Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Chụp CT bụng là gì? Cần lưu ý gì khi chụp và chi phí bao nhiêu?

Ngày 05/11/2022
Kích thước chữ

Trước đây, bác sĩ thường áp dụng chụp CT cắt lớp đối với việc chụp sọ não. Sau này phương pháp này được áp dụng để chụp hầu hết các bộ phận trong cơ thể người, trong đó có ổ bụng. Vậy chụp CT bụng là như thế nào? Người bệnh cần chuẩn bị gì?

Khi bệnh nhân có biểu hiệu đau bụng không rõ nguyên nhân, sờ thấy khối bất thường vùng bụng, chấn thương vùng bụng, nôn ói, bí tiểu, bí trung đại tiện, tiểu máu, vàng da…, bác sĩ sẽ chỉ định chụp CT bụng để khảo sát ổ bụng, từ đó chẩn đoán, theo dõi các bệnh lý vùng bụng. Kỹ thuật này có thời gian thực hiện nhanh chóng, không đau, không xâm lấn và cho kết quả chính xác cao. Hãy tham khảo bài viết sau đây để biết tất cả thông tin cần thiết về phương pháp chụp CT bụng.

Thông tin cần biết về chụp CT bụng

Chụp CT bụng là gì?

Chụp CT bụng là gì? Cần lưu ý gì khi chụp và chi phí bao nhiêu? 1 Bác sĩ sẽ chỉ định chụp CT bụng khi bệnh nhân bị đau bụng không rõ nguyên nhân

Chụp CT bụng là kỹ thuật sử dụng tia X quét qua bụng của bệnh nhân. Quy trình này diễn ra trong vài phút. Qua xử lý kỹ thuật, kết quả chụp cho ra những hình ảnh mặt cắt ngang ổ bụng dưới dạng 2D hoặc 3D, cho phép bác sĩ phát hiện được tình trạng bất thường của cơ xương khớp vùng bụng, các cơ quan, mạch máu, từ đó chẩn đoán được bệnh lý, nguyên nhân gây bệnh hay theo dõi bệnh trong quá trình điều trị.

Đối tượng nào chụp CT bụng?

Khi bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân có bệnh lý vùng bụng nhưng chưa có đủ thông tin khi khám bệnh hoặc sau khi thực hiện các xét nghiệm, sẽ chỉ định chụp CT bụng, cụ thể gồm các trường hợp sau đây:

  • Đau bụng không rõ nguyên nhân.
  • Bệnh lý bụng cấp không do chấn thương hoặc do chấn thương.
  • Có khối bất thường ở bụng.
  • Về gan: Bị u gan, viêm nhiễm, chấn thương…
  • Về đường mật: U đường mật, sỏi đường mật, viêm nhiễm, nguyên nhân tắc mật…
  • Về tụy: U hoặc viêm tụy cấp và mạn, chấn thương…
  • Về hệ niệu: U hoặc viêm, sỏi hệ niệu, chấn thương…
  • U tuyến thượng thận.
  • Về tử cung - buồng trứng: U, viêm, xoắn…
  • Về cơ xương khớp: U, viêm, chấn thương…
  • Về mạch máu: Phình, bóc tách, dị dạng…

Chụp CT ổ bụng phát hiện được bệnh gì?

Bác sĩ sẽ có thông tin về các tạng trong bụng từ hình ảnh chụp CT bụng gồm:

  • Tình trạng hiện tại của các cơ quan trong ổ bụng bao gồm túi mật, gan, tuyến tụy…
  • Nguyên nhân gây đau bụng.
  • Chẩn đoán các bệnh lý ung thư các tạng trong ổ bụng như ung thư đại tràng, ung thư buồng trứng, ung thư biểu mô tế bào gan…
  • Tình trạng và mức độ chấn thương hay nhiễm trùng ổ bụng.
  • Một vài vấn đề liên quan đến thận như thận ứ nước, sỏi thận, viêm bể thận…

Quy trình chụp CT scan ổ bụng

Một quy trình chụp CT ổ bụng có thể được chia thành bốn giai đoạn sau:

Trước khi chụp

Chụp CT bụng là gì? Cần lưu ý gì khi chụp và chi phí bao nhiêu? 2 Kết quả chụp CT bụng cho ra những hình ảnh mặt cắt ngang ổ bụng dưới dạng 2D hoặc 3D

Để giúp bác sĩ có được hình ảnh tốt hơn về dạ dày và ruột, bạn có thể cần uống thuốc tương phản, loại chất lỏng có chứa bari, Gastrografin (chất lỏng diatrizoat meglumine và natri diatrizoat). Sau khi uống thuốc, để thuốc phát huy tác dụng, bạn đợi khoảng 60 - 90 phút.

Người bệnh cần báo cho bác sĩ trước khi chụp CT nếu rơi vào những trường hợp sau:

  • Nghi ngờ có thai hoặc đang mang thai. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ thảo luận với bạn để chọn phương pháp thích hợp.
  • Đã từng dị ứng với I-ốt, bari hoặc bất kỳ loại thuốc tương phản nào trước đây.
  • Trước khi chụp CT có thuốc tương phản, người bệnh cần nhịn ăn khoảng 4 giờ.
  • Những yêu cầu khác bao gồm: Mặc đồ rộng rãi, không đeo các đồ phụ kiện như kính mắt, đồ trang sức, kẹp tóc, răng giả, thiết bị trợ thính, áo lót có gọng kim loại…

Trong khi chụp

Sau khi mặc áo choàng bệnh viện, Bạn nằm trên bàn chụp.

Tùy vào chỉ định của bác sĩ quyết định bạn cần tiêm thuốc tương phản vào tĩnh mạch hay không. Khi tiêm thuốc, cơ thể sẽ có cảm giác hơi nóng.

Trong quá trình chụp bạn cần nằm yên. Gối hoặc dây đai sẽ giữ cơ thể bạn ở đúng tư thế đủ lâu để có được hình ảnh chất lượng.

Bạn có thể phải nín thở trong một thời gian ngắn trong quá trình chụp.

Kỹ thuật viên sẽ điều khiển bàn di chuyển vào trong máy CT, việc này có thể được thực hiện nhiều lần.

Chụp CT bụng thông thường mất từ ​​10 đến 30 phút.

Sau khi chụp

Bạn có thể phải đợi một lúc để kỹ thuật viên kiểm tra xem các hình ảnh có rõ ràng không để bác sĩ có thể đọc được.

Nếu bạn chụp CT bụng mà không tiêm thuốc tương phản, bạn có thể hoạt động bình thường ngay sau đó.

Đối với chụp CT bụng có tiêm thuốc tương phản, sau khi chụp người bệnh được theo dõi khoảng 20 - 30 phút và cần uống nhiều nước. Người bệnh có thể hoạt động lại nếu không có phản ứng bất thường.

Đọc kết quả

Sau 60 - 90 phút, bạn sẽ nhận kết quả chụp CT bụng. Trường hợp cần các bác sĩ hội chẩn thì sẽ mất nhiều thời gian hơn mới nhận kết quả. Kết quả cho thấy sự bất thường khi hình ảnh thể hiện tình trạng viêm nhiễm, bệnh lý mạch máu vùng bụng, khối u trong các tạng ổ bụng… Lúc này, bác sĩ có thể sẽ hẹn bạn cần được kiểm tra thêm nhằm tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề bạn đang mắc phải, từ đó có phương pháp điều trị phù hợp.

Những điều cần lưu ý khi chụp

Các tác dụng phụ

Chụp CT bụng là gì? Cần lưu ý gì khi chụp và chi phí bao nhiêu? 3 Trong quá trình chụp, người bệnh cần nằm yên, nín thở trong thời gian ngắn

Bệnh nhân có thể gặp các tác dụng phụ khi chụp CT bụng do cơ thể phản ứng với chất tương phản được sử dụng nhưng chỉ ở mức độ nhẹ.

Thuốc tương phản bari gây tác dụng phụ bao gồm:

  • Đau bụng.
  • Tiêu chảy.
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa.
  • Táo bón.

Thuốc tương phản I-ốt có tác dụng phụ bao gồm:

  • Phát ban da hoặc nổi mề đay.
  • Mẩn ngứa.
  • Đau đầu.

Hãy gọi cho bác sĩ hoặc phòng cấp cứu ngay lập tức nếu xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng dưới đây sau khi sử dụng một trong hai loại thuốc tương phản trên:

  • Khó thở.
  • Nhịp tim nhanh.
  • Sưng cổ họng hoặc sưng ở các bộ phận cơ thể khác.

Chụp CT bụng giá bao nhiêu?

Mức giá chụp CT bụng dao động từ 900.000 - 5.000.000 triệu đồng, còn tùy thuộc vào các yếu tố như thế hệ máy chụp, quy định của các bệnh viện, cơ sở y tế… Do đó, trước khi thực hiện phương pháp này, cách tốt nhất là bạn nên hỏi kỹ về mức giá và tham khảo giá ở nhiều nơi để có thể dự trù được ngân sách của bạn.

Tóm lại, khi bác sĩ chỉ định bạn chụp CT bụng, bạn nên tham khảo trước quy trình chụp, những lưu ý trong khi chụp để khỏi bỡ ngỡ và nhất là tìm hiểu về chi phí chụp CT vì giá khá đắt.

Quỳnh Trang

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin