắt lớp gồm:

  • Phụ nữ đang mang thai: Trong 3 tháng đầu thai kỳ, nguy cơ dị tật thai nhi tăng cao khi thai phụ chụp cắt lớp. Chính vì thế, để đảm bảo an toàn, phụ nữ trước khi tiến hành chụp cắt lớp phải ký giấy cam kết đang không mang thai hoặc nghi ngờ mang thai.
  • Trẻ em: Đây là đối tượng được rất nhiều người quan tâm liệu chụp cắt lớp có hại không vì cơ thể của trẻ còn rất non nớt nên nhạy cảm với tia X. Theo một số nghiên cứu, tia X có thể gây ảnh hưởng đến cơ thể của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, bác sĩ chỉ định sẽ cân nhắc rủi ro và lợi ích nhận được trong điều trị để quyết định có nên chụp cắt lớp cho trẻ. Ngoài ra, tùy vào đối tượng và tình trạng bệnh, bác sĩ có thể điều chỉnh lượng tia bức xạ để đảm bảo an toàn, nhất là đối tượng trẻ em.

Trường hợp chống chỉ định khi sử dụng phương pháp chụp cắt lớp có tiêm thuốc cản quang gồm: Bệnh nhân bị mất nước nặng, bị dị ứng với thuốc cản quang, phụ nữ đang mang thai, người có bệnh nền mạn tính như hen suyễn, đái tháo đường, cường giáp…, bệnh nhân suy tim, suy gan, suy thận hoặc những người có cơ địa dị ứng,… Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, trước khi bắt đầu quy trình chụp cắt lớp, bạn nên thông báo với bác sĩ về tiền sử bệnh lý và các loại thuốc đang sử dụng.

Chụp cắt lớp có hại không và khi nào thì gây nguy hiểm? 4
Bác sĩ chỉ định sẽ cân nhắc rủi ro và lợi ích để quyết định có nên chụp cắt lớp cho trẻ không

Ngoài ra, chụp cắt lớp nhiều lần trong một khoảng thời gian ngắn có khả năng làm tăng lượng bức xạ mà cơ thể tiếp xúc gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu người bệnh vừa chụp cắt lớp trong khoảng 6 tháng gần đây, cần thông báo với bác sĩ trước khi chụp cắt lớp. Lúc này, bác sĩ sẽ cân nhắc có nên chụp cắt lớp không hay thay đổi biện pháp khác.

Tóm lại, nếu bạn thắc mắc chụp cắt lớp có hại không thì câu trả lời là chụp cắt lớp vi tính là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh tiềm ẩn nguy cơ rủi ro thấp nên tương đối an toàn. Tuy nhiên, đây không phải là kỹ thuật an toàn tuyệt đối, do đó phương pháp này chỉ được thực hiện khi có chỉ định từ bác sĩ chuyên môn.

Xem thêm: Quy trình chụp CT Scanner hệ tiết niệu chi tiết nhất

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm